Hiệu quả của phân tích kỹ thuật trong đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam

ThS. PHẠM THỊ MỸ CHÂU (Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Phân tích kỹ thuật (PTKT) là phương pháp phân tích đầu tư đã trở nên quen thuộc đối với các nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán (CK). Việc ứng dụng PTKT trong đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) ở Việt Nam có mang lại lợi nhuận và các chỉ báo PTKT có phát huy hiệu quả hay không? Đây luôn là câu hỏi được các NĐT quan tâm và tìm lời giải đáp. Do đó, nghiên cứu sẽ kiểm chứng hiệu quả của PTKT trong đầu tư trên TTCK ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ứng dụng các chỉ báo PTKT là có mang lại lợi nhuận đáng kể cho NĐT. Hiệu quả của mỗi chỉ báo là khác nhau, tùy thuộc vào kỳ hạn được lựa chọn và sự linh hoạt trong việc ứng dụng.

Từ khóa: Phân tích kỹ thuật, MA, DMA, MACD, thị trường chứng khoán Việt Nam.

1. Giới thiệu

1.1. Giới thiệu PTKT

Có nhiều khái niệm về PTKT như: “PTKT là việc nghiên cứu hành vi của thị trường chủ yếu bằng việc sử dụng đồ thị nhằm mục đích dự báo xu hướng giá trong tương lai” [9]; Edwards và Magee (2001) cho rằng: “PTKT là khoa học về sự ghi nhớ các dạng đồ thị, lịch sử giao dịch thực tế (sự thay đổi giá, khối lượng giao dịch,…) của một CK cụ thể hoặc là chỉ số trung bình để từ bức tranh quá khứ đó có thể dự báo xu hướng tương lai” và “Phương pháp PTKT về cơ bản là một sự phản ánh quan điểm cho rằng giá dịch chuyển trong xu hướng, xu hướng này được xác định do sự thay đổi trong thái độ của NĐT đối với một loạt các yếu tố kinh tế, tiền tệ, chính trị và tâm lý. Nghệ thuật của PTKT - hiển nhiên PTKT là một nghệ thuật - là ở chỗ xác định được sự thay đổi của xu hướng ngay khi nó bắt đầu và duy trì đầu tư cho đến khi có các dấu hiệu cho thấy xu hướng đổi chiều” [11].

PTKT dựa trên 3 giả định: giá phản ánh tất cả hành động thị trường, giá biến động theo xu hướng và lịch sử lặp lại chính nó [9].

1.2. Giới thiệu các chỉ báo PTKT

Chỉ báo đường trung bình Moving Average (MA) được dùng để xác định xu hướng thị trường. Các nguyên tắc giao dịch đối với đường MA: (1) Mua khi MA di chuyển lên và bán khi MA di chuyển xuống, không thực hiện giao dịch khi thị trường không có xu hướng; (2) Mua tại điểm đường giá cắt MA từ dưới lên, bán tại điểm mà đường giá cắt MA từ trên xuống; (3) Mua khi MA ngắn hạn cắt MA dài hạn từ dưới lên, bán khi MA ngắn hạn cắt MA dài hạn từ trên xuống.

Chỉ báo hội tụ phân kỳ của đường trung bình Moving Average Convergence Divergence (MACD) được tạo ra bởi Gerald Appel và Hitschler vào đầu những năm 1980. MACD chỉ thật sự hữu ích khi thị trường đang có xu hướng, được giao dịch theo 2 nguyên tắc: (1) Khi đường MACD cắt đường tín hiệu từ dưới lên sẽ cho tín hiệu mua vào, ngược lại khi đường MACD cắt đường tín hiệu từ trên xuống thì nên bán ra; (2) Khi đường MACD nằm quá cao so với đường zero cho thấy CK đang được mua quá mức. Ngược lại, khi đường MACD nằm quá thấp so với đường zero sẽ cho thấy tình trạng bán quá mức.

Khi đường MACD đáp ứng được cả hai nguyên tắc trên, tín hiệu mua bán càng được khẳng định.

1.3. Hiệu quả đầu tư

Benligiray (2004) cho rằng ‘‘hiệu quả mô tả cách thức cá nhân hoặc nhóm tiến hành các công việc đến thời điểm cuối cùng nhằm đạt được một mục tiêu’’.

