Hoàn cảnh thay đổi trong hợp đồng - Nhận diện và hậu quả pháp lý

ThS. Kinh Thị Tuyết (Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Tài chính - Marketing)

TÓM TẮT:   

Về nguyên tắc, khi tham gia vào một quan hệ hợp đồng, các bên phải hoàn toàn tôn trọng và thực hiện đúng những nội dung, thỏa thuận trong hợp đồng dù thực tế có thuận lợi hay bất lợi cho việc thực hiện đó. Tuy nhiên, có những tình huống xảy ra ngoài dự liệu dẫn đến việc tiếp tục thực hiện hợp đồng lại trở nên quá khó khăn, quá thiệt hại cho một bên, và sẽ tạo ra sự không công bằng trong hợp đồng. Do vậy, pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của hầu hết các nước đều có những quy định điều chỉnh khi xuất hiện các tình huống xấu xảy ra. Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 lần đầu tiên quy định về vấn đề này tại Điều 420 - Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Bài viết phân tích điều kiện áp dụng và hậu quả pháp lý của quy định, thông qua đó nêu lên một số vấn đề cần hoàn thiện.

Từ khóa: Hợp đồng, hoàn cảnh thay đổi, chấm dứt hợp đồng, Bộ luật Dân sự, PICC, PECL.

1. Sự cần thiết phải quy định về “Hoàn cảnh thay đổi” trong pháp luật về hợp đồng ở nước ta

Pacta Sunt Servanda - nguyên tắc về tính ràng buộc của hợp đồng - là nguyên tắc cơ bản, quan trọng của pháp luật về hợp đồng. Nguyên tắc này được hiểu là nếu đã giao kết hợp đồng hợp pháp thì các bên phải có nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng đó, việc thay đổi, chấm dứt hợp đồng là rất khó khăn. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy, quan hệ hợp đồng không phải là bất biến, việc thực hiện hợp đồng thường là một quá trình. Và, có những trường hợp mà hoàn cảnh để thực hiện hợp đồng có sự thay đổi đáng kể so với lúc các bên giao kết, làm cho một bên bị thiệt hại quá nhiều, mục đích ban đầu không đạt dược. Trong trường hợp này, nếu cứ cứng nhắc áp dụng nguyên tắc Pacta Sunt Servanda thì vô tình đã tạo ra sự bất công bằng trong hợp đồng.

Do vậy, các văn bản quốc tế về hợp đồng như Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế (PICC), Bộ nguyên tắc Châu Âu về hợp đồng (PECL) và Công ước Viên 1980 đều ghi nhận trường hợp ngoại lệ - quy định về Hardship - Hoàn cảnh khó khăn - hoàn cảnh mà các bên không dự liệu và không thể dự liệu được khi ký kết hợp đồng nhưng lại xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 lần đầu tiên đã quy định rõ điều này trong Điều 420, cụ thể:

1. Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau:

a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

c) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

d) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

2. Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.

3. Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:

a) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;

b) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thc hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.

4. Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Quy định trên trong Bộ luật Dân sự là cần thiết và đúng đắn với những lý do sau:

  • Đảm bảo nguyên tắc công bằng trong hợp đồng. Rõ ràng, khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản làm cho một bên chịu thiệt hại nghiêm trọng, nếu cứ theo hướng thực hiện đúng hợp đồng sẽ tạo ra sự bất công bằng giữa các bên.
  • Phù hợp với tình hình bối cảnh xã hội của Việt Nam - thường xuyên có nhiều biến động lớn về chiều sâu lẫn rộng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Do vậy, nếu quá cứng nhắc theo luật, trong nhiều trường hợp, sẽ làm giảm tính hiệu quả của hợp đồng.
  • Đảm bảo nguyên tắc thiện chí trong hợp đồng. Trong quan hệ hợp đồng, các bên phải thiện chí, không chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, mà còn phải cùng nhau giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện để cùng nhau thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng, đảm bảo nguyên tắc Win - Win trong quan hệ dân sự.
  • Phù hợp với pháp luật quốc tế. Pháp luật quốc tế về hợp đồng từ lâu đã quy định về điều này, cụ thể, tại Mục 2 - Chương 6 của PICC, và Điều 6:111 của PECL đều quy định những vấn đề pháp lý liên quan đến “hoàn cảnh thay đổi”, và hệ quả là đều cho phép điều chỉnh lại hợp đồng. Do vậy, việc đưa quy định này vào Bộ luật Dân sự của Việt Nam là phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

