Hiệp định RCEP: Thúc đẩy chuỗi sản xuất khu vực

Đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã đạt được những kết quả đáng kể trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 47 vừa qua. Bộ trưởng các nước tham gia RCEP đã t

So với Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (TPP) có tính chất tương đồng, RCEP được đánh giá có xác suất thành công cao hơn. Với việc tất cả các nước ASEAN cùng tham gia, RCEP dự báo sẽ mang những tác động sát sườn tới các doanh nghiệp Việt Nam ngay từ đầu năm 2016.

Hiệp định kinh tế toàn diện của ASEAN+6

Ý tưởng đàm phán RCEP được hình thành tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 (năm 2012) bởi các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác có Hiệp định thương mại đa phương (FTA) với AEAN bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Trung Quốc. Hiệp định được bắt đầu đàm phán từ đầu năm 2013, dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2015.

Mục tiêu của RCEP là tích hợp các FTA khác nhau mà 10 nước ASEAN đã ký kết với 6 nước trên thành một Hiệp định toàn diện để tối đa hóa các lợi ích kinh tế. Nhờ đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng khai thác lợi ích từ các Hiệp định đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực. Một trong những trọng tâm chính của RCEP là hài hòa hóa những quy tắc hiện hành và áp dụng chúng trong phạm vi các FTA khác nhau của ASEAN. Cũng giống như các FTA thế hệ mới khác, RCEP gồm cả những vấn đề truyền thống như cắt giảm thuế cũng như các vấn đề mới liên quan đến tự do hóa thương mại và đầu tư… Các quy định về hợp tác kinh tế và kỹ thuật trong RCEP sẽ xây dựng trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác kinh tế hiện có giữa ASEAN và các đối tác FTA của ASEAN nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các bên tham gia và tăng cường lợi ích chung của việc thực thi hiệp định.

Với sự tham gia của 16 nước Đông Á, RCEP được đánh giá là khu vực năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, chiếm khoảng 47% dân số và 28% tổng thu nhập quốc nội (GDP) của thế giới. Theo Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương, các nước tham gia đàm phán RCEP đều là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam chiếm tới hơn 50% tổng giá trị thương mại của Việt Nam. Trong đó Trung Quốc đứng vị trí lớn nhất với 50,21 tỷ USD, các nước ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam với giá trị thương mại hai chiều đạt hơn 40 tỷ USD, Hàn Quốc, Nhật Bản nằm trong 6 nước dẫn đầu thương mại với Việt Nam (theo số liệu năm 2013). Ở góc độ xuất nhập khẩu, các nước tham gia RCEP là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch nhập khẩu. Ở góc độ đầu tư, các nước tham gia RCEP là nguồn cung cấp chính lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Cạnh tranh đến từ tính chất kinh tế tương đồng

Tương tự như các FTA và cam kết hội nhập khác, RCEP sẽ mang lại những cơ hội mới cho Việt Nam nhờ việc hình thành sự tiếp cận dễ dàng hơn tới các thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN và các đối tác, đa dạng về nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ. RCEP cũng tạo cơ hội mở cửa nhập hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào mạng lưới chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, tăng cường hợp tác kỹ thuật và vị thế trong giải quyết tranh chấp, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại "Báo cáo Đánh giá tác động của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với nền kinh tế Việt Nam”, một trong những lợi thế cũng chính là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam là cơ cấu thương mại của Việt Nam khá tương đồng với các nước tham gia trong khi chất lượng và giá trị gia tăng của hầu hết sản xuất còn khiêm tốn và phụ thuộc nhiều nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất trong nước. Do đó, khi cấu trúc RCEP cho phép các nước tự do hóa thương mại với các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam thì sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng đáng kể. Mặt khác, đầu vào sản xuất của Việt Nam phụ thuộc lớn từ nhập khẩu, khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế cũng như mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu rất khiêm tốn. Sự cạnh tranh với Trung Quốc là thách thức được đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện Việt Nam đang có mức tiếp cận ưu đãi hơn so với Trung Quốc bởi các Hiệp định song phương và đa phương với Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng điều này sẽ bị hạn chế đáng kể nếu đạt được một hiệp định RCEP toàn diện, khi đó, Trung Quốc sẽ cạnh tranh với Việt Nam và các nước ASEAN về cung cấp hàng dệt, thực phẩm và thức ăn gia súc sang Hàn Quốc, gạo và hàng may mặc sang Nhật Bản.

Theo phân tích của bà Đinh Thu Hằng, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đối với một số sản phẩm nông thủy sản và công nghiệp, tuy nhiên chủ yếu vẫn là sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp, chất lượng chưa cao. Trong khi đó, cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam lại tương đồng với ASEAN, Trung Quốc, và mức độ tương đồng với Hàn Quốc và Ấn Độ đang gia tăng. Đây cũng là áp lực cạnh tranh của Việt Nam với các nước tham gia Hiệp định.

Ngành dịch vụ được đánh giá có thế mạnh cạnh tranh với Việt Nam khi tham gia Hiệp định đặc biệt trong các lĩnh vực phân phối, khách sạn và nhà hàng… Tuy nhiên, thách thức lại là sự cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp tại thị trường trong nước sẽ tăng lên đáng kể. Cụ thể, dịch vụ ngân hàng là một lĩnh vực mà Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các nước RCEP, đặc biệt là Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, dịch vụ viễn thông sẽ có sự cạnh tranh gia tăng từ phía Ấn Độ, dịch vụ phân phối sẽ có sự cạnh tranh lớn hơn từ những nhà bán lẻ hiện hữu trên thị trường và từ các nhà bán lẻ mới, đặc biệt là từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng những cơ hội và khắc phục thách thức nhằm thúc đẩy thương mại đầu tư, tập trung vào nhập khẩu công nghệ tiên tiến để tái cấu trúc kinh tế… Nền tảng cho những định hướng này là nỗ lực nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trong nước, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế và sự tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị năng động của RCEP.