Hiệu ứng “Vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường” trong chặn đà tổng cầu suy giảm

Tinh thần “vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường” giúp cho mỗi cán bộ, công chức, người lao động ngành Công Thương chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh suy giảm tổng cầu trên quy mô toàn thế giới.

Đó là nội dung chính trong bài trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dành cho Tạp chí Công Thương.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

bộ trưởng bộ công thương nguyễn hồng diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại kỳ họp Quốc hội

Phát hiện những điểm nghẽn và chủ động ứng phó

TCCT: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng nhận định thế nào khi nhiều tổ chức quốc tế đánh giá 2023 là năm đặc biệt khó khăn do tổng cầu thế giới suy giảm? Với vai trò là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương đã kịp thời phát hiện những điểm nghẽn và chủ động ứng phó như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Có thể nói “sụt giảm” là từ khóa của năm 2023. Thương mại toàn cầu năm nay chỉ tăng 0,8%, giảm một nửa so với mức dự báo 1,7% của WTO dịp đầu năm. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn so với dự báo; bảo hộ mậu dịch, căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn. Cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa rõ hồi kết và mới đây là xung đột Israel - Hamas diễn biến phức tạp khiến cho nguồn cung các loại vật tư, nguyên nhiên liệu, nhất là năng lượng bị gián đoạn, đứt gãy. Lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất dẫn đến suy thoái kinh tế và gia tăng rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế. Niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu suy giảm khiến cho tổng cầu thế giới giảm sút, tạo thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu... Sóng gió đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ do quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, nhất là những vấn đề nổi lên phát sinh đột xuất.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động nhận định tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp có trọng tâm, trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; trong đó, tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, có hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng với nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nền kinh tế nước ta được duy trì ổn định và đang có xu hướng phục hồi tích cực; lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Với ngành Công Thương, tại “Hội nghị Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Công Thương cần quán triệt tinh thần “biến nguy thành cơ”, càng áp lực càng phải nỗ lực; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn xã hội. Thủ tướng đề nghị ngành Công Thương quán triệt, bám sát phương châm hành động của Chính phủ năm 2023: “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, tập trung cho 3 đột phá chiến lược (xây dựng thể chế, cải cách hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, gắn với trách nhiệm tập thể; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ) và 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Quán triệt quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã khẩn trương chỉ đạo, cụ thể hóa ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó đề ra 5 quan điểm trọng tâm chỉ đạo, nhấn mạnh tinh thần “  trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; chủ động phát hiện những điểm nghẽn của nền kinh tế để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Trên tinh thần đó, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 204/QĐ-BCT ngày 9/02/2023 về Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó, các hoạt động/lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 của Bộ Công Thương, gồm: Cung cấp thông tin cho doanh nghiệp; công nhận và công bố mạng lưới tư vấn viên pháp luật ngành Công Thương; tiếp nhận, nghiên cứu các kiến nghị của doanh nghiệp, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu, tiếp tục trình ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023; đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách điều hành tín dụng sao cho nguồn vốn tín dụng chảy vào khu vực sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo để tiếp sức cho doanh nghiệp; Xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay đối với sản xuất và tiêu dùng để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân…

Cũng trên tinh thần chủ động phát hiện và xử lý kịp thời những điểm nghẽn, khi gạo trên thị trường thế giới “nóng” lên, nông dân được mùa được giá, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro an ninh lương thực trong khi diện tích sản xuất lúa đã tới điểm giới hạn, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản…, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, rà soát tình hình sản xuất, thông tin về cơ cấu, chủng loại gạo, diện tích canh tác; cân đối nhu cầu tiêu dùng thóc, gạo trong nước để xác định rõ nguồn thóc, gạo hàng hóa có thể xuất khẩu, tạo thế chủ động cho các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Đối với các doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến cáo tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác; hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu; chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và đạt quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.

bộ trưởng nguyễn hồng diên

Ngày 23/6/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc Lee Chang-yang trao đổi “Biên bản ghi nhớ về thành lập Korea Plus tại Việt Nam và Viet Nam Plus tại Hàn Quốc” và “Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Trung tâm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng Việt Nam - Hàn Quốc” trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Mở ra những không gian phát triển mới

