Tóm tắt:

Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ với việc tăng cường quản lý tài chính kế toán ngân sách và nghiệp vụ kho bạc nhà nước là một trong những vấn đề rất cần thiết và quan trọng góp phần tạo nên hiệu quả trong hoạt động của Kho bạc Nhà nước. Đồng thời làm mạnh nền tài chính, nâng cao tính công khai, minh bạch dân chủ trong việc sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia nói chung và ngân sách nhà nước nói riêng. Hệ thống Kiểm soát nội bộ với việc tăng cường quản lý tài chính kế toán ngân sách và nghiệp vụ kho bạc nhà nước tại Kho bạc Nhà nước Hoa Lư đã giải quyết được một cách cơ bản những yêu cầu đặt ra.

Từ khóa: Hệ thống kiểm soát nội bộ, quản lý tài chính kế toán, ngân sách nhà nước…

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những thành tựu chung của nền kinh tế, phải kể đến vai trò quan trọng của hệ thống tài chính nói chung và ngành Kho bạc Nhà nước (KBNN) nói riêng. Trong đó, hoạt động của KBNN đã góp phần tích cực vào công việc quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN), thúc đẩy nền kinh tế phát triển, kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả thị trường, điều hòa được lưu thông tiền tệ. Giúp NSNN giảm dần bội chi và tiến tới Nhà nước không cần phát hành tiền để bù đắp thiếu hụt ngân sách.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó thì việc quản lý NSNN trong thời gian qua vẫn còn thất thoát, lãng phí, tham nhũng và sự yếu kém trong việc quản lý thu, chi NSNN đã đặt ra cho chúng ta cần có cái nhìn sâu hơn về tình trạng thâm hụt NSNN. Trong điều kiện hiện nay, NSNN còn bội chi, yêu cầu thu NSNN là: đảm bảo tập trung nguồn thu, tăng cường bồi dưỡng nguồn thu được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm đủ nguồn lực, phục vụ tốt cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đề ra.

Hoạt động Kiểm toán Nhà nước là một hình thức hậu kiểm phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước. Qua các cuộc kiểm toán, những sai phạm hoặc yếu kém sẽ được phát hiện góp phần ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động KBNN. Tuy nhiên nhìn dưới góc độ chủ động phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm và yếu kém, một hệ thống tiền kiểm cũng không kém phần quan trọng. Đó chính là hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) trong các đơn vị KBNN.

Công tác KSNB tại các đơn vị KBNN trong những năm vừa qua đã có những chuyển biến bước đầu kể cả trong việc hình thành những tiêu chí, chuẩn mực riêng, tuy nhiên vẫn chưa hoàn thiện và chưa có những bước cải tiến đáng kể. Hoạt động quản lý tài chính kế toán ngân sách và nghiệp vụ KBNN là hoạt động chính và quan trọng nhất của KBNN, nó diễn ra thường xuyên, liên tục và đang có những vấn đề nảy sinh cần được nghiên cứu, hoàn thiện trên mọi phương diện.

II. QUẢN LÝ TÀI CHÍNH KẾ TOÁN NGÂN SÁCH VÀ NGHIỆP VỤ KBNN TẠI KHO BẠC NHÀ NƯỚC HOA LƯ

Trong suốt thời gian qua, cùng với sự phát triển của ngành KBNN của toàn tỉnh Ninh Bình, tập thể cán bộ công chức KBNN Hoa Lư nói riêng cũng như KBNN Ninh Bình nói chung luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Quy mô hoạt động của KBNN Ninh Bình cũng được mở rộng. Khi mới thành lập, Kho bạc chỉ quản lý từ cấp ngân sách huyện trở lên, sau khi thực hiện luật NSNN, Kho bạc đã tổ chức thực hiện quản lý đủ 4 cấp ngân sách theo Luật ngay từ năm 1997, đảm bảo mọi khoản thu, chi của ngân sách đều được tập trung, phản ánh qua KBNN. Đến thời điểm hiện nay, hệ thống KBNN Ninh Bình quản lý trên 4.234 tài khoản của 2.760 đơn vị; quản lý quỹ NSNN cho 147 xã; 08 huyện, thị xã; thành phố và ngân sách trung ương. Trong đó KBNN Hoa Lư quản lý khoảng hơn 200 tài khoản của các đơn vị trên địa bàn; quản lý quỹ NSNN cho 11 xã, thị trấn. Doanh số hoạt động của KBNN hàng năm lên tới 112 ngàn tỷ đồng trong đó giao dịch tiền mặt lên tới gần 3.650 tỷ đồng.

