Hoàn thiện công tác cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

PGS. TS. NGUYỄN HỒNG HÀ (Phó trưởng Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Trà Vinh) - LÊ THỊ CẨM TÚ (Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu hoàn thiện công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bằng phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp từ UBND tỉnh Sóc Trăng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, thu thập dữ liệu sơ cấp 110 người dân từ 7 huyện và Thành phố trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Sử dụng phương pháp thống kê mô tả, phân tích, so sánh, tổng hợp. Nhóm tác giả đã đánh giá được thực trạng cải cách hành chính trong quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thời gian qua; những khó khăn, tồn tại trong hoạt động này. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất hoàn thiện công tác cải cách TTHC trong quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thời gian tới.

Từ khóa: cải cách thủ tục hành chính, lĩnh vực đất đai, giải pháp, tỉnh Sóc Trăng.

1. Đặt vấn đề

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ, đẩy mạnh CCHC nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cải cách TTHC đặc biệt là TTHC trong lĩnh vực đất đai, ngành Quản lý đất đai đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm bớt quy trình, thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. CCHC lĩnh vực đất đai là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Thực tế tại tỉnh Sóc Trăng, mặc dù đã có những thành công nhất định trong công tác CCHC thời gian qua được thể hiện qua việc tăng bậc về chỉ số CCHC nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là hạn chế trong cải cách TTHC. Công tác cải cách TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn hạn chế, kết quả giải quyết còn thấp. Cụ thể, việc công bố TTHC của địa phương còn chậm so với chỉ đạo. Một số sở, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC. Mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ngành ở địa phương trong liên thông giải quyết TTHC và giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp chưa được thường xuyên, kịp thời. Một trong những hạn chế có thể nhận thấy rõ nhất là TTHC trong lĩnh vực đất đai còn đang có nhiều bất cập, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. TTHC trong lĩnh vực đất đai đều là một trong những nguyên nhân chính khiến mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với chính quyền các địa phương chưa cao, là một lực cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp, làm giảm những đóng góp của doanh nghiệp cho sự phát triển bền vững của địa phương, khiến người dân gặp khó khăn khi giải quyết những vấn đề liên quan đến đất đai. Nhiều tồn tại liên quan đến thủ tục nhà, đất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

2. Đánh giá thực trạng công tác CCHC trong quản lý đất đai tại tỉnh Sóc Trăng

Trong quá trình triển khai thực hiện đã thường xuyên rà soát các quy trình, TTHC thuộc phạm vi quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường nhằm kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với phương thức đã công khai sử dụng dịch vụ bưu chính công ích (BCCI). Trong năm 2017, không phát sinh hồ sơ nào sử dụng dịch vụ BCCI nên Sở đã có Công văn số 2124/STNMT-VP ngày 09/10/2018 gửi Sở Thông tin và Truyền thông, theo đó đã cung cấp danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích gồm 23 TTHC (tập trung công bố những thủ tục thường xuyên phát sinh hồ sơ nhằm tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ cho chỉ số CCHC của tỉnh), đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3404/QĐ-UBND ngày 26/11/2019.

Việc cung ứng dịch vụ trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI, Sở đã làm việc cụ thể với Bưu điện tỉnh và đã ban hành Quy chế phối hợp số 138/QCPH-STNMT-BĐST ngày 01/10/2018, theo đó đã bước đầu thực hiện dịch vụ đối với việc trả kết quả TTHC (chưa thực hiện đối với chiều tiếp nhận hồ sơ TTHC). Đến nay, vẫn tiếp tục phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện tốt những nội dung đã thỏa thuận. 

Bảng 1. Kết quả thực hiện việc trả kết quả giải quyết TTHC

Kết quả thực hiện việc trả kết quả giải quyết TTHC

Nguồn: Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng, 2020

Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TW, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành và trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo triển khai cụ thể, phù hợp với tình hình của địa phương. Trong đó, tập trung chủ yếu các quy định về quản lý đất đai; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy trình xây dựng giá đất sát với giá trị trường: quy định trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai;... Kết quả, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (ngày 01/7/2014) đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 12 Quyết định và trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 12 Nghị quyết. Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đất đai được thực hiện đúng trình tự và thẩm quyền theo quy định, nội dung các văn bản đảm bảo bám sát 11 định hướng về tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chinh sách, pháp luật về đất đai đã nêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW. Kết quả, việc thực hiện các văn bản đã đạt kết quả tích cực, điều chỉnh kịp thời các vấn đề phát sinh trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực thi chính sách pháp luật về đất đai tại địa phương.

Thời gian qua dựa trên các quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành cũng như tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo cụ thể, phù hợp với tình hình của địa phương. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành 15 Quyết định và trình HĐND ban hành 17 Nghị quyết. Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đất đai được thực hiện đúng trình tự và thẩm quyền theo quy định, nội dung các văn bản đảm bảo bám sát định hướng về tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai. Kết quả thực hiện các văn bản đã đạt kết quả tích cực, điều chỉnh kịp thời các vấn đề phát sinh trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực thi chính sách pháp luật về đất đai tại địa phương.

