Hoàn thiện pháp luật về công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam

Nguyễn Văn Tuấn (Thành ủy Bến Tre) và Vũ Duy Nam (Công ty Luật TNHH Hiệp Nhất)

TÓM TẮT:

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp nằm trong hệ thống cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, được quy định bởi Luật Doanh nghiệp về việc thành lập, hoạt động và chấm dứt hoạt động. Tuy sự đóng góp của loại hình doanh nghiệp này cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước là không nhỏ nhưng các quy định pháp luật về công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lại còn nhiều điểm chưa phù hợp, cần có giải pháp điều chỉnh để ngày càng hoàn thiện hơn. Bài viết sẽ phân tích sâu về vấn đề này.

Từ khóa: công ty, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, trách nhiệm hữu hạn.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay Việt Nam đang trong thời kỳ đổi mới và phát triển kinh tế với mục tiêu sớm đưa đất nước nhanh chóng hội nhập chung vào nền kinh tế toàn cầu. Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện phát triển kinh tế nhiều thành phần và đường lối đổi mới của đất nước được bắt đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986).

Ngày 21/12/1990, Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua hai đạo luật quan trọng là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp (DN) tư nhân, tạo cơ sở pháp lý cho các loại hình DN ngoài quốc doanh như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), DN tư nhân phát triển. Tuy vậy, theo thời gian nhiều nội dung của hai đạo luật đó đã tỏ ra bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của các loại hình DN. Để đáp ứng và thích nghi với tình hình đó cũng như đảm bảo quyền tự do, bình đẳng trước pháp luật trong kinh doanh của các DN; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh… hệ thống pháp luật kinh tế Việt Nam không được ngừng bổ sung, hoàn thiện. Cụ thể: Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã lần lượt ra đời thay thế cho Luật Công ty (1990), Luật Doanh nghiệp (2005) trước đó.

Công ty TNHH (gồm công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên) được thừa nhận lần đầu tiên trong Luật Doanh nghiệp năm 1999, là loại hình DN được các nhà đầu tư ưa chuộng bởi sự kết hợp hoàn hảo những ưu điểm của các loại hình DN khác. Tuy  nhiên ,trong thực tiễn áp dụng, các quy định về thành lập, hoạt động và chấm dứt hoạt động của công ty TNHH một thành viên đã bộc lộ một số bất cập nhất định, gây khó khăn cho các chủ thể khi điều hành và quản lý công ty. Từ đó cho thấy, việc nghiên cứu về pháp luật công ty TNHH một thành viên và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện pháp luật về loại hình DN này là điều cần thiết.

2. Pháp luật về công ty TNHH một thành viên theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020

Công ty TNHH một thành viên còn được gọi với tên khác là “Công ty TNHH một chủ”(Tên tiếng Anh: Solemember limitedliability company). Công tyTNHH một chủra đời là hệ quảpháp lýđặc biệt của quá trìnhpháttriển của công ty TNHH khi toàn bộ tài sản của một công ty TNHH nhiều thành viên (vì những lý do khác nhau) đã chuyển vào tay một thành viên duy nhất. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới, quan điểm về công ty TNHH một thành viên là hoàn toàn khác nhau. Cụ thể: Hệ thống pháp luật của Đức và Pháp đều ghi nhận và có những quy định khác nhau về loại hình công ty TNHH một chủ như sau:

Luật Công ty TNHH của Cộng hòa Liên bang Đức đã định nghĩa: “Công ty TNHH do một hay nhiều người sáng lập trên cơ sở những quy định của Luật và theo đó có các mục đích hoạt động được pháp luật cho phép” (Nghị viện, 1995, Luật Công ty TNHH Cộng hòa Liên bang Đức); Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp quy định: Công ty có thể được thành lập trong những trường hợp do Luật định bằng hành vi, ý chí của mọt người” (Nghị viện,1804, Bộ Luật Dân sự Cộng hòa Pháp.)

Ở Việt Nam, Điều 74 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về công ty TNHH một thành viên như sau:

  1. Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
  2. Công ty TNHH một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  3. Công ty TNHH một thành viên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
  4. Công ty TNHH một thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.

Từ quy định trên, có thể nhận thấy, công ty TNHH một thành viên có các đặc điểm như sau:

Thứ nhất, thành viên công ty là một cá nhân hay tổ chức

Thành viên duy nhất này của công ty cũng chính là chủ sở hữu công ty. Nếu như trước đây công ty TNHH một thành viên là một tổ chức thì bây giờ pháp luật Việt Nam đã thừa nhận chủ sở hữu công ty là một pháp nhân. Điều này phù hợp với chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần ở nước ta, đồng thời tạo ra môi trường pháp lý đa dạng và thuận lợi để cá nhân thành lập công ty riêng phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế cũng như các quy định của Luật Doanh nghiệp.

