Hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại của tòa án đáp ứng yêu cầu hiện nay

THS. HOÀNG THANH GIANG (Khoa Luật - Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Quy định về vấn đề thẩm quyền của tòa án, đặc biệt là thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại là một trong những nội dung quan trọng được các nhà nghiên cứu pháp luật quan tâm. Việc phân định thẩm quyền của Tòa án nói chung và thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại của Tòa án nói riêng phải dựa trên những cơ sở nhất định. Việc xác định cơ sở này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phân định thẩm quyền được chính xác, khoa học, tránh được sự chồng chéo khi Tòa án thực hiện nhiệm vụ của mình.   

Từ khóa: thẩm quyền, giải quyết tranh chấp, kinh doanh thương mại, tòa án, bộ luật dân sự.

1. Đặt vấn đề

Tòa án là một trong những công cụ để nhà nước quản lý trật tự xã hội trong mọi lĩnh vực, trong đó có trật tự về kinh tế. Việc xác định thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tố tụng dân sự. Việc xác định đúng thẩm quyền sẽ góp phần giúp các tòa án chủ động trong xét xử, đảm bảo việc xét xử diễn ra một cách kịp thời, nhanh chóng, từ đó giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí của những người tham gia tố tụng.

2. Một số vấn đề chung về thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại

2.1. Khái niệm về tranh chấp kinh doanh, thương mại và thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại

Tranh chấp kinh doanh, thương mại là một thuật ngữ đã trở nên phổ biến trong đời sống xã hội. Thuật ngữ này không chỉ xuất hiện trong văn bản pháp luật, mà còn xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như trong đời sống kinh tế.

Theo Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015, tranh chấp kinh doanh, thương mại đã được quy định theo hướng khái quát hóa thay vì sử dụng phương pháp liệt kê như quy định tại BLTTDS năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011. Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, thẩm quyền là: “Quyền xem xét để kết luận và định đoạt một vấn đề theo pháp luật. Thẩm quyền xét xử của một cấp tòa án. Đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”1.

Như vậy, có thể hiểu: trước hết thẩm quyền là nhiệm vụ và quyền hạn của một chủ thể nhất định. Đó là những gì mà cá nhân, tổ chức được thực hiện trong giới hạn phạm vi nhất định. Vì thẩm quyền vừa xác định quyền của một chủ thể, lại vừa giới hạn mức độ xử sự của các chủ thể đó. “Thẩm quyền là phạm vi hoạt động của các cơ quan nhà nước trong một lĩnh vực nhất định”2. Trên cơ sở thẩm quyền, cá nhân, tổ chức được thực hiện một hoặc một số hoạt động nhất định, trong các lĩnh vực, phương diện mà pháp luật quy định.

Khi đề cập tới thẩm quyền của tòa án, tác giả Nguyễn Đức Mai cho rằng: “Thẩm quyền của tòa án là một thể thống nhất bao gồm hai yếu tố có liên quan chặt chẽ với nhau, đó là thẩm quyền hình thức và thẩm quyền về nội dung. Thẩm quyền về hình thức thể hiện ở quyền hạn xem xét và phạm vi xem xét của tòa án (thẩm quyền xét xử và phạm vi xét xử) còn thẩm quyền về nội dung thể hiện ở quyền hạn giải quyết, quyết định của Tòa án đối với những vấn đề được xem xét”3.

Có thể thấy, thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại chính là quyền hạn của tòa án trong việc xem xét, giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại và quyền hạn ra quyết định khi tiến hành giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại đó. Thẩm quyền xét xử được gắn liền với hệ thống tòa án nhân dân, biểu thị nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án trong việc xem xét giải quyết các loại vụ việc thuộc thẩm quyền.

2.2. Căn cứ để phân định thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại

Căn cứ để phân định thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại bao gồm cả yếu tố chủ quan lẫn yếu tố khách quan:

Thứ nhất, căn cứ vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động tư pháp.

Trong hệ thống cơ quan tư pháp của Việt Nam thì tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp chủ yếu, với chức năng chính là xét xử các vụ án mà pháp luật quy định. Đường lối cải cách tư pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là những quy định về việc phân định thẩm quyền của tòa án. Vì các quy định này nếu được quy định rõ ràng, minh bạch, sẽ giúp các tòa án thực hiện nhiệm vụ, chức năng của mình một cách chính xác, hiệu quả, đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân.

