Hậu Covid-19: Trung Quốc sẽ vẫn là công xưởng của thế giới

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã kiểm chứng các rủi ro về việc quá phụ thuộc của thế giới vào nền sản xuất Trung Quốc, một số doanh nghiệp đã cân nhắc việc rời bỏ Trung Quốc. Tuy nhiên, vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc có thể sẽ vẫn được duy trì vững chắc trong thời gian tới.

Vị thế của công xưởng thế giới

Sản xuất tại Trung Quốc
 Công nhân lắp ráp ghế xe ô tô tại một nhà máy Trung Quốc (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Thông thường, sẽ có khoảng 200.000 nhà mua hàng từ mọi quốc gia đến tham dự Canton Fair – hội chợ thương mại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát nên hội chợ Canton Fair năm nay được tổ chức online trong mười ngày và đã kết thúc vào ngày 24/6 vừa qua. Mặc dù các vị khách tham dự hội chợ không thể gặp gỡ trực tiếp, quy mô của hội chợ online Canton Fair năm nay vẫn duy trì được mức độ hoành tráng của mình với khoảng 25.000 gian hàng thuộc các lĩnh vực khác nhau tổ chức livestream giới thiệu các mặt hàng và thương hiệu của Trung Quốc. Các gian hàng, thường là do chính các nhà máy trực tiếp phụ trách và họ tiếp chuyện với bất kỳ ai tỏ ý quan tâm đến sản phẩm.

Trong số các gian hàng, Wen Li, một giám đốc  sản phẩm trẻ tuổi, đã biểu diễn cách sử dụng máy cắt cỏ tự động Z-Green tại gian hàng của mình. Trong khi đó, Joy, một nhân viên bán hàng của hãng PK Cell, ngồi sau một dãy các loại pin sạc Lithium, giải thích hoạt động của 23 dây chuyền sản xuất tự động của hãng và liệt kê hàng loạt đối tác hiện tại, từ tập đoàn bán lẻ đa quốc gia Walmart đến Chính phủ Trung Quốc.

Quy mô của Canton Fair năm nay là minh chứng hùng hồn cho thấy bất chất những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, vị thế công xưởng thế giới vẫn thuộc về Trung Quốc - nơi chiếm 28% tổng sản lượng sản xuất toàn cầu và tương đương tổng sản lượng của Mỹ, Nhật Bản, Đức cộng lại.

Trong thời gian vừa qua, hai lợi thế lớn về sức mạnh sản xuất của Trung Quốc đã được thể hiện rõ nét. Thứ nhất, nền tảng công nghiệp của quốc gia này đã được phát triển tốt cả về chiều rộng lẫn chiều sâu đảm bảo sản xuất ra mọi thứ từ sản phẩm thấp cấp như giày dép cho đến những sản phẩm công nghệ cao như các sản phẩm sinh học tiên tiến. Ngay cả khi chi phí nhân công tại quốc gia này gia tăng đều đặn qua thời gian thì sự kết hợp giữa các cụm công nghiệp với cơ sở hạ tầng phát triển và các nhà máy hiện đại đã giúp Trung Quốc có được năng lực cạnh tranh mạnh mẽ.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết nếu như trong năm 2005, 26,3% giá trị xuất khẩu của Trung Quốc được tạo ra ở nước ngoài thì đến năm 2016, con số này đã giảm xuống chỉ còn 16,6%, với tỷ lệ giảm mạnh nhất trong ngành điện tử. Hay nói cách khác, rất nhiều linh kiện trong các thiết bị điện tử Trung Quốc đã được sản xuất chính tại quốc gia này.

Một minh chứng rõ ràng hơn về sức mạnh của khối sản xuất Trung Quốc là khẩu trang – sản phẩm bắt buộc phải có để phòng chống đại dịch Covid-19 đang xảy ra. Vào đầu tháng 2/2020, gần 50% số khẩu trang trên toàn cầu là do Trung Quốc sản xuất với công suất đạt 10 triệu khẩu trang/ngày. Nhưng đến tháng 3/2020, công suất sản xuất khẩu trang của nước này đã đạt gần 120 triệu chiếc/ngày. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã thuộc Chính phủ Trung Quốc cho biết “Điều đó không chỉ đơn giản đến từ nỗ lực sản xuất mà còn là kết quả của chuỗi cung ứng hoàn chỉnh nhất trên thế giới”.

