Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển, áp dụng thí điểm, phổ biến và nhân rộng các giải pháp công nghệ ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương sẽ được đề xuất hỗ trợ.

Thực hiện Quyết định 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 Phê duyệt Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/7/2020, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 1978/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phầm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Mục tiêu của Quyết định nhằm xác định, phân công và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, thống nhất, khoa học và hiệu quả những nhiệm vụ của Bộ Công Thương tại Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia.

truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
Thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Ảnh: Internet

 

Theo đó, giai đoạn 2020-2025, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ chính.

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm, hàng hóa ngành Công Thương

Trong năm 2020, Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) là đơn vị chủ trì phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước để rà soát các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Giai đoạn 2020-2025, Vụ có trách nhiệm đề xuất xây dựng, bổ sung các quy định văn bản pháp luật, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc.

Vụ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, các Cục, Vụ trong Bộ có liên quan đề xuất Danh mục các nhóm sản phẩm, hàng hóa bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc, nhóm sản phẩm ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Các nhiệm vụ được triển khai trong giai đoạn 2020-2025.

Xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chịu trách nhiệm chủ trì việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ sở dữ liệu đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia. Dự kiến vận hành vào năm 2023.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2020-2025, Cục cũng phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương bảo đảm kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.

Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng truy xuất nguồn gốc

Trong giai đoạn 2020-2025, Vụ Khoa học và Công nghệ là đơn vị chủ trì triển khai, đề xuất các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, để phát triển các giải pháp, công nghệ ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc.

Đặc biệt lưu ý đề xuất gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để hỗ trợ tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển, áp dụng thí điểm, phổ biến và nhân rộng các giải pháp công nghệ ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, hợp tác quốc tế

Việc tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án và các nội dung khác về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa đến các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương để tham gia thực hiện sẽ do Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2020-2025.

Để hỗ trợ công tác tuyên truyền phổ biến về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đạt hiệu quả, trong giai đoạn 2020-2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ phối hợp cùng Vụ Khoa học và Công nghệ để xây dựng trang thông tin điện tử về truy xuất nguồn gốc.

Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện

Hàng năm, Tổng cục Quản lý thị trường chịu trách nhiệm lên kế hoạch, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Vụ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Đề án.

Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng dự toán, kế hoạch bố trí ngân sách triển khai các nhiệm vụ của Bộ Công Thương cho việc thực hiện Đề án.

Và cuối cùng, Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì việc Báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ của Đề án gửi Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp.

Hiện các nội dung của Đề án đang được triển khai, các tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến lĩnh vực này của Bộ Công Thương có thể đăng ký tham gia với Vụ Khoa học và Công nghệ để biết thêm chi tiết.

 

Mục tiêu cụ thể của Đề án triển khai, áp dụng  và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, giai đoạn đến năm 2025 như sau:

- Hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc.

- Xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và 02 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc, các tài liệu hướng dẫn áp dụng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể.

- Tối thiểu 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

- Hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.

Hồ Nga