Thứ hai, căn cứ vào các nguyên tắc hoạt động và cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án.

Theo Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014 quy định về tổ chức TAND bao gồm: TAND tối cao; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh (và tương đương) và Tòa án quân sự. Trong hệ thống TAND của Việt Nam, chỉ có TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử các vụ việc dân sự, quy định này đã đặt ra cho pháp luật tố tụng nhiệm vụ quy định những vụ án nào thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND cấp huyện và vụ án nào do TAND cấp tỉnh giải quyết. Theo quy định tại Điều 27, Điều 30, Điều 38, Điều 45 Luật tổ chức TAND năm 2014 thì với mỗi cấp tòa án khác nhau lại được tổ chức thành các tòa chuyên trách.

Thứ ba, căn cứ vào tính chất xét xử.

Với thủ tục xét xử sơ thẩm, với tính chất là xét xử lần đầu nên tòa án cấp sơ thẩm được giải quyết các vấn đề của vụ án, xác định quyền và nghĩa vụ đương sự làm cơ sở cho việc thi hành án. Tiếp theo là thủ tục xét xử phúc thẩm, là việc tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Đối với giám đốc thẩm, tái thẩm, là việc xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng có vi phạm pháp luật trong việc xử lý vụ án hoặc do mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà tòa án và các đương sự đã không biết được khi tòa án giải quyết vụ án.

2.3. Cách thức phân định thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại (theo vụ việc, theo lãnh thổ, theo sự lựa chọn của nguyên đơn)

Thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại được các nhà làm luật nghiên cứu và phân định theo nhiều góc độ; thẩm quyền theo vụ việc, thẩm quyền theo cấp xét xử, thẩm quyền theo lãnh thổ.

* Phân định thẩm quyền theo vụ việc. Phân định thẩm quyền theo vụ việc của tòa án là xác định những tranh chấp kinh doanh, thương mại nào thuộc giải quyết của TAND. Bằng cách xác định này mà có thể phân định thẩm quyền của tòa án với thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức khác trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh từ quan hệ pháp luật nói chung. Bên cạnh đó, việc phân định thẩm quyền của tòa án theo loại vụ việc còn giúp xác định rõ thẩm quyền của từng tòa án cụ thể.

* Phân định thẩm quyền theo cấp xét xử. Việc phân định thẩm quyền của tòa án theo cấp xét xử chính là xác định thẩm quyền của tòa án các cấp. Theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 hiện nay chỉ có TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ việc dân sự. Do vậy, việc phân định thẩm quyền xét xử sơ thẩm các tranh chấp kinh doanh thương mại giữa tòa án các cấp được xem xét giữa tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh.

* Phân định thẩm quyền theo lãnh thổ. Phân định thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ là thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phạm vi lãnh thổ. Việc phân định thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ là sự phân định thẩm quyền sơ thẩm giữa các tòa án cùng cấp với nhau. Ý nghĩa của việc phân định thẩm quyền theo lãnh thổ nhằm xác định tòa án có điều kiện tốt nhất giải quyết vụ tranh chấp, bảo đảm việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, đúng đắn, tạo thuận lợi cho các đương sự tham gia tố tụng, tránh sự chồng chéo trong việc thực hiện thẩm quyền giữa các tòa án cùng cấp cũng như cho việc thi hành án. Việc phân định thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ còn phải bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự.

Trong một số trường hợp, pháp luật quy định cho nguyên đơn có quyền lựa chọn một trong các tòa án có điều kiện giải quyết vụ việc mà không phụ thuộc vào ý chí của bị đơn.

3. Hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm quyền của tòa án trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại qua Bộ uật Tố tụng dân sự các thời kỳ

3.1. Cơ sở mở rộng thẩm quyền của Toà án trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại

Các tranh chấp nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội hết sức đa dạng và có thể thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan khác nhau như tòa án, trọng tài hay các cơ quan nhà nước khác. Trong phạm vi quyền hạn của mình, mỗi cơ quan chỉ có thể giải quyết một số loại vụ việc cụ thể với những điều kiện nhất định nào đó. Bởi vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu của pháp luật tố tụng là phải xác định được các loại vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của hệ thống tòa án. Người ta gọi loại thẩm quyền này là thẩm quyền theo vụ việc hay thẩm quyền chung.

Thẩm quyền của tòa án trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại ngày càng được mở rộng bởi những cơ sở sau:

Thứ nhất, nội hàm quyền tư pháp của tòa án. Theo đó, tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử và phán quyết các tranh chấp trong xã hội nói chung và các tranh chấp kinh doanh thương mại nói riêng. Quyền phân định đúng - sai đối với các tranh chấp trong xã hội. Trên thực tế, có nhiều thiết chế phân định đúng - sai đối với các tranh chấp, xung đột, như cơ quan hành chính các cấp, thủ trưởng cấp trên, tổ chức hòa giải ở cơ sở... Nhưng tòa án nhân danh quyền lực nhà nước phân định đúng - sai bằng một bản án có hiệu lực pháp luật chứa đựng những đặc trưng khác biệt, buộc các bên phải thi hành.

 Thứ hai, thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, trong đó, xác định tòa án là trung tâm của hoạt động tư pháp và xét xử là trọng tâm. Do đó, việc mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của tòa án là một trong những giải pháp thực hiện cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.

Thứ ba, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại của tòa án. Đa số các quốc gia đều giao cho tòa án giải quyết tranh chấp đối với một số loại việc có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Trong đó, một nguyên tắc quan trọng được ghi nhận là tòa án không được từ chối giải quyết khi chưa có luật.

Thứ tư, những ưu điểm về trình tự, thủ tục giải quyết, cùng với sự hiệu quả trong cơ chế thi hành phán quyết làm cho thiết chế tòa án vẫn là cơ chế giải quyết tranh chấp không chỉ mang tính truyền thống, mà còn có tính phổ biến và đang ngày càng được mở rộng.

3.2. Mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại

Trước khi ban hành Bộ luật Tố tụng dân sự, Việt Nam tồn tại đồng thời các văn bản pháp luật khác nhau quy định về tố tụng dân sự, tố tụng kinh tế, tố tụng lao động thì xác định thẩm quyền theo vụ việc còn bao hàm cả việc phân định vụ việc nào được tòa án giải quyết theo tố tụng dân sự, vụ việc nào theo tố tụng kinh tế, vụ việc nào theo tố tụng lao động. Thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự, kinh tế, lao động của tòa án được quy định riêng biệt trong 3 pháp lệnh: Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động. Mặc dù mỗi pháp lệnh trên đều đã đưa ra hệ tiêu chí cụ thể nhằm phân định thẩm quyền theo vụ việc, nhưng thực tiễn xét xử thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền, nhất là giữa dân sự và kinh tế. Nhiều vụ án với nội dung tranh chấp đơn giản, giá trị tranh chấp nhỏ, nhưng do nhầm lẫn về thẩm quyền đã trở thành phức tạp, phải qua nhiều lần xét xử mà vẫn không thể giải quyết dứt điểm, gây lãng phí về thời gian, tiền bạc cho các bên tranh chấp và cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 đã dành nhiều quy định về thẩm quyền theo vụ việc với sự phân biệt cụ thể những vụ án và những việc phát sinh trong từng lĩnh vực cụ thể như: dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động. Từ đây nảy sinh các khái niệm: vụ việc dân sự, vụ việc kinh tế, vụ việc lao động, vụ việc hôn nhân và gia đình. Sự phân biệt này, có lẽ, xuất phát từ lối tư duy pháp lý truyền thống với sự phân chia các ngành Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Kinh tế, Luật Lao động. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, có phân biệt các loại tranh chấp như vậy thì mới có cơ sở để xác định quyền hạn xét xử của các tòa chuyên trách trong tòa án cấp tỉnh và tòa án nhân dân tối cao (ở đó, bên cạnh tòa dân sự còn có tòa kinh tế, tòa lao động). Ngoài ra, việc tồn tại trong một thời gian dài 3 pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế và tranh chấp lao động với sự phân biệt rành mạch các vụ việc dân sự, kinh tế, lao động cũng ít nhiều ảnh hưởng đến phương pháp tiếp cận vấn đề.

- Trong BLTTDS 2004 ,thẩm quyền của tòa án các cấp được quy định tại Điều 33 và Điều 34 BLTTDS 2004. Theo đó, thẩm quyền của tòa án các cấp bao gồm thẩm quyền của tòa án cấp huyện và tòa án cấp tỉnh trong việc sơ thẩm các tranh chấp kinh doanh, thương mại. Về thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ đối với các tranh chấp kinh doanh, thương mại được quy định tại Điều 35 BLTTDS 2004. Thẩm quyền của tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn được quy định tại Điều 36 BLTTDS 2004.

Theo Báo cáo Tổng kết của Tòa án nhân dân tối cao, tình hình giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại của Tòa án còn tồn tại một số vấn đề. Trong đó pháp luật về thẩm quyền xét xử phần nào cản trở quyền khởi kiện của các chủ thể kinh tế. Có thể nhận thấy rằng, các quan hệ kinh doanh luôn vận động, phát triển và ngày càng phong phú, đa dạng về loại hình, nội dung quan hệ. Trong khi đó, pháp luật tố tụng còn cứng nhắc, chưa tạo được điều kiện để các chủ thể kinh tế có thể khởi kiện tại tòa án. 

- Về thẩm quyền của Tòa án trong BLTTDS 2015: để thống nhất, phù hợp với các quy định của các Bộ luật và Luật khác có liên quan như Bộ luật Lao động; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, BLDS 2015 đã quy định bổ sung thêm nhiều vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, mà trước đây chưa có quy định cụ thể thẩm quyền cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết khi tố chức, cá nhân có tranh chấp/yêu cầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc hành chính hóa các tranh chấp.

Đặc biệt BLTTDS 2015 có tư duy pháp lý mới: tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng (Khoản 2 Điều 4). Quy định mới này nhằm thể chế hóa tinh thần cải cách tư pháp: tòa án phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người; mọi tranh chấp, khiếu kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức về dân sự thì tòa án phải có trách nhiệm giải quyết. Tuy nhiên, BLTTDS đã giới hạn vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng mà tòa án thụ lý giải quyết là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.

Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án có thẩm quyết giải quyết những tranh chấp dân sự trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, sở hữu trí tuệ… Trong đó, có sửa đổi, bổ sung một số quy định như:

Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì không có lý do không có điều luật để áp dụng (Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng thì Tòa án áp dụng tinh thần của Hiến pháp, tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, hoặc lẽ công bằng (Điều 43, 44, 45 BLTTDS 2015).

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã sửa đổi bổ sung nhiều loại việc mới thuộc thẩm quyền của Tòa án được quy định trong các luật nội dung bảo đảm thống nhất, phù hợp với Hiến pháp và các luật khác, như: Bộ luật dân sự, Bộ luật Hàng hải, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Doanh nghiệp, Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Đấu thầu, Luật Công đoàn,…

4. Kết luận

Trong thời gian vừa qua, thực trạng quy định pháp luật về thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các vụ việc kinh doanh, thương mại đã bộc lộ những điểm bất cập, không còn phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế nói chung và hội nhập kinh tế thế giới nói riêng. Thông qua việc nghiên cứu về xu hướng mở rộng thẩm quyền của tòa án đối với các vụ việc kinh doanh, thương mại trong Bộ luật Tố tụng dân sự qua các thời kỳ để từ đó thấy được sự phát triển của pháp luật về thẩm quyền xét xử tại cơ quan tư pháp. Điều này cũng cho thấy khi xã hội phát triển kéo theo yêu cầu điều chỉnh về pháp luật tăng lên và công dân có sự lựa chọn nhiều hơn để bảo vệ quyền lợi của mình tại cơ quan tư pháp.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Từ điển Tiếng Việt (2006), Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, tr 922.

[2]  Tìm hiểu đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 1992 (1994), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 11.

[3] Nguyễn Đức Mai (1993), Về thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm, Tòa án nhân dân, (01), tr 8

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trương Hòa Bình, (2014). “Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của TAND, tương xứng với chức năng, nhiệm vụ “Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp)”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 7.
  2. Quốc hội (2014), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Strengthening regulations on the court’s jurisdiction in the settlement of business and commercial disputes to meet current requirements 

Master. Hoang Thanh Giang

Faculty of Law, Thuongmai University

Abstract:

The jurisdiction of the court, especially the jurisdiction of the court in the settlement of business and commercial disputes, is one the important content for legal researchers. The determination of the court's jurisdiction in general and the court’s jurisdiction in the settlement of business and commercial disputes must be based on certain grounds. The determination of these grounds plays an extremely important role in the accurate and scientific delimitation of the court’s jurisdiction, avoiding regulatory overlap when the court performs its duties.

Keywords: jurisdiction, dispute resolution, commercial business, courts, the Civil Code.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6  tháng 3 năm 2023]