Một khẩu trang phẫu thuật đơn giản bao gồm một lớp vải dệt được gắn lại với một lớp vải không dệt, dây cao su đàn hồi để vòng qua tai và một miếng kim loại mỏng để cố định khẩu trang trước mũi. Loại khẩu trang phức tạp hơn thì có thêm bộ lọc không khí bằng nhựa mỏng và bộ lọc than hoạt tính. Bất kỳ quốc gia nào cũng muốn có các doanh nghiệp chuyên biệt về dệt may, hoá chất, luyện kim và gia công để tự mình sản xuất khẩu trang cũng như muốn có nguồn cung nguyên liệu ổn định, không gian nhà máy, công nhân lành nghề, kỹ sư và vốn. Tuy nhiên điều này không thể bắt đầu từ con số không, và câu chuyện tương tự đang xảy ra với hàng nghìn sản phẩm khác.

Thứ hai, Trung Quốc tự bản thân nước này đã là một trong những thị trường lớn nhất thế giới. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn chính quyền của Tổng thống Donald Trump nên kìm hãm trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, chỉ gây áp lực đủ lớn để họ có thêm không gian hoạt động tại Trung Quốc thay vì đóng lại hoàn toàn cơ hội kinh doanh tại đây.

Bất chấp các xung đột thương mại với Trung Quốc, các doanh nghiệp trên toàn cầu thậm chí có xu hướng kết thân nhiều hơn với Trung Quốc. Hãng nghiên cứu Rhodium Group (Hoa Kỳ) cho biết tổng giá trị các vụ mua và sáp nhập (M&A) có yếu tố nước ngoài tại Trung Quốc trong 18 tháng qua đã đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Một số dự án đầu tư có quy mô rất lớn cũng đã được triển khai. Tập đoàn hoá chất lớn nhất thế giới BASF (Đức) đã đầu tư 10 tỷ USD vào một tổ hợp sản xuất tại miền Nam Trung Quốc để phục vụ các khách hàng địa phương. Hãng sản xuất xe điện cao cấp Tesla (Hoa Kỳ) cũng đã mở nhà máy sản xuất tại nước ngoài đầu tiên của mình tại Thượng Hải (Trung Quốc); nhà máy này có quy mô lên đến 2 tỷ USD và là nhà máy lớn thứ hai chỉ sau nhà máy chính tại Hoa Kỳ.

Các dự báo đều chỉ ra rằng suy thoái kinh tế trên toàn cầu đang khiến các nhà sản xuất tại Trung Quốc đối mặt với nhiều khó khăn. Xuất khẩu của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay đã giảm tới 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc được đánh giá đang có vị thế tốt hơn so với hầu hết các nơi khác trên thế giới nhờ thành công trong việc ngăn chặn đáng kể sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Trung Quốc cũng được đánh giá là một trong số ít quốc gia có khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế trong năm nay, việc tái khởi động được nền sản xuất công nghiệp đã cho phép các doanh nghiệp nước này giành được thị phần trong khi các nhà máy tại các quốc gia khác vẫn đang trong tình trạng phong toả. Tại Nhật Bản, lượng hàng hoá Trung Quốc chiếm đến 30% tổng lượng hàng hoá nhập khẩu của nước này trong tháng 5 vừa qua. Tại khu vực Châu Âu, hàng hoá có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng chiếm đến 24% tổng lượng nhập khẩu trong tháng 4/2020. Đây đều là những con số kỷ lục đối với hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.

Xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc

Các con số xuất khẩu ấn tượng trên có thể sẽ là những mốc cao nhất mà Trung Quốc có thể đạt được. Các quốc gia khác biết rõ về năng lực sản xuất của Trung Quốc và hiểu rằng họ đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc đảm bảo nguồn cung các sản phẩm quan trọng mà họ không thể tự sản xuất. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã biến những lo lắng của các quốc gia trở thành hiện thực sớm hơn khi các quốc gia tranh giành nhau để mua máy thở và khẩu trang từ Trung Quốc.

Sự lo ngại khi có quá nhiều hoạt động sản xuất được di chuyển đến Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ một số thành viên thuộc chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đặc biệt là Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro, ủng hộ việc áp đặt thuế quan lên các sản phẩm của Trung Quốc. Một vài năm trước, việc ông Peter Navarro liên tục thúc giục lôi kéo các hoạt động sản xuất quay trở lại Hoa Kỳ đã biến ông trở thành sự lạc lõng trong mắt nhiều người khác.

