Hoa Kỳ đã rơi vào suy thoái kỹ thuật?

Hoa Kỳ có thể rơi vào suy thoái kỹ thuật khi tăng trưởng GDP ở mức âm 0,6% trong quý 2/2022 và âm 1,6% trong quý 1/2022.
Hoa Kỳ rơi vào suy thoái kỹ thuật
Hoa Kỳ được cho là đã rơi vào suy thoái kỹ thuật khi có hai quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng GDP âm. Tuy nhiên, Chủ tịch FED ông Jerome Powell cho rằng nền kinh tế này chưa rơi vào suy thoái khi thị trường lao động vẫn ở mức rất tốt (Ảnh: CNBC)

Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa cho biết GDP của nước này trong quý 2/2022 đã giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn mức giảm 0,9% được đưa ra trong báo cáo ban đầu. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn có những tiêu chí về suy thoái kinh tế kỹ thuật do lạm phát tăng vọt và lãi suất cao.

Trước đó, GDP của Hoa Kỳ trong quý 1/2022 đã giảm 1,6% - mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2020 khi nền kinh tế lớn nhất thế giới chìm sâu trong suy thoái do đại dịch Covid-19 bùng phát.

Theo định nghĩa của Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (NBER), suy thoái kỹ thuật là khi trong 2 quý liên tiếp, nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng GDP âm với tỷ lệ thất nghiệp cao, thu nhập giảm và doanh số bán lẻ chậm lại. Khi các hoạt động kinh tế ghi nhận tình trạng suy giảm đáng kể và kéo dài hơn một vài tháng, nền kinh tế này sẽ chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Tuy nhiên, NBER có thể chưa xác nhận tình trạng suy thoái kinh tế ngay lập tức vì cơ quan này thường đợi đến một năm để đánh giá. NBER cũng nhấn mạnh cơ quan này cần xem xét nhiều dữ liệu hơn thay vì chỉ đánh giá mỗi tiêu chí GDP để xác định liệu nền kinh tế có suy thoái hay không, chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp và chi tiêu tiêu dùng tại Hoa Kỳ vẫn được cải thiện trong 6 tháng đầu năm nay. Các chuyên gia cũng sẽ đánh giá xem hoạt động kinh tế suy giảm đến mức nào.

“Do đó, trên thực tế, GDP có thể giảm tương đối ít trong 2 quý liên tiếp nhưng chưa chắc chắn xác định nền kinh tế đã rơi vào suy thoái kỹ thuật”, NBER thông báo trên website.

Giới phân tích nhận định dữ liệu mới của Bộ Thương mại Hoa Kỳ có thể khiến việc hoạch định các chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trở nên phức tạp hơn. FED hiện đang đối mặt với mục tiêu kép, vừa tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát nhưng không khiến nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái.  

Trong tháng 6 và tháng 7, FED đã liên tiếp nâng lãi suất cơ bản thêm tới 0,75 điểm phần trăm - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Một số chuyên gia cảnh báo FED có thể tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 9 tới đây và mức tăng sẽ tuỳ thuộc vào các dữ liệu kinh tế sắp tới.

Trong tháng trước, Chủ tịch FED ông Jerome Powell cho biết ông không cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang suy thoái khi nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đang hoạt động “rất tốt” và thị trường lao động ở mức “rất mạnh”. Ông Jerome Powell cho rằng vẫn có cơ hội cho nền kinh tế Hoa Kỳ không rơi vào suy thoái khi FED mạnh tay kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, ông Jerome Powell cũng cho rằng cơ hội này đã bị thu hẹp lại do FED phải tăng mạnh lãi suất cơ bản để giảm lạm phát.

Trong khi đó, kết quả khảo sát mới nhất của Hiệp Hội kinh doanh quốc gia Hoa Kỳ (NABE) với 198 chuyên gia kinh tế cho thấy phần lớn các nhà kinh tế học cho rằng FED sẽ khó có thể kiềm chế lạm phát mà không đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái.

72% các nhà kinh tế tham gia khảo sát của NABE dự báo suy thoái kinh tế sẽ diễn ra vào giữa năm sau. Trong khi đó, 19% số chuyên gia được hỏi cho rằng Hoa Kỳ thực ra đã rơi vào suy thoái. Một số chuyên gia khác cho rằng Hoa Kỳ sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm sau. 

Quỳnh Trang