Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực và năng suất sản xuất

Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có mặt ở hầu hết các vùng, địa phương tận dụng và khai thác tốt các nguồn lực tại chỗ. Song, khu vực này đang gặp rất nhiều khó khăn trong gia tăng hợp tác thương mại, đầu tư với các đối tác nước ngoài.

Chiều 21/5/2021, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) đã phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (FICCI), Phòng Kinh doanh Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM) và Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Ấn Độ (AIBC) tổ chức lễ khởi động Dự án “Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kết nối Ấn Độ - Tiểu Vùng sông Mê Kông mở rộng”.

cục xúc tiến thương mại
Cục trưởng Vũ Bá Phú cho rằng, dù giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn trong gia tăng hợp tác thương mại, đầu tư với các đối tác nước ngoài

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay, theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Việt Nam hiện có khoảng 700.000 DNNVV, chiếm khoảng 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực tế, đóng góp tới 45% trong GDP, khu vực này đóng góp khoảng trên 31% tổng số thu ngân sách nhà nước và thu hút hơn 5 triệu lao động.

Hiện nay, DNNVV đã có mặt ở hầu hết các vùng, địa phương tận dụng và khai thác tốt các nguồn lực tại chỗ. Mặc dù có số lượng áp đảo song cũng là khu vực gặp nhiều thách thức về cạnh tranh và dễ bị tổn thương trong thương mại quốc tế nhất là độ mở nền kinh tế và mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam rất cao.

Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia cao cấp về hợp tác khu vực, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng khẳng định, khu vực DNNVV đang phát triển rất mạnh mẽ, có khả năng chống chịu cho cả nền kinh tế bằng việc duy trì việc làm, tạo thu nhập cho người lao động…

Mặc dù có số lượng áp đảo song theo ông Vũ Bá Phú, các DNNVV Việt Nam đang gặp nhiều thách thức về cạnh tranh và dễ bị tổn thương trong thương mại quốc tế. Nhận thấy rõ tiềm năng phát triển cũng như khó khăn thách thức của khu vực kinh tế này, thời gian qua, Bộ Công Thương với vai trò đầu mối về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

“Đặc biệt, Dự án được khởi động ngày hôm nay sẽ giúp cải thiện và tối ưu hóa lợi ích mang lại từ quá trình hỗ trợ quốc tế hóa cho DNNVV; cung cấp cơ hội nâng cao năng lực và năng suất sản xuất; thúc đẩy các cơ hội thương mại và đầu tư trong khu vực”, ông Vũ Bá Phú nói.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Bá Hùng cũng cho hay, Việt Nam, Ấn Độ và các nước tiểu vùng sông Mê Kông đang triển khai tiêm vaccine phòng, chống Covid-19, trong thời gian tới nền kinh tế của các nước dần khởi sắc.

Khi đó, DNNVV sẵn sàng tiếp cận các cơ hội và tái lập khôi phục sau đại dịch. Đây cũng là thời điểm thích hợp ADB tài trợ thực hiện dự án, cũng đồng thời hỗ trợ DNNVV Việt Nam tham gia, thụ hưởng tài trợ và khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Dự án lựa chọn Ấn Độ, Việt Nam và một số quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng là đối tượng thực hiện bởi DNNVV các quốc gia này có sức tăng trưởng cao, hội nhập mạnh mẽ. Bên cạnh đó, chúng tôi thấy có nhiều cơ hội mở ra cho khu vực kinh tế này nhưng chưa được tận dụng.

“Hy vọng thông qua Dự án này sẽ mở rộng cơ hội hợp tác giữa DNNVV Ấn Độ và các nước tiểu vùng sông Mê Kông, nhất là Việt Nam, Campuchia”, ông Nguyễn Bá Hùng kỳ vọng.

cục xúc tiến thương mại
Dự án này sẽ mở rộng cơ hội hợp tác giữa DNNVV Ấn Độ và các nước tiểu vùng sông Mê Kông, nhất là Việt Nam, Campuchia

Về cơ hội của DNNVV thông qua Dự án, ông Mohammad Athar - Quản lý, PwC Việt Nam chia sẻ, ô tô, ngành hàng điện tử, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khoẻ, máy nông nghiệp, thực phẩm, phương tiện truyền thông, chế biến thực phẩm, dệt may, mạ điện… là những lĩnh vực doanh nghiệp Ấn Độ đang có nhu cầu lớn tìm đối tác hợp tác sản xuất và phân phối.

Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để DNNVV các quốc gia có thể hiểu nhau về mặt thương mại, vượt qua khoảng cách địa lý, hợp tác thành công. “Dự án với các hoạt động tư vấn trực tiếp, tư vấn song song qua các hoạt động đào tạo và hội thảo trực tuyến sẽ giúp DNNVV các quốc gia khắc phục trở ngại trên”, ông Mohammad Athar chia sẻ.

Bên cạnh đó, thông qua Dự án, các đối tác sẽ thiết kế chương trình để cung cấp các nguồn thông tin, có hoạt động đào tạo, hội thảo trực tuyến, cố vấn 1-1, giới thiệu đối tác tiềm năng, tư vấn hồ sơ, thủ tục. Ngoài ra, Dự án còn giúp các DNNVV tham gia các đoàn khảo sát thương mại, xây dựng kế hoạch hành động, huy động vốn.

Dự án cũng dự kiến tổ chức nhiều hoạt động, trong đó tổ chức 2 đoàn thương mại Ấn Độ sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác, kinh doanh; hỗ trợ DNNVV tiếp cận với đại sứ, cơ quan của Chính phủ thảo luận các chính sách; hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, quốc tế.

“Hiện, các đối tác của dự án đã tạo ra nền tảng trực tuyến để tổ chức các sự kiện, đây sẽ là nơi giao lưu trực tiếp giúp đẩy mạnh tương tác giữa các doanh nghiệp. Sau khi hết dịch bệnh sẽ chuyển từ hình thức trực tuyến sang trực tiếp”, ông Hemant Seth, Giám đốc Liên đoàn Phòng Công nghiệp và thương mại Ấn Độ thông tin thêm.

Hạ An