TÓM TẮT:

Bài viết tập trung phân tích những khái niệm và bản chất của chế định Quản tài viên trong pháp luật Phá sản; nêu rõ những vấn đề đặt ra của quy định pháp luật Phá sản về chế định Quản tài viên ở Việt Nam hiện nay; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật Phá sản về chế định Quản tài viên ở Việt Nam.

Từ khoá: chế định, quản tài viên, Luật Phá sản, pháp luật, phá sản.

1. Đặt vấn đề

Quản tài viên là một chế định tương đối mới trong pháp luật Việt Nam. Chế định này được pháp lý hóa từ năm 2014 với Luật Phá sản nhằm thay thế cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản tồn tại trong các văn bản pháp luật về phá sản trước đó. Ngoài Luật Phá sản năm 2014, Quản tài viên còn được điều chỉnh bởi Nghị định số 22/2015/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, ban hành ngày 16/2/2015 và Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC do Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, quy định việc phối hợp trong thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, ban hành ngày 12/6/2018. Nhìn chung, các văn bản pháp lý trên đã có những quy định mang tính cơ bản, tạo điều kiện xác lập 1 nghề mới và cũng là cơ sở thể hiện vị trí, vai trò của Quản tài viên trong giải quyết thủ tục phá sản ở Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, cho đến nay, sau hơn 6 năm ra đời, chế định Quản tài viên vẫn còn chưa hoàn thiện. Nhiều cấu thành địa vị pháp lý quan trọng của quản tài viên còn thiếu hoặc chưa được làm rõ, như: trình tự thực hiện nghiệp vụ của Quản tài viên chưa được xây dựng; cơ chế đảm bảo thù lao cho Quản tài viên chưa vững chắc; một số nội dung thẩm quyền của Quản tài viên còn chung chung và chưa được văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành … Sự thiếu đầy đủ này của địa vị pháp lý của Quản tài viên khiến cho việc thực thi địa vị này trên thực tiễn gặp nhiều hạn chế, vướng mắc. Trên cơ sở thực tiễn đó, bài viết đã chỉ ra và phân tích các vấn đề tồn tại trong quy định của pháp luật về phá sản hiện hành về Quản tài viên, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục, hoàn thiện.

2. Khái niệm và bản chất của chế định Quản tài viên trong pháp luật về phá sản ở Việt Nam hiện nay

   Theo khoản 7, Điều 4, Luật Phá sản năm 2014, Quản tài viên được định nghĩa: “Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản”. Từ khái niệm này cho thấy, Quản tài viên có những bản chất cần chú ý sau:

   Thứ nhất, Quản tài viên là một nghề. Điều này được thể hiện qua từ “hành nghề” của khái niệm. Theo Đại từ điển tiếng Việt: “Hành nghề là làm chuyên một việc, một nghề để sinh sống”. Mặc dù khẳng định này chỉ mới lấy cơ sở về mặt chiết tự của từ “hành nghề” trong khái niệm về Quản tài viên, nhưng cũng là một cứ liệu quan trọng khi xem xét bản chất của định chế này.

Thứ hai, Quản tài viên là cá nhân và sẽ nhân danh cá nhân khi thực hiện công việc. Khái niệm này đã chỉ rõ hình thức hành nghề Quản tài viên là cá nhân mà không phải là tổ chức. Cá nhân này có thể hoạt động Quản tài viên độc lập, hoặc có thể thuộc một doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Tuy nhiên, cả 2 trường hợp, khi thực thi nhiệm vụ Quản tài viên sẽ nhân danh cá nhân.

   Thứ ba, Quản tài viên có nhiệm vụ quản lý và thanh lý tài sản của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản. Như vậy, thẩm quyền của Quản tài viên là quản lý sản nghiệp phá sản và tiến hành thanh lý tài sản đó. Đối tượng phải chuyển giao tài sản cho Quản tài viên quản lý và thanh lý là doanh nghiệp và hợp tác xã mà không phải là cá nhân. Điều này xuất phát từ việc pháp luật Việt Nam không ghi nhận thủ tục phá sản đối với cá nhân.