Theo khảo sát thực tế tại KBNN Hoa Lư, hệ thống KSNB với việc tăng cường quản lý tài chính kế toán ngân sách và nghiệp vụ có những thành tựu nhất định, như:

Thứ nhất, về môi trường kiểm soát

Hệ thống KBNN có những nhân tố thuộc môi trường kiểm soát tác động tích cực đến việc thiết kế và vận hành hệ thống KSNB tại từng đơn vị. Quan điểm, triết lý, phương thức điều hành của nhà lãnh đạo mạnh dạn tiếp cận với cái mới trong xây dựng và tổ chức hệ thống quản lý nói chung và cách thức kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nói riêng. Minh chứng cho nhận xét này chính là biểu hiện của hệ thống quản lý được xây dựng trên cơ sở hệ thống quản lý hiện đại ISO 9001:2008 đã và đang phát huy tác dụng tích cực và đã đạt được kết quả ban đầu rất khả quan: tạo thói quen làm việc khoa học, hiệu quả hơn; lãnh đạo đơn vị điều hành công việc có hiệu quả hơn nhờ thiết lập cơ chế giải quyết công việc rành mạch và thống nhất; công chức được phân công nhiệm vụ rõ ràng trong quá trình xử lý công việc, được đánh giá năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm đồng thời được đào tạo, tập huấn nâng cao về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ. Việc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO đã góp phần ngăn ngừa hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà của công chức, các thủ tục hành chính đều có quy trình xử lý công việc và được niêm yết công khai, minh bạch.

Ban lãnh đạo đã từng bước ý thức được sự cần thiết quản lý các rủi ro và kiểm soát rủi ro đối với các hoạt động nghiệp vụ KBNN như kiểm soát chi NSNN, kế toán ngân sách, thu NSNN, hoạt động thanh toán,… Ban lãnh đạo cũng nhận thức được chức năng KSNB cần thiết đối với việc kiểm tra, giám sát hoạt động thu chi NSNN.

Trong cơ chế hoạt động, KBNN Hoa Lư từng bước cải thiện thủ tục hành chính để giải quyết công việc kịp thời và hiệu quả. Trong công việc có sự cải tiến cho phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ hai, hệ thống thông tin và truyền thông

Trong xu thế hội nhập, cùng với toàn hệ thống KBNN tiến hành xây dựng mô hình và tổ chức thực hiện chức năng Tổng Kế toán Nhà nước, KBNN Hoa Lư cũng đang vận hành chương trình Tabmis. Chương trình Tabmis được áp dụng trong tất cả các đơn vị thuộc hệ thống KBNN; các đơn vị, bộ phận thuộc cơ quan tài chính các cấp tham gia Tabmis; các cơ quan tài chính ở các bộ, ngành trong trường hợp tham gia trực tuyến trên Tabmis. Đây là hệ thống thông tin kế toán NSNN được thiết lập tập trung trên phạm vi toàn quốc, với hơn 14.000 người dùng, tại hơn 700 đơn vị hoạt động, trải khắp 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hệ thống Tabmis được đưa vào sử dụng tại KBNN Hoa Lư từ tháng 8 năm 2012, hiện nay đang vận hành ổn định và thông suốt.

