Hoàn thiện quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng vô hiệu do giả tạo

NGUYỄN VIỆT THU HƯƠNG (Sinh viên khoa Luật chất lượng cao, Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích những điểm còn hạn chế của Bộ luật Dân sự 2015 về hợp đồng vô hiệu do giả tạo, từ đó, tác giả đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật hiện hành.

Từ khóa: Bộ luật Dân sự, hợp đồng vô hiệu do giả tạo.

1. Đặt vấn đề

Hợp đồng là một loại giao dịch dân sự phổ biến hơn cả trong đời sống xã hội hiện đại, được hầu hết pháp luật của các quốc gia trên thế giới coi là một trong những chế định quan trọng bậc nhất. Bộ luật Dân sự nước ta đã quy định cụ thể, chi tiết và tương đối hoàn thiện về việc xác lập, thực hiện, cũng như các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự nói chung và từng loại hợp đồng dân sự cụ thể.

Tuy nhiên, các quy định về hợp đồng vô hiệu hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong đó, hợp đồng vô hiệu do giả tạo là một trong những hợp đồng vô hiệu vi phạm ý chí chủ thể, gây nhiều tranh cãi và khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật hiện nay. Các quy định về hợp đồng vô hiệu do giả tạo có phần cứng nhắc, chưa đầy đủ, có quy định còn chồng chéo, gây nên cách hiểu không thống nhất. Việc giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu nói chung, hợp đồng vô hiệu do giả tạo nói riêng không đơn giản chỉ căn cứ vào quy định của pháp luật, mà còn phải căn cứ vào ý chí của các chủ thể tham gia hợp đồng. Do đó, việc tiến hành nghiên cứu một cách hệ thống về vấn đề hợp đồng vô hiệu do giả tạo dưới góc độ lý luận và thực tiễn là cần thiết.

2. Quy định pháp luật về hợp đồng vô hiệu do giả tạo trong Bộ luật Dân sự và một số điểm hạn chế

2.1. Quy định về hợp đồng giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba

Hợp đồng giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba được quy định tại Khoản 2 Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015, thường được chia thành 2 trường hợp: giao kết hợp đồng giả tạo để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ khi bản thân chủ thể tham gia hợp đồng đã tồn tại một nghĩa vụ với chủ thể khác và giao kết hợp đồng giả tạo để không phải thực hiện một nghĩa vụ nhất định đối với Nhà nước. Một điểm cần lưu ý là, hợp đồng giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba bị vô hiệu khi đáp ứng đủ các điều kiện: (i) nghĩa vụ đến kỳ hạn thực hiện; và (ii) định đoạt tài sản để không còn đủ tài sản thực hiện nghĩa vụ.

Trong thực tiễn xét xử, hợp đồng giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba bộc lộ hạn chế khi quy định không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Vấn đề đặt ra là: giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba là “giả tạo” và “trốn tránh”, hay là “giả tạo” hoặc “trốn tránh”? Đối với cách hiểu “giả tạo” và “trốn tránh”, cho rằng 2 yếu tố này nhất thiết phải đi đôi với nhau. Nghĩa là việc trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba mới chỉ là suy đoán thì không thể xác định là hợp đồng vô hiệu do giả tạo. Chỉ có thể xác định hợp đồng vô hiệu do giả tạo khi yếu tố giả tạo và trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba xảy ra trên thực tế. Đối với cách hiểu còn lại, cho rằng bản thân việc giao kết hợp đồng nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba đã đủ coi là vô hiệu mà không cần xem xét tới yếu tố giả tạo.

2.2. Quy định về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu do giả tạo

So với Bộ luật Dân sự 2005, quy định về hậu quả của hợp đồng vô hiệu do giả tạo tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 khá rõ ràng, có tính khả thi, mang tính bao quát hơn, phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng, chưa dự liệu được các tình huống xảy ra trên thực tế, do vậy chưa bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia. Cụ thể như sau:

Một là, quy định các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận chưa thực sự đảm bảo được lợi ích của các chủ thể, đặc biệt là trong các hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất, vay mượn tài sản. Ví dụ hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất bị tuyên bố vô hiệu do giả tạo với bên mua tài sản việc hoàn trả tài sản với họ thường là tổn thất. Bởi ngay cả khi họ nhận lại đủ được số tiền thì cũng không mua được tài sản là nhà đất tương tự với số tiền đó, thậm chí nếu họ được nhận thêm khoản tiền bồi thường thiệt hại thì cũng khó có thể mua được.

Hoặc có trường hợp bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã xây dựng nhà ở công trình kiên cố mà hợp đồng chuyển nhượng bị tuyên vô hiệu, thì Tòa án buộc bên nhận chuyển nhượng phải tháo dỡ công trình trên đất để trả lại hiện trạng đất ban đầu cho bên chuyển nhượng. Trong trường hợp này, dù làm đúng quy định pháp luật, nhưng không phát huy hiệu quả về mặt kinh tế, thậm chí gây tổn thất, thiệt hại lớn cho các bên.

Hai là, trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả cũng gặp khó khăn trong quá trình xác định giá tiền. Giá tiền của tài sản được xác định tại thời điểm xác lập hợp đồng hay xác định tại thời điểm phát sinh tranh chấp? Đặc biệt là việc xác định giá bất động sản vì giá chuyển nhượng bất động sản theo giá thị trường và theo khung giá Nhà nước có sự khác biệt rất lớn, phụ thuộc nhiều vào sự thỏa thuận của bên mua và bên bán. Hay trường hợp tài sản là vật đặc định, khó có thể tìm được vật tương ứng để định giá.