TCCT: Việc đề cao tinh thần “vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường” đã có hiệu ứng thế nào trong ứng phó với tổng cầu thế giới suy giảm, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Việc đề cao tinh thần “vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường” giúp cho mỗi cán bộ, công chức ngành Công Thương chủ động ứng phó trong các tình huống; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tinh thần “vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường” thúc đẩy Bộ Công Thương sớm ý thức được tầm quan trọng của quy hoạch trong phân bố, sắp xếp các hoạt động và các yếu tố sản xuất, dịch vụ. Bộ đã đặt vấn đề quy hoạch phải đi trước một bước để mở ra một không gian phát triển mới, tạo hành lang vững chắc cho phân bổ và huy động nguồn lực toàn xã hội. Với sự vào cuộc quyết liệt, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương trong tham gia ý kiến xây dựng quy hoạch, các Quy hoạch ngành về phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch về hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2023. Đây là các quy hoạch ngành quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng và công nghiệp khai khoáng quốc gia theo hướng hiện đại, bền vững, công bằng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phù hợp với xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; đồng thời là cơ sở để các địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng và công nghiệp khai khoáng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách bền vững.

Tinh thần “vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường” giúp Bộ Công Thương thực hiện có hiệu quả việc tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp và các hãng toàn cầu như Samsung, Toyota, Honda, Kia, Mazda... Mối liên kết này không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, mà thông qua đó, doanh nghiệp Việt Nam học được những kỹ năng cần thiết để nhanh chóng thích ứng được với sự thay đổi của thị trường và công nghệ - 2 yếu tố chính luôn biến động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong đàm phán các FTA, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất, đưa ra các phương án đàm phán với các đối tác. Đối với Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA), Bộ Công Thương đang tiến hành các thủ tục nội bộ để trình Chính phủ phê duyệt Hiệp định VIFTA và sớm đưa Hiệp định vào thực thi, dự kiến vào đầu năm 2024. Việc đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh đã kết thúc và Bộ Công Thương đang xây dựng hồ sơ trình phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên năm 2024. Bên cạnh đó, Bộ đang tích cực đàm phán các FTA với khối EFTA (bao gồm 4 nước: Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Các FTA đã và đang mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam, thông qua việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tinh thần “vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường” trong mỗi cán bộ, công chức cũng giúp Bộ Công Thương triển khai thông suốt các Chương trình, Đề án, nổi bật là Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình Khuyến công quốc gia, Chương trình đưa hàng hóa, thực phẩm an toàn vào các kênh phân phối, Đề án đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản… và nhiều đề án, chương trình khác nữa đã đem lại những kết quả khả quan về mức tăng trưởng hàng năm về giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Tinh thần “vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường” giúp hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, hiệu quả hơn. Cũng vẫn là hệ thống 61 thương vụ và chi nhánh thương vụ ở nước ngoài, nhưng trong tình hình mới, thương vụ không chỉ gửi thông tin, báo cáo định kỳ (mang tính một chiều) về nước, mà từ tháng 7/2022 đã tổ chức giao ban xúc tiến thương mại (trao đổi, mang tính hai chiều) hằng tháng giữa thương vụ với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan nhằm cung cấp thông tin về thị trường mới và các khuyến nghị kịp thời cho doanh nghiệp.

Ở thị trường nội địa, xúc tiến thương mại chọn điểm đột phá là các hoạt động mang tính liên kết vùng, nhằm tác động lan tỏa rộng và hiệu quả cao, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã trên cả nước phát triển sản xuất, khai thác tốt thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng và thống nhất ban hành kế hoạch luân phiên tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại cấp Vùng giai đoạn 2022-2025, bao gồm các hoạt động xúc tiến thương mại liên kết vùng, miền ổn định lâu dài.

Hoạt động quản lý thị trường cũng được thực hiện một cách tập trung, xuyên suốt, thống nhất trên cả nước; tình trạng manh mún, cắt khúc, thiếu đồng bộ trong công tác đấu tranh phòng, chống và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại giữa trung ương với địa phương và giữa các địa phương với nhau đã được khắc phục. Kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên phạm vi toàn quốc được cải thiện theo hướng toàn diện, hiệu quả; những diễn biến đột xuất, phức tạp của thị trường phát sinh trong các thời điểm, tại các địa bàn khác nhau trên cả nước đã được chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, kịp thời với kết quả tích cực. Nhiều vụ việc vi phạm phức tạp, có quy mô lớn, có tính chất liên tỉnh đã được chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời góp phần tích cực bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Những hoạt động trên đã mang lại những kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 11 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm, cho thấy xu hướng phục hồi tích cực trong sản xuất công nghiệp.

