Hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với kinh tế tập thể

Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012. Sau hơn 8 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đã nảy sinh một số tồn tại, bất cập. Để khắc phục những bất cập trên, Chính phủ cho xây dựng Dự án Luật HTX (sửa đổi); trong đó, bổ sung một chương về chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước.
Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt
Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt

Cụ thể:

- Thống nhất các quy định về nội dung chính sách hỗ trợ đang quy định dàn trải, rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành như: chính sách thuế, phí; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, vốn tín dụng.... vào 3 nhóm chính sách đồng bộ cho khu vực kinh tế tập thể (KTTT) bao gồm:

+ Nhóm chính sách hỗ trợ định hướng phát triển khu vực KTTT (các kế hoạch, chương trình, thông tin, tuyên truyền phát triển các tổ chức KTHT…)  trong từng giai đoạn và trong từng lĩnh vực kinh tế, ngành nghề nhằm tạo sự phát triển của khu vực KTTT phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế (nông lâm, thủy sản, diêm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tài chính tín dụng, khác…);

+ Nhóm chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhằm tạo động lực cho các các tổ chức kinh tế hợp tác (KTHT)  về đất đai, thuế, phí, tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường… phù hợp với nhu cầu thực tế của tổ chức KTHT trong từng ngành nghề nhằm tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi cho tổ chức KTHT phát triển trong ngành nghề đó;

+ Nhóm chính sách phòng ngừa rủi ro và giảm thiểu thiệt hại cho tổ chức KTHT trong quá trình phát triển theo định hướng do Nhà nước đưa ra (chính sách hỗ trợ HTX thực hiện kiểm toán độc lập, hỗ trợ HTX tham gia thị trường bảo hiểm…) nhằm giúp tổ chức KTHT phát hiện và xử lý sớm các nguy cơ rủi ro bên trong và bên ngoài và giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp xảy ra rủi ro để bảo đảm phát triển bền vững trong kinh tế thị trường biến động không ngừng. 

- Ngoài chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước chung còn quy định chính sách thêm đặc thù cho từng loại hình hoạt động như: tổ hợp tác (THT), HTX hoạt động nông nghiệp, HTX hoạt động phi nông nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân, liên hiệp HTX, liên minh HTX, liên đoàn HTX...

- Bổ sung chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước thúc đẩy THT phát triển lên mô hình tổ chức cao hơn là HTX. Ngoài ra còn có cơ chế đào tạo, nâng cao nhận thức người dân, người trẻ tuổi, đối tượng tiềm năng trở thành thành viên HTX sau này.

- Bổ sung nguyên tắc HTX, liên hiệp HTX hoạt động mục đích thương mại được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước giống như các doanh nghiệp có cùng quy mô và hoạt động trong cũng lĩnh vực.

- Sửa đổi chính sách “giao đất, cho thuê đất” thành “miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất” cho HTX, LHHTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.

Để bảo đảm triển khai thi hành Luật sau khi được thông qua, về cơ bản, các cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn sử dụng nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực hiện hành. Trong trường hợp cần thiết, bổ sung các nguồn lực tài chính để khảo sát, đánh giá tác động và xây dựng Dự án Luật đạt hiệu quả, chất lượng và đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Sau khi Luật HTX (sửa đổi) được ban hành, Nhà nước cần đầu tư một khoản kinh phí cho việc tổ chức thực hiện, cụ thể là:

- Chi phí triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết dự kiến phải sửa đổi, bổ sung và ban hành mới để đồng bộ với quy định của Luật;

- Cân đối, bố trí nguồn ngân sách để hình thành nguồn vốn nhà nước tham gia hỗ trợ cho hợp tác xã (dưới dạng Quỹ hoặc dòng ngân sách riêng tùy thuộc vào cơ chế được quy định trong Luật).

- Tiếp tục bố trí ngân sách để cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cho khu vực KTTT.

- Bố trí ngân sách triển khai thành lập, tổ chức hoạt động các cơ quan có liên quan về kiểm toán HTX: đào tạo nguồn nhân lực, cấp chứng chỉ, kiểm tra, đánh giá chất lượng,…

- Tuyên truyền, phổ biến, đào tạo nội dung của Luật HTX (sửa đổi).

- Chi phí triển khai thi hành Luật khi có hiệu lực thi hành và chi phí phục vụ việc theo dõi, sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình thực thi Luật theo thời gian định kỳ hoặc đột xuất.

- Để tổ chức triển khai Luật HTX (sửa đổi) sau khi được ban hành, cần thiết bố trí các nguồn lực để xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành.

Minh Long