Toàn bộ hệ thống chứng từ, tài khoản, sổ sách và báo cáo kế toán tuân theo Chế độ kế toán theo Thông tư 08/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành. Tabmis có khả năng giao diện với các phần mềm quản lý tài chính khác; có thể kết nối giữa KBNN với các cơ quan tài chính, các bộ, ngành và các đơn vị sử dụng ngân sách. KBNN Hoa Lư cũng đang áp dụng chương trình TCS-TT, đây là chương trình hiện đại hóa thu NSNN, các đơn vị ngành Tài chính trong tỉnh cùng sử dụng chung dữ liệu điện tử về thu thuế tại KBNN tỉnh, huyện và từ các ngân hàng thương mại có phối hợp thu. Việc sử dụng chương trình này giúp giảm thời gian nhập đi nhập lại chứng từ thu, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế có thể nộp tại bất kỳ ngân hàng nào trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Trang thông tin điện tử KBNN và hệ thống chat nội bộ Microsoft Communicator cũng là một công cụ hữu hiệu để truyền tải thông tin trong nội bộ hệ thống KBNN.

Thứ ba, các thủ tục kiểm soát

Các thủ tục kiểm soát tại hệ thống KBNN được ban hành thành văn bản chính thức và công khai.

Sự phân công, phân nhiệm giữa các cấp xét duyệt nghiệp vụ và những người thực hiện nhiệm vụ được quy định rõ ràng trong văn bản theo hướng dẫn của ngành. Mỗi kế toán viên được phân công phụ trách một mảng công việc cụ thể, do đó chứng từ của khách hàng giao dịch thuộc phần việc của kế toán viên nào, kế toán viên đó chịu trách nhiệm xét duyệt. Bộ máy tổ chức kế toán được tổ chức theo đúng quy định của ngành về phân công trách nhiệm.

Đảm bảo tính độc lập giữa chức năng thực hiện nghiệp vụ và chức năng kiểm soát. Việc phân công, bố trí cán bộ kế toán nghiệp vụ được quy định khá chặt chẽ. Tài khoản đăng nhập, mật khẩu và tập quyền truy cập các chương trình như Tabmis, chương trình Liên kho bạc, chương trình TCS được bảo mật cao.

Quy trình nghiệp vụ thu chi NSNN được xây dựng bằng văn bản dưới hình thức bảng mô tả công việc được đóng thành bảng treo tường công khai để mọi khách hàng giao dịch đều được biết và để kiểm soát được nhân viên khi thực hiện công việc.

Thứ tư, giám sát

Hoạt động giám sát thường xuyên của KBNN Hoa Lư được thực hiện thông qua các cấp quản lý tại mỗi phòng, tổ công tác. Ngoài ra hoạt động nghiệp vụ của các phòng, tổ nghiệp vụ tại KBNN Hoa Lư còn chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên và liên tục bởi các phòng nghiệp vụ và phòng thanh tra của KBNN Ninh Bình. Ngoài ra, KBNN Hoa Lư còn chịu sự kiểm tra định kỳ của Kiểm toán Nhà nước. KBNN Hoa Lư đã bắt đầu chú trọng đến công tác giám sát, kiểm tra thông qua việc kiểm tra nội bộ. Các cuộc kiểm tra được thực hiện định kỳ hoặc khi có yêu cầu đột xuất.

Bên cạnh đó vẫn còn nhiều mặt hạn chế cần khắc phục như:

Thứ nhất, về môi trường kiểm soát

Hệ thống quản lý thống nhất tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đã được triển khai tại KBNN Hoa Lư mang lại những hiệu quả nhất định tuy nhiên vẫn còn gặp phải một số hạn chế: Việc áp dụng hệ thống ISO còn mới, nhận thức trong đội ngũ công chức KBNN Hoa Lư còn chưa đầy đủ.

