Hỗ trợ HTX huy động vốn sản xuất kinh doanh

Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012. Sau hơn 8 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đã nảy sinh một số tồn tại, bất cập.

Cụ thể, mức độ đóng góp của khu vực kinh tế tập thể (KTTT) vào cơ cấu nền kinh tế quốc dân ở nước ta ngày càng suy giảm, từ trên 5% năm 2013 xuống còn gần 3,7% năm 2020.

Dự báo trong những năm tới, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế GDP của khu vực KTTT ở nước ta sẽ tiếp tục giảm. Thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX rất thấp, đạt trung bình năm 2020 là 51,31 triệu đồng/người so với bình quân cả nước là 63,61 triệu đồng/người.

Thứ hai, số lượng thành viên hợp tác xã (HTX) cả nước giảm từ 8 triệu thành viên (năm 2013) xuống 5,7 triệu thành viên (năm 2021), chiếm khoảng 5,8% dân số cả nước, so với bình quân thế giới là 15% trên dân số toàn cầu. Việc phát triển số lượng thành viên HTX ở nước ta kém xa các nước trong khu vực, châu lục và thế giới như: ở Hà Lan có 17 triệu dân nhưng có tới 30 triệu thành viên HTX; ở Nhật Bản có 65 triệu thành viên HTX trên tổng số khoảng 126 triệu dân; ở Trung Quốc có hơn 100 triệu hộ gia đình đã tham gia vào HTX, ở Thái Lan có tổng số thành viên HTX là 12 triệu thành viên, chiếm khoảng 17,3% dân số.

Thứ ba, quy mô HTX đa phần còn nhỏ, tính hợp tác của HTX còn yếu. Phần lớn các tổ chức, HTX có quy mô nhỏ và rất nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền và giữa các khu vực kinh tế nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Doanh thu, lợi nhuận bình quân của HTX còn rất thấp so với tiềm năng và so với doanh nghiệp. Dự kiến đến tháng 12/2021 doanh thu trung bình một năm của HTX ước đạt khoảng 4,9 tỷ/HTX, lợi nhuận đạt khoảng 366 triệu đồng/HTX/năm.

Để khắc phục những bất cập trên, Chính phủ cho xây dựng Dự án Luật HTX (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, hướng tới 8 mục tiêu.

Một là, tạo môi trường KTTT phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng nhiều loại hình, nhiều đối tượng tham gia. Làm rõ vị trí, vai trò của các tổ chức KTHT, tổ chức đại diện trong khu vực KTTT hiện nay để các tổ chức này hoạt động một cách hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển chung trên thế giới.

Hai là, sửa đổi, hoàn thiện các quy định gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của HTX, LHHTX cản trở sự phát triển trong sản xuất kinh doanh, gia nhập thị trường, hội nhập quốc tế của HTX, LHHTX.

Ba là, phân loại thành viên tham gia HTX, quy định quyền lợi, trách nhiệm phù hợp với từng loại thành viên tham gia vào hoạt động của HTX. Từ đó tạo môi trường dân chủ, bình đẳng thu hút nhiều đối tượng tham gia là thành viên HTX, cùng góp vốn, góp sức cho HTX. Giúp khu vực KTTT phát triển những HTX có quy mô lớn về thành viên, vốn và giá trị kinh tế.

Bốn là, hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý tài sản, tài chính hiện hành nhằm tạo điều kiện HTX huy động vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển tài sản không chia của HTX.

Năm là, hoàn thiện cơ cấu tổ chức hoạt động HTX, LHHTX nâng cao tính minh bạch và kỷ luật trong quản lý HTX, LHHTX thông qua kiểm toán.

Sáu là, nâng cao hiệu quả, chất lượng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước. Thống nhất được các cơ chế chính sách hỗ trợ cho khu vực KTTT đang còn dàn trải. Tập trung vào các chính sách mang tính định hướng phát huy bản chất đặc thù, tạo động lực phát triển và phòng ngừa rủi ro cho các tổ chức KTHT.

