Hoa Kỳ tiếp tục áp thuế chống trợ cấp đối với túi nhựa PE của Việt Nam

Kết thúc tháng 8/2015, ngành nhựa Việt Nam đón nhận tin kém vui khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) quyết định tiếp tục áp thuế chống trợ cấp đối với túi nhựa PE (túi nhựa PE đựng hàng bán lẻ) nhập khẩu từ

Cụ thể, theo kết luận cuối cùng sau khi tiến hành đợt rà soát hoàng hôn thuế chống trợ cấp (CVD) đối với sản phẩm túi nhựa PE nhập khẩu từ Việt Nam, DOC cho rằng việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống trợ cấp với túi PE nhập khẩu từ Việt Nam có thể dẫn tới việc tiếp tục hoặc tái diễn các trợ cấp có thể đối kháng. Do đó, DOC quyết định tiếp tục kéo dài lệnh áp thuế và giữ nguyên mức thuế với các bị đơn như trong cuộc điều tra ban đầu. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 5/8/2015 và đồng nghĩa với việc mặt hàng túi nhựa PE nhập khẩu từ Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu thuế chống trợ cấp trong vòng 5 năm tới. Quyết định trên không ảnh hưởng đến các mặt hàng nhựa được Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khác như Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Trước đó, ngày 4/5/2010, DOC đã ban hành lệnh áp thuế chống trợ cấp với sản phẩm bị điều tra nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế như sau: Mức thuế với hai bị đơn bắt buộc lần lượt là 52,56% và 5,28%; mức thuế với các nhà sản xuất/xuất khẩu khác là 5,28%. Đây là vụ việc điều tra kép chống bán phá giá và chống trợ cấp đầu tiên của Hoa Kỳ với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Ngoài mức thuế chống trợ cấp nêu trên, doanh nghiệp xuất khẩu còn phải chịu mức thuế chống bán phá giá từ 52,3% đến 76,11%.

Bảng 1: Danh sách các vụ kiến chống trợ cấp, chống bán phá giá liên quan đến sản phẩm từ chất dẻo nhập khẩu từ Việt Nam (cập nhập đến cuối năm 2014)

Quyết định bất lợi nói trên của DOC khiến con đường thâm nhập thị trường Hoa Kỳ của ngành nhựa Việt Nam trở nên gặp khó khăn do thuế đẩy giá bán cao, giảm khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhựa từ các quốc gia khác. Thực tế cho thấy, sau khi DOC đưa ra quyết định áp thuế chống trợ cấp với mặt hàng túi nhựa PE vào năm 2010, hoạt động xuất khẩu túi nhựa PE vào thị trường Hoa Kỳ gần như đóng băng và các doanh nghiệp nhựa Việt Nam phản ánh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng.

Hoa Kỳ hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của ngành nhựa Việt Nam. Trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ chất dẻo của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt 263,5 triệu USD tương đương 12,88% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Trước khi bị áp thuế chống trợ cấp vào năm 2010, túi nhựa PE là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nhựa Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.

Biểu đồ 1: Diễn biến xuất khẩu các sản phẩm từ chất dẻo của Việt Nam sang Hoa Kỳ giai đoạn 2009 – 2014 (Nguồn: Cơ sở dữ liệu Tạp chí Công Thương)

Sau khi bị áp thuế chống trợ cấp vào năm 2010, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam đã tiến hành chuyển hướng sang các thị trường mới như Châu Âu, Nhật Bản… Một số doanh nghiệp đã thay đổi hẳn toàn bộ mặt hàng xuất khẩu từ túi nhựa PE sang bao bì nhựa tự hủy để phù hợp các thị trường mới. Tuy nhiên, thị trường Hoa Kỳ được đánh giá là thị trường vô cùng tiềm năng do mức sử dụng các sản phẩm nhựa nói chung, túi nhựa PE nói riêng ở mức cao. Hai chủng loại xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Hoa Kỳ là các sản phẩm nhựa gia dụng và các sản phẩm nhựa dùng trong vận chuyển, đóng gói.

Các doanh nghiệp sản xuất túi nhựa PE của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì vậy các doanh nghiệp này không có nhiều nguồn lực để phục vụ việc theo kiện theo yêu cầu và mong muốn. Việc thuyết phục DOC dỡ bỏ thuế chống trợ cấp gặp nhiều khó khăn và phức tạp.

Bao bì nhựa PE thường được sản xuất hàng loạt với chi phí thấp, do vậy giá trị gia tăng cũng thấp. Tỷ suất lợi nhuận đã không cao nay lại vướng tranh chấp thương mại phức tạp với phía Hoa Kỳ đã khiến nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang sản xuất những nhóm ngành khác, vốn đầu tư tuy có cao nhưng lợi nhuận cũng cao hơn như nhựa kỹ thuật, nhựa xây dựng, nhựa y tế.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, kể từ khi sản phẩm túi nhựa PE bị áp thuế, các doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất túi nhựa PE (chủ yếu là Trung Quốc và Đài Loan) đã rời bỏ khỏi Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp trong nước chuyển sang xuất khẩu loại bao bì mềm với sản lượng tăng dần qua mỗi năm nhằm thay thế loại sản phẩm không còn cơ hội phát triển ở thị trường Hoa Kỳ.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng túi nhựa PE (mã HS 39232) của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã giảm mạnh kể từ năm 2011; thay vào đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng túi nhựa bao bì khác (gồm mã HS 392390 và 392350) đã có xu hướng tăng cao.

Biểu đồ 2: Diễn biến xuất khẩu một số mặt hàng túi nhựa của Việt Nam sang Hoa Kỳ giai đoạn 2010 – 2013 (Nguồn: Cơ sở dữ liệu Tạp chí Công Thương)

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhựa bao bì hiện nay đang có xu hướng chuyển dịch thị trường, nhắm đến các nước Trung Đông và châu Phi vì thị trường các nước này khá dễ tính đối với tiêu chuẩn chất lượng và nhất là có rất ít rào cản thương mại khi xuất khẩu hàng hóa.


Quang Minh