Thứ hai, công ty TNHHmộtthànhviên có tư cáchpháp nhân

Cá nhân hay tổ chức thành lập công ty TNHH một thành viên được coi là có tư cách pháp nhân, tức là đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định, đó là: Được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập (Quốc hội, 2020).

Thứ ba, công ty TNHH hạn một thành viên chịu TNHH về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốnđiều lệ của công ty

Công ty TNHH là công ty đối vốn, đặc trưng của công ty đối vốn đó là tính chất hữu hạn của chủ sở hữu công ty đối với phần vốn góp của mình vào công ty đó. Tuy nhiên, ngay trong tên gọi, công ty TNHH đã thể hiện tính chất hữu hạn trong phạm vi trách nhiệm của thành viên công ty đối với các khoản nợ của công ty. Vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên được hiểu là số tiền do thành viên góp và ghi vào Điều lệ công ty. Vốn điều lệ của công ty có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, nếu phát sinh các khoản nợ và ngoài tài sản khác của công ty thì chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ đã góp hoặc cam kết góp vào công ty chứ không phải đưa tài sản riêng của cá nhân, tổ chức ra để thanh toán các khoản nợ đó. Như vậy, trong công ty TNHH một thành viên, có sự phân tách rõ giữa tài sản của công ty và tài sản của thành viên công ty.

Thứ tư, công ty TNHH một thành viên không được phát hành cổ phiếu ra công chúng để huy động vốn.

Trong các loại hình công ty thì công ty TNHH một thành viên là công ty không được phát hành cổ phiếu ra công chúng để huy động vốn. Đây là một đặc điểm cho thấy sự khác biệt giữa công ty TNHH và công ty cổ phần. Trong khi một đặc trưng nổi bật, thể hiện rõ nét tính chất của công ty cổ phần đó là công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn. Đây là cách thức huy động vốn với quy mô rất lớn mà công ty cổ phần có thể tiến hành. Tuy nhiên, với đặc trưng của công ty TNHH thì hoạt động phát hành cổ phiếu để huy động vốn là không cần thiết và không đảm bảo. Do đó, trong trường hợp này, công ty chỉ dựa trên khả năng tăng vốn điều lệ bằng tăng vốn góp của chủ sở hữu công ty.

3. Một số nhận xét về pháp luật công ty TNHH một thành viên ở Việt Nam hiện nay

Hiện nay, việc thành lập, hoạt động và chấm dứt hoạt động công ty TNHH một thành viên được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020. Có thể nhận thấy sau 35 năm đổi mới về đường lối và chính sách pháp luật, đặc biệt là pháp luật kinh tế, các DN thuộc các thành phần kinh tế ở Việt Nam đã phát triển mạnh, đóng góp rất nhiều cho các vấn đề kinh tế - xã hội nước nhà mà trong đó phải kể đến sự đóng góp của loại hình DN là công ty TNHH một thành viên.

Để loại hình DN này tồn tại và phát triển trong môi trường hội nhập kinh tế toàn cầu thì yêu cầu nhận diện về các ưu điểm và tồn tại của Luật điều chỉnh để từ đó đưa ra các gợi ý chính sách, các giải pháp phát triển là điều hết sức cần thiết. Từ nghiên cứu của tác giả về  Luật Doanh nghiệp Việt Nam qua các giai đoạn cũng như sơ khảo về hệ thống Luật pháp kinh tế của các quốc gia trên thế giới, có thể thấy loại hình DN là công ty TNHH một thành viên ở Việt Nam có các ưu điểm như sau:

Thứ nhấtcông ty TNHH một thành viên có khả năng giới hạn rất tốt rủi ro về mặt tài chính cho chủ sở hữu.

Tính chịu TNHH xuất hiện từ lâu đời trong lệ của người buôn, lệ dần được ghi nhận thành luật. TNHH thường được hiểu đó là nghĩa vụ của cổ đông hay của thành viên sẽ phải trả các khoản nợ của công ty, được giới hạn chỉ trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty. Công ty TNHH một thành viên có sự bảo đảm an toàn pháp lý khá cao cho chủ sở hữu công ty. Bởi chủ sở hữu công ty này, chỉ phải gánh chịu những hậu quả về mặt tài chính cho các chủ nợ trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Nói cách khác, “công ty có sự tách bạch rõ ràng tài sản của chủ sở hữu góp vào công ty với tài sản ngoài xã hội của họ”. Vì thế, TNHH là bức tường bảo vệ về tài chính cho chủ sở hữu của loại hình DN này.

Thứ hailà công ty phù hợp để kinh doanh trong phạm vi nhỏ

Công ty TNHH một thành viên là loại hình DN chỉ có duy nhất một chủ sở hữu. Chính vì không có sự tham gia của nhiều thành viên nên quy mô tổ chức của DN thường là nhỏ và vừa. Điều này mang lại sự thuận lợi nhất định cho chủ sở hữu công ty. Mặt khác, điểm hấp dẫn của công ty này còn là tính chịu TNHH về tài sản. Do đó, mô hình công ty TNHH một thành viên khá thích hợp với các thương nhân có tư tưởng kinh doanh chỉ với quy mô nhỏ và luôn đòi hỏi sự bảo đảm an toàn cao về mặt tài chính.

Thứ batính chủ động và quyết đoán trong kinh doanh

Đây là loại hình DN có nhiều thuận lợi trong việc đưa ra các quyết định về kinh doanh. Trong loại hình DN này, người chủ sở hữu có toàn quyền quyết định mọi vấn đề của công ty mà không lo sợ bị chia sẻ quyền lực, các quyết định sẽ đưa ra nhanh chóng, kịp thời mà không cần chờ đợi sự biểu quyết nhất trí từ các đồng sở hữu khác. Điều này mang lại sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công việc kinh doanh, khi người chủ sở hữu công ty không phải chia sẻ thông tin và quyền hạn với các thành viên khác.

Thứ tư, chủ sở hữu công ty nắm giữ mọi vấn đề về tài chính

Chủ sở hữu DN có toàn quyền quyết định về tài chính sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác của DN. Do là loại hình công ty một chủ sở hữu, nên mọi khoản lợi nhuận từ kết quả kinh doanh của công ty sẽ chỉ có chủ sở hữu là người duy nhất được thụ hưởng.

Thứ năm, thủ tục chuyển đổi hình thức pháp lý của công ty TNHH một thành viên đơn giản, dễ dàng

Công ty TNHH một thành viên có thể tăng vốn điều lệ bằng việc huy động thêm phần vốn góp của người khác và chuyển đổi sang thành hình thức của công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần. Đây là loại hình của công ty đối vốn, nên công ty TNHH một thành viên luôn có thể dễ dàng chuyển đổi hình thức pháp lý sang loại hình công ty khác. Đây cũng là thuận lợi rất lớn cho công ty TNHH một thành viên. Bởi, khi cần thiết, loại hình công ty này luôn có thể dễ dàng mở rộng quy mô hoạt động bằng cách chuyển đổi sang một loại hình công ty nhiều chủ sở hữu.

Mặc dù công ty TNHH một thành viên có nhiều ưu điểm nổi trội, tuy nhiên, loại hình công ty này vẫn còn tồn tại khá nhiều hạn chế.

Thứ nhấtcông ty TNHH một thành viên luôn chứa đựng nhiều rủi ro cho các bên liên quan lợi ích.

Chế độ chịu TNHH là “bức tường” bảo vệ rất lớn cho chủ sở hữu của các công ty này. Điều đó đôi khi lại dễ dàng dẫn đến sự lạm dụng của chủ sở hữu DN khi họ luôn biết chắc phạm vi rủi ro về tài sản được giới hạn trước của mình và các rủi ro thường được đẩy sang khách hàng hay chủ nợ. Trên thực tiễn kinh doanh, nhiều cá nhân, tổ chức khi làm ăn với công ty TNHH một thành viên còn tỏ ra khá thận trọng. Điều đó cũng có thể dẫn đến những khó khăn nhất định cho loại hình DN một chủ.

Thứ haikhó khăn trong việc mở rộng quy mô của doanh nghiệp

Có thể nhận thấy, quy mô hoạt động của công ty TNHH một thành viên thường là nhỏ. Về nguyên tắc, nguồn vốn của công ty TNHH một thành viên chỉ dựa vào thành viên duy nhất là chủ sở hữu công ty. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển và hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, việc mở rộng quy mô kinh doanh của tất cả các loại hình DN là điều tất yếu, do đó nhu cầu về vốn cũng tăng theo. Mô hình công ty TNHH một thành viên có thể không còn phù hợp cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo của công ty. Hạn chế này khiến công ty TNHH một thành viên khó có khả năng phát triển và cần có sự chuyển đổi sang mô hình DN khác.

Thứ bakhó khăn trong việc huy động nguồn vốn

Vốn là nhu cầu cần thiết của tất cả các loại hình DN trong hoạt động kinh doanh. Để tạo lợi thế cạnh tranh cho các loại hình công ty TNHH, pháp luật doanh nghiệp cho phép công ty TNHH một thành viên có thể huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu khi đáp ứng các điều kiện của luật định. Tuy nhiên, các quy định về huy động vốn trong công ty TNHH một thành viên không mấy dễ dàng vì cần tuân thủ các quy định liên quan của pháp luật (Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn phát hành chứng khoán). Như vậy, đến một giai đoạn đòi hỏi nguồn vốn lớn, công ty TNHH một thành viên sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn bởi nguồn vốn của công ty chỉ dựa vào chủ sở hữu công ty và điều đó thì luôn là một thách thức thật sự.

4. Kiến nghị và kết luận

Hiện nay Việt Nam đang trong quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế toàn cầu, có thể nhận thấy không một quốc gia nào có thể phát triển một cách biệt lập và nằm ngoài guồng máy của sự phát triển. Tất cả các nước đều tham gia vào nền kinh tế thế giới và liên hệ với nhau thông qua hoạt động thương mại và tài chính, trong đó, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng.

Đối với công ty TNHH một thành viên, để loại hình công ty này có thể phát triển mạnh mẽ và phù hợp hơn với môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới, Nhà nước nên có quy định lại ngành nghề, định mức vốn điều lệ để hạn chế rủi ro cho khách hàng, chủ nợ của công ty TNHH một thành viên (trong trường hợp công ty không có khả năng thanh toán và chỉ chịu TNHH trên vốn góp). Bên cạnh đó, cần có những quy định pháp luật kinh tế cho phép chuyển đổi từ công ty TNHH một thành viên thành các loại hình khác thuộc sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục phát hành trái phiếu của loại hình doanh nghiệp này nhằm phát huy khả năng huy động vốn khi cần mở rộng sản xuất kinh doanh của công ty.

Tóm lại, công ty TNHH một thành viên là một loại hình doanh nghiệp tồn tại trong cộng đồng DN ở Việt Nam. Việc ghi nhận công ty TNHH một thành viên trong Luật Doanh nghiệp năm1999 đến Luật Doanh nghiệp năm 2020 là một sự đổi mới các quy định pháp lý phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay. Để tạo điều kiện về mặt pháp lý cho các nhà kinh doanh đầu tư làm ăn lâu dài, nhà làm luật cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của côngty TNHH một thànhviênvà tạo ra cơ chế hoạt độngphùhợp. Từ đó, các nhà đầu tư có đầy đủ các yếu tố cần thiết để thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình, phát huy thế mạnh cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhân hoặc tổ chức khi thành lập công ty.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nghị viện (1804). Bộ Luật Dân sự Cộng hòa Pháp. NXB Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  2. Nghị viện (1995). Luật Công ty TNHH Cộng hòa Liên bang Đức. Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  3. Phạm Duy Nghĩa (2010). Luật Doanh nghiệp. NXB Công an Nhân dân, Hà Nội.
  4. OECD - Organization for Economic Cooperation and Development (2010). Cẩm nang quản trị công ty. NXB Nông Nghiệp, Hà Nội.
  5. Nguyễn Như Phát (2011). Giáo trình Luật Kinh tế Việt Nam. NXB Công an Nhân dân, Hà Nội.
  6. Quốc hội (1999). Luật Doanh nghiệP. NXBb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
  7. Quốc hội (2005). Luật Doanh nghiệp. NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
  8. Quốc hội (2014). Luật Doanh nghiệp. NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
  9. Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp. NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

 

COMPLETING THE LAW ON ENTERPRISES’PROVISIONS ON

ONE-MEMBER LIMITED LIABILITY COMPANY

NGUYEN VAN TUAN

Ben Tre Province Party Committee

VU DUY NAM

Hiep Nhat Law Firm

ABSTRACT:

A one-member limited liability company is considered an enterprise in the Vietnamese business community system. The establishment, operation and termination of this enterprise type are regulated by the Law on Enterprises. Although this enterprise type has significantly contributed to the country’s economic development, regulations on one-member limited liability companies have many shortcomings. This paper analyzes in depth these limitations.

Keywords: company, limited liability company, enterprise, Law on Enterprise, limited liability.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 15, tháng 6 năm 2021]