Hỗ trợ thực tế nhất cho doanh nghiệp vẫn là chính sách tốt

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), gói hỗ trợ quan trọng nhất cho doanh nghiệp ngay lúc này là những cải cách của chính sách, giúp doanh nghiệp cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính để khôi phục sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh “bình thường mới’.

2021 là năm gặp rất nhiều khó khăn đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vì phải đối phó với đại dịch COVID-19. Việc giãn cách kéo dài dẫn đến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất đình trệ, hệ thống giao thông vận tải hàng hóa bị gián đoạn. Nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở trạng thái “đóng băng” hoặc suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt thời kỳ đỉnh dịch trong quý III/2021. 

Theo Tổng cục Thống kê, thời gian qua có tới 94% doanh nghiệp gặp phải khó khăn, trung bình mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, hàng triệu người lao động mất việc làm. Tại các tỉnh phía Nam, có 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng, đặc biệt là Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

“Sự điều chỉnh biện pháp phòng chống COVID-19 gần đây của Việt Nam là tín hiệu tích cực và cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có những nỗ lực vượt bậc. Phần lớn các doanh nghiệp đã chuẩn bị các kế hoạch mới nhằm thích ứng nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay; chuyển sang hình thức số hóa để duy trì sản xuất kinh doanh”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện các địa phương đã có kế hoạch hồi phục kinh tế, Chính phủ đang trình Quốc hội những gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, kích thích nền kinh tế. Tùy thuộc vào khả năng của ngân sách Nhà nước và đảm bảo hiệu quả, đặc biệt phải đảm bảo các mục tiêu, đặc biệt duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô.

Làn sóng COVID-19 hoành hành suốt 2 năm qua đã gây khó khăn cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên để tồn tại, nhiều doanh nghiệp phải xoay sở, linh hoạt thay đổi và thích ứng để đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định, đồng thời hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An cho biết: Sau khi tỉnh Long An ban hành kế hoạch về việc điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19, đã có 95% số doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với khoảng 330.000 lao động. Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp là tình trạng thiếu lao động từ 10 - 20%; việc phục hồi năng suất đạt từ 70 - 80% so với trước dịch.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Holdings thừa nhận: “Giai đoạn lockdown (giãn cách xã hội) từng là khoảng thời gian đầy biến động. Các hệ thống đại lý, văn phòng của Vietravel đều tạm thời ngưng hoạt động, doanh thu trung bình từ 1,5 triệu USD mỗi ngày lập tức quay về con số 0”. Để bước qua khủng hoảng, Vietravel chuyển sang trạng thái ngủ đông tích cực, trong đó tập trung giải quyết những vẫn đề kinh doanh cốt lõi để đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru; đẩy mạnh công tác xã hội, chiến lược marketing và thiết lập kế hoạch sẵn sàng quay trở lại.

Hay như Hãng hàng không Bamboo Airways, nhờ sự nhạy bén và thích ứng kịp thời, Bamboo Airways đã đạt được những kết quả bứt phá trong năm 2020, trở thành hiện tượng hiếm hoi của ngành Hàng không ghi nhận tăng trưởng trong giai đoạn dịch bệnh. Hãng vẫn mở rộng quy mô đội tàu bay từ 20 lên 30 tàu bay; thị phần tăng từ 13% lên xấp xỉ 20%; mở rộng mạng bay nội địa rộng khắp cả nước, trong đó có nhiều đường bay chưa từng có trong lịch sử như đường bay Hà Nội – Côn Đảo, Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Điện Biên…

Theo ông Đặng Tất Thắng - Tổng Giám đốc Bamboo Airways, song song với việc chiến lược phủ kín mạng bay nội địa, hãng cũng thúc đẩy quá trình chuẩn bị tính toán bài bản để mở rộng kế hoạch phát triển đường bay thường lệ đến các thị trường quốc tế trọng điểm như: Mỹ, Anh, châu Úc, Đông Nam Á, Đông Bắc Á… ngay khi điều kiện cho phép.

"Hỗ trợ thực tế nhất cho doanh nghiệp vẫn là các chính sách tốt, còn tiền chỉ là phần nhỏ", Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đồng Tâm Group chia sẻ. Theo lãnh đạo Đồng Tâm Group, các chính sách tại Việt Nam cần phải đồng bộ, khắc phục tính chồng chéo của luật. Ví dụ việc khống chế lãi vay trong giao dịch liên kết không được quá 25% vốn điều lệ. “Doanh nghiệp Việt Nam đa phần nhỏ và vừa, không có nhiều tiềm lực nên quy định này khiến họ không xoay được nguồn tiền phục vụ sản xuất kinh doanh. Cơ chế chính sách cần được tháo gỡ hợp lý hơn", ông Võ Quốc Thắng đề xuất.

ho tro doanh nghiep

Trong bối cảnh ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp cho rằng: Chính phủ cần cân nhắc việc dùng tiền để hỗ trợ. Nên dùng chính sách vì nó sẽ giải quyết được rất nhiều thứ cho doanh nghiệp trong giảm chi phí, giá thành sản xuất. 

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cơ quan này tập trung song song chính sách tài khoá tiền tệ và thể chế. Hỗ trợ về tài khoá tiền tệ sẽ giúp khơi thông nguồn lực, lưu chuyển của dòng tiền. Các chính sách này cũng thể hiện sự sẵn sàng của Nhà nước trong đồng hành với doanh nghiệp cùng tạo cầu, thúc đẩy sự vận hành lưu thông hàng hoá.

Với gói hỗ trợ về thể chế - đây là những chính sách Nhà nước có thể sử dụng ngay cả khi ngân sách bị hạn chế. Gói chính sách này còn cần được chú ý về thời điểm hỗ trợ. "Nếu thị trường chưa có đầu ra, doanh nghiệp vay vốn và được hỗ trợ của Nhà nước cũng khó tổ chức sản xuất được", ông Nguyễn Anh Dương cho biết. Vì vậy, đại diện CIEM lưu ý về liều lượng của các gói chính sách bởi trong tình hình nhiều bất định.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, quy mô gói hỗ trợ của Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ lần này sẽ lớn hơn các gói hỗ trợ trước đó. Thời gian triển khai gói hỗ trợ lần dự kiến kéo dài đến năm 2023 và chia nhiều giai đoạn. Tuy nhiên chuyên gia này cũng lưu ý đến tầm quan trọng của việc khơi thông trách nhiệm các bên liên quan để gói hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đi nhanh vào thực tế.

“Tốc độ thực thi quan trọng hơn quy mô của gói hỗ trợ. Để tăng tốc độ thực thi thì phải khơi thông được trách nhiệm các bên liên quan. Các gói hỗ trợ trước từng chậm triển khai là do các gói hỗ trợ trước có kèm yêu cầu ‘tránh trục lợi’, ‘hỗ trợ đúng đối tượng’…nên các cơ quan thực hiện đã ‘đẻ ra’ rất nhiều tiêu chuẩn để không bị quy trách nhiệm khi triển khai, khiến tiến độ của các gói hỗ trợ bị ảnh hưởng”, đại diện CIEM chia sẻ.

[Quảng cáo]

Theo Báo Tin tức