Cơ cấu tổ chức của KBNN Hoa Lư hiện nay vẫn đang duy trì 3 tổ là Tổ kế toán (7 người), tổ kho quỹ (3 người) và tổ tổng hợp (1 chuyên viên và 2 bảo vệ). Theo quy định tổ tổng hợp ngoài nhiệm vụ thanh toán vốn đầu tư phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc khác như tổ chức cán bộ, quản lý hồ sơ lưu trữ, quản lý tài sản,… tuy nhiên biên chế của tổ tổng hợp hiện nay chỉ có 1 công chức làm nghiệp vụ, sẽ gây ra vướng mắc khó khăn trong việc điều động công việc, công tác điều hành, trong công tác quản lý nhân sự và đánh giá kiểm điểm, bình xét thi đua cuối năm. Như vậy cơ cấu tổ chức hiện nay là chưa hợp lý.

Chính sách nhân sự của ngành chưa có một sự khuyến khích mạnh mẽ đối với việc học tập nâng cao trình độ của cán bộ công chức. Về chế độ tiền lương người có trình độ cao học cũng chỉ được hưởng lương như người có trình độ đại học. Chính sách khen thưởng và kỷ luật được thực hiện theo hướng dẫn chung của ngành, chưa xây dựng những tiêu chí cụ thể.

Bộ máy kiểm soát chưa được thiết kế đầy đủ nên khó giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động của đơn vị, chưa có một ban KSNB riêng.

Thứ hai, đánh giá rủi ro

KBNN Hoa Lư là đơn vị hành chính sự nghiệp, mang tính chất bao cấp, cấp phát nên ban lãnh đạo chưa có sự quan tâm thích đáng tới các rủi ro.

KBNN Hoa Lư chưa phân tích và đánh giá một cách đầy đủ các rủi ro liên quan đến hoạt động thu chi NSNN. Chưa xây dựng một quy trình giám sát chặt chẽ các rủi ro và có kế hoạch đối phó trong các trường hợp có sự biến động đột xuất về cơ cấu tổ chức, chính sách. Việc đánh giá rủi ro hiện nay mang tính chủ quan, cảm tính nên việc kiểm soát tính hợp lý của các hồ sơ chi chủ yếu dựa trên sự đánh giá của nhân viên, thiếu sự kiểm tra lại thông tin.

Thứ ba, hệ thống thông tin

Hệ thống Tabmis mặc dù đã hoạt động ổn định tuy nhiên vẫn còn một số khiếm khuyết như sau:

Việc nhập liệu tại phân hệ quản lý chi trên Tabmis phải qua nhiều màn hình nhập liệu và áp thanh toán nên mất nhiều thời gian; công tác khóa sổ, việc kết xuất các loại báo cáo còn quá chậm, thiết kế chưa đầy đủ các loại báo cáo, một số loại báo cáo chỉ chạy vào ban đêm, nên rất khó khăn cho việc kiểm tra số liệu trên báo cáo. Hiện tượng báo cáo thu chi ngân sách xuất hiện dòng số liệu không có trong công thức với số dư lớn nhưng không có công cụ tìm kiếm, phân tích hay cảnh báo trong quá trình hạch toán.

Việc theo dõi, quản lý kinh phí của các đơn vị an ninh, quốc phòng còn hạn chế.

Hệ thống Tabmis không có chế độ quản lý các thông tin về tình trạng tài khoản đang hoạt động hay ngừng hoạt động.

Hệ thống Tabmis không hỗ trợ cảnh báo số dư tài khoản tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và các tài khoản trung gian, trong trường hợp tiền mặt và tiền gửi ngân hàng không đủ số dư, hệ thống vẫn cho nhập chứng từ, việc theo dõi số dư các tài khoản này phải thực hiện thủ công…

Việc giao diện dữ liệu giữa các chương trình TCS-TT và Tabmis, TTLKB và Tabmis đôi khi bị lỗi, dẫn đến phải xử lý thủ công. Để đáp ứng yêu cầu về đồng bộ hóa số liệu giữa chương trình TCS-TT và chương trình Tabmis, khi điều chỉnh các khoản thu NSNN phải thực hiện điều chỉnh trên chương trình TCS sau đó giao diện sang chương trình Tabmis. Trên chương trình TCS có chức năng lập chứng từ điều chỉnh, tuy nhiên cách hạch toán chưa thực sự thích hợp.