2. Nhận diện “Hoàn cảnh thay đổi cơ bản” theo quy định của Bộ luật Dân sự

Điều 420 Bộ luật Dân sự chỉ cho phép một bên trong hợp đồng có quyền yêu cầu sửa đổi hay chấm dứt hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi đó phải là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”. Nghiên cứu quy định này, nhận thấy hoàn cảnh này phải thỏa mãn các đặc điểm:

  • Tính không lường trước của hoàn cảnh thay đổi. Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 420 thì “ Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh”. Như vậy, hoàn cảnh này phải xảy ra sau khi hợp đồng được giao kết, và tại thời điểm giao kết, bên có lợi ích bị ảnh hưởng không biết là sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, tính “không lường trước” theo Điều 420 vẫn còn khá chung chung, vẫn tạo kẻ hỡ tương đối lớn khi áp dụng. Bên có lợi ích bị ảnh hưởng chỉ cần chứng minh là hoàn cảnh đó mình không biết sẽ xảy ra trong tương lai là có thể yêu cầu được áp dụng. Có tình huống hoàn cảnh xảy ra sau khi giao kết hợp đồng, và bên bị ảnh hưởng cũng không biết là nó sẽ xảy ra, nhưng nếu bên này nghiên cứu kỹ càng, hợp lý thì vẫn có thể đoán trước hoàn cảnh có thể xảy ra.

Ví dụ: Năm 2019, dịch Covid 19 lan rộng toàn thế giới với diễn biến không lường. Công ty A ký kết hợp đồng sản xuất và cung cấp sản phẩm X cho công ty B trong thời hạn 2 năm. Theo hợp đồng, nguyên liệu của sản phẩm đó A mua từ nước Y thì chi phí là hợp lý. Lúc các bên giao kết hợp đồng, nước Y chưa bị ảnh hưởng của dịch Covid và giao lưu thương mại tự do. Một năm sau, dịch lan sang nước Y, nước Y đã đóng cửa biên giới, A không thể nhập nguyên liệu được. Để tiếp tục thực hiện hợp đồng, A phải mua nguyên liệu đó từ nước Z, và chi phí có thể tăng cao nhiều lần.

Trường hợp này, A có được quyền yêu cầu áp dụng Điều 420, theo tiêu chí là “không lường trước” không? Rõ ràng, mặc dù hành vi đóng cửa biên giới của nước Y xảy ra sau khi A và B đã ký hợp đồng, và A có thể cho rằng “mình không biết trước”, tuy nhiên, nếu cân nhắc, nghiên cứu kỹ càng trong bối cảnh dịch bệnh khó lường, A vẫn có thể “lường trước” được điều này.

Do vậy, tính “không thể lường trước” theo Điều 420 nên quy định chặt chẽ hơn, theo hướng bản chất của hoàn cảnh đó là không thể lường trước, và theo diễn giải của PICC thì đó  phải là sự không lường trước một cách hợp lý.

  • Hoàn cảnh thay đổi gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho một bên. Điểm c, Khoản 1 Điều 420 quy định rõ là một bên sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng nếu phải tiếp tục thực hiện hợp đồng theo nội dung đã giao kết.

“Thiệt hại nghiêm trọng” là thiệt hại như thế nào? Điều 420 không giải thích rõ. Tuy nhiên, theo tinh thần của nguyên tắc giao kết hợp đồng, thiệt hại nghiêm trọng ở đây có thể được hiểu là sự thiệt hại đó làm cho một bên không đạt được mục đích của mình khi giao kết hợp đồng. Và, pháp luật dành quyền xác định tính nghiêm trọng cho chính các bên hoặc cho Tòa án. Điều này tương đối hợp lý vì pháp luật quốc tế về hợp đồng cũng bỏ ngõ vấn đề này. Cụ thể, trong PICC 1994, khi diễn giải về sự thay đổi nghiêm trọng thì ghi rõ “sự thay đổi đến 50% hoặc hơn về giá hay giá trị nghĩa vụ thì sẽ được coi là sự thay đổi cơ bản”. Nhưng đến ấn bản 2004, con số 50% bị gỡ bỏ, mà thay vào bằng “xác định tùy hoàn cảnh”, nhằm làm tăng tính khái quát cũng như linh hoạt theo từng tình huống.

Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết vẫn không ngăn chặn được. Giống như trường hợp bất khả kháng, trong hoàn cảnh thay đổi, pháp luật buộc bên bị ảnh hưởng phải cố gắng tự khắc phục, nhằm đảm bảo hợp đồng vẫn tiếp tục được thực hiện nếu có thể. Chỉ khi nào bên bị ảnh hưởng chứng minh được đã áp dụng mọi biện pháp trong khả năng vẫn không cứu vãn được, Điều 420 mới được áp dụng. Quy định này nhằm giảm thiểu trường hợp các bên trong hợp đồng vì lý do khác, cứ “trông chờ” vào sự thay đổi của hoàn cảnh để yêu cầu sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng, đồng thời cho thấy dù trong tình huống nào, việc “hứa là phải làm” trong hợp đồng vẫn phải được coi trọng hàng đầu, và “Hoàn cảnh thay đổi” phải được xem như là một ngoại lệ đặc biệt, khó được áp dụng.

3. Hậu quả pháp lý khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản và giải pháp hoàn thiện

  • Phát sinh quyền yêu cầu đàm phán lại hợp đồng

Khoản 2, Điều 420 quy định rõ một bên có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Bên yêu cầu đàm phán thường là bên có lợi ích bị ảnh hưởng và việc yêu cầu này nhằm mục đích cân bằng, giảm bớt thiệt hại phát sinh khi tiếp tục thực hiện hợp đồng. Quy định này khi áp dụng trên thực tế sẽ có một số điểm chưa rõ ràng như sau:

Thứ nhất, pháp luật cho phép một bên “có quyền yêu cầu” nhưng chưa xác định rõ hành vi của bên còn lại tương ứng với quyền đó, có nghĩa là bên kia có nghĩa vụ phải chấp nhận đàm phán hay không? Trong trường hợp này, có hay không việc thừa nhận quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia. Hiểu theo nguyên tắc thiện chí của PICC và PECL, bên còn lại có nghĩa vụ phải đàm phán lại khi bên kia gặp quá nhiều khó khăn, thậm chí còn sẽ phải chịu bồi thường thiệt hại cho bên kia nếu đàm phán chậm và không thiện chí.

Tuy vậy, tại Việt Nam, pháp luật và tư duy kinh doanh của doanh nhân chưa thật sự làm tốt điều này, đặc biệt doanh nghiệp Việt Nam thường theo đúng câu từ của pháp luật mà thực hiện, thậm chí lách luật. Do vậy, nên chăng pháp luật cần quy định rõ nghĩa vụ của bên kia, giống một số văn bản pháp luật quốc tế. Cụ thể, tại Điều 6:111 của PECL quy định: “Nếu việc thực hiện hợp đồng trở nên quá khó khăn bởi có sự thay đổi về hoàn cảnh, các bên buộc phải tiến hành thỏa thuận với quan điểm là chỉnh sửa hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng”. Từ “buộc” trong quy định trên đã xác định nghĩa vụ của bên nhận yêu cầu, từ đó tránh việc tìm cách từ chối đàm phán, đi ngược với nguyên tắc trung thực, thiện chí trong hợp đồng.

Thứ hai, Khoản 2 Điều 420 Bộ luật Dân sự chưa nêu lên được nghĩa vụ chứng minh của bên bị ảnh hưởng khi yêu cầu đàm phán. Có lẽ, các nhà làm luật nước ta cho rằng đó là nghĩa vụ đương nhiên, không cần quy định. Tuy nhiên, đây là nghĩa vụ cơ bản, và để tránh trường hợp viện dẫn câu từ nhằm lách luật, chúng ta cần phải quy định chặt chẽ. Điều 6.2.3 của PICC quy định: “Lời đề nghị phải đưa ra đúng lúc và đầy đủ cơ sở”. PICC cũng quy định rõ: “Bên có nghĩa vụ được miễn trừ hậu quả do việc không thực hiện nghĩa vụ của mình, nếu chứng minh được rằng, việc không thực hiện nghĩa vụ là do một trở ngại ngoài tầm kiểm soát của mình”. Điều 79 Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cũng ghi nhận: “Một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào đó của mình nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện đó là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ”. Như vậy, muốn nhận được sự đãi ngộ của pháp luật và đối tác, trước hết bên yêu cầu phải có nghĩa vụ chứng minh một cách thuyết phục 2 điểm: Hoàn cảnh xảy ra là cơ bản và gây thiệt hại nghiêm trọng cho mình nếu không đàm phán lại hợp đồng.