Hiệu quả đầu tư là những kết quả NĐT có được sau khi trừ chi phí để có kết quả đó sau một kỳ đầu tư. Đối với cổ phiếu, hiệu quả đầu tư thể hiện ở thu nhập ròng NĐT thu được sau một quá trình đầu tư; hoặc hiệu quả đầu tư cũng có thể được thể hiện ở việc đạt được một mục tiêu về quản lý kiểm soát công ty. Xét về mặt tài chính, hiệu quả của việc đầu tư thể hiện ở mức sinh lời trên vốn bỏ ra sau một kỳ đầu tư.

2. Cơ sở lý thuyết

Theo Brock, Lakonishock và LeBaron (1992): Tất cả các quy luật PTKT đều hoạt động tốt với dữ liệu đầu vào là giá giao dịch hàng ngày của các CK trong chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones trong khoảng thời gian 90 năm.

Lo, Mamaysky và Wang (2000) cho rằng: Các mẫu hình kỹ thuật khác nhau trong giá cổ phiếu của TTCK Mỹ giai đoạn 1962 - 1996 là có lặp lại. Mặc dù nghiên cứu không chứng minh sử dụng các mẫu hình này là đủ để có lợi nhuận giao dịch lớn nhưng các tác giả tin rằng rủi ro là có thể giảm hợp lý và PTKT có thể làm tăng giá trị cho quá trình đầu tư.

Wong và Chong (2005) thực hiện nghiên cứu khả năng sinh lời của PTKT tại TTCK Thượng Hải, Hồng Kông và Đài Loan đã kết luận rằng, các chỉ báo MA, EMA, DMA, TMA và MACD là có mang lại lợi nhuận đáng kể so với chiến lược mua và nắm giữ bất kể chi phí giao dịch. Các chỉ báo này phát huy hiệu quả cả trong giai đoạn thị trường tăng mạnh, giảm mạnh và dao động hỗn hợp trên cả 3 TTCK của Trung Quốc và kết luận rằng có bằng chứng cho thấy 3 TTCK của Trung Quốc là chưa hiệu quả trong giai đoạn nghiên cứu 1992 - 2004.

Metghalchi, Gomez, Chen và Monsef (2005) đã thực hiện kiểm tra các quy tắc giao dịch của đường MA đối với chỉ số S&P 500 giai đoạn 1954 - 2004. Kết quả cho thấy, các quy tắc giao dịch đường MA có sức mạnh dự báo đáng kể cho đến giữa năm 1980. Kể từ năm 1980, các quy tắc giao dịch MA không còn phát huy hiệu quả nữa. Kết luận này là phù hợp với sự thiếu hiệu quả của thị trường giai đoạn 1954 - 1984 và thị trường đã trở nên hiệu quả hơn từ năm 1984 đến nay.

Park và Irwin (2007) cho thấy, trong tổng số 95 nghiên cứu được viết sau năm 1988, có 56 nghiên cứu là có kết quả tích cực về hiệu quả của PTKT, 20 nghiên cứu có kết quả cho rằng PTKT không tạo ra lợi nhuận, và 19 nghiên cứu chỉ ra các kết quả PTKT khác nhau. Các tác giả tìm thấy lợi nhuận đầu tư đáng kể từ PTKT nhờ sự thuận tiện của máy tính cá nhân, hệ thống công nghệ thông tin và sự phát triển của cơ sở dữ liệu điện tử. 

Wong, Manzur và Chew (2010) đã nghiên cứu vai trò của PTKT trong việc dự báo thời điểm gia nhập và thoát khỏi thị trường. Kết quả cho thấy các chỉ báo này tạo ra lợi nhuận đáng kể, trong đó đường MA phát huy hiệu quả nhất, tiếp theo là DMA, RSI và giải thích lý do vì sao các công ty thành viên của SGDCK Singapore luôn có đội ngũ PTKT riêng và kiếm được lợi nhuận vượt trội bằng cách áp dụng các chỉ báo PTKT.

Hrusova (2011) cho rằng các quy tắc giao dịch PTKT có nhiều thành công trên thị trường mới nổi. Kết luận này cũng phù hợp với những phát hiện của Bessembinder và Chan (1995), cho rằng, giao dịch theo PTKT thành công hơn trong việc dự đoán biến động giá cổ phiếu tại các thị trường mới nổi của Malaysia, Thái Lan và Đài Loan hơn là tại các thị trường phát triển của Nhật Bản, Hồng Kông và Hàn Quốc.