Tuy nhiên, giờ đây đã có nhiều ý kiến ủng hộ ý tưởng của ông Peter Navarro hơn. Trong tháng 4/2020, Chính phủ Nhật Bản đã tung ra gói viện trợ trị giá 2,2 tỷ USD giúp giảm thiểu chi phí di dời nhà máy để kêu gọi các doanh nghiệp nước này rời khỏi Trung Quốc. Giới chức lãnh đạo Châu Âu cũng lên tiếng cảnh báo mạnh hơn về sự phụ thuộc quá mức vào nền sản xuất Trung Quốc, đặc biệt là đối với các vật tư y tế. Từ Ấn Độ đến Đài Loan, các nền kinh tế đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp của mình quay trở lại bằng việc đưa ra các khoản vay ưu đãi, cho thuê đất giá rẻ và các ưu đãi khác.

Đây là những hành động hiếm hoi trong quá khứ nhưng giờ đây điều này đang diễn ra nhiều hơn. Có ba yếu tố đang thúc đẩy các công ty cân nhắc việc di dời một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc ngay cả khi vẫn nhắm đến kinh doanh tại thị trường Trung Quốc.

Lý do đầu tiên, Trung Quốc đang dần vươn lên trong chuỗi giá trị và việc chi phí lao động ngày càng tăng đang bóp nghẹt hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất cấp thấp. Nhiều nhà máy gia công hàng may mặc và lắp ráp thiết bị điện tử về cơ bản đã sớm di chuyển đến một số quốc gia khác, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

Thứ hai, sự căng thăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng tăng đang khiến các doanh nghiệp trở nên cảnh giác hơn khi buộc phải lựa chọn một bên trong cuộc chiến này. Ví dụ, tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ Apple mặc dù vẫn sản xuất hầu hết các sản phẩm iPhone của mình tại Trung Quốc nhưng để phòng ngừa rủi ro chính trị, tập đoàn này vẫn khuyến khích các nhà cung cấp của mình mở rộng sản xuất ra các nơi khác như Ấn Độ.

Thư ba, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã làm rõ rủi ro “bỏ hết trứng vào 1 rổ” khi hoạt động của hầu hết các nhà máy tại Trung Quốc buộc phải ngưng trong tháng 2/2020.

Bằng chứng về khả năng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc được thể hiện qua khảo sát của ngân hàng UBS (Thuỵ Sĩ) với hơn 1.000 cán bộ cấp cao đến từ các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực Bắc Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. 76% các doanh nghiệp Hoa Kỳ, 85% các doanh nghiệp Bắc Á, thậm chí 60% các doanh nghiệp Trung Quốc được khảo sát cho biết đã di chuyển hoặc có kế hoạch di chuyển một số dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.  

Trưởng ban chiến lược thị trường chứng khoán UBS Keith Parker cho biết các doanh nghiệp có thể dịch chuyển từ 20% đến 30% công suất sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc. Việc tái bố trí hoạt động sản xuất sẽ không diễn ra nhanh nhưng các doanh nghiệp sẽ dần giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực gia công sản xuất.

Cùng lúc đó, các doanh nghiệp Trung Quốc rất linh hoạt và cho thấy họ thích nghi tốt với tình hình đã thay đổi. Ví dụ, công ty sản xuất dụng cụ vệ sinh Sowind, một trong những doanh nghiệp tham gia gian hàng trực tuyến của Canton Fair năm nay, đã giới thiệ các sản phẩm mới như bộ khay đựng xà phòng tự động và chạy bằng pin sử dụng tại nhà. Trong lúc livestream giới thiệu sản phẩm, Ivy – nhân viên bán hàng của Sowind không quên giới thiệu “Bạn không cần phải chạm vào hộp đựng xà phòng, vì vậy bạn có thể tránh bị lây nhiễm chéo."

Ivy cũng cho biết hãng đã nhận được hàng ngàn đơn hàng từ khu vực Châu Âu và Hoa Kỳ trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp. Đối với việc phải làm quen với mô hình hội chợ trực tuyến của Canton Fair, Ivy cũng tỏ ra lạc quan “Cần có thời gian để làm quen một số công nghệ mới nhưng những gì diễn ra vượt xa kỳ vọng của tôi”.

Quang Đặng (Theo The Economist)