Hiểu về quy tắc xuất xứ và phòng vệ thương mại để tận dụng tốt hơn cơ hội từ EVFTA

Ngày 16/11/2021, tại Hà Nội, Văn phòng Bộ Công Thương đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại tổ chức buổi tập huấn truyền thông về “Tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu Covid-19” và “Phòng vệ thương mại sau một năm EVFTA có hiệu lực” dành cho phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông.

Buổi tập huấn được thực hiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi Chương trình tập huấn về các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) do Bộ Công Thương tổ chức.

Thông qua tập huấn, Bộ Công Thương hy vọng phóng viên các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp và người dân sẽ hiểu thêm về những vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hóa, về vai trò xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại trong các cam kết hội nhập.

Buổi tập huấn truyền thông về “Tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu Covid-19”
Buổi tập huấn truyền thông về “Tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu Covid-19”

Theo đại diện Văn phòng Bộ Công Thương, sau một năm kể từ khi thực thi (1/8/2020 - 1/8/2021), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại hiệu quả rõ rệt đến nhiều ngành xuất nhập khẩu của cả hai khu vực.

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 32,19 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 đạt 6,55 tỷ USD, tương đương tỷ lệ 20,37%. 

Trước thời điểm EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang EU có C/O mẫu EUR.1 tập trung vào các thị trường có cảng biển, trung tâm phân phối của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp. Trong hơn 1 năm đi vào thực thi, Hiệp định EVFTA đã mở ra cơ hội mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ xuất khẩu có C/O mẫu EUR.1 sang toàn bộ các nước EU, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu có C/O mẫu EUR.1 tăng mạnh ở các thị trường truyền thống, có dung lượng lớn như Bỉ đạt gần 1,63 tỷ USD; Đức đạt hơn 1,37 tỷ USD; Hà Lan đạt 1,17 tỷ USD; Pháp đạt 846 triệu USD (số liệu từ 01/8/2020 đến 31/7/2021).

Về cơ cấu mặt hàng, giày dép vẫn là nhóm có tỷ lệ cấp C/O mẫu EUR.1 lớn nhất trong 10 tháng năm 2021, đạt 101,9% với kim ngạch xuất khẩu có C/O mẫu EUR.1 là 3,21 tỷ USD. Thủy sản đạt tỷ lệ 75,52% với kim ngạch xuất khẩu có C/O mẫu EUR.1 là 614 triệu USD.

Các phóng viên tham gia buổi tập huấn bên cạnh lắng nghe các chia sẻ của diễn giả cũng đặt nhiều câu hỏi về EVFTA
Các phóng viên tham gia buổi tập huấn bên cạnh lắng nghe các chia sẻ của diễn giả cũng đặt nhiều câu hỏi về xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại trong EVFTA

Rõ ràng, việc đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA là lợi thế lớn để doanh nghiệp Việt cạnh tranh tại thị trường EU với quy mô dân số trên 500 triệu dân.

“Ví dụ, với sản phẩm bàn chải đánh răng (mã HS chương 96), nếu không có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), doanh nghiệp Việt Nam sẽ hưởng mức thuế MFN là 3,7%. Tuy nhiên nếu có C/O chứng minh xuất xứ thì sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi 0% theo Hiệp định EVFTA. Tương tự, có những mặt hàng có thể chịu mức thuế lên đến 40% nếu không có C/O”, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.

Đối với hàng hóa Việt Nam đã xuất khẩu sang EU và chịu thuế tối huệ quốc (Most Favoured Nation - MFN) hoặc thuế quan ưu đãi phổ cập (General System of Preference - GSP), các nước EU vẫn đồng ý cho hàng hóa Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA nếu như thuế theo EVFTA thấp hơn GSP và MFN.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương
Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Tuy nhiên, các FTA thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cũng đồng nghĩa với việc gia tăng khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam. EVFTA và thị trường EU không phải là ngoại lệ trong dài hạn.

Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho hay, cho đến nay, EU mới khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại 14 vụ việc đối với Việt Nam. Trong đó có 4 vụ việc chống bán phá giá (giày dép - 1998; bật lửa ga - 2002; xe đạp, ống thép, ốc vít không gỉ - 2004; giày mũ da - 2005); 1 vụ việc chống trợ cấp (sợi tổng hợp - 2013); 1 vụ việc tự vệ (thép - 2018); 5 vụ việc chống lẩn tránh thuế (mì chính - 1998; kẽm oxit, vòng khuyên kim loại - 2003; đèn huỳnh quang - 2004; bật lửa ga - 2012; xe nâng - 2017).

Đến nay, chỉ còn 1 vụ việc đang còn hiệu lực là biện pháp tự vệ với thép từ năm 2018. Tháng 7/2021 vừa qua Ủy ban Châu Âu (EC) đã quyết định gia hạn thời gian áp dụng biện pháp tự vệ theo hình thức hạn ngạch thuế quan với thép nhập khẩu thêm 3 năm (có hiệu lực từ 1/7/2021 - 30/6/2024).

Thuế trong hạn ngạch là 0%, trong khi thuế ngoài hạn ngạch là 25%. Việt Nam tiếp tục bị áp dụng hạn ngạch thuế quan chung với các nước khác theo từng quý đối với các sản phẩm thép nhóm 2 (thép tấm cán nguội); nhóm 5 (thép mạ, phủ, tráng); nhóm 9 (thép tấm không gỉ); nhóm 24 (ống thép đúc). 

Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương
Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

Theo bà Phạm Châu Giang, về cơ bản dòng chảy thương mại Việt Nam - EU tương đối ổn định và không phải sử dụng đến hàng rào phòng vệ thương mại, bởi 2 nền kinh tế có tính chất bổ trợ cho nhau. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông - lâm - thủy sản, dệt may, da giày sang EU, còn ở chiều ngược lại EU chủ yếu xuất khẩu các loại máy móc, thiết bị, hóa phẩm sang Việt Nam.

Dù vậy, khả năng “đối kháng” vẫn có thể xuất hiện ở một số sản phẩm, ngành hàng nhất định. Bộ Công Thương đánh giá, trong thời gian tới, một số lĩnh vực, nhóm hàng cần tiếp tục theo dõi và cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại khi xuất khẩu sang EU bao gồm: thép, dệt may, máy móc thiết bị, nhựa, phương tiện vận tải, gỗ, nông sản, thủy sản.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ EVFTA nói riêng và các FTA nói chung, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy xuất khẩu có chiến lược, chủ động, sẵn sàng ứng phó với hàng rào phòng vệ thương mại tại thị trường đối tác.

Thy Thảo