Hỗ trợ doanh nghiệp ĐBSCL tham gia vào chuỗi phân phối ngoại

Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và đưa hàng hóa thương hiệu Việt Nam có mặt ngày càng nhiều trên kệ siêu thị của các Tập đoàn phân phối lớn trên thế giới.

Trong khuôn khổ Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp hệ thống phân phối nước ngoài, mới đây Bộ Công Thương phối hợp với UBND Tỉnh Bến Tre, các Tập đoàn phân phối lớn Aeon, Walmart, Central Group; Ngân hàng Phát triển nông thôn và các Hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội thảo/ tập huấn kết nối mua hàng nông sản, thực phẩm” vào các chuỗi phân phối nước ngoài cho các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu long.

Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp trong các ngành hàng thực phẩm như gia vị, trái cây, đặc sản vùng miền, cà phê, chè…, dệt may, da giầy… Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, đơn vị chủ trì Đề án của Bộ Công Thương cho biết đây là hoạt động quan trọng hướng tới doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu long, với mục đích (i) nâng cao năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam;  (ii) kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu  trực tiếp với bộ phận mua hàng của các Tập đoàn phân phối lớn và (iii) kết nối doanh nghiệp với các ngân hàng để tìm kiếm giải pháp hỗ trợ tài chính cho quá trình sản xuất thực hiện đơn hàng cho các Tập đoàn phân phối quốc tế.

 Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Lãnh đạo UBND Tỉnh Bến tre, đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo  đối với các doanh nghiệp Bến Tre nói riêng và Đồng bằng sông Cửu long nói chung.  Hội thảo được tổ chức với hình thức thiết thực đã nhận được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp. Với mục tiêu hướng tới tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu, Ban tổ chức chia Hội thảo thành 2 phần. Phần tập huấn cung cấp thông tin cho những doanh nghiệp quan tâm nhưng chưa sẵn sàng đưa hàng vào các  hệ thống phân phối nước ngoài và phần kết nối doanh nghiệp (B2B) giúp cho các doanh nghiệp đã có hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của các hệ thống phân phối có cơ hội trực tiếp gặp gỡ nhân sự mua hàng để giới thiệu, chào bán sản phẩm của mình.

Tại Hội thảo, chuyên gia của Central Group, Aeon và Walmart đã giới thiệu định hướng mua hàng của Tập đoàn, các yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến để tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối toàn cầu của họ.

Bên cạnh đó, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng giới thiệu các gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp đưa hàng vào hệ thống phân phối nước ngoài. Đây được coi là sự phối hợp khép kín, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu từ đầu ra cho đến các giải pháp tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua và chế biến xuất khẩu.

Thông qua những Hội thảo này, Bộ Công Thương mong muốn tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và đưa hàng hóa thương hiệu Việt Nam có mặt ngày càng nhiều trên kệ của các siêu thị của các Tập đoàn phân phối lớn trên thế giới.

Walmart là chuỗi bán lẻ lớn nhất của Mỹ, hiện có mặt tại 27 quốc gia, tổng doanh thu của tập đoàn này trong năm 2018 đạt trên 500 tỷ USD với số lượng khách hàng phục vụ bình quân 270 triệu khách/tuần.

 AEON là hệ thống bán lẻ lớn nhất và lâu đời nhất tại Nhật Bản, thành lập từ năm 1758, với 16.498 trung tâm và cửa hàng tại Nhật và các nước khu vực Châu Á (Trung quốc, Malaysia, Indonesia, Việt Nam...).

Central Group là một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan với hệ thống cửa hàng ở nhiều nước trong khu vực Châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Châu Âu như Đức, Ý, Đan Mạch.

Phụng Hiệp