Thứ tư, Quản tài viên là một định chế trung gian, đại diện cho tất cả các bên tham gia thủ tục phá sản. Quản tài viên là “cánh tay nối dài” của Tòa án khi thay mặt và giúp đỡ Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ quản lý và thanh lý sản nghiệp phá sản. Quản tài viên thay mặt doanh nghiệp, hợp tác xã đang trong tình trạng phá sản thống kê và bảo vệ tài sản. Quản tài viên đồng thời cũng thay mặt cho các chủ nợ trong giải quyết thủ tục phá sản - có bản chất là một hoạt động đòi nợ chung.

3. Những vướng mắc trong quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về chế định Quản tài viên

Như đã trình bày ở phần Mở đầu, cho đến nay Quản tài viên chỉ mới được ghi nhận ở 1 văn bản luật và 2 văn bản dưới luật. Tuy nhiên, cả 3 văn bản pháp lý này không chỉ điều chỉnh chế định Quản tài viên mà còn điều chỉnh nhiều chế định pháp lý khác liên quan đến thủ tục phá sản. Chính vì thế, còn rất nhiều vấn đề đặt ra về các cấu thành chế định Quản tài viên. Có thể kể ra và phân tích một số vấn đề sau:

Thứ nhất, các quy định chi tiết về trình tự, thủ tục hoạt động của Quản tài viên chưa được ban hành. Mặc dù các cấu thành địa vị pháp lý của Quản tài viên đã được Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản liên quan ghi nhận cơ bản đầy đủ, song tính chi tiết của nó còn hạn chế. Một trong những thiếu sót quan trọng đó là việc chưa có bộ quy chế hành nghề, cụ thể là chưa có quy định chi tiết về trình tự, thủ tục hoạt động của Quản tài viên xuyên suốt thủ tục phá sản mà chỉ có một số quy định nằm tản mát ở các quy phạm về những nội dung của thủ tục phá sản. Hạn chế này khiến cho trên thực tế thi hành, các Quản tài viên bối rối với những thủ tục thực thi thẩm quyền cụ thể.

Thứ hai, mặc dù pháp luật hiện hành đã có những quy định về quyền chỉ định Quản tài viên của Tòa án và quyền đề xuất Quản tài viên của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nhưng chưa có các quy định chỉ dẫn giải quyết trường hợp mâu thuẫn giữa 2 chủ thể này trong lựa chọn Quản tài viên. Theo quy định của Luật Phá sản năm 2014 về chỉ định Quản tài viên, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có trách nhiệm chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Song tại điểm b, khoản 2, Điều 45 của Luật này cũng quy định về việc đề xuất chỉ định Quản tài viên của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, trường hợp nếu Thẩm phán chỉ định 1 Quản tài viên không nằm trong danh sách đề xuất của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì sẽ giải quyết như thế nào? phương án giải trình của Thẩm phán ra sao? hay người nộp đơn có quyền và cơ chế nào để đảm bảo quyền không đồng ý với việc chỉ định này? chưa được hướng dẫn bởi bất kỳ văn bản nào.

Thứ ba, điều kiện về đạo đức của Quản tài viên đã được pháp luật về phá sản hiện hành nhắc tới nhưng chưa có quy định cụ thể. Tiêu chuẩn về đạo đức, ý thức trách nhiệm… là 1 trong những điều kiện để chỉ định Quản tài viên. Tuy nhiên, cho đến nay không có bất kỳ văn bản nào làm rõ các tiêu chuẩn để xác định đạo đức, tinh thần trách nhiệm,… của Quản tài viên được chỉ định tham gia một thủ tục phá sản nhất định. Do đó, về cơ bản tiêu chuẩn này hiện nay mang tính định tính cao. Thực tế áp dụng vì không có tiêu chuẩn thống nhất nên cũng không có sự đồng nhất trong cách lý giải và thực hiện. Quyền quyết định trao cho cá nhân Thẩm phán, điều này cộng với hạn chế thứ 5 dưới đây đã gây ra nhiều tranh cãi giữa các bên, đặc biệt giữa Thẩm phán, người nộp đơn yêu cầu phá sản và Quản tài viên nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết thấu đáo.

