Hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty cổ phần May Hưng Yên

NGUYỄN THỊ NGUYỆT (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Tổ chức kế toán chi phí và tính giá thành một cách hợp lý, khoa học, đúng đắn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác điều hành, tổ chức và quản lý chi phí nói riêng cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung của doanh nghiệp. Trên cơ sở nghiên cứu công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty cổ phần May Hưng Yên, bài viết đánh giá ưu điểm và hạn chế của công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty.

Từ khóa: Chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, Công ty cổ phần May Hưng Yên.

I. Đặt vấn đề

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ngành Dệt may đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 2,5 triệu lao động trực tiếp và gần 2 triệu lao động gián tiếp (thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ, kho bãi, vận chuyển…). Với mức thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng/người, tương đương 54 triệu đồng/năm thì tổng quỹ lương chi trả cho 2,5 triệu lao động trực tiếp trong một năm là 135 ngàn tỷ đồng (tương đương 6,7 tỷ USD) là một con số không nhỏ, đóng góp đáng kể vào chi tiêu xã hội và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập kinh tế nói chung và việc gia nhập các tổ chức thương mại thế giới nói riêng, tạo ra cho các doanh nghiệp những cơ hội lớn, nhưng thách thức đặt ra cũng rất nhiều. Để tồn tại, phát triển, cạnh tranh và ngày càng lớn mạnh thì các doanh nghiệp nói chung và các công ty dệt may Việt Nam nói riêng phải không ngừng hoàn thiện mình, cải tiến mẫu mã, nâng cao năng xuất lao động, tiết kiệm chi phí để hạ thấp giá thành sản xuất.

II. Thực trạng công tác kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty cổ phần May Hưng Yên

Công ty cổ phần May Hưng Yên được thành lập từ ngày 19/05/1966, tiền thân là Xí nghiệp May Xuất khẩu Hải Hưng trực thuộc TOCONTAP - Bộ Ngoại thương. Từ năm 2005, Công ty hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Hoạt động trong lĩnh vực may mặc, Công ty chuyên sản xuất các mặt hàng như: Áo phông nam, nữ, váy nữ, quần kaki nam, nữ… để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Thị trường Mỹ, thị trường EU, thị trường châu Á… Bộ máy kế toán của Công ty được tổ chức theo mô hình tập trung phân quyền, với mức độ chuyên môn hóa cao.

1. Đối với kế toán tập hợp chi phí sản xuất

Các chi phí sản xuất phân loại và tập hợp theo các khoản mục chi phí phù hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp như sau:

- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: Nguyên vật liệu trực tiếp của Công ty rất đa dạng và phong phú mang đặc thù của ngành May mặc và được chi thành hai loại là nguyên vật liệu chính và vật liệu phụ.

+ Nguyên vật liệu chính: Là các loại vải tạo nên thực thể của sản phẩm, các loại vải này vô cùng đa dạng về chủng loại, màu sắc, tính năng tác dụng…

+ Vật liệu phụ: Bao gồm các loại như cúc, mác khóa, chỉ, chun…

- Chi phí nhân công trực tiếp: Là toàn bộ tiền lương sản phẩm, lương thời gian, tiền ăn ca, các khoản trích theo lương (BHYT, BHXH, BHTN, KPCĐ) của công nhân trực tiếp sản xuất sản phẩm.

- Chi phí sản xuất chung: Là những chi phí có liên quan đến hoạt động sản xuất trong phạm vi các phân xưởng, bao gồm chi phí nhân công, chi phí nhiên liệu, chi phí công cụ, chi phí khấu hao… Chi phí sản xuất chung được tập hợp theo đối tượng phát sinh và phân bổ cho các mã hàng theo tiêu thức phân bổ: Chi phí tiền lương công nhân trực tiếp.

+ Đối tượng hạch toán chi phí sản xuất tại công ty:

Với những đặc điểm cụ thể trên, để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý chi phí kế toán, Công ty xác định đối tượng tập hợp chi phí là từng phân xưởng và chi tiết cho từng mã hàng. Đối với những chi phí liên quan tới một mã sản phẩm kế toán căn cứ vào số liệu các chứng từ để tập hợp chi phí trực tiếp cho mã hàng đó (chi phí nguyên vật liệu và chi phí nhân công trực tiếp), còn đối với chi phí liên quan tới nhiều mã sản phẩm, kế toán tập hợp chi sản xuất chung rồi phân bổ cho từng mã hàng theo tiêu thức tiền lương nhân công trực tiếp sản xuất.

