Hiệu quả hoạt động giảm nghèo của tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương

ThS. NGUYỄN THỊ MỸ ĐIỂM (Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương (TYM) do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập năm 1992 nhằm góp phần thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ. Qua 28 năm hoạt động, TYM đã có mạng lưới hoạt động tương đối lớn, giúp các khách hàng là những người nghèo, người yếu thế, người có thu nhập thấp, đặc biệt là phụ nữ có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính của TYM và cải thiện tình trạng nghèo và thoát nghèo. Bài viết phân tích về hiệu quả hoạt động của TYM, từ đó thấy được hiệu quả mà tổ chức TYM mang lại, đồng thời đưa ra các giải pháp để TYM hoạt động hiệu quả và mở rộng mạng lưới hoạt động hơn nữa trong thời gian tới.

Từ khóa: Giảm nghèo bền vững, tài chính vi mô, tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương, TYM.

1. Đặt vấn đề

Nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao nhưng tình trạng nghèo đói nhưng vẫn còn tồn tại và luôn là vấn đề quan tâm của Nhà nước và của các chủ thể khác trong nền kinh tế. Họ là những người nghèo, người có thu nhập thấp, đặc biệt là phụ nữ nên việc tiếp cận vay vốn ở các ngân hàng thương mại rất khó khăn, do không đáp ứng các điều kiện vay của ngân hàng và họ rất dễ rơi vào bẫy tín dụng đen. Trước thực trạng đó, TYM đã chung tay thực hiện các giải pháp giảm nghèo thông qua các hoạt động giảm nghèo cho những người nghèo và người có thu nhập thấp, đặc biệt là phụ nữ, họ là những người đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi tư duy về làm kinh tế của gia đình.

Để thể hiện sự hoạt động hiệu quả của tổ chức TYM, tác giả thực hiện bài viết “Hiệu quả hoạt động giảm nghèo của tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương”.

2. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết dựa trên sự tổng hợp các dữ liệu đã thu thập gồm các báo cáo về hoạt động của tổ chức TYM, các bài báo đã được đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, các báo cáo tổng hợp về vấn đề liên quan đến tín dụng cho người nghèo… 

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Mạng lưới hoạt động của TYM

TYM được thành lập năm 1992 bởi Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm góp phần thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ hoạt động theo mô hình Ngân hàng Grameen, Bănglađét.

Dưới sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế như Quỹ Châu Á (Asia Foundation), Các tổ chức tương hỗ CARD (CARD MRI), Tổ chức Cordaid, Quỹ Ford (Ford Foundation), Tổ chức Tín thác Grameen (Grameen Trust), Quỹ Hợp tác quốc tế các Ngân hàng Tiết kiệm Đức (SBFIC), Oxfam, Quỹ Rabobank (Rabobank Foundation) và Quỹ Whole Planet (Whole Planet Foundation),… TYM được mở rộng phạm vi và vi mô hoạt động. Đến năm 2010, TYM trở thành tổ chức TCVM được cấp phép hoạt động đầu tiên tại Việt Nam.

Hiện nay, mạng lưới TYM đã có mặt tại 13 tỉnh/thành phố của Việt Nam, gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc,  Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và Hải Phòng. Qua quá trình hoạt động, mạng lưới của TYM ngày càng phát triển, hoạt động tại 77 huyện/thị của 700 xã và sẽ tiếp tục mở rộng đến nhiều địa bàn khác trên cả nước với số cán bộ và phòng giao dịch thể hiện chi tiết số liệu qua Bảng 1:

Bảng 1. Mạng lưới hoạt động của TYM

Mạng lưới hoạt động của TYM

Nguồn: Báo cáo hoạt động của TYM

3.2. Thành viên TYM

TYM hoạt động với tiêu điểm hỗ trợ cho nhóm khách hàng mục tiêu là phụ nữ nghèo, cận nghèo và thu nhập thấp, những người có nhu cầu về các dịch vụ tài chính và phi tài chính, sinh sống tại khu vực nông thôn và bán đô thị. TYM đặc biệt ưu tiên hỗ trợ đến nhóm phụ nữ yếu thế và thiệt thòi trong xã hội, như người dân tộc thiểu số, người HIV/Aids, người khuyết tật. Ngoài ra, TYM còn cung cấp dịch vụ tài chính cho các nhóm đối tượng khác như doanh nghiệp siêu nhỏ; các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tham gia vào các hoạt động khác của TYM. Theo báo cáo hoạt động của TYM, số lượng thành viên cũng tăng theo qua các năm. Cuối năm 2019, TYM có tổng cộng số khách hàng tham gia là 165.970 thành viên trong đó tổng số khách hàng vay vốn là 103.425 người, thể hiện qua Biểu đồ 1:

