TÓM TẮT:

Thiếu đất sản xuất là một trong những nguyên nhân gây ra tỷ lệ nghèo cao trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng. Nhằm giúp bà con tạo sinh kế, thoát nghèo, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện việc hỗ trợ đất sản xuất cùng nhiều hình thức hỗ trợ sinh kế khác cho đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2002. Đề tài sử dụng khảo sát hộ gia đình nhằm thu thập ý kiến, thái độ của các hộ thụ hưởng về kết quả thực hiện các chương trình hỗ trợ theo Quyết định số 1592/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg. Dữ liệu khảo sát hộ gia đình và dữ liệu thứ cấp thu thập được từ chính quyền địa phương đã được phân tích để xác định kết quả đạt được cũng như khó khăn, hạn chế trong việc hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt và chăn nuôi cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại địa bàn huyện KBang, tỉnh Gia Lai. Qua nghiên cứu, xác định có việc hỗ trợ sai đối tượng khi nhiều hộ Kinh đã được nhận hỗ trợ đất sản xuất và chăn nuôi. Bên cạnh đó, tình trạng khô hạn đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của các chương trình hỗ trợ. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao kết quả thực hiện của các chương trình hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới.

Từ khóa: Đất sản xuất, sinh kế, đồng bào dân tộc thiểu số, thoát nghèo, huyện KBang, tỉnh Gia Lai.

1. Mở đầu

Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vì nước ta là một nước nông nghiệp, 90% lao động người DTTS sinh sống bằng nghề nông (Ủy Ban Thường vụ Quốc hội [UBTVQH], 2012). Thế nhưng vấn đề thiếu đất sản xuất trong cộng đồng dân DTTS ở Việt Nam đã tồn tại nhiều thập kỷ (UBTVQH, 2012; Vu, 2014; FAO, 2013; UNDP, 2012). Trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2008, có đến 19.2% hộ DTTS, tương đương 421.405 hộ thiếu đất sản xuất và đất ở. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tỷ lệ hộ nghèo cao trong cộng đồng DTTS - 66,3%, so sánh với 12,9% tỷ lệ hộ nghèo của dân tộc Kinh (UBTVQH, 2012; World Bank, 2012; UNDP, 2012).

Để giải quyết vấn đề thiếu đất và nghèo đói trong cộng đồng DTTS, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc hỗ trợ đất sản xuất và sinh kế cho đồng bào DTTS từ năm 2002. Tại Tây Nguyên, việc hỗ trợ cho đồng bào DTTS được thực hiện theo các Quyết định số: 132/2002/QĐ-TTg, 134/2004/QĐ-TTg, 198/2007/QĐ-TTg, 1592/2009/QĐ-TTg và 755/2013/QĐ-TTg. Theo các quyết định này,  hộ DTTS nghèo được hỗ trợ một trong các hình thức: đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, đất sản xuất lâm nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Tính đến năm 2012, các chương trình này đã hỗ trợ đất cho 333.995 hộ DTTS trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, cả nước vẫn còn trên 300.000 hộ DTTS nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất, gần bằng số hộ cần đầu tư của giai đoạn khởi đầu thực hiện chính sách từ năm 2002 đến năm 2008 (UBTVQH, 2012). Riêng tỉnh Gia Lai, vẫn còn 4.992 hộ thiếu đất sản xuất với diện tích 2.971,19ha đất sản xuất và 1.793 hộ thiếu đất ở với diện tích 33,4 ha (Ban dân tộc tỉnh Gia Lai, 2015).

Mặc dù nhiều báo cáo, dự án đã phân tích, đánh giá các hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình hỗ trợ đất sản xuất và sinh kế cho đồng bào DTTS  nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: thiếu quỹ đất sản xuất để cấp cho bà con, tồn tại hiện trạng chuyển nhượng trái phép đất đã được hỗ trợ, việc hỗ trợ chưa chú trọng các biện pháp hỗ trợ dài hạn nhằm giúp giảm nghèo bền vững; mục tiêu hỗ trợ lớn nhưng thời gian thực hiện quá ngắn, và các hình thức hỗ trợ thay thế đất sản xuất chưa phát huy hiệu quả (UBTVQH, 2012; UNDP, 2012). Một nghiên cứu riêng tại địa bàn đặc thù DTTS nghèo tại Tây Nguyên vẫn cần thiết nhằm kiểm chứng những khó khăn, hạn chế trong quá trình địa phương tiến hành hỗ trợ cho bà con DTTS nghèo.

2. Phương pháp và phạm vi nghiên cứu

Nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát hộ gia đình và thu thập dữ liệu thứ cấp từ chính quyền địa phương. Về khảo sát hộ gia đình, 03 loại phiếu khảo sát được sử dụng nhằm thu thập ý kiến, thái độ từ ba nhóm đối tượng: 1) thụ hưởng hỗ trợ nước sinh hoạt, 2) thụ hưởng hỗ trợ đất sản xuất, và 3) thụ hưởng hỗ trợ chăn nuôi. Nội dung phiếu khảo sát chủ yếu về đặc điểm hộ gia đình, hình thức nhận hỗ trợ, tình hình sản xuất và mức độ hài lòng về sự hỗ trợ của Nhà nước. Mẫu nghiên cứu được lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên với tổng số mẫu là 120/1.191 hộ thụ hưởng. Dữ liệu thứ cấp đã được khai thác nhằm bổ sung, kiểm chứng dữ liệu sơ cấp, gồm: Báo cáo và số liệu thống kê của UBND tỉnh Gia Lai, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, UBND huyện KBang và Phòng Dân tộc huyện KBang liên quan đến công tác hỗ trợ đất và sinh kế trên địa bàn huyện KBang từ năm 2009 đến năm 2015.

Địa bàn nghiên cứu là 4 xã/thị trấn, gồm: Thị trấn Kbang, các xã Nghĩa An, Kong Long Khong và Kon Bla, thuộc huyện KBang, tỉnh Gia Lai.

Huyện KBang nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku khoảng 100 km theo quốc lộ 19 và quốc lộ Trường Sơn Đông. Phía Bắc giáp huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum; phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi và Bình Đình; phía Nam giáp thị xã An Khê; và phía Tây giáp huyện Mang Yang tỉnh Gia Lai. Toàn huyện có 13 xã và 01 thị trấn với dân số 66.864 người, trong đó dân tộc thiểu số là 31.912 người. Tỷ lệ hộ nghèo là 29,5%, cận nghèo 13,64%, thu nhập bình quân đầu người là 19,79 triệu đồng. Mức sống của người dân nhất là đồng bào DTTS, đặc biệt là người Bahnar còn rất thấp. Trong tổng số 4.706 hộ nghèo toàn huyện, có tới 4.131 hộ là hộ đồng bào DTTS, chiếm 87,8% (Phòng Dân tộc huyện KBang, 2015, UBND huyện Kbang, 2015).

4 xã/thị trấn thuộc địa bàn nghiên cứu đều là vùng đồng bào DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn và đã được hỗ trợ theo Quyết định số 1592 và 755, rất hữu ích cho mục tiêu nghiên cứu.

Hình 1: Địa bàn nghiên cứu

3. Kết quả nghiên cứu

Theo quy định của Chính phủ, việc hỗ trợ đất sản xuất và sinh kế cho đồng bào DTTS được thực hiện bằng nhiều hình thức, từ hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, đào tạo nghề đến chuyển đổi nghề nghiệp. Giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015, huyện KBang chỉ thực hiện hỗ trợ thông qua 03 hình thức, gồm: nước sinh hoạt theo Quyết định số 1592, đất sản xuất và chăn nuôi theo Quyết định số 755.