Thứ 3, “thời hạn hợp lý” theo quy định tại Khoản 2 Điều 420 như trên được hiểu như thế nào. Thời gian để một bên đưa ra yêu cầu đàm phán lại hợp đồng là khoảng thời gian sau khi hoàn cảnh thay đổi xảy ra cho đến trước lúc hợp đồng được hoàn thành. Vì, nếu bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã hoàn thành xong các nghĩa vụ của mình, thì xem như hoàn cảnh cơ bản đó không gây khó khăn. Tuy nhiên, lúc nào thì được xem là hợp lý?

Khái niệm “thời hạn hợp lý” cũng được các văn bản pháp luật quốc tế về hợp đồng ghi nhận. Nhằm mục đích đảm bảo tính linh hoạt cho từng tình huống, việc đưa ra một mốc thời gian là khá cứng nhắc. Tuy nhiên, khi diễn giải, các văn bản này đều đưa ra thông điệp rõ ràng về “tính hợp lý” đó. Điều 6.2.3 của PICC quy định: “Lời đề nghị phải đưa ra đúng lúc và đầy đủ cơ sở”, và bình luận chính thức Điều này ghi nhận rõ: “Yêu cầu đàm phán hợp đồng phải được đưa ra sớm nhất có thể, ngay sau khi suy đoán là xảy ra hoàn cảnh cơ bản”.

Như vậy, “thời hạn hợp lý” phải được hiểu là thời hạn sớm nhất có thể mà bên bị ảnh hưởng xác định được hoàn cảnh cơ bản đã xảy ra và gây khó khăn quá lớn cho mình trong quan hệ hợp đồng. Việc trì hoãn, chậm trễ trong việc đưa ra yêu cầu đàm phán sửa đổi hợp đồng, làm cho bên kia tin chắc hợp lý rằng bên bị ảnh hưởng vẫn chấp nhận tiếp tục thực hiện hợp đồng với hoàn cảnh đó, thì yêu cầu đàm phán sau đó có thể không được chấp thuận.

Với những phân tích trên, theo tác giả, Khoản 2 Điều 420 Bộ luật Dân sự có thể quy định chặt chẽ như sau: “Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, các bên buộc phải đàm phán lại hợp đồng theo yêu cầu của bên có lợi ích bị ảnh hưởng khi yêu cầu được đưa ra trong thời hạn sớm nhất có thể và có căn cứ xác đáng”.

  • Phát sinh cơ chế giải quyết tranh chấp khi việc đàm phán không thành

Theo Khoản 3 Điều 420, các bên có quyền yêu cầu Tòa án chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng, nếu việc cùng nhau đàm phán thất bại. Điều này là hợp lý, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bên bị ảnh hưởng khi họ gặp khó khăn quá lớn nhưng bên kia không thiện chí giúp họ thoát khỏi tình trạng đó. Dù vậy, quy định này theo tác giả còn một số hạn chế như sau:

Thứ nhất, việc chấm dứt và sửa đổi hợp đồng, quyết định nào được ưu tiên?

Theo Khoản 3, Tòa án sẽ ưu tiên chấm dứt hợp đồng khi các bên khởi kiện ra Tòa, chỉ sửa đổi hợp đồng khi việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi. Điều này đi ngược với tư duy giao kết hợp đồng. Hợp đồng được giao kết là để thực hiện. Khi gặp trở ngại, khó khăn, các bên nên cùng nhau tìm cách khắc phục để làm sao hợp đồng vẫn có thể được thực hiện, và chấm dứt hợp đồng chỉ nên là giải pháp cuối cùng - khi không còn cách nào khác cứu vãn. Đồng thời, việc chấm dứt hợp đồng cũng gây ra hậu quả pháp lý phức tạp cho các bên hơn rất nhiều so với việc sửa đổi hợp đồng. Do vậy, theo tác giả, nên chăng xem xét đổi thứ tự của 2 quyết định này trong Điều 420, theo đó: Tòa án sẽ ưu tiên sửa đổi hợp đồng trước, không được, mới ra quyết định chấm dứt hợp đồng.

Thứ hai, Khoản 3 Điều 420 chỉ xác định một chủ thể giải quyết tranh chấp là Tòa án, mà “quên” một chủ thể khác rất quan trọng - đó là Trọng tài. Điều này không phù hợp với pháp Luật Tố tụng dân sự.