Biều đồ 1: Thành viên của TYM

Thành viên của TYM

Nguồn: Báo cáo hoạt động của TYM

3.3. Thực trạng hoạt động tín dụng của TYM

Với sứ mệnh hoạt động của TYM là cải thiện chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo, yếu thế thông qua các dịch vụ tài chính và phi tài chính, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ. Đến năm 2019, TYM có 165.970 khách hàng với tổng dư nợ vay hơn 1,8 tỷ đồng và tỷ lệ hoàn trả đạt 99,9%, thể hiện chi tiết qua Bảng 2:

Bảng 2. Bảng dư nợ vốn và tiết kiệm của khách hàng TYM

Bảng dư nợ vốn và tiết kiệm của khách hàng TYM

Nguồn: Báo cáo hoạt động của TYM

TYM luôn tạo mọi điều kiện để những người nghèo và người có thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận các sản phẩm tài chính của TYM. Hầu hết mục đích vay vốn của các thành viên và khách hàng của TYM là để phát triển kinh tế, dành cho các hoạt động kinh doanh như nông nghiệp, chăn nuôi, ngư nghiệp, lâm nghiệp và buôn bán nhỏ. Một số ít khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sửa chữa nhà cửa hay đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và tham gia gửi tiết kiệm thể hiện qua Biểu đồ 2:

Biểu đồ 2: Biểu đồ thể hiện cơ cấu vốn vay theo mục đích vay vốn năm 2018

Biểu đồ thể hiện cơ cấu vốn vay theo mục đích vay vốn năm 2018

Nguồn: Báo cáo hoạt động của TYM năm 2018

3.4. Hiệu quả hoạt động xã hội của quỹ TYM

TYM đã góp phần vào sự phát triển chung của phụ nữ trong quá trình tăng trưởng của Việt Nam và tiếp tục thực hiện sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ dễ bị tổn thương và thiệt thòi cũng như nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội. Qua nhiều năm hoạt động, TYM đã mang lại những tác động tích cực đến cuộc sống của nhiều phụ nữ nghèo và cộng đồng tại những địa bàn có TYM hoạt động như chăm sóc sức khỏe của phụ nữ nhằm giúp họ có sức khỏe tốt để chăm sóc gia đình và làm ăn kinh doanh. Năm 2019, TYM thực hiện khám sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho hơn 36.000 phụ nữ.

Tổ chức TYM còn tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực nhằm nâng cao năng lực tự chủ cá nhân cho các hơn 170.000 lượt thành viên thông qua tập huấn tại các buổi sinh hoạt chuyên đề, đào tạo tập trung.

Nhiều phụ nữ khi tham gia TYM có cơ hội được trau dồi kiến thức và kỹ năng bản thân như khả năng giao tiếp, lãnh đạo,… Hiện có hơn 15.400 thành viên TYM trở thành lãnh đạo cơ quan, Đảng, đoàn thể, hội phụ nữ các cấp.

TYM còn quan tâm đến vấn đề giáo dục của các con em thành viên, học bổng “Chắp cánh ước mơ” được duy trì nhiều năm và hỗ trợ học bổng cho gần 2.000 con, em của thành viên nghèo, khó khăn để giúp các em vượt qua hoàn cảnh và tiếp tục học tập.

TYM đạt hiệu quả trong việc giảm nghèo, đến nay đã có hơn 120.000 thành viên TYM đã thoát nghèo bền vững, 7.000 chị trở thành doanh nhân vi mô. Hơn nữa, TYM đã hỗ trợ xây, sửa đường, cung cấp trang thiết bị cho trường học, trạm y tế, nhà vệ sinh cho 163 hộ gia đình thông qua chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương, nhờ đó giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội được xây nhà mới và gần 300 dự án hỗ trợ xây dựng “Nông thôn mới” đã được TYM thực hiện.

3.5. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và mở rộng mạng lưới của tổ chức TYM

3.5.1. Đối với quỹ TYM

       TYM là một đơn trực vị thuộc Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, hoạt động độc lập. Nguồn vốn hoạt động của tổ chức phần lớn từ các chương trình tín dụng. TYM cũng thực hiện vay vốn và tài trợ không hoàn lại từ các đối tác tài chính trong nước và quốc tế. TYM hợp tác với nhiều nhà tài trợ để cấp vốn cho nhiều hoạt động xã hội của TYM. Do đó, để tổ chức TYM ngày càng được phát triển, cần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng hơn nữa nhu cầu đa dạng của khách hàng. Đồng thời, cần tranh thủ tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) nhằm tăng sức mạnh tài chính để mở rộng khách hàng vay vốn.