Thứ tư, việc Quản tài viên từ chối tham gia thủ tục phá sản khi được chỉ định chưa có văn bản hướng dẫn giải quyết. Điều 45 Luật Phá sản quy định sau khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán sẽ chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Nghị định số 22/2015/NĐ-CP quy định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản từ chối tham gia vụ việc phá sản. Tuy nhiên, pháp luật về phá sản lại không có quy định, trường hợp nào Quản tài viên có quyền từ chối, trường hợp nào thì không? nếu Quản tài viên từ chối tham gia thì bước tiếp theo là gì? Thẩm phán chỉ định người mới như thế nào? Đồng thời, những vấn đề liên quan đến hệ quả mà Quản tài viên phải gánh chịu khi từ chối một cách bất hợp lý sự chỉ định của Tòa án cũng chưa được làm rõ ở bất kỳ văn bản pháp lý nào.

Bên cạnh đó, quy định về thời hạn trả lời thông báo về việc tham gia/từ chối tham gia của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý thanh tài sản khá dài (7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản chỉ định) dẫn đến trên thực tế, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán bị yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ có thể tận dụng khoảng thời gian đó để tẩu tán tài sản.

Thứ năm, vấn đề đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã khi kiểm kê tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 65, Luật Phá sản năm 2014, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải tiến hành kiểm kê tài sản và xác định giá trị tài sản đó sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã vắng mặt thì người được Quản tài viên chỉ định làm đại diện của doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện công việc kiểm kê và xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, quy định này xảy ra vấn đề khi áp dụng trên thực tiễn: người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thường lẩn tránh nghĩa vụ trong kiểm kê tài sản, mặc dù pháp luật có quy định về chế tài xử lý hành chính đối với việc không hợp tác về việc kiểm kê tài sản tuy nhiên chế tài này cũng không hiệu quả và khả thi. Do đó, thường Quản tài viên sẽ phải chỉ định người đại diện. Tuy nhiên, người được Quản tài viên chỉ định làm đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ từ chối thực hiện công việc do sợ liên luỵ. Hoặc trường hợp họ chấp nhận làm thì vì thiếu thông tin về tình hình của doanh nghiệp, hợp tác xã nên vị trí này thường chỉ xuất hiện cho “đủ thủ tục” mà không đóng góp gì cho hoạt động kiểm kê tài sản.

Thứ sáu, kinh phí, thù lao cho Quản tài viên vẫn còn nhiều lỗ hổng chưa khắc phục được. Thù lao, kinh phí cho Quản tài viên đều đã được Luật Phá sản năm 2014 và Nghị định số 22/2015/NĐ-CP quy định tương đối chi tiết. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp có thể xảy ra trên thực tế lại chưa được ghi nhận trong các văn bản pháp lý này. Cụ thể:

Trường hợp thứ nhất, theo khoản 1, khoản 2, Điều 63, Luật Phá sản năm 2014 quy định, sau khi Tòa án có quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được thực hiện nghĩa vụ bù trừ nghĩa vụ đối với hợp đồng được xác lập trước khi có quyết định mở thủ tục phá sản. Việc thực hiện bù trừ phải được sự đồng ý của Quản tài viên. Như vậy, liên quan đến hoạt động bù trừ nghĩa vụ, Quản tài viên sẽ tham gia vào và phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi hoạt động bù trừ này diễn ra thì doanh nghiệp không còn tài sản, trong khi đó chi phí Quản tài viên lại được lấy từ giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi thanh lý. Như vậy, trường hợp này thì chi phí cho Quản tài viên sẽ được lấy từ đâu và giải quyết như thế nào chưa được pháp luật ghi nhận.