3.1. Hỗ trợ nước sinh hoạt 

Năm 2009, huyện KBang đã hỗ trợ nước sinh hoạt cho 952 hộ đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn 11/13 xã, thị trấn. Tổng số 623 công trình đã hoàn thành, trong đó: đào giếng 259, khoan giếng 21, bể nước 313 và khác 30 (xây sân, sửa giếng).

Nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát 62/952 hộ DTTS Bahnar được hỗ trợ nước sinh hoạt, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 65%.

Theo Bảng 1, đa số hộ đồng bào DTTS nghèo được hỗ trợ đào giếng và xây bể chứa, tương ứng 54,8% và 32,3%. Với định mức hỗ trợ 1.2 triệu đồng/hộ, trung bình 5 hộ gia đình sử dụng chung 01 công trình hỗ trợ nước sinh hoạt. Hiện tại, người dân phải tự đào hoặc khoan thêm giếng mới để có nước sinh hoạt vì nhiều giếng được xây dựng từ năm 2009 thuộc chương trình 1592 đã khô nước. Đa số bể chứa không được sử dụng thường xuyên, nhiều trường hợp bể chứa chỉ được sử dụng bởi hộ gia đình liền kề. Khảo sát cho thấy tỷ lệ hộ đủ nước sinh hoạt là 29%, không đủ nước sinh hoạt là 71%.     

Về mức độ hài lòng của bà con về việc được hỗ trợ nước sinh hoạt, 12,9% khẳng định rất hài lòng, 51,6% khẳng định hài lòng và 35,5 % khẳng định không hài lòng với một số lý do như: nước không sạch, bể nước không dùng và thiếu nước vào mùa khô. 

3.2. Hỗ trợ đất sản xuất và chăn nuôi

Năm 2015, huyện KBang đã hỗ trợ đất sản xuất và chăn nuôi cho 239 hộ đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn 10/13 xã, thị trấn. Theo Phòng Dân tộc, huyện KBang, đã phải tiến hành 02 lần rà soát đối tượng thụ hưởng trước khi được UBND tỉnh Gia Lai (2015a) phê duyệt. Nguyên nhân là do rà soát lần một có sai sót, dẫn đến đối tượng thụ hưởng nhiều, kinh phí không đảm bảo.

- Về hỗ trợ đất sản xuất

Theo UBND tỉnh Gia Lai (2015b), huyện KBang cần hoàn thành việc hỗ trợ đất sản xuất cho tổng số 265 hộ DTTS nghèo tại thời điểm tính từ ngày 31/1/2016. Trong đó, 184 hộ (125,72 ha) đề xuất hỗ trợ bằng hình thức chuyển nhượng và 81 hộ (30,215 ha) đề xuất hỗ trợ bằng hình thức khai hoang tập trung tại đầm Đăk Kmao, thị trấn KBang, hiện do Lâm trường Kanak quản lý. Đến tháng 12/2015, huyện KBang đã hỗ trợ cho 139 hộ với diện tích 87,33 ha. Riêng đối với 81 hộ đề xuất khai hoang, huyện đã lập phương án khai hoang, chia đất và hoàn chỉnh phương án trồng rừng thay thế gửi về UBND tỉnh Gia Lai quyết định chuyển đổi mục đích để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, 81 hộ này đã được UBND huyện KBang (2016) đề nghị chuyển đổi hình thức hỗ trợ sang chăn nuôi vì diện tích đề xuất khai hoang nằm trong diện tích rừng tự nhiên.

Nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát 24/139 hộ được hỗ trợ đất sản xuất; trong đó, có 17 hộ Bahnar, 5 hộ Kinh, 1 hộ Tày và và 1 hộ Nùng. Tỷ lệ hộ nghèo là 67%.