Metghalchi, Chang và Gomez (2012) nghiên cứu về khả năng tạo lợi nhuận trên TTCK Đài Loan dựa trên việc xây dựng nguyên tắc giao dịch dựa trên 9 chỉ báo PTKT phổ biến. Kết quả cho thấy gần 90% mô hình xây dựng cho kết quả tạo ra lợi nhuận, trong đó chỉ báo MA50 là có hiệu quả nhất. Phát hiện này cung cấp thêm bằng chứng chứng tỏ các quy tắc giao dịch kỹ thuật là có sức mạnh dự báo.

Metghalchi (2013) đã thực hiện kiểm định thống kê một số chỉ báo PTKT đối với chỉ số đại diện TTCK Việt Nam từ ngày 15/5/2002 đến 31/10/2012. Kết quả cho thấy rằng, các quy tắc giao dịch PTKT có mang lại lợi nhuận đáng kể và kết luận rằng PTKT có hiệu quả và đánh bại chiến lược mua - nắm giữ.

Singla (2015) nghiên cứu về khả năng tạo lợi nhuận của PTKT trên TTCK Ấn Độ và kết luận lợi nhuận tạo ra bởi 2 chỉ báo PTKT là dương so với lợi nhuận của chỉ số thị trường.

Như vậy, có rất nhiều các nghiên cứu chứng tỏ PTKT là có hiệu quả và có thể ứng dụng để tìm kiếm lợi nhuận trên TTCK, đa phần các nghiên cứu tập trung sử dụng phương pháp kiểm định thống kê các đường chỉ báo PTKT, nhiều nhất là chỉ báo đường MA và các đường EMA, DMA; chỉ báo MACD; chỉ báo RSI và một vài chỉ báo khác, việc kiểm định được thực hiện cả trong đầu tư ngắn hạn và dài hạn. Hầu hết các nghiên cứu đều cho kết luận là ứng dụng PTKT sẽ mang lại lợi nhuận đầu tư.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Các chỉ báo PTKT được sử dụng để kiểm định

3.1.1. Chỉ báo MA

Chỉ báo MAvới Mt,n là giá trị trung bình của n ngày tại thời điểm t; Ci là giá đóng cửa của chỉ số tại thời điểm i; n là số kỳ của đường MA.

Nghiên cứu sẽ kiểm định đường MA kỳ hạn 5 ngày (MA5); 10 ngày (MA10); 20 ngày (MA20) và 30 ngày (MA30).

3.1.2. Chỉ báo Dual Moving Average (DMA)

Chỉ báo DMA là kết hợp của 2 đường MA kỳ hạn khác nhau. Sự giao nhau giữa 2 đường MA sẽ cho tín hiệu mua bán, cụ thể MA 5 và 10 ngày (DMA 5 10), 5 và 20 ngày (DMA 5 20), 5 và 30 ngày (DMA 5 30) sẽ được sử dụng. 

3.1.3. Chỉ báo MACD

MACDt = EMAt,n - EMAt,m (m > n)

Trong đó: MACDt là giá trị của đường MACD tại thời điểm t; EMAt,n là trung bình hàm số mũ n ngày tại thời điểm t; EMAt,m là trung bình hàm số mũ m ngày tại thời điểm t.

Để phục vụ cho việc kiểm định, chỉ báo EMAt,n được tính như sau: 

Chỉ báo EMA

với Ct là giá đóng cửa của chỉ số tại thời điểm t.

Giá trị MACD là chênh lệch giữa giá trị EMA 12 và EMA 26 ngày, đường EMA 9 ngày của MACD là đường tín hiệu.

Phí giao dịch (chủ yếu là hoa hồng môi giới mà NĐT phải trả cho CTCK) được giả định là 0.3% cho một giao dịch mua hoặc bán thành công. Hiện tại, phí giao dịch các CTCK áp dụng cho NĐT tại TTCK Việt Nam dao động từ 0.15 - 0.3%. Phí giao dịch sẽ giảm khi giá trị giao dịch tăng.

