Hoàn thiện pháp luật về đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh

ThS. Nghiên cứu Tiến sĩ Luật học TRẦN THỊ THU HÀ (Phó Trưởng Đại diện Cơ sở Học viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích rộng lớn và dân số đông nhất nước, dân số cơ học và tốc độ đô thị hóa tăng cao khiến cho tình trạng biến động đất đai và tài sản gắn liền với đất đai là rất lớn. Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều bất cập, dù đã có nhiều sự thay đổi và cải cách. Bài viết tập trung về việc tiếp tục hoàn thiện đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khóa: đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.

1. Giới thiệu khái quát về Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của Vùng và cả nước; có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước (chiếm gần ¼ GDP và 26% ngân sách cả nước). Kể từ ngày 01/01/2021 Thành phố Hồ Chí Minh có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố (Thành phố Thủ Đức); 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.

Về địa lý, Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích là 2.095,239 km2 nằm trong tọa độ địa lý khoảng 10 0 10’ - 10 0 38 vĩ độ Bắc và 106 0 22’ - 106 054’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang. Thành phố Hồ Chí Minh cách Thủ đô Hà Nội gần 1.730 km đường bộ, nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Ðông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á. Trung tâm thành phố cách bờ biển Đông 50 km đường chim bay. Đây là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh trong vùng và là cửa ngõ quốc tế. Với hệ thống cảng và sân bay lớn nhất cả nước, cảng Sài Gòn với năng lực hoạt động 10 triệu tấn/năm. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với hàng chục đường bay chỉ cách trung tâm thành phố 7km.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng là thành phố có đầy đủ 54 dân tộc sinh sống và làm việc, có những quận, huyện có số dân đông gấp 2 lần một số tỉnh trên cả nước (Ví dụ, quận Bình Tân hơn 784.173 người, Bình Chánh 705.508 người, trong khi xem lại nhiều tỉnh chỉ có 400-500 ngàn dân) và cứ 5 năm tăng 1 triệu dân, khiến vấn đề nhà ở trở nên cấp bách. Năm 2019, tỷ lệ hộ có nhà ở là 99,8%, trong đó khu vực thành thị xấp xỉ 100%  hộ có nhà ở và khu vực nông thôn hộ có nhà ở 99,3%. Trong tổng số 2,5 triệu hộ dân cư, vẫn còn 39 hộ không có nhà ở, trung bình cứ 100 ngàn hộ thì có 2 hộ không có nhà.

Theo báo cáo điều tra, tình trạng hộ không có nhà ở đang dần được cải thiện trong 10 năm qua. Từ mức 0,9 hộ/10.000 hộ vào năm 2009 đến nay chỉ còn 0,2 hộ. Nhà kiên cố và bán kiên cố đạt 99,3%, còn lại 0,7% hộ dân sống trong nhà ở thiếu kiên cố hoặc đơn sơ (trong khi cả nước, tỷ lệ này là 6,9%). Theo chiến lược phát triển của Thành phố, đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người phấn đấu đạt 19,8 m2. Kết quả điều tra năm 2019 đạt 19,4 m2/người. Với một thành phố lớn, dân số cơ học tăng cao, tốc độ đô thị hóa lớn nhất cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, khiến cho tình trạng biến động đất đai và tài sản gắn liền với đất đai là rất lớn, có tác động, ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật về đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất.

2. Thực trạng pháp luật về đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh

Ngay sau khi Luật Đất đai năm 2013 được ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 4963/QĐ-UBND ngày 08 tháng 10 năm 2014 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh xác định sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở Tài nguyên và Môi trường và các Phòng Tài nguyên và Môi trường; chủ động cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, trọng tâm là rà soát, công bố Bộ thủ tục hành chính về đất đai thuộc thẩm quyền để áp dụng thống nhất trên địa bàn. Thành phố cũng sẽ tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; tổ chức tổng kết việc triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn để đánh giá rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại.

Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), sau một năm thực hiện việc thi hành Luật Đất đai năm 2013, toàn Thành phố đã cấp 1.408.046 giấy chứng nhận, đạt tỷ lệ 92,4% trên tổng số 1.523.578 nhà, đất trên địa bàn. Hiện Thành phố vẫn còn 116.632 trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận do không đủ điều kiện hoặc do người dân không có nhu cầu cấp giấy. Bên cạnh đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành 7 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai. Qua kiểm tra, rà soát văn bản pháp luật đất đai thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố đã bãi bỏ 23 văn bản, giữ nguyên 16 văn bản và thay thế 35 văn bản. Thành phố cũng đã xử lý thu hồi đất đối với 9 dự án chậm tiến độ có tổng diện tích 189,4ha; đấu giá quyền sử dụng đất thành công 7 khu đất với tổng diện tích 1,4197 ha, qua đó đóng góp gần 150 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Thực hiện cải cách hành chính trên lĩnh vực đất đai về đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất theo cơ chế “một cửa” theo hướng từng bước thống nhất một đầu mối tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau hơn 6 tháng chuẩn bị, ngày 03/06/2015, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2602/QĐ-UBND về việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh từ 25 đơn vị, đó là: Văn phòng đăng ký Quyền sử dụng đất Thành phố và các Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất quận, huyện, cơ cấu tổ chức gồm có 7 Phòng và 24 Chi nhánh quận, huyện. Văn phòng đăng ký đất đai được xác định là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh. Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh có chức năng thực hiện đăng ký đất đai và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; cung cấp thông tin đất đai theo quy định cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Về cơ bản, chức năng và nhiệm vụ của hệ thống Cơ quan đăng ký đất đai không có nhiều sự thay đổi. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức, trình tự thực hiện các thủ tục đất đai có thay đổi đòi hỏi phải có thời gian mới có thể đi vào hoạt động có hiệu quả. Tại thời điểm này, đã tiến hành điều chỉnh để trình UBND Thành phố Quy chế phối hợp liên thông và Bộ Thủ tục hành chính. Mặt khác, đến 01/07/2015, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 có hiệu lực với nhiều nội dung đổi mới buộc cán bộ, viên chức của Cơ quan đăng ký đất đai phải nhanh chóng nghiên cứu để áp dụng thực hiện cho phù hợp. Đồng thời còn phải triển khai để thống nhất giải quyết từng dạng hồ sơ trong toàn hệ thống.

Năm 2016, sau một năm hoạt động cho thấy, việc thống nhất một đầu mối chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý đất đai đã giải quyết nhiều vướng mắc, tồn tại trong hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất 2 cấp lúc trước. Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận; hoạt động đăng ký đất đai có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất; bảo đảm giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất một cách đơn giản, thuận tiện theo cơ chế “một cửa”; chất lượng thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận được nâng cao; thời gian thực hiện các thủ tục được nhanh gọn hơn;...

Sau khi hợp nhất thành hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai một cấp từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 đến hết năm 2017, đơn vị đã thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, thống nhất cao về mặt chuyên môn và đúng quy định của pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện. Hồ sơ được kiểm tra chặt chẽ và thống nhất về tính pháp lý, cơ sở dữ liệu địa chính nên chất lượng hồ sơ cấp Giấy chứng nhận, đăng ký biến động đất đai đảm bảo đúng quy định; giải quyết kịp thời nhiều vấn đề vướng mắc về chuyên môn với các Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện; từng bước quản lý tốt việc tách thửa đất và kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung những nội dung mới cho phù hợp thực tiễn tại các quận, huyện có mức độ đô thị hóa nhanh, không để xảy ra tình trạng chia cắt, manh mún thửa đất, chưa đảm bảo quy định, gây khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý quy hoạch, chỉnh trang đô thị của Thành phố và hạn chế được nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu nại trong cấp giấy chứng nhận.

Ngày 06 tháng 01 năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ- CP về sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực vào ngày 03 tháng 3 năm 2017; Thông tư số 33/2017/TT- BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2017, trong đó có nhiều quy định tháo gỡ các khó khăn, bất cập liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận mà Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị trong thời gian qua, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong hệ thống văn phòng đăng ký đất đai và sự phân cấp mạnh mẽ trong công tác đăng ký đất đai. Cụ thể tại Quyết định số 36/2017/QĐ-UBND ngày 11 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy trình phối hợp giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, được Sở Tài nguyên và Môi trường ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố thực hiện theo Quyết định số 2526/QĐ- STNMT-PC ngày 04 tháng 10 năm 2017 về ủy quyền cấp và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Từ thực tiễn tình hình và kết quả đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 đến nay, có thể rút ra những nhận xét, đánh giá chung như sau:

Sau khi kiện toàn, đã thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, thống nhất cao về mặt chuyên môn và đúng quy định của pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại các chi nhánh quận, huyện. Hồ sơ được kiểm tra chặt chẽ về tính pháp lý, cơ sở dữ liệu địa chính nên chất lượng Giấy chứng nhận được cấp đảm bảo đúng quy định; giải quyết kịp thời nhiều vấn đề vướng mắc về chuyên môn; quản lý tốt việc tách thửa đất, không để xảy ra tình trạng chia cắt manh mún, không đúng quy định gây khó khăn, phức tạp trong công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị của thành phố và hạn chế được nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu nại trong cấp giấy chứng nhận do việc thực hiện trước đây không thống nhất giữa Văn phòng đăng ký các quận, huyện. Mặt khác, việc kiện toàn thành một cấp đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thống nhất từ UBND Thành phố đến Sở Tài nguyên và Môi trường, đến Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố và các Chi nhánh. Trong thời gian ngắn đã xây dựng, ban hành và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ các quy định, quy trình, kế hoạch phục vụ kịp thời cho yêu cầu về công tác chuyên môn cũng như công tác tổ chức bộ máy, biên chế.

Trong năm 2017, công tác cập nhật đăng ký biến động, quản lý cơ sở dữ liệu địa chính đã đáp ứng được nhu cầu đăng ký biến động đất đai trong thị trường giao dịch bất động sản sôi động, số lượng giao dịch hàng năm tăng cao, góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách từ đất đai cho Thành phố và nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Năm 2018, việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường đến ủy ban nhân dân quận, huyện theo thẩm quyền giải quyết thông qua Bộ thủ tục (67 thủ tục) hành chính trong lĩnh vực đất đai được chuẩn hóa và được Ủy ban nhân dân Thành phố công bố, từng bước đề ra các giải pháp cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức, kéo giảm hồ sơ trễ hạn trong công tác đăng ký đất đai của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố.

Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kết hợp chặt chẽ với Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông - Sở Thông tin và Truyền thông, cập nhật thời gian xử lý thủ tục hành chính và vận hành chính thức hệ thống “Một cửa điện tử qun lý hồ sơ đất đai” để áp dụng thực hiện ISO điện tử quản lý hồ sơ đất đai nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người dân và tổ chức. Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố cũng đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các quận, huyện giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn và thẩm quyền ký giấy chứng nhận; Giải quyết kịp thời nhiều vấn đề phản ánh, kiến nghị của người dân trong thời gian vừa qua đã hạn chế tình trạng khiếu nại gay gắt, kéo dài; Rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, đẩy mạnh việc phân cấp thông qua việc kiến nghị ủy ban nhân dân Thành phố cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường ủy quyền ký giấy chứng nhận cho các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện thực hiện theo quy định Nghị định 01/2017/NĐ-CP và Thông tư 33/2017/TT-BTNMT.

Trong năm 2019, đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính, kết quả vận hành phần mềm “Một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai”, áp dụng thực hiện ISO điện tử quản lý hồ sơ đất đai; hoàn thiện, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố công bố các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính tại 3 cấp (Sở, ban, ngành, UBND quận - huyện và UBND phường - xã, thị trấn); xây dựng phương án hoàn thiện, cập nhật, thống nhất cơ sở dữ liệu đất đai; cập nhật, hoàn thiện hệ thống bản đồ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai Thành phố phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật, quy định hiện hành và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên phần mềm tác nghiệp chuyên môn theo quy định của ngành tài nguyên và môi trường.

3. Hoàn thiện pháp luật về đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh

Từ thực trạng pháp luật về đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã cho thấy việc hoàn thiện các quy định pháp luật về đăng ký và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong một tổng thể thống nhất của việc tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật đất đai ở nước ta hiện nay là cần thiết theo những định hướng cơ bản và đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi sau đây:

Thứ nhất, việc hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành về đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cần phải được đặt trong tổng thể định hướng sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật đất đai trong một tổng thể thống nhất, đồng bộ chính sách, pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan, từ Hiến pháp đến Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai và các quy định pháp luật có liên quan về tài sản gắn liền với đất trong các Luật, như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP),…

Thứ hai, hoàn thiện các quy định pháp luật về đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong giai đoạn hiện nay ở nước ta cần phải được thực hiện theo tư duy, nhận thức mới về quyền sử dụng đất trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai được quy định trong Hiến pháp 2013, mà theo đó, quyền sử dụng đất được khẳng định là một loại quyền tài sản, được luật pháp bảo hộ. Tính minh bạch về quyền tài sản đất đai là một trong những yếu tố cơ bản, nền tảng để xây dựng và phát triển một thể chế thị trường đất đai hiệu quả. Theo đó, đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cũng thuộc phạm trù đăng ký tài sản (bất động sản, động sản và quyền tài sản) theo phạm vi, đối tượng điều chỉnh về đăng ký tài sản là bất động sản và quyền tài sản trong Bộ luật Dân sự, trong Luật Đất đai và các quy định pháp luật có liên quan về tài sản gắn liền với đất, đặc biệt là: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các quy định pháp luật về đăng ký bất động sản , các quy định pháp luật về đăng ký về các biện pháp bảo đảm..

Thứ ba: Đối với các quy định hiện hành của pháp luật đất đai về đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong giai đoạn hiện nay ở nước ta cần phải được tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận các thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất cũng như về tình trạng pháp lý của từng khu đất, thửa đất, chủ thể của các quyền chiếm hữu, quản lý, sử dụng, hưởng hoa lợi từ đất đai và tài sản gắn liền với đất. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi và an toàn pháp lý cho các giao dịch đất đai và tài sản gắn liền với đất (chuyển đổi, sang nhượng, thừa kế, cho thuê, thế chấp, góp vốn…) trong cơ chế thị trường. Đảm bảo tính minh bạch, khách quan và dân chủ, mà trong đó việc đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là quyền quan trọng và cơ bản trong các quyền được pháp luật ghi nhận và bảo hộ đối với chủ thể sử dụng đất.

Các chủ thể đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thường cũng quan tâm đến việc nghĩa vụ tài chính mà họ phải thực hiện khi đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất được tính đúng, tính đủ trên cơ sở công bằng, minh bạch, công khai và đúng pháp luật. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cần phải tính đến những yêu cầu, đòi hỏi trên phương diện này, đảm bảo độ xác thực, chuẩn xác cao nhất của các loại thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất. Từ đó, các nghĩa vụ tài chính mà các chủ thể này phải thực hiện khi đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được xác định, tính đúng, tính đủ trên cơ sở công bằng, minh bạch, công khai và đúng pháp luật.

Thứ tư: Việc hoàn thiện và đảm bảo thực thi các quy định pháp luật về đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong giai đoạn hiện nay ở nước ta cũng cần được đặt trong tổng thể của việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam. Việc này nhằm đảm bảo sao cho việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được triển khai thuận tiện, dễ dàng, tránh gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai nói chung và trong việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nói riêng. Tiến tới việc thay thế toàn bộ các loại giấy tờ có liên quan về đất đai và tài sản gắn liền với đất phát sinh và tồn tại qua nhiều thời kỳ lịch sử để thống nhất quản lý bằng một loại giấy tờ thống nhất: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Để hoàn thiện các quy định pháp luật về đăng ký và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong một tổng thể thống nhất của việc tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật đất đai ở nước ta hiện nay, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của Việt Nam, đồng thời tiếp cận với xu hướng chung của thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đại học luật Hà Nội (2016), Giáo trình Luật Đất đai, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
  2. Nguyễn Văn Hồng (2007) “Đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nước ta - Lý luận và thực tiễn”, luận văn thạc sĩ luật học - Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
  3. Trần Quang Huy và Nguyễn Quang Tuyến chủ biên (năm 2009): Pháp luật về kinh doanh bất động sản, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội.
  4. Hồ Quang Huy, 2015, Thực hiện pháp luật về đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Luận án tiến sĩ Luật học, Hà Nội: Học viện Khoa học xã hội.
  5. Đặng Thị Phượng (2016), “Đăng ký quyền sử dụng đất theo pháp luật Việt Nam hiện nay”, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Khoa học xã hội.
  6. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Luật Đất đai năm 2013, Hà Nội.
  7. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, http://dangcongsan.vn/phap-luat/thanh-pho-ho-chi-minh-nhieu-vuong-mac-trong-qua-trinh-thi-hanh-luat-dat-dai-nam-2013-313383.html (Cập nhật lúc 10:20, Thứ ba, 21/07/2015).

PERFECTING THE REGISTRATION AND ISSUANCE OF CERTIFICATES OF LAND USE RIGHTS, OWNERSHIP OF HOUSES AND OTHER LAND-ATTACHED ASSETS IN HO CHI MINH CITY

Ph.D’s student, LLM. Tran Thi Thu Ha

Deputy Representative, Graduate Academy of Social Sciences - Ho Chi Minh City Campus

Abstract:

Ho Chi Minh City is the biggest and the most populous municipality in Vietnam. The huge change in population and the rapid urbanization result in the significant changes in ownership of houses, lands and other land-attached assets. Although Ho Chi Minh City has done many changes and reforms, the city’s state management of land still has many shortcomings and problems. This paper analyzes the registration and issuance of certificates of land use rights, ownership of houses and other land-attached assets in Ho Chi Minh City.

Keywords: registration and issuance of certificates of land use rights, ownership of houses and other land-attached assets.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 1 năm 2021]