2. Đối với kế toán tính giá thành sản phẩm

Do quy trình sản xuất sản phẩm ở xí nghiệp là quy trình công nghệ phức tạp kiểu liên tục, bao gồm nhiều các công đoạn nhỏ cấu thành, chu kỳ sản xuất ngắn, chỉ có sản phẩm sản xuất ra ở công nghệ cuối cùng mới được coi là thành phẩm, đối tượng tính giá là toàn bộ thành phẩm hoàn thành nhập kho. Đơn vị tính giá thành là chiếc. Xí nghiệp không quản lý giá thành sản phẩm theo kế hoạch hay định mức mà chỉ xác định tổng giá thành sản xuất và giá thành đơn vị sản phẩm theo từng mã hàng hoàn thành nhập kho trong kỳ. Kỳ tính giá theo tháng.

+ Phương pháp tính giá thành

Do đối tượng tập hợp chi phí sản xuất tương ứng với đối tượng tính giá thành, nên Công ty áp dụng phương pháp tính giá thành trực tiếp.

Giá thành sản phẩm = Giá trị sản phẩm DDĐK + Chi phí sản xuất Phát sinh trong kỳ - Giá trị sản phẩm DDCK

3. Đánh giá về công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty cổ phần May Hưng Yên

a. Những mặt đạt được

Thứ nhất, công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty cổ phần May Hưng Yên về cơ bản đã áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp theo Thông tư số 200/2014/ TT - BTC của Bộ Tài chính và các nghị định thông tư hướng dẫn về quản lý tài chính trong các doanh nghiệp sản xuất.

Thứ hai, công tác tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tiến hành phù hợp với quy trình công nghệ và đặc điểm kinh doanh của Công ty. Đối tượng tập hợp chi phí sản xuất của Công ty là từng mã hàng, đối tượng tính giá thành là từng sản phẩm hoàn chỉnh của mỗi mã hàng.

Thứ ba, kỳ tính giá của Công ty là tháng. Việc tính giá thành sản phẩm theo tháng của Công ty là rất đúng đắn vì nó phát huy hết khả năng kiểm tra, giám đốc của kế toán với các yếu tố chi phí sản xuất, phát hiện kịp thời các trường hợp gây thất thoát, lãng phí các yếu tố đầu vào sản xuất, từ đó có biện pháp xử lý thích hợp, đảm bảo việc cung cấp số liệu kịp thời cho yêu cầu quản lý của Công ty.

Thứ tư, công tác quản lý nguyên vật liệu, quản lý giờ công lao động, sản phẩm tính lương của công ty rất chặt chẽ. Có sự đối chiếu, kiểm tra giữa các bộ phận với nhau.

b. Một số tồn tại

- Về hạch toán các khoản thiệt hại do sản phẩm hỏng: Trong công tác quản lý chi phí, Công ty chưa xây dựng định mức sản phẩm hỏng trong quá trình sản xuất. Vì vậy, phần lớn sản phẩm hỏng của Công ty nhập kho chờ thanh lý. Toàn bộ chi phí của sản phẩm hỏng được đưa vào chi phí sản xuất và giá thành sản xuất của sản phẩm hoàn thành. Nếu trong kỳ sản xuất số lượng sản phẩm hỏng quá nhiều, ngoài khả năng kiểm soát của Công ty, việc hạch toán như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm của các thành phẩm.

- Về phân loại chi phí trong Công ty mới chỉ chú trọng phục vụ cho công tác kế toán tài chính mà chưa chú trọng đến việc phân loại chi phí phục vụ cho việc ra quyết định của lãnh đạo (kế toán quản trị). Do đó, chưa phát huy hết được vai trò và nhiệm vụ của kế toán quản trị chi phí và phân tích giá thành sản phẩm cung cấp các thông tin cần thiết cho nhà quản trị ra các quyết định kinh tế.

III. Các giải pháp hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty cổ phần May Hưng Yên

+ Một là giải pháp hạch toán khoản thiệt hại do sản phẩm hỏng tại Công ty.