Qua khảo sát, 100% hộ tham gia khảo sát được hỗ trợ đất sản xuất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng từ cha mẹ hoặc họ hàng, với 2 loại đất là nương rẫy và ruộng lúa 2 vụ. Trong đó, đất nương rẫy chiếm tỷ lệ đa số 95,8%. Mặc dù có đến 66,7% số hộ tham gia khảo sát nhận chuyển nhượng được đất gần nguồn nước, thì có 91,7% số hộ khẳng định thiếu nước sản xuất, đặc biệt vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 5.

91,7% số hộ tham gia khảo sát đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, 87,5% đã canh tác trên đất được hỗ trợ với hai loại cây trồng chính là mía và mì. Chỉ có 12,5% chưa tiến hành trồng trọt nhưng không có hộ nào bán, cho thuê hoặc cho mượn đất. Tỷ lệ cây sinh trưởng bình thường là 61,9%.

Tỷ lệ hộ có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp là 95,8%. Chỉ có 11/24 hộ tham gia phỏng vấn xác nhận chính quyền địa phương có tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ tham gia tập huấn là 90,9% trên tổng số hộ biết về việc tổ chức tập huấn của chính quyền địa phương. Được phỏng vấn về khó khăn gặp phải trong sản xuất nông nghiệp, 79,3% số hộ tham gia khảo sát cho rằng đó là vấn đề thiếu nước và nắng hạn, tỷ lệ còn lại 20,7% liệt kê các khó khăn khác như đất xói mòn, thiếu nhân công, phân bón và rẫy ở xa.

Tỷ lệ rất hài lòng và hài lòng với sự hỗ trợ đất sản xuất của Nhà nước, tương ứng 45,8% và 37,5%. Chỉ có 16,7% hộ tham gia khảo sát thể hiện sự không hài lòng vì 02 lý do là đất xấu và thiếu nước sản xuất.

- Về hỗ trợ chăn nuôi

Theo UBND tỉnh Gia Lai (2015c), huyện KBang cần hoàn thành việc chuyển đổi ngành nghề chăn nuôi cho 100 hộ đồng bào DTTS nghèo tại thời điểm ngày 31/1/2016. Tháng 12/2015, đã có 97 hộ hoàn tất việc mua bán với tổng số 116 vật nuôi (98 con bò và 18 con dê). Còn lại 3 hộ tại xã Tơ Tung chưa hoàn thành việc mua và nghiệm thu bò. Đã có 72/97 hộ chăn nuôi có chuồng trại, còn 25 hộ đang làm chuồng trại.

Nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát 34/100 hộ gia đình đã được hỗ trợ chăn nuôi. Trong đó, có 26 hộ người Bahnar và 08 hộ người kinh. Tỷ lệ hộ nghèo là 82%.

Về loại giống vật nuôi, chiếm tỷ lệ 88,2% là các hộ được hỗ trợ mua bò, còn lại 11,8% nhận hỗ trợ mua dê. Tại thời điểm khảo sát, 100% vật nuôi còn sống, trong đó mức độ tăng trưởng nhanh chiếm 35,2%, trung bình chiếm 53% và chậm chiếm 11,8%; và đã có 02 bò cái sinh sản và 01 bò cái đang mang thai. Trong quá trình chăn nuôi, vấn đề nắng hạn mùa khô và không có đồng cỏ chăn dắt được 100% tỷ lệ bà con khẳng định là hai nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của vật nuôi. Để có thức ăn cho vật nuôi, các hộ gia đình phải đi cắt đọt mía hoặc dùng tinh bột thay thế.

Hình 2: Mức độ tăng trưởng của vật nuôi

Khảo sát về kinh nghiệm chăn nuôi và tập huấn chăn nuôi, 58,8% số hộ tham gia khảo sát trả lời đã có kinh nghiệm chăn nuôi. Chỉ có 8/34 hộ xác nhận chính quyền địa phương có tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và tỷ lệ tham gia tập huấn là 87,5% trên tổng số hộ biết về việc tổ chức tập huấn của chính quyền địa phương.    

