Tham dự tại Hội thảo, có các chuyên gia đến từ Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cùng đại diện các Bộ, ban, ngành cơ quan quản lý nhà nước, một số hiệp hội, doanh nghiệp tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được 10 nước Thành viên ASEAN ký kết với các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand vào ngày 15 tháng 11 năm 2020 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương chia sẻ: “Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, gây tác động tiêu cực, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, các nước thành viên đã quyết tâm hoàn thành đàm phán Hiệp định để góp phần vào phục hồi kinh tế sau đại dịch. Hiệp định có đặc trưng là ngoài quy mô lớn nhất Thế giới thì Hiệp định còn có thành viên đa dạng, bản chất của Hiệp định không hướng đến mở cửa thêm thị trường mà cốt lõi là đa phương hoá tất cả các cam kết trong các Hiệp định ASEAN+ hiện hành và làm hài hoà các cam kết Hiệp định FTA của ASEAN đã kí kết cho đến nay”.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có ý nghĩa lớn trong việc hình thành khu vực thương mại tự do lớn nhất Thế giới với quy mô thị trường, dân số và GDP, bao gồm các nguồn cung nguyên liệu chính trên Thế giới cũng như góp phần định hình cấu trúc thương mại khu vực, thiết lập luật chơi chung. Hiệp định cũng hỗ trợ bảo vệ lợi ích của các nước thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.

Bên cạnh đó, RCEP có những tác động không nhỏ đối với Việt Nam trong việc hài hoà các quy tắc xuất xứ của các FTA ASEAN+ hiện hành và các quy định về tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, góp phần gia tăng đầu vào có chất lượng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng khu vực; giúp cải thiện môi trường kinh doanh khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài thông qua các quy tắc đầu tư tiến bộ; giúp gia tăng xuất khẩu và thu nhập quốc gia và thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam cũng như góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Tại phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương đề xuất doanh nghiệp cần chủ động hơn trong nghiên cứu, nắm vững cam kết của Việt Nam và các nước đối tác, đặc biệt cam kết trong lĩnh vực kinh doanh và sản xuất của mình để xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp; nỗ lực tư duy đổi mới sáng tạo, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực tham gia các chuỗi cung ứng mới; cần phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các hiệp hội để vận dụng Hiệp định nhằm tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh trong khu vực.

Đại diện Bộ Công Thương và Bộ Tài chính trả lời các câu hỏi tại phiên thảo luận

Thông qua cuộc hội thảo, đại diện Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã giới thiệu tổng quan Hiệp định RCEP, ý nghĩa và tác động tổng thể đối với Việt Nam. Hiệp định RCEP sẽ giúp đa dạng hoá nguồn nguyên liệu đầu vào, tạo không gian kết nối sản xuất trong khu vực ASEAN và kết nối giữa ASEAN với các nước đối tác, giúp củng cố chuỗi cung ứng khu vực.

Để tận dụng tối đa những cơ hội và tiềm năng do Hiệp định RCEP mang lại, bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tìm hiểu các cam kết để từ đó nắm bắt cơ hội và tự chủ được những khó khăn có thể gặp phải, từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp để tận dụng tốt các lợi ích và giảm thiểu khó khăn khi Hiệp định RCEP đi vào thực thi.