TYM tiếp tục tuyên truyền rộng rãi các thông tin về TYM để mọi người dân có thể tiếp cận dễ dàng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như báo, đài, tờ rơi, hoặc thông qua các buổi họp của chính quyền địa phương. Đồng thời, TYM cần phải củng cố và nâng cao lòng tin cho con người trong hoạt động huy động vốn và cấp tín dụng của mình, giúp họ có điều kiện cải thiện cuộc sống gia đình và góp phần anh sinh xã hội. Nâng cao năng lực, khả năng quản lý và kiến thức tài chính cho cán bộ tín dụng bằng cách huấn luyện tại tổ chức thường xuyên hoặc gửi đào tạo và tham quan mô hình tín dụng ở các tổ chức khác trong và ngoài nước.

Thêm vào đó, TYM cần có biện pháp chế tài đối với các tiêu cực xảy ra trong quá trình cho vay và thu nợ, tránh tình trạng chiếm dụng vốn của các cán bộ tín dụng. Đồng thời, TYM cần tạo điều kiện an toàn cho nhân viên tín dụng trong quá trình thu hồi nợ và phát vốn vay, vì hiện nay, cán bộ tín dụng TYM vẫn tự đến địa bàn xa để thu nợ và phát vốn vay cho khách hàng.

Trong thời gian qua, các khách hàng của TCVM cũng gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra sản phẩm, hoạt động kinh doanh giảm sút, nên nhu cầu vay vốn của khách hàng của TCVM, trong đó có TYM cũng bị giảm đi. Do vậy, TYM nên kết nối với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, từ đó nhu cầu vay vốn của khách hàng cũng tăng lên.

3.5.2. Đối với khách hàng

Người nghèo và người có thu nhập thấp phải tự vuợt nghèo bằng cách chí thú làm ăn, phát huy lợi thế vốn có của mình và nắm bắt cơ hội thị trường kịp thời để định hướng phát triển sản xuất hợp lý và hiệu quả.

Khách hàng cần cập nhật thông tin thông qua các kênh thông tin của tổ chức TYM hoặc trực tiếp đến tổ chức để tìm hiểu về vấn đề vay vốn.

Cần hoàn trả vốn đúng thời hạn theo thoả thuận trên hợp đồng vay vốn, sử dụng vốn đúng cách, hợp lý, hiệu quả nhằm đảm bảo hoạt động của quỹ, đồng thời tạo uy tín đối với TYM.

Khách hàng tích cực tham gia hoạt động tiết kiệm của tổ chức TYM nhằm tạo thói quen tiết kiệm, chi hợp lý và có khoản tích lũy để sử dụng khi có nhu cầu cần đến.

4. Kết luận

Thông qua quá trình hoạt động và sự đóng góp vào việc cải thiện thu nhập, giảm nghèo, cho thấy TYM là thực sự là một tổ chức tài chính vi mô hoạt động hiệu quả, với mạng lưới ngày càng phát triển và số thành viên tham gia ngày càng đông và số hộ thoát nghèo giảm đáng kể. TYM cũng góp phần vào Bình đẳng giới, giúp xã hội phát triển toàn diện hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban quản lý dự án Nâng cấp đô thị TP. Hồ Chí Minh (2007), Tài liệu hướng dẫn kiến thức tín dụng vi mô cho cán bộ quận, phường.
  2. TS. Đào Văn Hùng (2005), Phát triển hoạt động tài chính vi mô ở Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động và Xã hội.
  3. TS. Đinh Phi Hổ - TS. Lê Ngọc Uyển - ThS. Lê Thị Thanh Tùng (2006), Kinh tế phát triển, Nhà xuất bản Thống kê TP. Hồ Chí Minh.
  4. Nghị định Chính phủ số 28/2005/NĐ-CP ngày 09/3/2005.
  5. Nghị định Chính phủ số 165/2007/NĐ-CP ngày 15/11/2007.
  6. Quỹ Trợ vốn TYM (2015 - 2018), Báo cáo hoạt động.
  7. Nguyễn Quỳnh Phương (2017), Phát triển các hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam, Luận văn tiến sỹ.
  8. Nhóm công tác tài chính vi mô, báo cáo hoạt động 2018.

THE EFFICIENCY OF TINH THUONG MICROFINANCE INSTITUTION’A POVERTY REDUCTION OPERATIONS

● MA. NGUYEN THI MY DIEM

Faculty of Finance - Accounting, Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:            Tinh Thuong Microfinance One Member Limited Liability Institution (TYM) was established in 1992 by the Vietnam Women’s Union (VWU) in order to implement the Government of Vietnam’s Poverty Reducation Program. For 28 years of operation, TYM has had a relatively large operating network and helped clients of the poor, the weak and the low income, especially women, have access to TYM's financial services and in order to escape poverty.This article analyzes the performance of TYM to show the effectiveness of TYM’s operations and provides solutions to help the institution improve its effectiveness and expand its network in the coming time.

Keywords: Sustainable poverty reduction, microfinance, Tinh Thuong Microfinance One Member Limited Liability Institution, TYM.