Trường hợp thứ hai, theo quy định tại Điều 53, Luật Phá sản năm 2014 về tiến hành xử lý tài sản đảm bảo. Trong trường hợp này, sau khi xử lý tài sản bảo đảm, doanh nghiệp không còn tài sản thì trường hợp này chi phí cho Quản tài viên sẽ được tính như thế nào và do ai chi trả không được ghi nhận, làm rõ.

Trường hợp thứ ba, doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản ở mức độ không còn chi phí thực hiện thủ tục phá sản, hoặc còn nhưng mức chi phí này không đủ chi trả cho thủ tục phá sản, nhưng chỉ đến khi kiểm kê hoặc bán tài sản mới phát hiện ra vì thị giá tài sản tại thời điểm định giá rất thấp thì cách chi trả kinh phí, thù lao cho Quản tài viên như thế nào cũng chưa được đặt ra giả thuyết để có quy định giải quyết.

Đồng thời, mặc dù tại điểm b, khoản 4, Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP có quy định về bảng tỉ lệ thù lao Quản tài viên được chi trả dựa vào tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý. Tuy nhiên, giả sử ngay cả khi không thuộc vào 3 trường hợp kể trên - nghĩa là doanh nghiệp vẫn còn tài sản để thanh lý, nhưng nếu sau thanh lý chỉ thu được dưới 100 triệu đồng, số thù lao Quản tài viên nhận được tối đa chỉ là 5 triệu đồng cho thủ tục phá sản có thể kéo dài 1 năm hoặc nhiều năm.

Như vậy, có thể thấy chế định Quản tài viên theo pháp luật phá sản ở Việt Nam hiện hành đã được xác định địa vị pháp lý và thực hiện trên thực tiễn khoảng hơn 6 năm. Tuy nhiên, những quy định của pháp luật về chế định này vẫn còn nhiều thiếu sót, chưa cụ thể và nhiều vấn đề chưa được hướng dẫn thi hành. Chính điều này đã khiến cho quá trình thực hiện địa vị pháp lý của Quản tài viên trong thủ tục phá sản gặp rất nhiều khó khăn.

4. Một số đề xuất phương án hoàn thiện quy định của pháp luật phá sản về chế định Quản tài viên ở Việt Nam hiện nay

   Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về các quy định về trình tự, thủ tục hoạt động của Quản tài viên. Theo đó, pháp luật cần tập trung ghi nhận và làm rõ những vấn đề sau:

- Tập hợp hóa quy trình hoạt động của Quản tài viên một cách chi tiết. Vấn đề này có 2 phương án triển khai: hoặc tập hợp ngay trong Luật Phá sản mới khi tiến hành nghiên cứu sửa đổi Luật Phá sản năm 2014; hoặc tập hợp trong một văn bản dưới luật - có thể trong Nghị định mới thay thế Nghị định số 22/2015/NĐ-CP hoặc trong một Thông tư do một Bộ chủ quản ban hành. Trong đó phương án thứ hai được ưu tiên hơn cả vì cho đến nay chưa có bất kỳ Thông tư nào hướng dẫn cụ thể về địa vị pháp lý của Quản tài viên. Đồng thời Thông tư cũng là văn bản pháp lý có quy trình ban hành đơn giản hơn nhưng lại hàm chứa được những thông tin chi tiết hơn 2 văn bản kể trên.

Sự tập hợp hóa này cũng có thể có 2 lựa chọn. (1) có thể gom các quy phạm về trình tự này thành một chế định độc lập trong Thông tư. Ví dụ ,có thể thiết lập chế định: trình tự, thủ tục về hoạt động của Quản tài viên trong thủ tục phá sản. Trong đó, được cụ thể bằng các quy phạm, như: trình tự kiểm kê tài sản; trình tự thống kê chủ nợ… (2) đưa những quy phạm về từng trình tự một cách chi tiết vào trong từng chế định khác nhau. Ví dụ ở chế định về bán tài sản để có chi phí chi trả thủ tục phá sản sẽ có sự xuất hiện của quy phạm pháp luật về trình tự đề xuất của Quản tài viên với Tòa án, trình tự phối hợp giữa Quản tài viên với chấp hành viên,… Theo tác giả, cách (1) sẽ đảm bảo dễ dàng hơn cho việc tiếp cận địa vị pháp lý của Quản tài viên vì được tập trung hóa vào một chế định độc lập.

- Ghi nhận một cách cụ thể, chi tiết các trình tự, thủ tục báo cáo và thông tin qua lại giữa Quản tài viên và các chủ thể. Hiện nay các quy định chỉ dừng lại thời gian báo cáo và hình thức báo cáo là còn chưa đủ. Theo tác giả, vấn đề quan trọng hơn là quy định về báo cáo thường xuyên, báo cáo đột xuất cũng như cơ chế phản hồi các báo cáo này cần được quy định chi tiết ứng với từng đối tượng báo cáo khác nhau. Liên quan đến nội dung này, tác giả đề xuất quy định về việc cho phép hình thành trung tâm thông tin về phá sản của mỗi địa phương. Trung tâm này cho phép các bên trong thủ tục phá sản chia sẻ và khai thác các thông tin chung từ khi mở thủ tục phá sản đến khi thực hiện quyết định phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Khi đó, quy trình về báo cáo cũng được quy định dựa trên cơ chế vận hành của trung tâm thông tin này.

Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về quyền từ chối tham gia thủ tục phá sản của Quản tài viên. Để khắc phục những hạn chế trong trường hợp Quản tài viên từ chối tham gia thủ tục phá sản khi được Tòa án chỉ định hoặc do người nộp đơn yêu cầu tiến hành thủ tục phá sản, cần có những ghi nhận pháp lý về các vấn đề sau:

- Nếu Quản tài viên từ chối tham gia thủ tục phá sản được chỉ định vì các vấn đề cá nhân thì cần phải có giải trình trước người chỉ định, đề xuất đồng thời sẽ phải chịu trừ điểm trong phần trách nhiệm nghề nghiệp. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng nhiều Quản tài viên từ chối tham gia thủ tục phá sản khi nhận thấy sản nghiệp phá sản thấp hay vụ việc phá sản phức tạp.

- Trong trường hợp Quản tài viên từ chối vì lý do chính đáng, pháp luật cũng cần có những luận giải rõ hơn. Cụ thể, pháp luật cần quy định rõ mỗi Quản tài viên cùng lúc được thực hiện bao nhiêu thủ tục phá sản căn cứ theo tính chất của từng vụ việc. Ví dụ: mỗi Quản tài viên chỉ cùng lúc thụ lý 2 thủ tục phá sản có quy mô sản nghiệp phá sản trên 10 tỷ đồng hoặc cao hơn tùy thuộc vào từng địa phương và từng thời điểm. Ngoài giới hạn số lượng vụ việc đó, nghiễm nhiên Quản tài viên có quyền từ chối sự chỉ định của vụ việc tiếp theo mà không cần phải giải trình. Hay trong trường hợp vụ việc được chỉ định không phù hợp với trình độ chuyên môn, Quản tài viên có quyền từ chối mà không phải gánh chịu chế tài, tuy nhiên vẫn cần phải có giải trình kịp thời.

Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về chỉ định Quản tài viên. Để khắc phục tình trạng mâu thuẫn trong chỉ định Quản tài viên đã được phân tích ở phần thực trạng, tác giả đề xuất cần quy định việc ưu tiên quan điểm chỉ định Quản tài viên trong các trường hợp khác nhau và cho những đối tượng khác nhau:

- Quan điểm pháp lý cần thống nhất việc lựa chọn Quản tài viên cần ưu tiên cho các chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu phá sản. Theo đó, các chủ thể có thẩm quyền nộp đơn yêu cầu phá sản như quy định tại Điều 5, Luật Phá sản năm 2014 đều có quyền đề xuất Quản tài viên trong đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Việc quy định ưu tiên tôn trọng đề xuất này của các chủ thể có thẩm quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ có tính tương đồng với việc một nguyên đơn có quyền lựa chọn luật sư tham gia các tố tụng dân sự. Điều này đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có thể được thực thi dựa trên vai trò của Quản tài viên mà họ tin cậy. .

- Cần quy định trong trường hợp Tòa án xác định Quản tài viên được đề xuất không đáp ứng các yêu cầu tham gia thủ tục phá sản đó, cần ưu tiên cho người nộp đơn đề xuất Quản tài viên khác. Tác giả cho rằng, quy định pháp lý cũng cần ghi nhận trong trường hợp Quản tài viên được đề xuất không đảm bảo các yêu cầu tham gia thủ tục phá sản thì Tòa án thông báo cho người nộp đơn biết và yêu cầu đề xuất phương án thay thế trong thời gian quy định về thụ, Tòa án cần tôn trọng và ra quyết định chỉ định Quản tài viên đó. Trường hợp người nộp đơn không đề xuất hoặc không kịp đề xuất phương án thay thế, Tòa án có quyền chỉ định Quản tài viên. Trường hợp phương án thay thế do người nộp đơn đề xuất vẫn không đáp ứng yêu cầu, Tòa án có quyền chỉ định, nhưng đồng thời cũng phải có văn bản trả lời người nộp đơn về các tiêu chuẩn mà Quản tài viên được đề xuất thay thế không đáp ứng.

- Cần có quy định thống nhất về việc chỉ định Quản tài viên thay thế trường hợp Quản tài viên bị thay đổi. Điều 46, Luật Phá sản năm 2014 quy định về các trường hợp thay đổi Quản tài viên, trong đó có tại điểm c, khoản 1, Điều 46 có quy định: “Trường hợp bất khả kháng mà Quản tài viên không thực hiện được nhiệm vụ”. Theo tác giả, vấn đề này cũng cần quy định làm rõ như sau: trường hợp Quản tài viên bị thay đổi do Tòa án chỉ định thì Tòa án có quyền chỉ định Quản tài viên thay thế. Trường hợp Quản tài viên bị thay đổi do người nộp đơn yêu cầu mở thục tục phá sản thì việc chỉ định Quản tài viên thay thế vẫn tiếp tục trao cho Tòa án nhưng cần thiết có sự tham khảo ý kiến người tham gia thủ tục phá sản.

- Cần hoàn thiện pháp luật trong trường hợp thẩm phán chỉ định nhiều hơn một Quản tài viên. Theo đó, pháp luật cần làm rõ khi chỉ định cùng lúc nhiều Quản tài viên hoặc chỉ định một doanh nghiệp quản lý thanh lý và quản lý tài sản mà họ lại cử nhiều Quản tài viên tham gia thì nhiệm vụ, quyền hạn của các Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản được phân bổ như thế nào. Đồng thời, cũng cần làm rõ cơ chế chịu trách nhiệm trong trường hợp này. Nghĩa là các Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản phối hợp thực hiện các công việc hay mỗi người được phân công 1 nhóm công việc cụ thể, riêng biệt và tự mình chịu trách nhiệm đối với việc mình được phân công.

