Hình thành phong trào sản xuất, tiêu dùng hàng Việt mạnh mẽ trong toàn xã hội

Sau 14 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 9 năm tổ chức Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam” đã hình thành nên một phong trào mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng toàn xã hội.
Tự hào hàng Việt Nam

"Người tiêu dùng đã nhìn nhận đúng hơn khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam"

Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam”,“Tinh hoa hàng Việt Nam” là một trong các dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 và là nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Bộ Công Thương.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Chương trình "Tự hào hàng Việt Nam", "Tinh hoa hàng Việt Nam" năm 2023 diễn ra tối 9/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sau 14 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 9 năm tổ chức Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam” đã hình thành nên một phong trào mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước. Tâm lý mua sắm, tiêu dùng hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực. Người tiêu dùng đã nhìn nhận đúng hơn khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, cùng với lòng tự hào dân tộc đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước sắp xếp, đổi mới, phát triển và cạnh tranh lành mạnh.

Các doanh nghiệp Việt đã nhận thức được tầm quan trọng sống còn về nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ và dây chuyền sản xuất, kinh doanh, bảo vệ thương hiệu và cách tiếp cận thị trường bài bản hơn. Hiện hàng Việt đang chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các các kênh phân phối hiện đại và từ 60% tại các kênh bán lẻ truyền thống.

Tự hào hàng Việt Nam
"Hiện nay, hàng Việt đang chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa"

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam” đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay, hàng năm đều có mức tăng trưởng trên dưới 10% so với năm trước. Ngay cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19, hay trong thời kỳ nhu cầu thế giới suy giảm như hiện nay, thì thị trường nội địa là không gian đủ rộng cho doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, Bộ Công Thương tổng kết thành những bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất, việc sớm thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động, phân công trách nhiệm cho từng thành viên Ban chỉ đạo ngay trong năm 2009 đã giúp ngành nhanh chóng tổ chức quán triệt và hướng dẫn triển khai các chủ trương của Đảng, và Nhà nước, của Chính phủ đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong ngành, tạo đà thuận lợi ngay từ những tháng đầu năm thực hiện Cuộc vận động.

Thứ hai, là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ,ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hiệp hội ngành nghề, các địa phương trong Thông tin tuyên truyền; trong rà soát, ban hành bổ sung luật pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất; trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước; trong cải cách thủ tục hành chính và quản lý thị trường.

Tự hào hàng Việt Nam
Phát triển hạ tầng thương mại điện tử là một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tổng kết tại Lễ khai mạc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam

Thứ ba, trong Chương trình hành động hàng năm của Bộ Công Thương, dành một phần nội dung quan trọng hướng đến khơi dậy nguồn lực từ các địa phương thông các hoạt động tổ chức hội chợ triển lãm thương mại cấp vùng; Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt vào khu công nghiệp - khu chế xuất; tổ chức Hội nghị “Chắp nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất hàng công nghiệp nông thôn với các kênh phân phối hàng hóa nội địa truyền thống và hiện đại”; xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản; xây dựng “Điểm bán hàng Việt Nam”; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới...

Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển hạ tầng thương mại điện tử nhằm tăng cường tương tác với người dân, với doanh nghiệp, tạo ra phương thức quản lý mới theo hướng không chỉ kiểm tra, giám sát, mà chủ yếu là mở ra những hành lang, những không gian kết nối, nhằm bắt kịp những xu hướng phát triển mới.

Tự hào hàng Việt Nam
 Lễ khai mạc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam "Tự hào hàng Việt Nam", "Tinh hoa hàng Việt Nam" thu hút hàng ngàn người tiêu dùng Thủ đô

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên "Tự hào hàng Việt Nam", "Tinh hoa hàng Việt Nam" đang bước sang một giai đoạn mới trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị xã hội, an ninh thế giới được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và khó khăn; khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào còn tiếp diễn tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, đòi hỏi toàn ngành Công Thương không được lơ là, chủ quan, theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt được các mục tiêu đạt ra của Ngành.

Để triển khai có hiệu quả Cuộc vận động trong giai đoạn mới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát các chủ trương của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, phối hợp với các thành viên trong Ban chỉ đạo và các địa phương trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”...

Ngọc Châm