Quy định rõ ràng về sản phẩm hỏng trong định mức và ngoài định mức, kế toán cần dựa vào mức sản phẩm hỏng để xác định sản phẩm hỏng trong định mức và ngoài định mức, từ đó xác định giá trị sản phẩm hỏng và có thể xác định các nguyên nhân gây ra hỏng hóc (điều kiện máy móc thiết bị sản xuất, trình độ kỹ năng của công nhân…), mức độ hỏng và chi phí sửa chữa, từ đó có biện pháp xử lý như: phạt bồi thường thiệt hại với những hỏng hóc do công nhân gây ra cũng như có kế hoạch tính toán hợp lý hóa các chi phí phát sinh do sản phẩm hỏng gây ra. Những khoản thiệt hại về sản phảm hỏng do nguyên nhân khách quan thì chi phí về sản phẩm hỏng sẽ được loại trừ khỏi giá thành sản phẩm hoàn thành.

Cuối kỳ, tập hợp toàn bộ thiệt hại về sản phẩm hỏng và tiến hành hạch toán:

- Sản phẩm hỏng trong định mức: Không tổ chức hạch toán theo dõi riêng, sau khi trừ phần phế liệu thu hồi nhập kho, chi phí về sản phẩm hỏng coi như nằm trong giá thành sản phẩm hoàn thành.

- Sản phẩm hỏng ngoài định mức: Căn cứ vào các biên bản xác nhận, chứng từ kế toán liên quan, kế toán tiến hành hạch toán thiệt hại về sản phẩm hỏng.

Loại trừ chi phí sản phẩm hỏng ra khỏi giá thành sản phẩm và chờ xử lý.

+ Hai là, hoàn thiện việc phân loại chi phí tại Công ty.

Công ty nên phân chia chi phí thành: Biến phí, định phí và chi phí hỗn hợp. Là một công ty may mặc nên biến phí trong Công ty bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp (vải vóc, bông chỉ, cúc, khóa, mác, khuy…), chi phí nhân công trực tiếp (các khoản lương và chi phí theo lương của công nhân trực tiếp sản xuất sản phẩm), chi phí nhiên liệu phục vụ sản xuất tại phân xưởng… Tổng biến phí thay đổi tỷ lệ thuận với sản lượng sản xuất, còn biến phí đơn vị thì tương đối ổn định.

Định phí bao gồm các khoản như: Khấu hao máy móc trang thiết bị, chi phí trang phục lao động…

Chi phí hỗn hợp là chi phí bao gồm cả yếu tố định phí và biến phí: Chi phí điện nước, điện thoại, chi phí sửa chữa, chi phí mua ngoài khác… Việc thực hiện giải pháp này tạo điều kiện cho công tác kế toán quản trị chi phí, đặc biệt là việc ứng dụng định phí, biến phí và chi phí hỗn hợp trong việc phân tích điểm hòa vốn, lựa chọn phương án kinh doanh…

+ Ba là giải pháp xác định giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ tại Công ty.

Hiện tại, Công ty đang xác định giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ theo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp. Tuy nhiên, các sản phẩm dở dang cũng có phần chi phí nhân công trực tiếp khá lớn, do đó, Công ty nên xác định giá trị sản phẩm dở dang theo chi phí trực tiếp (chi phí nguyên vật liệu trực tiếp và chi phí nhân công trực tiếp), nhằm đảm bảo các chi phí phát sinh được phân bổ hợp lý cho sản phẩm hoàn thành kỳ này và các sản phẩm dở dang chuyển sang kỳ sau. Như vậy thì việc tính toán giá thành mới có tính xác thực và hợp lý.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Giáo trình Kế toán tài chính 2015, Học viện Tài chính.

2. Giáo trình Kế toán tài chính, Nhà xuất bản Tài chính

3. Công ty cổ phần May Hưng Yên: Báo cáo tài chính, tài liệu kế toán 3 năm 2014, 2015, 2016.

COMPLETE THE ACCOUNTING WORK TO COLLECT

PRODUCTION COSTS AND CALCULATE THE PRODUCT PRICE

AT HUNG YEN GARMENT JOINT STOCK COMPANY

● NGUYEN THI NGUYET

Department of Accounting, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Organizing cost and cost accounting in a rational, scientific and correct manner are extremely important in the management, organization and management of costs in particular as well as business production operation in general. Based on the study of accounting and costing in Hung Yen Garment Joint Stock Company, the paper assesses the advantages and disadvantages of accounting for production costs and product price, thereby proposing solutions to improve the accounting work of collecting production costs and products price at the company.

Keywords: Cost of production, product price, Hung Yen Garment Joint Stock Company.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây