Hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh

(Chinhphu.vn) - Khung pháp lý về thị trường chứng khoán phái sinh ngày một hoàn thiện hơn, nhưng để thị trường phát triển thì phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư cũng như hỗ trợ thông tin từ các cơ qua
Để đảm bảo vai trò của thị trường chứng khoán, củng cố niềm tin và thu hút thêm nhà đầu tư, ngày 5/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh (CKPS) và thị trường CKPS, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc xây dựng khung pháp lý, mà nòng cốt là Nghị định của Chính phủ về CKPS và thị trường CKPS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thiết lập khung pháp lý, thể chế chính sách để đưa thị trường này vào hoạt động.

Kế thừa các quy định trong Luật Chứng khoán, Nghị định đặt ra điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh CKPS đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán như: Phải có đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định; Đáp ứng các điều kiện tài chính; Đáp ứng các yêu cầu về lợi nhuận, tỷ lệ vốn khả dụng, quy trình nghiệp vụ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Chứng khoán giao dịch trên thị trường CKPS bao gồm: hợp đồng tương lai; hợp đồng quyền chọn niêm yết; hợp đồng kỳ hạn dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán và các CKPS niêm yết; giao dịch thỏa thuận khác dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán. Ngoài sở giao dịch chứng khoán, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao dịch CKPS niêm yết.

Nghị định cũng quy định Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam là đơn vị duy nhất đảm nhiệm chức năng thanh toán, bù trừ cho các giao dịch CKPS trên thị trường. Để đảm bảo hạn chế rủi ro, hoạt động bù trừ, thanh toán cho các giao dịch CKPS niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán phải được thực hiện theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP).

Công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại có thể đăng ký làm thành viên bù trừ của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam khi đáp ứng được một số yêu cầu nhất định. Trong đó, yêu cầu về vốn đối với thành viên bù trừ trực tiếp thấp hơn thành viên bù trừ chung.

Cụ thể, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đối với các ngân hàng thương mại yêu cầu từ 5.000 tỷ đồng trở lên đối với thành viên bù trừ trực tiếp và 7.000 tỷ đồng trở lên đối với thành viên bù trừ chung. Yêu cầu về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đối với công ty chứng khoán là từ 900 tỷ đồng trở lên khi đăng ký làm thành viên bù trừ trực tiếp, 1.200 tỷ đồng trở lên khi đăng ký làm thành viên bù trừ chung.

Việc cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch CKPS của công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch CKPS.

Về chế tài xử phạt, ông Nguyễn Thành Long cho hay, CKPS cũng là một loại chứng khoán tương tự như chứng khoán cơ sở và giao dịch qua sở giao dịch chứng khoán. Các hành vi vi phạm của chứng khoán cơ sở đều có thể áp dụng được với CKPS.

Ông Long cũng cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như các sở giao dịch chứng khoán đều đang nỗ lực rà soát hạ tầng công nghệ thông tin. Thực tế, cơ bản hạ tầng hệ thống giao dịch đã có thể sử dụng được cho giao dịch CKPS, có một phần cần nâng cấp nhưng không nhiều. Việc giao dịch, khớp lệch đều được thực hiện như chứng khoán cơ sở.

Khung pháp lý ngày một hoàn thiện hơn nhưng để thị trường CKPS phát triển thì phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư cũng như hỗ trợ thông tin từ các cơ quan liên quan.

“CKPS là một thị trường hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc phòng ngừa rủi ro. Việc nhà đầu tư tích cực tham gia thị trường này hay không phụ thuộc vào khả năng, kỹ năng của các nhà đầu tư. Do đó, các cơ quan chức năng cần cung cấp nhiều thông tin kiến thức về thị trường này”, ông Long cho biết.

Theo Cổng thông tin Điện tử Chính phủ