Hiệu quả từ mô hình đào tạo nghề dệt thổ cẩm tại Bắc Cạn

Các sản phẩm như túi xách, ví, áo, khăn...với những hoa văn tinh xảo và sắc mầu rực rỡ riêng của đồng bào dân tộc vùng hồ Ba Bể, Bắc Cạn đã thu hút nhiều du khách khi đặt chân tới vùng đất hoang sơ nà
Dệt thổ cẩm vốn có từ lâu đời và trở thành nghề truyền thống mang bản sắc văn hoá riêng trong đời sống đồng bào dân tộc Tày và Dao của tỉnh Bắc Cạn. Trước đây, người dân dệt vải thổ cẩm để làm quần áo, chăn, ri đô, làm của hồi môn cho con gái khi đi lấy chồng, làm vật bao bọc đứa trẻ khi chào đời, và còn có mặt trong việc tang, lễ,... Những sản phẩm này không chỉ là vật dụng trong đời sống sinh hoạt mà còn gắn liền với đời sống tâm hồn, tâm linh của người dân. Mỗi sản phẩm thể hiện sự tỉ mỉ, khéo léo của những người phụ nữ dân tộc.

Việc duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống được lãnh đạo xã, huyện rất quan tâm và coi trọng. Chính quyền huyện Ba Bể đã đưa nhiều chương trình, dự án đào tạo và phát triển nghề dệt thổ cẩm tại các xã có nghề này. Trong đó phải kể đến xã Nam Mẫu và xã Khang Ninh. Đồng bào nơi đây đã nhận được sự hỗ trợ của các dự án như: Dự án PAC về đào tạo lớp dệt thổ cẩm tại xã Nam Mẫu, Dự án bảo tồn làng văn hóa Pác Ngòi. Đặc biệt trong năm 2011, Hội Phụ nữ huyện Ba Bể còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề tỉnh mở 1 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại xã Khang Ninh cho 120 học viên là các chị em phụ nữ tham gia. Qua đây, chị em học thêm được nhiều kĩ thuật dệt thổ cẩm mới. Kết hợp giữa phương thức dệt truyền thống và kĩ thuật dệt mới chị em đã tạo ra nhiều sản phẩm mẫu mã đa dạng, phong phú, chất lượng cao được khách hàng yêu thích như túi xách, ví, khăn...với nhiều hoa văn đẹp. Đặc biệt, qua lớp đào tạo này đã thành lập và duy trì hoạt động tổ hợp dệt thổ cẩm của vùng. Từ đó tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ có kĩ thuật mới các sản phẩm làm ra bán được với giá cao hơn, bình quân một chiếc túi có hoa văn đẹp bán với giá từ 50 – 60 nghìn đồng/chiếc, khăn từ 100 – 150 nghìn đồng/chiếc…Vào mùa khách du lịch tới tham quan, bà con bán được khá nhiều sản phẩm. Thu nhập bình quân từ: 600 nghìn – 1 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Xã Nam Mẫu là một trong những xã có nghề dệt thổ cẩm vẫn còn được lưu giữ từ nhiều đời nay. Xã có 8 thôn, thì có đến 5 thôn còn duy trì nghề này, điển hình như: Bản Cám, Pác Ngòi, Tà Kèn...Tương tự như vậy xã Khang Ninh cũng rất chú trọng phát triển nghề này. Chị Hoàng Thị Hiền - học viên đạt loại giỏi trong đợt đào tạo vừa qua tại thôn Nà Mầm – xã Khang Ninh phấn khởi cho biết: Trong hai tháng đào tạo chúng tôi không chỉ được chỉ dẫn về kĩ thuật mà còn được cán bộ trợ cấp 15.000đồng/buổi học. Sau khi học xong còn được cho len, chỉ dệt... mang về nhà làm. Chúng tôi có thêm tiền để mua gạo, mua con gà, con lợn để nuôi, chúng tôi cảm ơn cán bộ nhiều lắm.

Những hiệu quả bước đầu về việc đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho bà con dân tộc tại Ba Bể của lãnh đạo tỉnh Bắc Cạn, lãnh đạo huyện Ba Bể, đặc biệt là của trung tâm khuyến công tỉnh đã có những dấu hiệu đáng mừng và rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên việc phát triển nghề dệt chỉ dừng lại ở việc đào tạo nghề nhằm giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho chị em những lúc nông nhàn. Về lâu dài nó còn rất nhiều việc cần quan tâm. Chị Trương Thị Tư - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nam Mẫu cho biết: “Sau khi được đào tạo bài bản về một số kĩ thuật dệt thổ cẩm của trung tâm khuyến công cũng như các dự án của tỉnh, bà con rất hứng khởi khôi phục lại nghề. Tuy nhiên đến nay, nghề này đang có nhiều bất cập như: nguyên liệu dệt khan hiếm, chúng tôi phải mua nguyên liệu tận vùng Hòa Bình và Hà Đông (Hà Nội), bên cạnh đó khung dệt của bà con chưa được đầu tư theo công nghệ mới, các sản phẩm làm ra khó có thể cạnh tranh được với các mặt hàng dệt thổ cẩm ở các tỉnh khác như: Sơn La, Lào Cai... và nhất là đầu ra cho dệt thổ cẩm còn hạn chế và không ổn định. Để bảo tồn và giữ gìn nét đẹp trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây thì cần phải có một kế hoạch lâu dài từ việc trồng bông, se tơi, nhuộm sợi, cho tới kỹ thuật dệt để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó phải có cơ chế chính sách khuyến khích và hỗ trợ thỏa đáng hơn cho nghề này. Đặc biệt, Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, công ty làm cách nào đó để tìm đầu ra cho bà con, giúp bà con yên tâm sản xuất, xoá đói giảm nghèo”.

Được biết, thời gian tới đây, huyện Ba Bể sẽ tiếp tục có kế hoạch phối hợp với Trung tâm khuyến công tỉnh Bắc Cạn mở các lớp đào tạo nghề, phát triển các làng nghề gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, tìm đầu ra cho sản phẩm dệt truyền thống là việc làm hết sức cần thiết cần có sự chung tay của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp.