Hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử

Nhằm quản lý hoạt động giao dịch và các hoạt động liên quan đến TMĐT, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2013/ NĐ- CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 về Thương mại điện tử (Nghị định 52).

Để hướng dẫn thi hành, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản sau:

Thông tư 47/2014/TT- BCT ngày 05 tháng 12 năm 2014 quy định về quản lý Website thương mại và điện tử và Thông tư số 59/2015/TT- BCT ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Thực tiễn cho thấy, việc ban hành các văn bản trên là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế của đất nước, góp phần tạo lập hành lang pháp lý cho TMĐT, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia, đồng thời thúc đẩy TMĐT phát triển, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay cùng với sự đổi mới liên tục của công nghệ, hoạt động thương mại điện tử chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng, làm phát sinh một số vấn đề mới trong quản lý nhà nước đối với TMĐT.

Nhằm giải quyết những vấn đề trên, ngày 19 tháng 12 năm 2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3783/QĐ - BCT ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, trong đó Bộ Công Thương đã đăng ký xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/ NĐ - CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (dự kiến thời gian trình Chính phủ vào quý I năm 2021).

Từ năm 2014 đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các địa phương để triển khai các đề án thuộc Chương trình phát triển TMĐT và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT.

Trong đó, có nhiều giải pháp tiên tiến của TMĐT ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại địa phương giai đoạn 2014 - 2020, điển hình như sau:

Hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia KeyPay đã tiếp cận hỗ trợ thêm những bộ, ngành, tỉnh, thành phố: Bộ Xây dựng (trung tâm công nghệ thông tin), Bộ Thông tin và Truyền thông (trung tâm thông tin), Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự);

Kết nối với trục liên thông Hệ thống nền tảng kết nối quy mô địa phương (LGSP) của thành phố Hải Phòng, thành phố Bắc Kạn.

Hệ thống Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store (www.erpstore.vn) được Bộ Công Thương triển khai theo chương trình định hướng văn bản, chứng từ điện tử giúp doanh nghiệp giải quyết tất cả các khó khăn liên quan đến việc quản lý và kết văn bản, chứng từ với các đối tác.

Chương trình Một thẻ quốc gia (theViet) hướng tới xây dựng một hệ thống nền tảng kết nối các hệ thống thẻ liên kết thông minh, tích hợp thanh toán, quản lý giao dịch điện tử tại Việt Nam. Tổng số lượng thẻ đã phát hành trong năm 2019 đạt 107.216 thẻ.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến TMĐT thông qua đăng báo đến người dân nhiều trường hợp và hành vi lừa đảo trong TMĐT, xây dựng tài liệu mua sắm trực tuyến an toàn, phối hợp tổ chức các buổi hội thảo, lớp tập huấn cho đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân các nội dung liên quan đến pháp luật và triển khai kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT.

Ngày 27 tháng 9 năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52 NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong đó Nghị quyết nêu rõ chủ trương “Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao”, bao gồm lĩnh vực TMĐT (Mục III.6).

Thực hiện Nghị quyết 52 - NQ/TW, tiếp nối Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ) và Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 (Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ) , Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020.

[Quảng cáo]

Triệu Phong