Áp dụng công nghiệp 4.0, xây dựng nhà máy sản xuất thông minh đang là xu hướng tất yếu trên thế giới. Nắm bắt xu hướng này, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã đầu tư sớm, đầu tư sâu về nhân lực, tài chính, hợp tác với các đối tác nước ngoài để từng bước làm chủ công tác tính toán, thiết kế, tích hợp các nhà máy sản xuất thông minh. Một ví dụ ứng dụng thành công nhà máy sản xuất thông minh trong thời gian gần đây của Viện là thiết kế, chế tạo, tích hợp hệ thống Robot bốc xếp tự động 300 tấn/ngày cho Công ty cổ phần bột giặt LIX thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam.

Giải pháp về hệ thống bốc xếp tự động

Hệ thống Robot bốc xếp hàng tự động là một giải pháp áp dụng hệ thống tự động thay thế hoàn toàn công việc bốc xếp và đóng gói hàng thủ công lên bệ để hàng (pallet). Cánh tay Robot được lập trình để sắp xếp hàng hóa lên bệ để hàng theo nhiều quy cách, đảm bảo chính xác và độ ổn định của pallet hàng.

Đối với Công ty cổ phần bột giặt LIX tại nhà máy LIX Bình Dương, có hai vấn đề khó khăn đặt ra so với các hệ thống bốc xếp thông thường, đó là: số lượng nhiều chủng loại sản phẩm và quy cách xếp thùng hàng. Tổng số loại sản phẩm sẽ sản xuất trên dây chuyền lên đến 120 mã sản phẩm với 27 quy cách xếp lên pallet khác nhau; Năng suất của các dây chuyền sản xuất với tốc độ lớn nhất xấp xỉ 4,3 giây/thùng. Các vấn đề khó khăn trên ảnh hưởng trực tiếp đến việc thiết kế hệ thống, đặc biệt là cơ cấu gắp thùng hàng và việc lập trình cho cánh tay Robot.

Hệ thống Robot bốc xếp tại nhà máy LIX Bình Dương đã được đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học của Viện tính toán, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thử nghiệm thành công và chính thức đưa vào hoạt động sản xuất từ tháng 9/2021. Đến nay, hệ thống luôn vận hành ổn định, tin cậy, hoàn toàn đáp ứng yêu cầu sản xuất, được Chủ đầu tư đánh giá cao.

Qui trình vận hành của hệ thống

Nhiệm vụ chính của hệ thống Robot xếp hàng tự động là thực hiện xếp các thùng hàng thành phẩm từ lối ra băng tải (các dây chuyền) lên các bệ để hàng trước khi chúng được đưa vào lưu trữ tại kho chứa. Hệ thống Robot bốc xếp tự động được thiết kế gồm ba cụm Robot bốc xếp riêng biệt. Cụm số 1 (hình 1) thực hiện bốc xếp thùng hàng thành phẩm tại đầu ra băng tải của dây chuyền số 1, dây chuyền số 2 và dây chuyền số 3. Cụm số 2 thực hiện bốc xếp thùng hàng thành phẩm tại đầu ra băng tải của dây chuyền số 4 và dây chuyền số 5. Cụm số 3 thực hiện bốc xếp thùng hàng thành phẩm tại đầu ra băng tải của dây chuyền số 6 và dây chuyền số 8.

Robot
Hình 1. Các thành phần trong một cụm Robot bốc xếp: (1)- Băng tải đầu vào; (2)- Cánh tay Robot; (3)- Máy cấp pallet; (4)- Máy quấn màng; (5)- Máy dán nhãn; (6)- Băng tải đầu ra; (7)- Hệ thống điện; (8)- Hàng rào an toàn

Các thùng hàng thành phẩm sau khi đóng gói sẽ được các băng tải vận chuyển đến vị trí chờ gắp, là nơi mà Robot có thể tự động gắp được hàng. Cùng với đó, hệ thống máy cấp pallet tự động có nhiệm vụ cấp lần lượt từng pallet lên băng tải và di chuyển các pallet trống tới vị trí chờ để robot xếp thùng hàng. Sau đó, cánh tay Robot thực hiện bốc xếp thùng hàng lên pallet một các liên tục và tuần tự theo chu trình đã lập trình sẵn từ trước. Tùy theo loại sản phẩm khác nhau của các dây chuyền đầu vào mà robot thực hiện hành động xếp thùng hàng lên pallet theo quy cách có sẵn. Các pallet sau khi xếp đầy được quấn màng tự động để đảm bảo chất lượng và dán nhãn chứa các thông tin sản xuất như: tên sản phẩm, ngày sản xuất, số lô, …. Cuối cùng, xe nâng sẽ đến lấy pallet và đưa vào kho lưu trữ.

Quy trình gắp thả của Robot có sự khác nhau giữa các cụm do việc cài đặt tốc độ hoạt động hướng đến việc đáp ứng năng suất thùng hàng đầu ra băng tải trên các dây chuyền. Ngoài ra, sản lượng trung bình một ngày hệ thống Robot bốc xếp tự động có thể đáp ứng là hơn 300 tấn/ngày. Trên thực tế, do tình hình của dịch COVID-19, hoạt động của Nhà máy bị ảnh hưởng và phải giảm năng suất trên các dây chuyền. Theo tính toán, nếu hoạt động liên tục thì ước tính hệ thống có thể hoạt động tối đa với công suất lên tới 400 tấn/ngày.

Hệ thống Robot bốc xếp tại nhà máy LIX Bình Dương
Hình 2. Hệ thống Robot bốc xếp tại nhà máy LIX Bình Dương

Nội địa hóa các hệ thống tự động trong công nghiệp

Trong giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng tự động hóa vào sản xuất, kinh doanh là một xu hướng nhằm tạo ra năng suất lao động cao. Việc ứng dụng hệ thống Robot tự động bốc xếp mang lại những lợi ích thiết thực. Đầu tiên phải kể đến là tự động hóa dây chuyền sản xuất. Hệ thống Robot bốc xếp tự động thay thế hoàn toàn sức lao động của con người, vận hành chính xác với cường độ hoạt động cao và liên tục. Đồng thời, nhờ tính linh hoạt trong việc chuyển đổi chủng loại sản phẩm với các chương trình đã được cài đặt sẵn vào hệ thống giúp chuyển đổi mẫu (model) sản phẩm. Bên cạnh đó, với tính linh hoạt trong việc chuyển đổi nhanh mã hàng, giao diện vận hành đơn giản nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cũng giúp kiểm soát khi vận hành.

Các chức năng của hệ thống được mã hóa liên động, nhằm mục đích an toàn cho cơ cấu chấp hành, có các cảm biến cảnh bảo va chạm, tín hiệu cảnh báo an toàn, giúp hệ thống vận hành an toàn. Ngoài ra, Hệ thống bốc xếp hàng tự động giúp kết nối hệ thống đồng bộ, có thể mở rộng thêm để kết nối với hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP hay phần mềm quản lý kho WMS. Đảm bảo thông tin về quản lý hàng hóa trong hệ thống chính xác.

Ngành logistics đang phát triển vượt bậc nhờ vào công nghệ cũng như quá trình toàn cầu hóa. Việc thiết kế, chế tạo, đưa vào vận hành thành công hệ thống Robot bốc xếp tự động tại Công ty cổ phần bột giặt LIX đã góp phần khẳng định thành công trong việc nội địa hóa các hệ thống tự động trong công nghiệp, là cơ sở để tiếp tục triển khai thiết kế, chế tạo và lắp đặt hệ thống Robot bốc xếp hoàn thiện ứng dụng trong các nhà máy sản xuất khác tại Việt Nam.