Hỗ trợ kết nối thực phẩm an toàn

Để góp phần thúc đẩy hệ thống phân phối phát triển và đáp ứng ngày càng tốt hơn các điều kiện về an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nội dung về phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn và quản lý chợ an toàn thực phẩm.

Chương trình hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương năm 2020 được thực hiện trong khuôn khổ Dự án An toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số.

Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Kết luận số 11-KL/TW ngày 19 tháng 01 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư Khóa XI về tăng cường sự Lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số năm 2020, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai nhiều nội dung về phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn và quản lý chợ an toàn thực phẩm.

Hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn

Để góp phần thúc đẩy hệ thống phân phối phát triển và đáp ứng ngày càng tốt các điều kiện về an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã thường xuyên (i) Tuyên truyền, phổ biến việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, kịp thời có văn bản hướng dẫn, giải đáp thắc mắc trong quá trình triển khai; (ii) Phối hợp với Sở Công Thương địa phương tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa; (iii) Tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại hệ thống các siêu thị lớn nhằm kết nối nguồn hàng thực phẩm bảo đảm an toàn vào hệ thống phân phối tại địa phương.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm vào tháng 01 năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đã đánh giá Mạng lưới kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là hệ thống phân phối thực phẩm có kiểm soát đã phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng; giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm nông sản sạch và an toàn.

Hiện cả nước có trên 1.084 siêu thị, 204 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đang phát triển nhanh, được phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chương trình Bình ổn thị trường năm 2019, cả nước cũng có khoảng 20.000 điểm bán bình ổn thị trường, là những điểm bán được người tiêu dùng toàn quốc tin cậy về an toàn thực phẩm và giá cả ổn định.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020, Bộ Công Thương cũng đã hỗ trợ 22 địa phương xây dựng các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn, một số địa phương cũng đã nhân rộng mô hình theo tiêu chí hướng dẫn của Bộ Công Thương. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP cũng đã được kết nối vào một số hệ thống phân phối trên địa bàn cả nước như Big C, MM Mega Market, Saigon Co.op…

Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) đã phối hợp với Tập đoàn Central Retail Việt Nam - chuỗi siêu thị BigC và Go! tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ đặc sản an toàn như Tuần lễ cá sông Đà của tỉnh Hòa Bình và Sơn La”; “Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La”; “Tuần lễ vải thiều Bắc Giang”; “Tuần lễ đặc sản Tây Bắc và các tỉnh miền núi phía Bắc; “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả có múi và nông, thủy sản an toàn, chất lượng tỉnh Hoà Bình”.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, tỉnh Long An, tỉnh An Giang, tỉnh Đồng Tháp… tổ chức các Hội nghị kết nối đưa nguồn hàng thực phẩm an toàn, chất lượng vào hệ thống phân phối.

Sự kiện được thực hiện nhằm giới thiệu nguồn hàng an toàn, đạt chứng nhận xuất xứ của cơ quan quản lý Nhà nước vào hệ thống phân phối và chính nguồn hàng an toàn này phục vụ người dân khu vực trong dịp lễ Tết cuối năm, nâng cao nhận thức của cả người sản xuất và người tiêu dùng trong bối cảnh Chính phủ và các Bộ, ngành đang rất quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp chất lượng cao để người dân được hưởng những thành quả về an toàn thực phẩm. Các hoạt động kết nối đã hỗ trợ và đồng hành với 139 hợp tác xã trên cả nước, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều nông dân.

an toan thuc pham
Các doanh nghiệp tham gia trưng bày giới thiệu các sản phẩm thực phẩm an toàn trong khuôn khổ  "Hội nghị kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương" 2020

Bên cạnh đó, với mục đích tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức về thực phẩm an toàn, các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất thực phẩm an toàn, giới thiệu các mô hình nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm an toàn ngành Công Thương, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) đã phối hợp với một số đơn vị truyền thông thực hiện Chuyên mục “Ngon sạch 3 miền” trên kênh VTV2 của Đài truyền hình Việt Nam, thời gian phát sóng vào Thứ Năm hàng tuần. Việc phát sóng các chuyên mục, tập trung vào quảng bá và cung cấp thông tin về các đặc sản vùng miền an toàn với chủ đề đa dạng, hấp dẫn đã mang lại những thông tin hữu ích đối với người tiêu dùng. 

Quản lý chợ an toàn thực phẩm:

Bộ Công Thương đã hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình “chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” với nội dung (i) Nghiên cứu xây dựng đề án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm (ii) và Triển khai mô hình trên thực tiễn. Đến năm 2019, cả nước đã xây dựng được 66 mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP tại 62/63 tỉnh/thành phố (từ nguồn vốn ngân sách Trung ương). Trước hiệu quả đạt được của mô hình thí điểm, các tỉnh đã và đang thực hiện việc duy trì và nhân rộng mô hình bằng nguồn ngân sách địa phương.

Tính đến năm 2019 cả nước có 15 tỉnh thực hiện việc nhân rộng và xây dựng được 125 mô hình chợ Bảo đảm ATTP. Các địa phương đi đầu trong việc nhân rộng mô hình có thể kể đến như Thanh Hóa, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long... Trong năm 2020, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ 06 địa phương gồm Bắc Cạn, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Bến Tre xây dựng mô hình.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm một số điều kiện đầu tư kinh doanh từ đó nâng cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến các kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm, các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cho hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ, thúc đẩy các đơn vị kinh doanh các sản phẩm thực phẩm an toàn để cung cấp cho thị trường, nhằm xây dựng nền thực phẩm an toàn.

PV