Hoa Kỳ: Nghịch lý sữa phải đổ bỏ ngay cả khi nhu cầu tăng cao vì đại dịch Covid-19

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tại Hoa Kỳ đang khiến ngành công nghiệp chế biến sữa nước này đứt vỡ và rơi vào nghịch lý nông dân phải đổ bỏ sữa ngay cả khi nhu cầu về các sản phẩm từ sữa tăng cao.

Chúng tôi cần anh phải đổ bỏ sữa ngay!”. Ông Jason Leedle, một nông dân nuôi bò sữa, cảm choáng váng khi nhận được cuộc gọi từ Dairy Farmers of America (DFA) – hợp tác xã sữa lớn nhất Hoa Kỳ.

Tình trạng hoảng loạn tích trữ khi Hoa Kỳ thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc để chống sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã giúp doanh số bán lẻ sữa tăng 53% trong tuần kết thúc vào ngày 21/3; doanh số bơ và phô mãi cũng lần lượt tăng 127% và 84% so với cùng kỳ năm 2019, theo dữ liệu của hãng tư vấn thị trường Nielsen.

Dữ liệu cũng cho thấy các siêu thị cũng như các cửa hàng bán lẻ tại Hoa Kỳ đang đẩy giá các loại sản phẩm từ sữa. Giá bán lẻ sữa bò trong tuần kết thúc vào ngày 21/3 đã tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu đối với các sản phẩm về sữa tại các cửa hàng bán lẻ đang tăng cao khi người dân buộc phải ở nhà nhiều hơn vì dịch bệnh, theo ông Jason Leedle. Đầu tuần này, một siêu thị địa phương đã yêu cầu vợ của ông chỉ được mua 2 sản phẩm từ sữa trên một lần mua hàng do nhu cầu đối với các sản phẩm từ sữa tăng cao trên khắp Hoa Kỳ.

Tuy nhiên nhiều nông dân chăn nuôi bò sữa như ông Jason Leedle vẫn nhận được lời khuyên nên đổ bỏ sữa. Nguyên nhân do chuỗi cung ứng sữa tại Hoa Kỳ đang bị đứt vỡ khi các biện pháp cách ly xã hội và hạn chế di chuyển đang khiến người nông dân nước này khó có thể đưa sữa đến trực tiếp người tiêu dùng. Ông Jason Leedle cho biết ông có thể dễ dàng bán được sữa nếu như ông có thể thực hiện việc giao hàng.

Nông dân đổ bỏ sữa
 Nông dân tại bang Wisconsin (Hoa Kỳ) buộc phải đổ bỏ sữa khi chuỗi cung ứng sữa tại Hoa Kỳ bị đứt vỡ vì đại dịch Covid-19 (Ảnh: USA Today)

Các lệnh hạn chế di chuyển và phong toả tại nhiều nơi đã khiến người lao động không đến được các nhà máy chế biến thực phẩm. Trong khi đó, các công ty vận tải chuyên chở các sản phẩm sữa tại Hoa Kỳ đang gặp khó khăn để tìm kiếm đủ tài xế do nhiều người đã nghỉ làm khi lo sợ khả năng lây nhiễm dịch bệnh.

Thậm chí, công ty chế biến thực phẩm Dean Foods Co. tại bang Texas (Hoa Kỳ) thậm chí trao thưởng 1.000 USD ngay cho bất kỳ tài xế có kinh nghiệm giao sữa khi ký hợp đồng làm việc nhưng vẫn đang vật lộn để tuyển đủ 74 tài xế.

Bên cạnh việc gặp khó khăn trong tìm kiếm tài xế để giao hàng, các nhà máy chế biến sữa, bơ và phô mai tại Hoa Kỳ còn đối mặt khó khăn trong việc đóng gói khi phải đột ngột chuyển từ các kênh bán buôn sang các cửa hàng tạp hoá bán lẻ quy mô nhỏ hơn và đối mặt với những cơn ác mộng trong công tác đóng gói và hậu cần. Hàng loạt các nhà hàng và trường học – vốn là kênh tiêu thụ lớn các sản phẩm chế biến từ sữa đã buộc phải đóng cửa để hạn chế lây lan dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia ngành sữa, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tốn tới hàng triệu USD để lắp đặt các trang thiết bị mới nhằm chuyển từ việc sản xuất các sản phẩm bơ sữa cho bán buôn sang các sản phẩm cho bán lẻ. Ngay cả việc chuyển từ bao đóng gói loại 10kg cho bán buôn sang loại bao 200 gr cho bán lẻ cũng đòi hỏi các máy móc đóng gói và dán nhãn mới.

Hoạt động xuất khẩu sữa gần như bị ngưng trệ khi các lĩnh vực chế biến thực phẩm ngưng hoạt động diện rộng trên quy mô toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp tại nhiều quốc gia.

Theo đánh giá của các nông dân, chuyên gia kinh tế học nông nghiệp và các nhà phân phối thực phẩm, ngành công nghiệp sữa đối mặt với nhiều vấn đề lớn hơn so với các lĩnh vực thực phẩm khi thị trường biến động. Các doanh nghiệp kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa chịu sức ép thị trường mạnh hơn và sớm hơn so với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản và thực phẩm khác đơn giản do sữa có thời gian bảo quản ngắn, sữa không thể cấp đông như các loại thịt và cũng không thể tích trữ trong kho như các loại ngũ cốc.

Đứng trong chuồng nuôi bò của trang trại mình, nhìn những con bò đang cho sữa vào phễu, ông Jason Leedle cho biết “Tôi cảm thấy quặn lòng khi tất cả những gì tôi phải làm là nhìn sữa bị đổ xuống cống”. Kể từ hôm 31/3, ông đã phải đổ gần 18.000 lít sữa từ 480 con bò của mình mỗi ngày.

DFA cho biết đã yêu cầu một số nông dân khác làm điều tương tự nhưng không cho biết cụ thể lượng sữa phải đồ bỏ; hiện có 7.500 nông dân là thành viên của DFA. DFA chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động marketing và vận chuyển cho các thành viên của hợp tác xã. Mặc dù DFA sẽ chi trả cho lượng sữa bị thành viên hợp tác xã đổ bỏ nhưng mức chi trả chắc chắn sẽ ở mức thấp do doanh thu của DFA bị sụt giảm mạnh, ông Jason Leedle cho biết.

Việc đổ bỏ sữa của nông dân Hoa Kỳ cũng đang lan rộng khi hợp tác xã Land O’Lakes Inc. cảnh bảo các thành viên cũng có thể phải đổ bỏ sữa. Mặc dù sở hữu các nhà máy chế biến bơ và phô mai nhưng hợp tác xã Foremost Farms USA tại bang Wisconsin (Hoa Kỳ) cũng khuyến cáo các thành viên việc đổ bỏ sữa là hoàn toàn có thể xảy ra; thậm chí, hợp tác xã này còn khuyên các thành viên nên thu hẹp quy mô đàn bò.

Quang Đặng (Theo Reuters)