Bảy là, hoàn thiện quy định quản lý nhà nước đối với lĩnh vực KTTT theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đơn giản hoá và rút ngắn thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Tám là, quy định rõ hơn bản chất HTX theo những nguyên tắc chung của Liên minh HTX quốc tế, tạo điều kiện cho HTX ở nước ta hội nhập, phát triển.

Các chính sách được bổ sung vào Dự thảo sửa đổi nhằm:

- Khuyến khích cá nhân, tổ chức, pháp nhân tham gia thành viên tham gia thành viên HTX, tạo động động lực để các thành viên xây dựng HTX thông qua các quy định về phân loại thành viên, tỷ lệ và hình thức góp vốn.

- Chuyển quy định hạn chế tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho khách hàng không phải thành viên xuống quy định tại điều lệ HTX để khuyến khích nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường của HTX.

- Hoàn thiện quy định về phân phối thu nhập theo hướng tăng tính tự chủ của HTX.

- Hoàn thiện các quy định tài sản của HTX về nguồn hình thành, sử dụng và xử lý tài sản khi giải thể, phá sản, đặc biệt là tài sản không chia.

- Bỏ quy định chi tiết về sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho thành viên, hợp tác xã thành viên tại Khoản 6, Điều 4, Luật HTX năm 2012.

- Sửa đổi, bổ sung Khoản 13 Điều 21 Luật HTX năm 2012 cho phép khách hàng không phải là thành viên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của HTX, LHHTX nhưng không làm ảnh hưởng, gián đoạn đến việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên trong HTX, LHHTX đó. Tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm của HTX, LHHTX cho khách hàng do điều lệ HTX, LHHTX quy định.

- Sửa đổi quy định về góp vốn của thành viên theo hướng tăng tỷ lệ góp vốn tối đa, bổ sung điều kiện rút/trả lại vốn góp cho thành viên không làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX, được quy định trong điều lệ HTX (vd: mức trả hàng năm tối đa không quá 30% vốn điều lệ, thời gian trả không quá 5 năm).

- Sửa đổi bổ sung quy định vốn góp của thành viên dưới dạng vốn cổ phần (member's share) và có các quy định ràng buộc tương tự như vốn góp (các thành viên có quyền biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vào số lượng cổ phần, số lượng cổ phần tối đa mỗi thành viên có thể nắm giữ, giá trị cổ phần do điều lệ HTX quy định…). Cho phép thành viên giao dịch, chuyển nhượng vốn cổ phần với nhau trừ trường hợp pháp luật và Điều lệ HTX có quy định khác.

- Sửa đổi quy định “chủ yếu” phân phối theo mức độ sử dụng sản phẩm dịch vụ của thành viên, HTX thành viên, theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với HTX tạo việc làm thành “theo tỷ lệ do điều lệ HTX, LHHTX quy định”.

- Bổ sung quy định "quỹ không chia" hình thành tài sản không chia (bao gồm: Khoản trích lập thặng dư hàng năm (vd: 10%); Khoản nhà nước hỗ trợ; Tài trợ, quà, biếu, tặng từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước. Quỹ không chia được sử dụng mục đích phát triển cộng đồng như: xây dựng các công trình phúc lợi văn hóa, xã hội, kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động cộng đồng, giáo dục đào tạo cán bộ trẻ tuổi, người lao động...

- Sửa đổi quy định về trích lập các loại quỹ: quỹ đầu tư phát triển (không thấp hơn 15% thặng dư trước thuế, quỹ không chia (trích lập tối thiểu 10%), quỹ dự phòng tài chính (không thấp hơn 5% thặng dư trước thuế) và các quỹ khác, trích lập sau thuế do điều lệ HTX, LHHTX quy định.

- Sửa đổi, bổ sung quy định cho phép sử dụng các nguồn vốn thuộc tài sản không chia của HTX để đầu tư góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp theo quy định của Điều lệ HTX. Tài sản không chia được xem xét, xử lý vào thời điểm HTX giải thể, tổ chức lại, chuyển đổi.

Hải Hà