Thời hạn thanh toán là T + 3. Giả sử thị trường luôn trong tình trạng thanh khoản tốt. NĐT có thể mua/bán dễ dàng sau 1 ngày khi tín hiệu mua/bán xuất hiện. NĐT ký quỹ 100% vốn khi thực hiện giao dịch, không sử dụng vốn vay, không sử dụng giao dịch ký quỹ. TTCK Việt Nam không cho phép bán khống, nghiên cứu sẽ kiểm định theo hướng là khi chỉ báo phát tín hiệu mua thì NĐT sẽ thực hiện mua và sẽ bán ra sau thời gian nắm giữ 5, 10, 20 và 30 ngày (đối với VN Index) và nắm giữ 10, 20 và 30 ngày (đối với HNX Index) hoặc là cho đến khi tín hiệu bán xuất hiện kể từ khi thực hiện giao dịch mua, tùy thuộc cái nào ít ngày hơn.

3.2. Giả thuyết nghiên cứu

Nghiên cứu kỳ vọng rằng, lợi nhuận thu được sẽ dương, nên tiến hành kiểm định với giả thuyết H0 và đối thuyết H1 như sau:

Giả thuyết H0: µ = 0, lợi nhuận trung bình bằng 0, việc ứng dụng chỉ báo PTKT để giao dịch là không mang lại lợi nhuận cho NĐT trên TTCK Việt Nam.

Đối thuyết H1: µ > 0, lợi nhuận trung bình lớn hơn 0, việc ứng dụng chỉ báo PTKT để giao dịch là có mang lại lợi nhuận cho NĐT trên TTCK Việt Nam.

Lợi nhuận hàng ngày rt của chỉ số, được tính: 

Lợi nhuận hàng ngày rt

Trong đó: rt là lợi nhuận hàng ngày của chỉ số tại thời điểm t; Ct là giá đóng cửa của chỉ số tại thời điểm t.

Lợi nhuận hàng ngày được đưa vào tính toán sẽ là tổng của tất cả các lợi nhuận hàng ngày tính đến ngày x, sau khi có tín hiệu mua, với x là số ngày nắm giữ, giả định là 5, 10, 20 và 30 ngày (đối với VN Index) và 10, 20 và 30 ngày (đối với HNX Index), được tính từ khi NĐT thực hiện giao dịch mua hoặc là cho đến khi có tín hiệu bán, tùy thuộc cái nào ít ngày hơn.

Giả sử, ta có tín hiệu mua tại các thời điểm t1, t2,..., tm và  Λ = { t1, t2,..., tm }.

Ω là tập của tất cả các lợi nhuận hàng ngày, Ω = Uti∈ΛIi với {Ii} là những khoảng thời gian cách nhau do các tín hiệu mua thứ i phát ra tại thời điểm ti. Lưu ý rằng khoảng thời gian Ii có thể khác Ij do i ≠ j. n = N(Ω) là số ngày trong tập Ω.

Lợi nhuận trung bình r‾ cho khoảng thời gian được kiểm định là:

lợi nhuận trung bình rGiả sử r‾ thuộc phân phối chuẩn, tức là r‾ ~ N(µ, σ2/n), với µ là giá trị trung bình của lợi nhuận; σ là độ lệch chuẩn của lợi nhuận.

Giá trị thống kê kiểm định T được tính như sau:

gia trị Tvới s là độ lệch chuẩn mẫu. Lúc này T xấp xỉ phân phối chuẩn T ~ N(0,1).

Đặt zα = t1 - α/2 với a là mức ý nghĩa, α được chọn là 1%, 5% và 10% và zα là giá trị tới hạn của thống kê kiểm định.

Nếu T > zα ta sẽ từ chối giả thuyết H0 và kết luận rằng việc ứng dụng chỉ báo PTKT để giao dịch là có mang lại lợi nhuận cho NĐT.

Bảng tóm tắt các giá trị của T để làm căn cứ ra kết luận là sẽ bác bỏ hay chấp nhận giả thuyết H0 ứng với các mức ý nghĩa α.