Ba là, không có quy định cụ thể về mức độ lỗi, trách nhiệm của các bên. Trong trường hợp cả người gây ra thiệt hại và người bị hại đều có lỗi, thì trách nhiệm của mỗi bên sẽ được giải quyết như thế nào? Việc xác định trách nhiệm hỗn hợp gặp nhiều khó khăn, do khi thiệt hại phát sinh các bên đều có lỗi thì cũng không đồng nghĩa với việc 2 bên có lỗi bằng nhau. Hoặc giả sử đối với vụ án Tòa án xác định 2 bên trong hợp đồng giả tạo đều có lỗi và mức độ lỗi như nhau, thì khi giải quyết hậu quả, vấn đề bồi thường thiệt hại có đặt ra hay không?

2.3. Quy định về thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng giả tạo vô hiệu

Quy định về thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu tại Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó phân loại “thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu” thành thời hiệu không bị hạn chế (khoản 3 Điều 132) và thời hiệu có thời hạn (khoản 1 Điều 132). Đối với hợp đồng giả tạo, thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu là không hạn chế. Sở dĩ từ Bộ luật Dân sự 1995 đến Bộ luật Dân sự 2015 đều quy định như vậy, vì vô hiệu do giả tạo là vi phạm mang tính chất nghiêm trọng, những hợp đồng này có tác động và ảnh hưởng lớn đến lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước cũng như lợi ích của bên thứ ba khác.

Quy định về thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng giả tạo vô hiệu “không bị hạn chế” tại Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015 ở một khía cạnh nào đó còn chưa đảm bảo ý nghĩa về mặt pháp lý cũng như trên thực tế. Bởi quy định không giới hạn về thời hạn như vậy thì chứng cứ chứng minh cho sự vi phạm của các chủ thể theo thời gian không còn đủ để đảm bảo cho việc xem xét hiệu lực của hợp đồng đó.

Ngoài ra, quy định về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật tại Điều 216 và Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015 có sự mâu thuẫn nhau, gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền lợi của các bên, của Nhà nước và xã hội nếu vào thời điểm xác lập hợp đồng, người xác lập không biết và không thể biết hành vi xác lập hợp đồng của mình là không đúng pháp luật.

3. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật trong Bộ luật Dân sự về hợp đồng vô hiệu do giả tạo

Thứ nhất, về quy định hợp đồng giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba. Nhận thấy bản thân việc giao kết hợp đồng nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba đã đủ coi là vô hiệu mà không cần xem xét tới yếu tố giả tạo. Do đó, để thống nhất trong giải quyết tranh chấp thực tế phát sinh liên quan đến hợp đồng giao kết nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba và hợp đồng giả tạo, thì hướng sửa đổi là tách biệt quy định về giao dịch dân sự xác lập nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba, cụ thể: “Trường hợp xác lập giao dịch nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì đối với người thứ ba, giao dịch đó vô hiệu”.

Thứ hai, về quy định hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu. Pháp luật cần quy định cụ thể về xác định lỗi gây thiệt hại phải bồi thường để tạo sự thống nhất trong khoa học pháp lý cũng như thực tiễn áp dụng. Có nhiều quan điểm khác nhau khi cụ thể hóa quy định này, song quan điểm xác định lỗi phải dựa trên mức độ quan tâm của chủ thể đến việc thực hiện nghĩa vụ của mình, do đó mặc dù lỗi của 2 bên có thể bằng nhau nhưng khi giải quyết hậu quả để xác định trách nhiệm dân sự trong việc bồi thường thiệt hại của các bên không bằng nhau là phù hợp với thực tiễn, hợp tình hợp lý hơn cả.

Ngoài ra, đối với quy định không thể hoàn trả được bằng vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả các nhà làm luật cần quy định một cách cụ thể, rõ ràng việc xác định giá tiền ngang bằng với vật để thanh toán có thể bảo đảm quyền và lợi ích của các bên.

Thứ ba, về thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu do giả tạo, để tránh những mâu thuẫn trong quá trình áp dụng, cần xác định thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu do giả tạo bằng con số cụ thể. Tác giả cho rằng, thời hiệu này có thể tương đồng với quy định về thời hiệu xác lập quyền sở hữu ghi nhận tại Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, đối với giao dịch giả tạo có đối tượng là bất động sản thì thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu là 30 năm, còn đối với các giao dịch giả tạo có đối tượng là động sản thì thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu là 10 năm, kể từ thời điểm xác lập giao dịch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Văn bản pháp luật Việt Nam:

  1. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015.
  2. Quốc hội (2005), Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005.
  3. Quốc hội (1995), Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 1995.

Sách:

  1. Nguyễn Minh Tuấn (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015, 2016, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
  2. Đỗ Văn Đại (2010), Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Tài liệu khác:

  1. Nguyễn Hải Ngân (2015), Hợp đồng dân sự vô hiệu do giả tạo, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội.
  2. Nguyễn Minh Hằng (2014), Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo và xử lý hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu, Tạp chí Kiểm sát, số 22.

 Improving the Civil Code’s regulations on the void contract

due to forgery

Nguyen Viet Thu Huong

Student, High-quality Law Program

Hanoi Law University

Abstract:

This paper analyzes the shortcomings of the 2015 Civil Code’s regulations on the void contract due to forgery. Based on the paper’s findings, some recommendations are made to improve curent regulations on this matter.

Keywords: Civil Code, void contract due to forgery.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6  năm 2022]