Sự truyền đạt thông tin trong nội bộ toàn hệ thống còn thiếu tính kịp thời. Hiệnnay việc truyền đạt chủ yếu thông qua đường công văn, việc cập nhật các văn bản mới trên hệ thống trang thông tin nội bộ còn chưa được diễn ra thường xuyên dẫn đến sự lỗi thời về thông tin.

Thứ tư, các hoạt động kiểm soát

Các quy định trong nội bộ cơ quan KBNN chưa cụ thể hóa trách nhiệm của các cá nhân đối với công việc kiểm tra, giám sát.

Các quy trình luân chuyển chứng từ được thực hiện chưa thực sự hợp lý. Cán bộ kế toán thực hiện kiểm soát chi, ký và hạch toán chứng từ trên máy sau đó mới chuyển sang KTT kiểm soát và phê duyệt.

Một hạn chế nữa là nhiệm vụ kiểm soát chi tại KBNN Hoa Lư còn đang phân tán ở nhiều bộ phận nghiệp vụ. Việc phân công phân nhiệm giữa các bộ phận và trong cùng một bộ phận còn chưa hợp lý.

Chủ yếu dựa vào các hướng dẫn chung của ngành khi thực hiện các nghiệp vụ. Chưa xây dựng một quy trình mô tả đầy đủ cho nhân viên thực hiện để có thể kiểm soát được quy trình thực hiện của nhân viên để ngăn ngừa sự vi phạm.

Chưa có quy định rõ ràng và đầy đủ các hình thức xử lý vi phạm của cán bộ công chức. Chỉ dựa vào pháp lệnh cán bộ công chức, việc xử lý sai phạm phải diễn ra đúng quy trình, rất chậm trễ do nhiều thủ tục rườm rà. Không nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân viên do xử lý không nghiêm khắc.

Thứ năm, giám sát

Phòng thanh tra không có đầy đủ các chức năng kiểm soát của KSNB, chủ yếu mới chỉ thực hiện kiểm tra về mặt nghiệp vụ, chế độ và thủ tục hành chính. Chưa có một bộ phận riêng biệt chuyên về thực hiện các chức năng của KSNB. Mặc dù KBNN Hoa Lư ý thức rằng cần phải kiểm tra nội bộ chặt chẽ, thường xuyên song điều này vẫn chưa được thực hiện đúng mức.

III. HOÀN THIỆN HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ VỚI VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TÀI CHÍNH KẾ TOÁN NGÂN SÁCH VÀ NGHIỆP VỤ TẠI KBNN HOA LƯ

Một là, nâng cao nhận thức và quan điểm đúng đắn của nhà quản lý về hệ thống KSNB. Nâng cao nhận thức của nhà quản lý về tầm quan trọng của kiểm soát trong đơn vị: Kiểm soát là chức năng quan trọng của nhà quản lý, là điều kiện cần thiết để các cá nhân và bộ phận thực hiện các hoạt động một cách có hiệu quả. Kiểm soát cần được thực hiện, duy trì trong mọi giai đoạn của quá trình quản lý do những thay đổi từ môi trường bên trong và bên ngoài đơn vị ảnh hưởng đến việc thực hiện các kế hoạch, mục tiêu của đơn vị. Nâng cao nhận thức của nhà quản lý trong nhận diện, đánh giá và phân tích rủi ro: Phần lớn các lãnh đạo tại KBNN Hoa Lư vẫn còn tâm lý chủ quan, coi nhẹ rủi ro, kết quả là, KSNB của đơn vị tồn tại nhiều lỗ hổng. Rủi ro không được nhận diện, đánh giá và phân tích đồng nghĩa với việc không thể có thủ tục kiểm soát thích hợp để hạn chế chúng. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy trình một cửa trong kiểm soát chi, thường xuyên rà soát các quy trình thủ tục, hồ sơ giải quyết công việc trong các lĩnh vực nghiệp vụ; đặc biệt là hoạt động thu NSNN, kiểm soát chi NSNN để nghiên cứu cải tiến, bổ sung hoàn thiện hệ thống theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh phiền hà, rút ngắn thời gian xử lý công việc nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, thực hiện công khai, minh bạch để mọi người dân, tổ chức được biết, thực hiện.