Tỷ lệ rất hài lòng và hài lòng với sự hỗ trợ của nhà nước là 85,3%, chỉ có 5/34 hộ với tỷ lệ 11,7% không hài lòng vì một số lý do như không thích nuôi bò nhưng chính quyền yêu cầu nuôi bò để được nhận hỗ trợ, thiếu nhân công và bò không lớn.  

4. Thảo luận và đề xuất

4.1. Thảo luận kết quả

Từ kết quả phân tích trên, có một số thảo luận sau:

Kết quả đạt được:

Từ 2009 đến 2015, huyện KBang đã nỗ lực thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất và sinh kế cho cộng đồng DTTS nghèo, kết quả đã có 1.191 hộ nhận được hỗ trợ. Trong đó, 952 hộ DTTS Bahnar được thụ hưởng 623 công trình hỗ trợ cung cấp nước sinh hoạt, 100 hộ được hỗ trợ mua 116 con giống vật nuôi để chuyển đổi ngành nghề và 139 hộ được hỗ trợ tổng cộng 87,33 ha đất sản xuất.

Đa số các hộ được hỗ trợ đất sản xuất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã tiến hành trồng trọt trên đất. Không có hộ nào chuyển nhượng, cho thuê hoặc cho mượn đất đã được hỗ trợ như hiện trạng tại nhiều địa phương (UNDP, 2012; UBTVQH, 2012). Tương tự, các hộ được hỗ trợ chăn nuôi hầu hết đã hoàn thành việc xây dựng chuồng trại cho vật nuôi, tỷ lệ vật nuôi sống đạt 100%, đặc biệt có trường hợp vật nuôi đã sinh sản hoặc đang mang thai. Tỷ lệ hài lòng với sự hỗ trợ của nhà nước của 02 nhóm hộ nhận hỗ trợ đất sản xuất và chăn nuôi khá cao, dao động từ 83,3% đến 85,3%. 

Khó khăn và hạn chế:

Mục tiêu chính của các chương trình hỗ trợ đất và sinh kế cho đồng bào DTTS là giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, tạo sinh kế giúp bà con thoát nghèo. Tuy nhiên, dù đã được hỗ trợ từ năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo trong nhóm hộ đồng bào DTTS nhận hỗ trợ nước sinh hoạt còn ở mức cao, tương ứng 65%.

Về hỗ trợ đất sản xuất và chăn nuôi cho bà con, UBND huyện KBang vẫn đang tiếp tục thực hiện. Trong phạm vi nghiên cứu này, chúng tôi chưa có cơ sở để tiến hành đánh giá mức độ giảm nghèo của các chương trình hỗ trợ này, cũng như kiểm chứng hiệu quả hay không hiệu quả của việc sử dụng hỗ trợ chăn nuôi như là một hình thức thay thế đất sản xuất (UBTVQH, 2012; UNDP, 2012).

Có việc hỗ trợ sai đối tượng khi thực hiện hỗ trợ đất sản xuất và chăn nuôi tại địa bàn nghiên cứu. Có thể nói đây là một hiện trạng chưa được đề cập ở những nghiên cứu trước đây về cùng chủ đề. Một nguyên tắc quan trọng của các chương trình hỗ trợ đất và sinh kế cho đồng bào DTTS là chỉ hỗ trợ cho các hộ DTTS nghèo. Tuy nhiên, có đến 20,8% số hộ tham gia khảo sát đã nhận hỗ trợ đất sản xuất là hộ người Kinh và 24% số hộ tham gia khảo sát đã nhận hỗ trợ chăn nuôi là hộ người Kinh.

Kết quả khảo sát chứng minh huyện KBang cũng gặp khó khăn trong việc tạo quỹ đất sản xuất để cấp cho bà con, giống như hiện trạng tại nhiều địa phương khác (UNDP, 2012; UBTVQH, 2012). Tất cả 139 hộ được hỗ trợ đất sản xuất đều phải tự tìm đất để được Nhà nước hỗ trợ chuyển nhượng. Còn 81 hộ đăng ký khai hoang tại đầm Đăk Kmao thì phải chuyển sang hình thức nhận hỗ trợ chăn nuôi vì vướng mắc trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng nghèo sang đất sản xuất nông nghiệp.

Vì vấn đề nắng hạn gây thiếu nước, rất nhiều công trình hỗ trợ nước sinh hoạt không còn phát huy tác dụng, người dân phải tự đào hoặc khoan giếng mới để có nước sinh hoạt. Hiện trạng thời tiết này cũng được đa số bà con phản ánh là những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến hoạt động trồng trọt và chăn nuôi. 91,7% số hộ gia đình nhận hỗ trợ đất sản xuất bị thiếu nước sản xuất. Đa số bà con nhận hỗ trợ chăn nuôi phải dùng đọt mía hoặc tinh bột làm thức ăn thay thế cỏ cho bò, dê.   

Việc thực hiện hỗ trợ đất sản xuất và chăn nuôi chậm so với kế hoạch đề ra, một phần do chính quyền địa phương có sai sót trong việc xác định chính xác đối tượng thụ hưởng ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện. Một phần do mục tiêu hỗ trợ lớn nhưng thời gian thực hiện quá ngắn như UBTVQH (2012) và UNDP (2012) đã phân tích, đánh giá. Quyết định số 755 có hiệu lực từ ngày 20/5/2013, nhưng đến tháng 8/2015, UBND tỉnh Gia Lai (2015b & 2015c) mới ban hành Quyết định phân bổ vốn thực hiện. Cuối tháng 12/2015, huyện KBang mới cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho bà con và vẫn còn nhiều trường hợp sẽ được hỗ trợ trong năm tài chính 2016.

Công tác tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho các hộ thụ hưởng chưa được phổ biến sâu rộng đến bà con. Chỉ có 45,8% số hộ thụ hưởng đất sản xuất biết đến việc chính quyền địa phương có tổ chức tập huấn, tỷ lệ này đối với các hộ thụ hưởng chăn nuôi thấp hơn, chỉ chiếm 23,5%. Trong khi đó đây là một trong nhiều khuyến nghị mà UBTVQH (2012) và UNDP (2012) đưa ra nhằm cung cấp các hỗ trợ mang tính dài hạn, giúp bà con giảm nghèo bền vững. 

4.2. Đề xuất

Để các chương trình hỗ trợ đất và sinh kế thực sự trở thành cơ hội thoát nghèo cho đồng bào DTTS tại địa bàn nghiên cứu, dựa trên kết quả nghiên cứu, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

- UBND tỉnh Gia Lai cần ban hành văn bản hướng dẫn quy trình rà soát và đăng ký hỗ trợ thống nhất, đồng bộ áp dụng thực hiện cho tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh nhằm tránh tình trạng phải rà soát đối tượng thụ hưởng nhiều lần gây ảnh hưởng đến tiến bộ thực hiện các chương trình hỗ trợ.

- UBND huyện KBang không tiếp tục hỗ trợ đất sản xuất và giống vật nuôi cho đối tượng không thuộc diện thụ hưởng như đã diễn ra trong quá trình thực hiện hỗ trợ theo Quyết định số 755 tại địa phương.

- UBND cấp xã thuộc huyện KBang cần chú trọng hơn nữa việc thông báo rộng rãi các đợt tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi đến các hộ đồng bào DTTS để bà con tham gia đầy đủ.

- Việc tiến hành một nghiên cứu khoa học liên quan đến vấn đề nắng hạn tại huyện KBang là cần thiết khi mà kết quả khảo sát đã minh chứng ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng này đến sản xuất và đời sống của bà con tại địa phương ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai (2015). Báo cáo số 40/BC-BDT ngày 02/02/2015 của Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai về tình hình thiếu đất sản xuất theo Quyết định số 134, Quyết định số 1592, Quyết định số 755/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

2. FAO (2013). Đất sản xuất cho đồng bào dân tộc ít người, thực trạng và các giải pháp. Báo cáo trình bày tại Hội thảo Thực trạng quản lý và sử dụng đất đai vùng dân tộc và miền núi, tháng 01/2013.