Thứ tư, hoàn thiện pháp luật về các tiêu chuẩn đạo đức của Quản tài viên. Hoàn thiện pháp luật về các tiêu chuẩn đạo đức của Quản tài viên nhằm bổ khuyết cho sự thiếu hụt trong ghi nhận vấn đề này ở pháp luật về phá sản hiện hành. Theo đó, tác giả đề xuất một số nội dung sau:

- Cần sớm ghi nhận và áp dụng việc chấm điểm hành nghề cho Quản tài viên. Ý nghĩa của việc chấm điểm này không chỉ dừng lại ở khả năng kiểm soát chất lượng hành nghề của chức danh nghề nghiệp đó từ phía Nhà nước và xã hội mà còn đóng vai trò là tác nhân chính yếu tác động lên tâm lý, ý thức tự giác và đạo đức của người hành nghề. Theo đó, cần quy định điểm chung của một Quản tài viên tham gia hành nghề là 50 điểm, với mỗi thủ tục phá sản thành công được cộng thêm 5 điểm, với mỗi hành vi vi phạm pháp luật trong thủ tục phá sản tùy vào mức độ mà xác định điểm trừ. Ví dụ: có lỗi trong việc quá hạn thủ tục phá sản trừ 10 điểm; có hành vi trục lợi trong kiểm kê sản nghiệp phá sản trừ 20 điểm;… Tổng điểm cuối cùng có được trong 1 năm cần được quy định phải công bố kèm theo các thông tin khác của Quản tài viên, nhằm làm căn cứ cho việc lựa chọn chỉ định Quản tài viên của năm sau liền kề.

Trên cơ sở của việc chấm điểm này, cũng cần ghi nhận về cách thức sử dụng điểm số. Ví dụ: quy định chi tiết mức điểm nào có thể đáp ứng tham gia thủ tục phá sản có quy mô nào; mức điểm nào thì tiến hành thay đổi Quản tài viên; mức điểm nào thì thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên;…

- Ghi nhận các tiêu chuẩn đạo đức liên quan đến lịch sử hành nghề của Quản tài viên. Vấn đề lịch sử hành nghề của Quản tài viên cũng là căn cứ quan trọng để chỉ định một Quản tài viên. Các kết quả về những hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình hành nghề trước đó cũng được cập nhật đầy đủ trong hồ sơ của Quản tài viên. Đây là thước đo về lịch sử đạo đức nghề nghiệp rất quan trọng khi quyết định chỉ định hay không những Quản tài viên đã có lịch sử vi phạm pháp luật vào giải quyết thủ tục phá sản tiềm ẩn khả năng thực hiện lại hành vi đó.

- Ghi nhận về việc khảo sát, đánh giá về Quản tài viên của các bên tham gia thủ tục phá sản. Theo đó, khi kết thúc thủ tục phá sản, cơ quan quản lý hoạt động của Quản tài viên cần có những khảo sát mức độ hài lòng hay các đánh giá khác của những người tham gia thủ tục phá sản để nắm được những ý kiến khách quan về trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của Quản tài viên, qua đó đánh giá được trách nhiệm trong hành nghề và là cơ sở để tiến hành phân nhóm và chỉ định Quản tài viên. Thứ năm, hoàn thiện pháp luật về quy định thẩm quyền đại diện doanh nghiệp của Quản tài viên. Nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào trình trạng phá sản cần có điều chỉnh theo hướng quy định rõ 2 trường hợp như sau: Thẩm phán khi xem xét thấy người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng điều hành, doanh nghiệp, hợp tác xã có dấu hiệu vi phạm khoản 1 Điều 48 của Luật Phá sản năm 2014 thì Thẩm phán ra quyết định thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã đó theo đề nghị của Hội nghị chủ nợ hoặc Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Nếu trường hợp không thể thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, Thẩm phán chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tham gia phá sản đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thứ sáu, hoàn thiện pháp luật về kinh phí, thù lao cho Quản tài viên. Để đảm bảo kinh phí, thù lao cho Quản tài viên, pháp luật cần có sự sửa đổi theo những hướng sau:

- Quy định chi tiết cách tính giờ làm việc để thanh toán thù lao, chi phí cho Quản tài viên. Khối lượng công việc của Quản tài viên rất lớn và không gắn liền với giờ hành chính thông thường. Chính vì thế, phải có quy định thống nhất về cách tính giờ làm việc dựa trên khối lượng kết quả của công việc thay vì tính theo ngày làm việc và giờ hành chính như một số địa phương làm hiện nay.