3. Kết quả khảo sát đánh giá về cải cách TTHC trong quản lý đất đai tỉnh Sóc Trăng

Qua kết quả phân tích cho thấy, đa số người dân hài lòng về cải cách TTHC trong việc cắt giảm thời gian và thủ tục xữ lý hồ sơ, chiếm 75%; chế độ liên thông một cửa tiện lợi cho người dân, tiết kiệm chi phí và thời gian chiếm tỷ trọng 80%; việc công khai đường dây nóng, quy định cụ thể trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết xử lý trực tiếp cho người dân được người dân đánh giá rất cao. Tuy nhiên, người dân chưa hài lòng về TTHC liên thông với các ban ngành trong tỉnh có liên quan chỉ chiếm 29%. Điều này cho thấy, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan như: Sở Tài Nguyên và Môi trường, UBND TP, huyện; và các Phòng Ban,… chưa tốt.

Bảng 2. Kết quả khảo sát về cải cách TTHC trong quản lý đất đai

Kết quả khảo sát về cải cách TTHC trong quản lý đất đai

Nguồn: Số liệu tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát

4. Giải pháp cải cách TTHC trong quản lý đất đai tại tỉnh Sóc Trăng

4.1. Triệt để cắt giảm thủ tục đất đai không cần thiết

Triển khai thực hiện cải cách TTHC một cách quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn; trong đó, tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và các quy định TTHC rườm rà, phức tạp, không cần thiết, trọng tâm là các TTHC đang gây trở ngại, kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh và các TTHC khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương hoàn thành rà soát, thống kê, đánh giá và đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ; tích hợp các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ có nội dung thông tin trùng lặp; cung cấp các tiện ích thông minh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi giải quyết hồ sơ TTHC. Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết, đảm bảo nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

4.2. Nâng cao trình độ cán bộ công chức ngành quản lý đất đai

Bên cạnh việc đầu tư nguồn nhân lực về con người để đảm bảo việc giải quyết các TTHC về đất đai hiệu quả, các cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) nói chung và cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) về đất đai nói riêng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng cần đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để giải quyết và thực hiện giải quyết TTHC là không thể thiếu để góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách TTHC và cải cách TTHC trong quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Cần tạo điều kiện tốt nhất về đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các cơ quan, đơn vị là công tác quản lý nhà nước về đất đai để phục vụ dân tốt hơn, nhanh chóng và hiệu quả hơn về các TTHC về đất đai, không để người dân cũng như doanh nghiệp phải chờ đợi lâu. Để làm được điều này, các cấp có thẩm quyền phải tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp, hiện đại. 

4.3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC

Các CQHCNN trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện giải quyết TTHC về đất đai. Giải quyết chủ yếu trên hồ sơ công việc; luân chuyển thông tin giữa văn phòng Đăng ký và cơ quan thuế chủ yếu là phương thức điện tử. Áp dụng cơ chế liên thông giữa cơ quan QLNN về tài nguyên môi trường và cơ quan QLNN về thuế trong giải quyết các TTHC về đất đai cho nhà đầu tư.

Đẩy mạnh xây dựng và tăng Chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tập trung thực hiện có hiệu quả cải cách TTHC trong ngành Tài nguyên và Môi trường, trong lĩnh vực đất đai gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch hành chính. Sở Thông tin và Truyền thông của tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Chương trình phối hợp thúc đẩy gắn kết ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách TTHC để nâng cao hiệu quả QLNN, xây dựng nền hành chính hiện đại. Xây dựng phần mềm ISO điện tử có thể tích hợp kiểm soát thủ tục hành chính với quy trình ISO đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử.

4.4. Minh bạch trách nhiệm của người đứng đầu

Tiếp tục thực hiện tốt công tác chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Công tác cải cách TTHC phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị. Theo đó, thủ trưởng đơn vị cần tổ chức hiệu quả các nhiệm vụ về cải cách TTHC được giao tại chương trình, kế hoạch hàng năm; việc xây dựng kế hoạch phải đảm bảo chất lượng; xác định rõ kết quả đối với từng nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của đơn vị, lãnh đạo đơn vị và cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ. Trên cơ sở đó thường xuyên đôn đốc, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện để chấn chỉnh kịp thời hạn chế, thiếu sót.

4.5. Hoàn thiện và công khai quy hoạch đất đai kịp thời

Hoàn thiện việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm gửi thẩm định, phê duyệt đúng thời gian quy định; cập nhật thường xuyên hồ sơ địa chính; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định; thực hiện tốt hơn công tác hòa giải tranh chấp đất đai đảm bảo đúng, phù hợp với quy định pháp luật; có kế hoạch xử lý cụ thể một số trường hợp cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm; bộ phận tiếp nhận và kết quả hồ sơ phải lập phiếu hẹn và giải quyết hồ sơ theo đúng hoặc sớm hơn ngày đã hẹn, giải quyết, thực hiện các thủ tục phải đúng mẫu mới ban hành, đồng thời hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp nắm rõ về sự thay đổi của các thủ tục liên quan đến đất đai.

Xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch đồng bộ với cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội để khai thác tiềm năng đất đai; có lộ trình từng bước thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, các đơn vị sự nghiệp tập trung đông người ra khỏi trung tâm đô thị để khai thác, sử dụng đất có hiệu quả.

4.6. Chú trọng cắt giảm chi phí về đất đai cho người dân 

Tiếp tục đề xuất cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp khi tham gia giải quyết TTHC, cần đề ra được nhiều phương án cắt giảm khả thi, hài hòa để giảm áp lực của cơ chế tài chính hiện nay phân bổ về cơ quan, đơn vị chưa đủ bù đắp chi phí tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Khắc phục hạn chế từ khâu phối hợp lấy ý kiến các cấp, các ngành liên quan nhất là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản đóng góp vào văn bản cần phải thực hiện hiệu quả; có sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan được lấy ý kiến đóng góp phải nghiêm túc, khẩn trương góp ý không được làm qua loa, hình thức hoặc không góp ý hoặc có ý kiến chậm trễ, dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng, gây chậm trễ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ giải quyết các TTHC trong quản lý đất đai. Cần phải có ý thức, trách nhiệm để nâng cao lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào CQNN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Thị Hương (2016). Các chỉ số đánh giá hiệu quả cung ứng dịch vụ hành chính công ở nước ta hiện nay. Truy cập tại https://tcnn.vn/news/detail/35300/Cac-chi-so-danh-gia-hieu-qua-cung-ung-dich-vu-hanh-chinh-cong-o-nuoc-ta-hien-nay.html
  2. Nguyễn Hữu Hải, Lê Văn Hòa (2010). Tiêu chí đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ công tại các cơ quan hành chính Nhà nước. Truy cập tại https://tcnn.vn/news/detail/5112/[Download]all.html
  3. Nguyễn Thị Thu Hiền (2017). Cải cách hành chính tại một số quốc gia và kinh nghiệm vận dụng vào Việt Nam. Truy cập tại https://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/120/416
  4. Bộ Nội Vụ (2012). Quyết định số 1294/QĐ-BNV "Xác định chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".
  5. Bộ Nội Vụ (2018). Quyết định 2636/QĐ-BNV, phê duyệt đề án “ Xác định chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
  6. Chính phủ (2010). Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính.
  7. Chính phủ (2011). Nghị quyết 30c/NQ-CP ban hành “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020”.
  8. Chính phủ (2021). Nghị quyết số 76 ban hành “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nướcgiai đoạn 2021 - 2030”.
  9. Cục Thống kê tỉnh Sóc Trăng (2020). Niên giám thống kê tỉnh Sóc Trăng năm 2019, Sóc Trăng: NXB Thống kê.
  10. Sở Tài nguyên và Môi trường (2017). Quyết định số 26/QĐ-STNMT ngày 16/3/2017 và Quyết định số 71/QĐ-STNMT ngày 23/6/2017.
  11. Sở Tài nguyên và Môi trường (2017) Báo cáo Số: 248/BC-STNMT Thực hiện Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 28/02/2017 của UBND tỉnh Sóc Trăng về thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/12/2017 của Chính phủ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
  12. UBND tỉnh Sóc Trăng (2017). Báo cáo số 74/BC-UBND của UBND tỉnh Sóc Trăng về kết quả thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ.
  13. UBND tỉnh Sóc Trăng (2018). Quyết định 845/QĐ-UBND công bố TTHC mới trong lĩnh vực đất.
  14. UBND tỉnh Sóc Trăng (2020). Báo cáo số 163/BC-UBND Về tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, định hướng giai đoạn 2021-2030.
  15. UBND tỉnh Sóc Trăng (2020). Báo cáo số 351/ BC-UBND, về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính và cơ chế một cửa, một cửa liên thông năm 2020, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

COMPLETING THE LAND ADMINISTRATIVE MANAGEMENT

PROCEDURE REFORM OF SOC TRANG PROVINCE

• Assoc.Prof.Ph.D NGUYEN HONG HA

Vice Dean, Faculty of Economics - Law, Tra Vinh University

• LE THI CAM TU

Soc Trang Province School of Politics 

ABSTRACT:

This research is to improve the land administrative management procedure reform in Soc Trang Province by analyzing secondary data collected from the Provinciaal People's Committee of Soc Trang Province, Soc Trang Province Department of Natural Resources and Environment over the period from 2016 - 2020. This research also analyzed primary data collected from a survey of 110 people living in 7 districts and cities of Soc Trang Province. Descriptive statistics, analysis, comparison, synthesis methods were employed in this study. This research assessed the current land administrative management procedure reform in Soc Trang Province, and pointed out existing difficulties. Based on the research’s findings, some recommendations were made to complete the land administrative management procedure reform of Soc Trang Province in the coming time.

Keywords: administrative procedure reform, land management sector, solution, Soc Trang Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2021]