Bảng 1. Tóm tắt các giá trị của T để ra kết luận kiểm định

Mức ý nghĩa (α) Bác bỏ H0 khi Chấp nhận H0 khi
1% T > 2.3263 T < -2.3263
5% 1.6449 < T < 2.3263 -2.3263 < T < -1.6449
10% 1.2816 < T < 1.6449 -1.6449 < T < -1.2816

Nguồn: Bảng phân phối chuẩn

3.3. Phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư chứng khoán

Hệ số Sharpe là phần thưởng việc ứng dụng chỉ báo PTKT trên một đơn vị rủi ro mà chỉ báo này mang lại. Nếu hệ số Sharpe > 0, ta kết luận rằng, việc ứng dụng chỉ báo PTKT để giao dịch là có hiệu quả hơn chiến lược mua và nắm giữ. Nếu S càng lớn thì việc ứng dụng chỉ báo càng có hiệu quả.  

giá trị thống kê kiểm định T

Trong đó: S là hệ số Sharpe; r‾1 là tỷ suất lợi nhuận bình quân của việc ứng dụng chỉ báo PTKTi trong khoảng thời gian đánh giá; rindex là tỷ suất lợi nhuận bình quân của chỉ số VN Index và HNX Index trong khoảng thời gian đánh giá; si là độ lệch chuẩn của tỷ suất lợi nhuận của việc ứng dụng chỉ báo PTKTi trong khoảng thời gian đánh giá.

3.4. Dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu là giá đóng cửa hàng ngày của chỉ số VN Index và HNX Index trong thời gian 13 năm, từ tháng 01/2006 đến ngày 31/12/2018. Dữ liệu được lấy từ Thomson Reuters.

4. Kết quả nghiên cứu

Đối với cả 2 chỉ số VN Index và HNX Index, các chỉ báo MA, DMA và MACD đều có hiệu quả. Chỉ báo MA10, MA20 và MA30; DMA 5 20 và DMA 5 30 với kỳ hạn nắm giữ tối thiểu 10 ngày sẽ mang lại lợi nhuận trung bình cao hơn nhiều so với việc nắm giữ kỳ hạn ngắn hơn và so với chỉ báo MACD. Chỉ báo MACD có hiệu quả đối với VN Index nhưng lại không phát huy hiệu quả đối với HNX Index.

Kết quả cho thấy ứng dụng các chỉ báo PTKT sẽ mang lại lợi nhuận cho NĐT trên TTCK Việt Nam. Lợi nhuận trung bình thu được đáng kể trong trường hợp không có phí giao dịch và sẽ giảm mạnh khi có phí giao dịch, nhất là khi NĐT nắm giữ CK thời hạn ngắn, tần suất giao dịch thường xuyên, số tiền phí phải trả càng nhiều. Kết quả này là phù hợp với các nghiên cứu của Wong, Manzur và Chew (2010), Wong và Chong (2005); phù hợp với kết luận của Hrusova (2011) khi cho rằng giao dịch theo PTKT thành công hơn trong việc dự đoán biến động giá cổ phiếu tại các thị trường mới nổi hơn tại các thị trường phát triển.

Do đó, NĐT có thể cân nhắc lựa chọn hình thức đầu tư hoặc giá trị đầu tư để có mức phí tốt nhất cho mình. Nếu chi phí giao dịch đạt đến một mức độ nhất định, nó sẽ loại bỏ hoàn toàn lợi nhuận đầu tư từ việc ứng dụng PTKT. Ngoài ra, các CTCK với nghiệp vụ tự doanh, không phải trả bất kỳ khoản hoa hồng môi giới nào, lợi nhuận thu được từ ứng dụng PTKT sẽ rất đáng kể. Điều này cũng giải thích vì sao bộ phận PTKT vẫn luôn được chú trọng tại các CTCK, đặc biệt là các công ty có giá trị giao dịch tự doanh lớn. Tuy nhiên, các CTCK phải trả phí thành viên cho các SGDCK. Khoản phí này được xem là chi phí cố định, được trả hàng năm, không phụ thuộc vào giá trị giao dịch tự doanh của các CTCK.

Kết quả kiểm định cũng cho thấy với việc sử dụng các chỉ báo MA5, MA10, MA20 và MA30 thì NĐT không nên nắm giữ chứng khoán trong thời hạn ngắn (nhỏ hơn 10 ngày) và cũng không nên nắm giữ chứng khoán thời hạn quá dài. Vì kết quả kiểm định cho thấy, đối với chỉ báo MA10, MA20 và MA30, việc nắm giữ chứng khoán thời hạn 30 ngày mang lại lợi nhuận trung bình thấp hơn so với trường hợp nắm giữ theo tín hiệu phát ra từ các chỉ báo MA10, MA20 và MA30.