Hai là, hoàn thiện cơ cấu tổ chức. Lãnh đạo KBNN Hoa Lư cần có ý kiến đóng góp trình lên cấp trên về những bất cập trong việc sắp xếp, tổ chức nhân sự, trình đề án về việc sắp xếp lại các tổ bộ phận trong KBNN huyện.

Ba là, hoàn thiện bộ máy giám sát. Cần thành lập một ban kiểm soát với những tiêu chí đánh giá được xây dựng cụ thể. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát các hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ hệ thống nhằm phát hiện kịp thời những sai sót; cảnh báo các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn; xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành nghiêm túc các chế độ, quy trình nghiệp vụ, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và 10 điều kỷ luật của ngành.

Bốn là, áp dụng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý mở và sử dụng tài khoản để giảm thiểu thao tác cho cán bộ kiểm soát chi, kế toán làm tăng hiệu quả công việc, phòng tránh rủi ro trong thanh toán. Hiện tại, chưa có một phần mềm chính thức phục vụ cho việc quản lý và mở tài khoản, có thể dùng máy scan để lưu giữ các thông tin về quản lý tài khoản dạng file mềm sẽ tiện dụng hơn trong việc tra cứu. Ngoài ra, vẫn còn nhiều bộ, ngành và các đơn vị giao dịch chưa thực hiện kết nối và giao diện với Tabmis thì khi cung cấp mẫu biểu về mở tài khoản cho đơn vị, KBNN nên cung cấp kèm bảng một số tài khoản tự nhiên và tên tài khoản tương ứng để đơn vị tra cứu và ghi vào hồ sơ mở tài khoản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Thị Nga (2014), “Hoàn thiện chế độ kế toán nhà nước áp dụng cho TABMIS nhằm thực hiện chức năng tổng kế toán nhà nước tại KBNN”, Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia, (131), 26.

2. Nguyễn Công Tuấn Duy (2014), “Hoàn thiện chế độ kế toán nhà nước – TABMIS theo hướng đa dụng, hiệu quả”, Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia, (131), 32.

3. Đặng Thanh Bình (2014), “Một số ý kiến về an toàn – tiện ích khi vận hành TABMIS”, Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia, (131), 34.

4. Phạm Thị Thanh Hương (2014), “Kiểm soát, phòng ngừa rủi ro trên chương trình TABMIS”, Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia, (131), 36.

5. Lê Chí Cường (2014), “Bàn về vấn đề rủi ro nghiệp vụ kế toán trên hệ thống TABMIS”, Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia, (131), 38.

Ngày nhận bài: 05/01/2016

Ngày chấp nhận đăng bài: 25/01/2016

Thông tin tác giả:

Lê Thị Thúy

Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Improving internal control system of the State treasury of Vietnam, Hoa Lu branch by strengthening state budget accounting profession

Le Thi Thuy

Faculty of Accounting, University of Economics and Technology Industry

Abstract:

Improving internal control system of the State treasury of Vietnam by strengthening state budget accounting profession and state treasury profession is an important and necessary task of the State treasury of Vietnam. In addition, improving internal control system of the State treasury of Vietnam contribute to strengthen Vietnams financial sector, improve transparency in using national financial source. Internal control system of the State treasury of Vietnam, Hoa Lu branch meets these requirements basically.

Keywords: Internal control system, financial accounting management, the State budget.