Hiện nay, khi tham gia quan hệ dân sự, thương mại, các bên có quyền lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp, đó là Trọng tài thương mại hoặc Tòa án. Thế nhưng, tại Khoản 3 nêu rõ “Các bên có quyền yêu cầu Tòa án…”. Như vậy, pháp luật quy định thiếu hay khẳng định chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền? Thậm chí, Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý,…”. Như vậy, nếu các bên đã có thỏa thuận trọng tài, và khi xảy ra “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”, yêu cầu Tòa án giải quyết, thì Tòa án phải từ chối thụ lý giải quyết. Vậy, Trọng tài thương mại có quyền giải quyết hay không?

Các văn bản quốc tế như PICC, PECL cũng dùng khái niệm “Tòa án” trong quá trình giải quyết điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh khó khăn, nhưng khẳng định khái niệm “Tòa án” này lại bao hàm luôn Trọng tài (Điều 1:301 của PECL, và Điều 1.11 của PICC). Trong khi đó, khái niệm Tòa án và Trọng tài ở nước ta được sử dụng riêng biệt. Do vậy, nếu nhà làm luật không giải thích rõ quy định này, thì xét về nguyên tắc, chỉ có Tòa án mới là chủ thể duy nhất có quyền giải quyết - hoàn toàn không phù hợp với pháp luật tố tụng dân sự.

Theo tác giả, Khoản 3 Điều 420 nên sửa lại theo hướng thay từ “Tòa án” thành từ “cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp”. Việc quy định “cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp” ở Việt Nam sẽ được hiểu là Tòa án và Trọng tài thương mại.

4. Kết luận

Khi tham gia vào quan hệ hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng thương mại, bất kỳ bên nào cũng mong muốn và cố gắng thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. Điều này vừa đảm bảo công việc được hoàn thành, vừa giữ gìn uy tín trong kinh doanh. Tuy nhiên, đôi khi thực hiện hợp đồng là cả một quá trình dài hạn, và các bên hoàn toàn không thể lường trước những sự cố xảy ra bất ngờ, làm cho việc thực hiện hợp đồng trở nên quá khó khăn.

Quy định “Hoàn cảnh thay đổi cơ bản” được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự 2015 là sự cần thiết, đúng đắn để bảo vệ, cân bằng lợi ích của các bên trong hợp đồng, đảm bảo hợp đồng có thể thực hiện tốt trên tinh thần thiện chí. Tuy nhiên, qua phân tích cho thấy, vẫn còn nhiều điểm bất cập trong việc nhận diện và hậu quả pháp lý của “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”, cần phải có thêm những hướng dẫn chi tiết, bổ sung để quy định mới này được thực thi tốt trên thực tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự năm 2015.
  2. Quốc hội (2010), Luật Trọng Tài thương mại 2010.
  3. Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
  4. Nguyễn Minh Hằng, Đỗ Văn Đại (và nhóm dịch giả), (2014), Bộ Nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế 2004 (sách dịch), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  5. Bộ Nguyên tắc Luật hợp đồng Châu Âu (PECL), https://www.trans-lex.org/400200/_/pecl/#-head_14
  6. https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2017/08/13/de-xuat-dien-giai-v-p-dung-dieu-420-bo-luat-dn-su-nam-2015-ve-thuc-hien-hop-dong-khi-hon-canh-thay-doi-co-ban/
  7. https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xay-dung-phat-luat/hau-qua-phap-ly-khi-hoan-canh-co-su-thay-doi-co-ban-trong-qua-trinh-thuc-hien-hop-dong
  8. http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210176

FUNDAMENTALLY CHANGED CIRCUMSTANCES IN CONTRACTS: IDENTIFICATION AND LEGAL CONSEQUENCES

Master. Kinh Thi Tuyet

Faculty of Economics and Law

University of Finance - Marketing

ABSTRACT:

In principle, when taking part in a contractual relationship, the parties must fully respect and strictly comply with the contents and agreements in the contract, despite the fact that it is advantageous or detrimental to such performance. However, there are unforeseen changed circumstances that make the contract implementation become too difficult or too damaging for a party, leading to an unfair situation in the contract. Hence, international laws and laws of most countries have regulations to adjust this situation. In Vietnam, this situation has been regulated for the first time in Article No.420 – The implementation of contract when circumstances change fundamentally, the 2015 Civil Code. This article analyzes the conditions of application and the legal consequences of this regulation, thereby dicussing some issues which need to be solved.

Keywords: Contract, changed circumstances, contract termination. Civil Code, PICC, PECL.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2020]