Thị trường trong nước tiếp tục là “bệ đỡ” cho nền kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước 11 tháng đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất khẩu có bước tiến khả quan, trong 5 tháng gần đây (từ tháng 7/2023 đến tháng 11/2023), xuất khẩu hàng hóa đều đạt trên 30 tỷ USD/tháng, cao hơn mức bình quân 27,45 tỷ USD/tháng của 6 tháng đầu năm 2023, cho thấy những tín hiệu khởi sắc trong xuất khẩu và giúp rút ngắn đà suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, đã thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - đây là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế.

bộ trưởng nguyễn hồng diên 12

Ngày 24/11/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh làm việc với 5 Tập đoàn, Tổng công ty về việc triển khai kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp than, khí cho sản xuất điện và các giải pháp bảo đảm an ninh cung ứng điện năm 2024

Sẵn sàng các kịch bản cho năm 2024

TCCT: Dự báo năm 2024 tình hình kinh tế thế giới sẽ phục hồi chậm và không chắc chắn, khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào còn tiếp diễn, ngành Công Thương đã có kế hoạch nào trước viễn cảnh này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Dự báo tình hình kinh tế, chính trị xã hội, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường sẽ tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

Ở trong nước, các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong phục hồi sản xuất - kinh doanh, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước…

Những thách thức đó đòi hỏi toàn Ngành không được lơ là, chủ quan, phải theo dõi chặt chẽ biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án, giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra của Ngành, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Về sản xuất

- Thường xuyên tổ chức làm việc với các ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp để rà soát, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư; nhất là những dự án lớn, có vai trò tạo “cú huých” về tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... để sớm đưa vào vận hành, góp phần gia tăng năng lực sản xuất mới, tạo động lực cho phát triển kinh tế đất nước.

- Tăng cường tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu, tạo thị trường cho các ngành công nghiệp phát triển.

- Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận thị trường…

Về phát triển thị trường xuất khẩu

- Đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác mới với các nước, các khu vực còn nhiều tiềm năng, như: Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Khối mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA), Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur…), tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư.

- Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương khai thác có hiệu quả các cam kết quốc tế trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam là thành viên, trong đó tập trung triển khai chương trình hành động thực thi các FTA thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA,…); chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các rào cản mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường, thu phí carbon và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để duy trì, củng cố các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

- Tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ kiện thương mại, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có phản ứng chính sách phù hợp.

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…

- Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

- Chú trọng tăng cường công tác phòng vệ thương mại (PVTM) để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong nước, duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng trong thương mại quốc tế, hướng tới phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững trước xu hướng gia tăng vụ việc điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, củng cố thể chế về PVTM; Tích hợp công cụ PVTM vào các kế hoạch, chủ trương, chính sách về phát triển sản xuất trong nước; Tiếp tục nâng cao nhận thức về các biện pháp PVTM, đặc biệt là tính chất, tác động của các biện pháp này để có cách tiếp cận phù hợp; Nâng cao năng lực về PVTM để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án lớn về PVTM, gồm có: Đề án 316 “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM”; Đề án 824 “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ”; Đề án 1659 “Nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới”; Tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả Đề án “Thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc PVTM” tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của ta sang Hoa Kỳ; tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyên truyền, phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức, cá nhân liên quan về pháp luật PVTM, các vụ việc điều tra PVTM.

Về phát triển thị trường trong nước

- Đẩy mạnh sức mua trong nước thông qua thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, khuyến mại tập trung quốc gia, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

- Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản; triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy nhanh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng;

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả.

- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các Chương trình phục vụ Tết, thông tin giá cả, thị trường, các điểm bán hàng bình ổn… để tạo tâm lý ổn định cho người dân, tránh hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

- Phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Tóm lại, năm 2024 dự báo sẽ có nhiều khó khăn, nhưng tôi cho rằng, đây chính là cơ hội để cơ cấu lại ngành Công Thương, tập trung vào các vấn đề đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của Ngành, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, phát triển năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo xanh, sạch; tận dụng tốt cơ hội của việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) quan trọng đã ký kết để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu; phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả khu vực thị trường gần 100 triệu dân. Đổi mới, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.

Tôi tin tưởng rằng với tinh thần quyết tâm lớn, trách nhiệm cao, đoàn kết, nhất trí, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương sẽ chung sức, đồng lòng; chủ động, sáng tạo; giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương; thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

TCCT: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

Lam Ngọc (thực hiện)