Hiệp hội Dệt May Việt Nam: Tạo ra tầm nhìn chiến lược cho doanh nghiệp toàn ngành

Là một trong những Hiệp hội có tiếng nói và trách nhiệm cao với cộng đồng doanh nghiệp trong ngành, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã và đang tích cực phát huy tối đa vai trò của mình cho sự phát t

Đóng góp tăng trưởng xuất khẩu ổn định 7 - 8%/năm

PV: Ngành Dệt May Việt Nam (DMVN) đang trên đà phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Xin ông cho biết vai trò của VITAS đóng góp trong thành tựu chung của Ngành thời gian qua?

Chủ tịch Vũ Đức Giang: Có thể khẳng định thời gian qua, VITAS đã thực hiện tròn vai với sứ mệnh của một tổ chức hiệp hội vì sự nghiệp phát triển ngành DMVN, làm tốt chức năng là cầu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước. Hiệp hội đã luôn bám sát, lắng nghe nguyện vọng, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời tập hợp những ý kiến, kiến nghị phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hiệp hội đã tích cực hoạt động góp phần tạo nên những thành tựu nổi bật của ngành DMVN: Về xuất khẩu tăng trưởng bình quân hàng năm ổn định từ 7 - 8%, tốc độ bình quân 5 năm đạt 14,74%/năm, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước; Việt Nam là một trong 5 nước có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới; thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành DMVN tăng trưởng mạnh, đặc biệt năm 2014 và 10 tháng năm 2015 toàn ngành đã thu hút đầu tư FDI khoảng 3,8 tỉ USD.

Ngành dệt may cũng là ngành công nghiệp duy nhất chuyển dịch cơ cấu đầu tư ra các vùng sâu, vùng xa giải quyết 4 yếu tố trọng điểm của các địa phương: về công nghiệp hóa ở các vùng sâu, vùng xa, có lao động dôi dư; phát triển đào tạo nguồn lực chuyển từ người nông dân thành công nhân làm việc ở các nhà máy công nghiệp; nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn có mức thu nhập từ 3,5 - 5 triệu/tháng; giải quyết vấn đề việc làm, an sinh xã hội, tạo bộ mặt nông thôn mới thực hiện chiến lược của Đảng, Chính phủ trong vấn đề phát triển công nghiệp nông thôn.

Kết nối chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài

Là một thành viên trong đoàn đàm phán các hiệp định thương mại, VITAS là đơn vị duy nhất trong các hiệp hội ngành hàng của Việt Nam đã theo suốt các chương trình đàm phán của Chính phủ, của Bộ Công Thương. Chính từ đây, VITAS đã khẳng định được tiếng nói ảnh hưởng nhất định trong các tham vấn của Chính phủ trong phiên đàm phán, phân tích lợi ích của Nhà nước với ngành công nghiệp DMVN để tạo ra những lợi ích trong tương lai. Đồng thời, Hiệp hội cũng là thành viên thứ 6 của Hiệp hội Thời trang châu Á đã tạo ra được một bước đột phá trong ngành công nghiệp thiết kế thời trang và có một số ít những thương hiệu riêng khẳng định được tên tuổi trong nước và ngoài nước.

Hiệp hội chính là cơ quan kết nối, xây dựng được chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tạo ra tầm nhìn chiến lược cho các doanh nghiệp toàn ngành.

Nhận thức tầm quan trọng trong đào tạo nguồn lực, VITAS đã phối hợp với Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) để có các chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ quản trị, đây là bước đột phá mới của ngành DMVN. Đến nay, lần đầu tiên trong ngành thành lập được Trường đại học riêng. Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội chuyên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dệt May, tạo nguồn nhân lực đủ mạnh, duy trì và phát triển vị thế của ngành Dệt May trong tương lai. Đặc biệt, công tác phát triển sản xuất gắn với thị trường, thông qua việc tuyên truyền, cung cấp thông tin đến người tiêu dùng hàng Việt qua các kênh thông tấn báo chí đã có hiệu quả trong thời gian qua.

PV: Ông có thể cho biết, những thách thức mà ngành DMVN sẽ phải đối mặt khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại. Hiệp hội đã có những định hướng, chiến lược gì về nội dung này cho ngành trong thời gian tới?

Chủ tịch Vũ Đức Giang: Từ thực trạng ngành DMVN hiện nay, VITAS muốn cảnh báo một số khó khăn, thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt đó là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho ngành công nghiệp dệt và nhuộm hoàn tất còn hạn chế, kỹ sư lành nghề ngành nhuộm thiếu, đặc biệt là công tác đào tạo về thiết kế cũng rất thiếu và yếu; chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia để phát triển trên thị trường thế giới, còn quá nhỏ so với tầm vóc của ngành DMVN; thiếu một sản lượng nguyên liệu lớn cho phát triển khi vào hội nhập TPP; hạn chế về tầm nhìn chiến lược quy mô đầu tư các nhà máy lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có tiềm lực kết nối, chưa có khả năng và năng lực tài chính đầu tư vào lĩnh vực này để sâu chuỗi liên kết, nhiều doanh nghiệp bỏ quên thị phần trong nước…

Từ thách thức trên, VITAS đã có những phương hướng, chiến lược mục tiêu cần thực hiện trong nhiệm kỳ V (2016 - 2020) để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành đón đầu cơ hội, lợi ích từ các hiệp định thương mại mang lại.