Việc quy định biên độ dao động giá cũng ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận từ việc ứng dụng PTKT trong đầu tư. Có những giai đoạn thị trường đang trong xu hướng tăng mạnh (2006 - 2007) hoặc giảm mạnh (2007 - 2009) nhưng do có biên độ dao động giá nên thị trường tăng/giảm vừa phải trong ngưỡng chặn biên độ. Tuy nhiên, nếu không có biên độ, kết quả kiểm định và kết luận về lợi nhuận trung bình từ đầu tư trên TTCK Việt Nam có thể sẽ rất khác so với kết quả và kết luận mà đề tài đưa ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Benligiray, S. 2004, Human Resources Management, Eskisehir Anadolu University.

2. Brock, W., Lakonishock, J. and LeBaron, B. 1992, ‘Simple technical trading rules and the stochastic properties of stock returns’, Journal of Finance, vol. 47, pp. 1731 - 64.

3. Edwards, R. D., Magee, J. and Bassetti, W.H.C. 2001, Technical Analysis of Stock Trends, 8th edition, CRC Press LLC, Florida.

4. Hrusova, I. 2011, How Rewarding Is Technical Analysis? Evidence from Central and Eastern European Stock Markets, Rigorous Thesis, Charles University in Prague, Faculty of Social Sciences, Institute of Economic Studies.

5. Lo, A.W., Mamaysky, H. and Wang, J. 2000, ‘Foundations of Technical Analysis: Computational Algorithms, Statistical Inference, and Empirical Implementation’, Journal of Finance, vol. 55, pp. 1705 - 64.

6. Metghalchi, M. 2013, ‘Market Efficiency and Profitability of Technical Trading Rules: Evidence from Vietnam’, The Journal of Prediction Markets, vol. 7, no. 2, pp. 11 - 27.

7. Metghalchi, M., Chang, Y. H. and Gomez, X. G. 2012, ‘Technical Analysis of the Taiwanese Stock Market’, International Journal of Economics and Finance, vol. 4, no. 1, pp. 90 - 102.

8. Metghalchi, M., Gomez, X. G., Chen, C. P. and Monsef, S. 2005, ‘Market Efficiency For S&P 500: 1954 - 2004’, International Business & Economic Research Journal, vol. 4, no. 7, pp. 23 - 30.

9. Murphy, J. J. 1999, Technical Analysis of the Financial Markets: A Comprehensive Guide to Trading Methods and Applications, New York Institute of Finance.

10. Park, C. H. and Irwin, S. H. 2007, ‘What Do We Know about the Profitability of Technical Analysis?’, Journal of Economic Surveys, vol. 21, no. 4, pp. 786 - 26.

11. Pring, M. J. 2014, Technical Analysis Explained: The Successful Investor's Guide to Spotting Investment Trends and Turning Points, 5th edn, McGraw-Hill.

12. Singla, R. 2015, ‘Prediction from Technical Analysis - A Study of Indian Stock Market’, International Journal of Engineering Technology, Management and Applied Sciences, vol. 3, no. 4, pp. 198 - 02.

13. Wong, W. K. and Chong, T. T. L. 2005, ‘Do the technical indicators reward chartists? A study on the stock markets of China, Hong Kong and Taiwan, Review of Applied Economics, vol. 1, no. 2, pp. 183 - 205.

14. Wong, W. K., Manzur, M. and Chew, B. K. 2010, ‘How rewarding is technical analysis? Evidence from Singapore stock market’, Applied Financial Economics, vol. 13 (7), pp. 543 -51.

THE EFFECTIVENESS OF TECHNICAL ANALYSIS IN INVESTMENT

IN VIETNAM’S STOCK MARKET

Master. PHAM THI MY CHAU

Banking University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Technical analysis is an investment analysis method that has become familiar to stock investors. Is the application of technical analysis in stock investment in Vietnam profitable? And does the technical indicators of economic development work effectively? Investors are always interested in these questions. Therefore, this study is to verify the effectiveness of technical analysis in Vietnam’s stock market. The study’s results show that the application of technical indicators help investors gain profits significantly. The effectiveness of each indicator is different depending on the selected term and the flexibility of application.

Keywords: Technical analysis, MA, DMA, MACD, Vietnam’s stock market.