- Cần có quy định cho phép Tòa án quyết định bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã ngay thời điểm mới mở thủ tục phá sản để phục vụ chi phí phá sản, bao gồm cả thù lao cho Quản tài viên. Theo đó, để khắc phục việc luật không ghi nhận thời điểm bán tài sản này, tác giả đề xuất việc bán tài sản phải diễn ra ngay khi có quyết định mở thủ tục phá sản để đảm bảo sau khi thực hiện thủ tục bù trừ hay xử lý tài sản đảm bảo vẫn còn kinh phí cho thủ tục phá sản và chi trả thù lao cho Quản tài viên.

- Trong trường hợp nếu không ghi nhận cho phép bán tài sản để đảm bảo kinh phí thủ tục phá sản, pháp luật hiện hành có thể quy định những cơ chế nhằm khuyến khích thoả thuận chi trả thù lao, chi phí cho Quản tài viên trong Hội nghị chủ nợ. Quy định nhằm đưa phương án chi trả thù lao, chi phí của Quản tài viên bằng cơ chế thoả thuận giữa các chủ nợ. Khi đó, các chủ nợ sẽ là người tiến hành chi trả thù lao cho Quản tài viên theo tỷ lệ nợ mà họ nhận được, kể cả thông qua thủ tục bù trừ hay xử lý tài sản đảm bảo.

5. Kết luận

Như vậy, có thể thấy mặc dù chế định Quản tài viên đã được ghi nhận và hoạt động trên thực tiễn thực hiện pháp luật Phá sản ở Việt Nam hơn 6 năm qua, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề pháp lý về chế định này chưa được quy định chi tiết và hướng dẫn thực thi. Chính vì thế, hoàn thiện pháp luật về chế định Quản tài viên đòi hỏi bức thiết, góp phần giải quyết các vấn đề vướng mắc đó.

Trên cơ sở nghiên cứu pháp luật thực tiễn và kết quả thực hiện trên thực tế, tác giả đã phân tích những vướng mắc và đề xuất các giải pháp tương ứng nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về chế định Quản tài viên. Những vướng mắc và giải pháp vừa được nêu trong phạm vi một bài báo khoa học sẽ chưa thể bao trùm toàn bộ những vấn đề của quy định pháp luật về Quản tài viên. Tuy nhiên, những vấn đề đó mang tính cơ bản và nếu được sự đồng thuận của các nhà làm luật, sẽ góp phần cải thiện đáng kể địa vị pháp lý của Quản tài viên trong thủ tục phá sản ở Việt Nam hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2015). Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.
  2. Quốc hội (1993). Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993.
  3. Quốc hội (2004). Luật Phá sản năm 200
  4. Quốc hội (2014). Luật Phá sản năm 2014.
  5. Trần Danh Phú (2017). Sự tham gia của Quản tài viên trong quá trình giải quyết phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của Luật Phá sản năm 2014. Luận văn Thạc sĩ Luật, Trường Đại học Luật Hà Nội.

 

STRENGTHENING THE EFFECTIVENESS OF THE LAW ON BANKRUPTCY’S PROVISIONS ON LIQUIDATOR IN VIETNAM

NGUYEN THAI TRUONG

Faculty of Economics - Law, Thuongmai University

ABSTRACT:

This paper analyzes the concepts and nature of the role of liquidator in Vietnam’s Law on Bankruptcy, and points out current issues relating to liquidator and the Law on Bankruptcy. The paper also proposes some solutions to strengthen the effectiveness of the Law on Bankruptcy’s provisions on liquidator in Vietnam.

Keywords: regulation, liquidator, the Law on Bankruptcy, law, bankruptcy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 18, tháng 7 năm 2021]