Hay nhất là tăng trưởng cao mà vẫn kiểm soát được lạm phát

Nhiều chuyên gia kinh tế thống nhất nhận định rằng, kết quả tăng trưởng GDP thời gian qua là thành quả của sự cố gắng liên tục của các nhà lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Chín tháng đầu năm, tăng trưởng GDP ước đạt 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây. Trong khi lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Đây là 2 trong số 10 thành tựu đáng ghi nhận mà Việt Nam đạt được trong 9 tháng đầu năm 2019.

Con số tăng trưởng ấn tượng

Nhận định về thành tích này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tăng trưởng GDP 9 tháng đạt mức 6,98% là một con số rất ấn tượng, nhất là khi kinh tế tăng trưởng trong sự ổn định của đầu tư, thị trường tài chính, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, phần đóng góp nhiều cho con số tăng trưởng vẫn thuộc về hoạt động xuất khẩu, đạt trên 190 tỷ USD; xuất siêu lớn, ước đạt 5,9 tỷ USD, mặc dù con số tăng xuất khẩu có giảm sút so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (8,25 so với 15,8%).

Trong những tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, nhất là khu vực ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng 45,3%, tăng 16,9%. Đặc biệt, vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3%. Trong đó, nổi bật làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam đóng góp đáng kể cho GDP.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá thành tựu tăng trưởng quý III và trong 3 quý của năm 2019 là rất tốt, giúp cho thành tích tăng trưởng của Việt Nam năm nay dự báo sẽ vào loại cao trong khu vực và trên thế giới.

“Hay nhất là tăng trưởng tương đối cao mà vẫn kiểm soát được lạm phát, đây cũng là điểm được các tổ chức quốc tế như WB, ADB… đánh giá cao trong các báo cáo công bố mới đây về Việt Nam”, bà Chi Lan cho biết.

Vị chuyên gia khẳng định đây là thành quả của sự cố gắng liên tục của các nhà lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. “Nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và những diễn biến phức tạp trong thương mại toàn cầu hiện nay, ảnh hưởng tiêu cực đến rất nhiều nước và nền kinh tế, thì Việt Nam có vẻ vẫn đang có cách chèo lái được, để không những không bị ảnh hưởng nhiều mà còn tận dụng được một số cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng”.

tang truong xuat khau
2 động lực chính của tăng trưởng là xuất khẩu và thu hút FDI

Phân tích thêm về 2 động lực chính của tăng trưởng là xuất khẩu và thu hút FDI, bà Chi Lan cho rằng quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng khiến Việt Nam có thể thu hút thêm nhiều FDI, những nền tảng, chính sách trong nước cũng giúp FDI tiếp tục sử dụng Việt Nam như căn cứ để sản xuất hàng xuất khẩu, điều này mặt khác thúc đẩy khả năng xuất khẩu của chúng ta ngày càng mạnh hơn.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng chuyển dịch luồng đầu tư FDI từ các doanh nghiệp Trung Quốc và các nước khác sang; đồng thời Việt Nam cũng tăng được xuất khẩu sang Mỹ ở nhiều mặt hàng khác nhau. Thực tế, trong 9 tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất, còn các nền kinh tế khác như EU hay Trung Quốc thì không có sự tăng trưởng đáng kể, thậm chí có những mặt còn sụt giảm.

Theo Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, có được thành tích này còn do sự đóng góp tích cực của công nghiệp khai khoáng, giúp cân bằng lại phần thiệt hại do nông nghiệp gặp hạn, dịch tả lợn châu Phi và tình hình tăng trưởng ở mức trung bình hoặc thấp của các ngành dịch vụ hay công nghiệp khác.

Với đà tăng trưởng và tình hình hiện tại, các chuyên gia nhận định đến hết năm 2019, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8%, thậm chí nếu tình hình diễn biến thuận lợi hơn có thể đạt được mức 7%.

Cần biết “lo” về dài hạn

Mặc dù có nhiều lạc quan về các chỉ tiêu tăng trưởng, tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định rằng dù ít, dù nhiều, những diễn biến của kinh tế thế giới đã và sẽ luôn có tác động tới nền kinh tế nước ta, phải thật sáng suốt và cố gắng thích nghi với những biến đổi bất thường này nhất là khi nền kinh tế vẫn còn nhiều điểm “nghẽn”.

Theo bà Phạm Chi Lan, tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ và chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc đóng góp nhiều cho tăng trưởng GDP nhưng cũng đặt ra những lo ngại cho tình hình Việt Nam trong thời gian tới, tựa như “con dao hai lưỡi”.

kiem che lạm phat
Hết năm 2019, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8%

Vì vậy, bà Phạm Chi Lan cho rằng: “Bên cạnh những thành tựu trong ngắn hạn về tăng trưởng quý III, có thể tiếp tục trong quý IV, thì phải biết lo về dài hạn để chấn chỉnh càng sớm càng tốt về tình trạng này. Nhất là phải xem xét kỹ lưỡng về tình trạng đầu tư FDI, chất lượng ra sao, tác động về dài hạn với nền kinh tế như thế nào, và cả các vấn đề về môi trường, công nghệ có đạt được yêu cầu của Việt Nam hay không khi Việt Nam đang có chuyển hướng rất mạnh là thu hút đầu tư nước ngoài phải gắn với chuyển giao công nghệ, theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị”.

Với tình hình hiện tại, các chuyên gia cho rằng dự báo tăng trưởng cho năm tới là khá khó khăn. Các tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ còn tiếp diễn, đòi hỏi Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việt Nam đang rất cần điều chỉnh, đa dạng thị trường, vì nếu phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu thị trường Mỹ thì rủi to rất lớn. Nhưng nếu muốn chuyển hướng sang châu Âu hay các thị trường khác, tận đụng lợi thế của các FTA thì phải nhanh chóng nâng tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm của mình - đây là bài toán không dễ, yêu cầu Chính phủ, các bộ ngành phải có hành động rất nhanh để không bỏ lỡ thời cơ.