Hiến kế đưa nông sản Việt vào thị trường Trung Quốc

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21% tổng số hàng nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên, trong khi Thái Lan và một số nước khác tận dụng hiệu quả thị trường Trung

Một vấn đề lớn đang đặt ra là làm thế nào để đưa nông sản Việt vào thị trường Trung Quốc hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh cơ hội đã mở khi phía Trung Quốc yêu cầu hàng hóa nông sản Việt Nam nhập khẩu phải có chứng chỉ nguồn gốc; hợp tác thương mạichuyển mạnh sang hướng chính ngạch.

Xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực (NSCL) có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam cả trên khía cạnh kinh tế và xã hội. Năm 2001, chỉ thủy sản Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì đến năm 2016 đã có trên 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, với tổng giá trị xuất khẩu chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong các thị trường xuất khẩu NSCL của Việt Nam hiện nay, Trung Quốc là thị trường quan trọng bậc nhất.

Thị trường lớn, khó khăn nhiều

Xuất khẩu một số NSCL Việt Nam vào Trung Quốc giai đoạn 2010-2016

(Nguồn: Niên giám thống kê và Thông kê Tổng cục Hải quan)

Nhìn vào thống kê xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam giai đoạn 2010 - 2016, có thể thấy các mặt hàng NSCL là gạo, quả, gia súc, gia cầm; thủy sản và cao su, đồ gỗ, sản phẩm từ gỗ. Đối với thị trường Trung Quốc, các mặt hàng nêu trên cũng là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 35% tổng hàng hóa xuất khẩu Việt Nam và 21% tổng số hàng nông sản xuất khẩu, chủng loại đa dạng, với nhu cầu lớn và yêu cầu chất lượng chưa cao.

Đối với việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, hiện nay Việt Nam đang đứng trước cả khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen. Về khó khăn, thách thức là:Việt Nam và Trung Quốc vẫn giữ mô hình thương mại tiểu ngạch, trong khi mô hình thương mại trên thế giới có nhiều thay đổi tiến bộ (chất lượng hàng hóa đạt chuẩn mực cao và hiệp định thương mại thế hệ mới).

Chính sách kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc dưới chuẩn mực quốc gia, quốc tế, lại thường xuyên thay đổi và vận hành thiếu minh bạch, dẫn đến sự gián đoạn bất thường của hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế, thương mại đôi bên. Bên cạnh đó, mô hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trang trại Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu và đặc biệt chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là mặt hàng có phẩm cấp thấp, xuất khẩu thô theo đơn đặt hàng của thương lái Trung Quốc.

Tuy nhiên, mặt thuận là Việt Nam và nhất là Trung Quốc đang có thay đổi nhận thức về yêu cầu chất lượng sản phẩm với nông sản Việt Nam; yêu cầu hàng hóa phải có chứng chỉ xuất xứ nguồn gốc, chất lượng được nâng cao thông qua chế biến và bảo quản đạt chuẩn mực như nông sản Thái Lan, Nhật Bản.

Một thuận lợi nữa là thị trường nông sản Trung Quốc lớn, đa dạng và lại nằm kề cận Việt Nam, trong khi ta có tiềm năng, lợi thế về sản xuất hàng hóa nông sản nhiệt đới. Tại Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,… và các địa phương đang đàm phán với phía Trung Quốc nhằm chuyển mạnh từ mô thương mại tiểu ngạch sang chính ngạch.

Tìm giải pháp bền vững cho xuất khẩu nông sản Việt

Để đưa nông sản Việt vào thị trường Trung Quốc một cách hiệu quả, bền vững, Việt Nam cần thực hiện các nhóm giải pháp chủ yếu sau:

Về phối hợp chính sách song phương, ta cần tích cực đàm phán với phía Trung Quốc để hai bên cùng chuyển mạnh từ thương mại tiểu ngạch sang thương mại chính ngạch. Theo đó, giải quyết các vấn đề liên quan, bao hàm cả hoạt động trong sản xuất, kinh doanh nông sản ở cả hai nước. Đồng thời, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả đầu tư và khả năng cạnh tranh hàng hóa nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam - Trung Quốc phải cam kết xây dựng và thực thi hàng rào kỹ thuật minh bạch nhằm mục đích nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu; tăng cường giám sát, đánh giá thực hiện các nội dung hoạt động kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc và sản xuất, kinh doanh nông sản đã được 2 quốc gia cam kết; giảm mạnh buôn lậu, chống hàng giả...