3. Phòng Dân tộc huyện KBang (2015). Báo cáo số 72/BC-PDT ngày 03/11/2015 của Phòng Dân tộc huyện KBang về tình hình thực hiện công tác dân tộc năm 2015; phương hướng nhiệm vụ năm 2016.

4. Quyết định số 1592/2009/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

5. Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

6. UBND huyện Kbang (2015). Báo cáo số 279/BC-UBND ngày 03/12/2015 của UBND huyện KBang về tình hình thực hiện chính sách theo Quyết định số 755/QĐ-TTg và các chính sách dân tộc khác năm 2015; phương hướng, nhiệm vụ năm 2016.

7. UBND huyện KBang (2016). Công văn số 1190/UBND-KT ngày 02/8/2016 của UBND huyện KBang về việc đề nghị điều chỉnh nội dung, hình thức hỗ trợ theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện.

8. UBND tỉnh Gia Lai (2015). Quyết định số 262/QĐ-UBND của tỉnh ngày 5/5/2015 về việc phê duyệt Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

9. UBND tỉnh Gia Lai (2015b). Quyết định số 374/QĐ-UBND ngày 29/6/2015 của UBND tỉnh Gia lai về việc phân bổ kinh phí thực hiện hỗ trợ đất sản xuất.

10. UBND tỉnh Gia Lai (2015c). Quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 28/8/2015 của UBND tỉnh Gia lai về việc phân bố kinh phí thực hiện hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề chăn nuôi.

11. UBTVQH (2012). Báo cáo số 252/BC-UBTVQH13 ngày 16/10/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

12. UNDP (2012). Nghiên cứu thực trạng và đề xuất chính sách quản lý và sử dụng đất vùng dân tộc miền núi. Dự án: “Tăng cường năng lực trong việc xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách dân tộc thiểu số (EMPCD).

13. Vũ, Văn Mễ (2014). Luật Đất đai năm 2013: Cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo tại tỉnh Hoà Bình, ĐắkLăk, Đắk Nông. Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu.

14. World Bank (2012). Báo cáo đánh giá nghèo Việt Nam năm 2012.

ARABLE LAND AND LIVELIHOOD SUPPORT: AN OPPORTUNITY FOR ETHNIC MINORITIES TO ESCAPE POVERTY IN KBANG DISTRICT, GIA LAI PROVINCE

● MA. VO THI MINH HOA

● MA. NGUYEN THI THU

● MA. VO THI BICH THUONG

● MA. NGUYEN THI LAN THUONG

Gia Lai Campus of Ho Chi Minh City Nong Lam University

 

ABSTRACT:

One of the main reasons causing a high poverty rate of ethnic minorities in Vietnam and in Gia Lai province in particular is their lack of arable land. In order to help ethnic minorities earn livelihood escaping poverty, the Government of Vietnam has implemented many policies on providing arable land and other provisions for ethnic minorities since 2002. This research used household surveys among ethnic minorities to gather their perspectives on the implementation of these provisions according to Decisions 1592/2009/QD-TTg and 755/2013/QD-TTg. Household survey data together with secondary data from local government were analyzed to determine achievements and challenges in providing poor ethnic households with arable land, water and livestock breed in KBang district, Gia Lai province. There was one finding that many Kinh households wrongly received arable land and livestock breed. In addition, water shortage seems to have a negative impact on the implementation of providing arable land, water and livestock breed for poor ethnic households of the Government. From the findings, some recommendations were proposed to help local government improve the implementation of support programs for ethnic minorities.              

Keywords: Arable land, livelihoods, ethnic minorities, escaping poverty, KBang district, Gia Lai province.