Trước hết, cần xây dựng giải pháp chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đủ mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển của các hiệp định thương mại. Trong đó, có 4 trọng tâm, đó là về công tác đào tạo nguồn lực quản trị, nguồn lực nghiên cứu khoa học và công nghệ, nguồn lực cho các ngành thiết kế thời trang và đội ngũ làm marketing, làm luật, đặc biệt là đội ngũ cán bộ luật thương mại phải đủ sức đảm bảo khả năng hiểu được các điều luật trong hiệp định thương mại và tham vấn được cho các nhà quản lý của mình, tránh rủi ro trong tương lai khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại.

Thứ hai, xây dựng các thương hiệu chuẩn quốc gia, Hiệp hội sẽ chọn một số hội viên có tiềm lực để xây dựng các thương hiệu quốc gia, thâm nhập vào thị trường thế giới.

Thứ ba, xây dựng các khu công nghiệp có quy mô lớn từ 1.000 ha đến 3.000 ha, để thu hút các chiến lược phát triển đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp vào công nghiệp sợi - dệt - nhuộm hoàn tất, để đến năm 2020 đảm bảo được 75% đến 80% nhu cầu vải, sợi, nguyên phụ liệu.

Thứ tư, xác định trọng tâm chiến lược phát triển công nghệ đi đôi với xây dựng chuỗi giá trị gia tăng của từng dòng sản phẩm một trong chiến lược phát triển dệt may.

Cuối cùng, trong Đại hội AFF năm 2015 của Hiệp hội Thời trang châu Á tổ chức tại Việt Nam, là thành viên thứ 6, trong Đại hội lần này Hiệp hội cũng đưa ra quan điểm của Việt Nam và đề nghị đánh giá lại ảnh hưởng, lợi ích trong các thành viên của Hiệp hội Thời trang châu Á mang lại cho các thành viên là như thế nào, lợi ích của các thành viên giúp gì cho phát triển nguồn lực cho các thành viên còn thiếu nguồn lực như Việt Nam, xây dựng một chuỗi hợp tác liên kết trong tiến trình hội nhập TPP của các thành viên trong Hiệp hội Thời trang châu Á.

Đổi mới để nắm cơ hội

PV: Xin ông cho biết những đột phá của VITAS trong Đại hội V nhiệm kỳ 2016 - 2020, về đổi mới phương thức hoạt động nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp DMVN được tận dụng tối đa lợi ích mà TPP mang đến.

Chủ tịch Vũ Đức Giang: Trước hết, VITAS sẽ có bước đột phá hoàn toàn mới trong cơ cấu tổ chức, sẽ thành lập các phòng, ban chức năng riêng như: Trung tâm Tư vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp; Ban Thông tin truyền thông; Ban Chính sách Thương mại… nhằm tiếp nhận nội dung về chiến lược phát triển ngành Dệt May, chính sách phát triển của ngành, định hướng và nghị định của Chính phủ, từ đó có những phương án đổi mới cụ thể để đáp ứng được tiến trình hội nhập cũng như việc tổ chức bộ máy thực hiện công tác tư vấn, nghiên cứu về các vấn đề phát triển chung của ngành nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp được hưởng lợi đang là vấn đề cấp thiết.

Trung tâm Tư vấn hỗ trợ doanh nghiêp sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết, tư vấn về chính sách thương mại, chính sách về lao động, chính sách về thuế, đất đai, hải quan… VITAS sẽ là cơ quan đại diện để các hội viên kiến nghị lên Trung tâm xem xét giải quyết.

Ban Thông tin truyền thông sẽ phổ biến thông tin kịp thời về chiến lược quy hoạch phát triển ngành Dệt May, định hướng của Chính phủ, các nghị định cũng như tiến trình hội nhập và các điều khoản hoạt động của ngành Dệt May, là đầu mối cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí phục vụ ngành…

Ban Chính sách thương mại sẽ chuyên tổ chức các sự kiện lớn mang tầm chiến lược phát triển ngành và tiếp xúc các đoàn trong nước và nước ngoài khi đến làm việc với Hiệp hội. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tích cực tham gia xây dựng Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành Dệt May đến 2010, tầm nhìn 2030; ưu tiên phát triển ngành Dệt May theo hướng hiện đại hóa, đảm bảo tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững và hiệu quả.

PV: VITAS được Chính phủ đánh giá là một trong những Hiệp hội hoạt động có hiệu quả nhất trong tất cả các tổ chức hiệp hội ngành hàng của Việt Nam. Vậy ông có thể chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của đơn vị?

Chủ tịch Vũ Đức Giang: Tôi khẳng định, nếu không có đam mê, nhiệt huyết, yêu ngành, trăn trở vì sự nghiệp phát triển ngành DMVN thì không thể có được thành công như ngày hôm nay. Những người đứng đầu của các tổ chức hiệp hội là hết sức quan trọng, đưa ra quan điểm, định hướng tâm huyết, xuyên suốt đối với ngành, chia sẻ với doanh nghiệp và giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp là điều mà các hiệp hội cần phải có.

Đồng thời, Ban thường vụ Hiệp hội luôn bám sát mục tiêu chiến lược của Chính phủ, của Bộ Công Thương cũng như của Tập đoàn, cử cán bộ theo sát các chương trình đàm phán, chính vì vậy thông tin và những thách thức của ngành thì Hiệp hội đều nắm bắt và khẳng định được vai trò, vị trí, ảnh hưởng đến các bộ, ngành hàng khác của các nước trong TPP.

Cùng với đó là đội ngũ cán bộ làm việc tận tâm của VITAS, vì lợi ích hài hoà của cộng đồng doanh nghiệp, tranh thủ được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan… để nắm bắt các chủ trương, định hướng phát triển ngành. Trên cơ sở đó thực hiện tốt công tác chuyên môn, xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các chuyên đề hội thảo trong nước và quốc tế liên quan đến ngành để cùng phát triển.

PV: Xin cảm ơn Chủ tịch!