Việt Nam cần xây dựng chính sách cụ thể để sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là quản lý nông sản xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế ổn định, lâu dài. Theo đó, sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn quốc gia đạt chứng chỉ xuất xứ nguồn gốc quốc gia (VietGap, GlobalGap), đạt chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm quốc gia (nồng độ các hóa chất, độ tươi ngon…) và bảo vệ môi trường… theo quy định quốc gia, quốc tế.

Về chính sách tiếp cận thị trường Trung Quốc, ta cần có bước đi thích hợp để phía Trung Quốc có thể chấp nhận. Bước 1: Nhà nước, các bộ ngành liên quan, địa phương và đặc biệt là doanh nghiệp, trang trại ký kết với phía bạn để hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam tiếp cận thị trường gần như Quảng Tây, tỉnh Quảng Đông và tỉnh Vân Nam, Hồng Kông, Ma Cao thông qua đàm phán, ký kết và thực thi chính sách cụ thể giữa hai bên.

Bước 2: Nhà nước, các bộ ngành liên quan, địa phương và đặc biệt là doanh nghiệp, trang trại ký kết với phía bạn để hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn Trung Quốc, trọng tâm là Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Nam Kinh, Hàng Châu, Bắc Kinh và Thượng Hải, thông qua đàm phán, ký kết và thực thi chính sách cụ thể giữa hai bên.

Về đầu tư sản xuất, kinh doanh để nâng cao giá trị gia tăng nông sản xuất khẩu, trước hết chú trọng tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hình thức cluster (cụm tương hỗ) để nâng cao giá trị gia tăng, vì cụm tương hỗ là công cụ hữu hiệu đổi mới tổ chức không gian vùng (Micheal E. Porter - 2012) trên cơ sở đổi mới thể chế và triển khai mạnh mẽ R&D, quản trị tinh gọn để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mạng sản xuất trong bối cảnh mới.

Cụ thể là, thượng nguồn: Đầu tư phát triển bộ giống nông sản chủ lực đạt tiêu chuẩn quốc gia, trong đó đối với thị trường Trung Quốc là lúa gạo, vải thiều, nhãn lồng, thanh long, chuối, xoài, cà phê, tôm, cá,… Đồng thời, cơ giới hóa nông nghiệp và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu đủ lớn trên cơ sở nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường. Trung nguồn: Đầu tư khoa học công nghệ, triển khai R&D và phát triển nhân lực để chế biến, bảo quản và nhất là xây dựng thương hiệu quốc gia theo các chứng chỉ VietGap,… sản phẩm nông sản tiềm năng, lợi thế, cả các sản phẩm mới. Hạ nguồn: Phát triển kinh doanh dựa trên chuẩn mực quốc tế và các Hiệp định đã được 2 bên ký kết theo mô hình chính ngạch, đồng thời Trung Quốc và Việt Nam loại bỏ các Hiệp định đã ký lỗi thời. Các nhà sản xuất Việt Nam, nhất là doanh nghiệp, cần đẩy mạnh học hỏi kỹ năng làm marketing, mở đại lý bán hàng nông sản ở các đô thị lớn của Trung Quốc và phát triển hệ thống các nhà bán lẻ;

Về tổ chức quản lý và giám sát, đánh giá công tác xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc: Cần xem xét lại một cách hệ thống các cơ quan giám sát, đánh giá với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng và nơi đặt trụ sở thuận lợi để chủ động quản lý và giám sát, đánh giá hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản. Trên cơ sở đó chúng ta điều chỉnh, xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh. Góp phần nâng cao hiệu quả và sự bền vững xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Trung Quốc.

Về mở rộng thị trường xuất khẩu, trên cơ sở các Hiệp định thương mại thế hệ mới Việt Nam đã tham gia, cần tiếp tục ban hành các chính sách và kế hoạch hành động cụ thể để mở rộng thị trường thông qua khâu marketing và mở đại lý, mà xuất khẩu vải thiều là bài học hữu hiệu. Với kinh nghiệm sản xuất, xuất khẩu vải thiều, trong thời gian tới, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các địa phương và nhất là doanh nghiệp, có thể tăng cường đưa các mặt hàng xuất khẩu NSCL của Việt Nam vào Trung Quốc và một số thị trường trọng điểm khác như: Mỹ, EU, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.