Hoa Kỳ sắp thanh tra chương trình kiểm soát cá da trơn Việt Nam

Cơ quan Thanh tra An toàn thực phẩm Hoa Kỳ sẽ tổ chức thanh tra thực tế tại Việt Nam trong thời gian tới để thẩm tra các nội dung liên quan...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, cơ quan này đang triển khai đồng bộ các giải pháp để gỡ thẻ vàng của EC như: tổng hợp đầy đủ hồ sơ IUU và báo cáo khắc phục 9 kiến nghị của EC.

Theo kế hoạch, từ ngày 16-22/5, đoàn kiểm tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra thực tế tại tỉnh Kiên Giang và Bình Định, đồng thời làm việc với các đơn vị liên quan.

Bên cạnh đó, từ ngày 14 - 25/5, Cơ quan Thanh tra An toàn thực phẩm Hoa Kỳ sẽ tiến hành thanh tra thực tế chương trình kiểm soát cá da trơn của Việt Nam.

Liên quan đến hai đoàn kiểm tra của EC và Mỹ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các đơn vị thuộc bộ lên kế hoạch, chương trình hành động chi tiết và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón đoàn sang kiểm tra và làm việc.

Để chuẩn bị cho việc Cơ quan Thanh tra An toàn thực phẩm Hoa Kỳ thanh tra thực tế tại Việt Nam, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đề nghị các doanh nghiệp chế biến cá bộ Siluriformes xuất khẩu vào Hoa Kỳ tiếp tục tuân thủ đúng các quy định của Hoa Kỳ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp, quy định theo chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất sang thị trường Hoa Kỳ, và các thông báo hướng dẫn của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

Thông báo kịp thời các khó khăn, vướng mắc khi xuất khẩu cá bộ Siluriformes vào Hoa Kỳ để kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phối hợp với Cục lập kế hoạch làm việc với Đoàn thanh tra của Cơ quan Thanh tra An toàn thực phẩm Hoa Kỳ.

Trước đó, từ ngày 1/9/2017, cá da trơn và cá tra được chính quyền Hoa Kỳ chính thức công nhận như là một loài cá da trơn, dù sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu sẽ phải chịu sự giám sát của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Sản phẩm cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ được kiểm soát chặt chẽ từ công đoạn nuôi, thu hoạch, vận chuyển cá tới cơ sở chế biến, cho đến khâu chế biến, xuất khẩu. Sản phẩm phải đảm bảo yêu cầu liên quan đến 85 chỉ tiêu về thuốc thú y, 106 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật, 4 chỉ tiêu về thuốc nhuộm, 17 chỉ tiêu về kim loại, 8 chỉ tiêu về vi sinh, hóa học... dựa theo những chỉ tiêu mà phía Hoa Kỳ đã đưa ra.

Hiện, Việt Nam có 57 cơ sở được phép xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ.

Theo VnEconomy