Hoàn thiện quy trình kiểm toán các khoản dự phòng trong kiểm toán Báo cáo tài chính do Công ty cổ phần Kiểm toán và Định giá Việt Nam thực hiện

ThS. LƯU THỊ HOAN (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Các khoản dự phòng luôn là đối tượng quan tâm đặc biệt của kế toán và kiểm toán bởi tính trọng yếu của nó cũng như mối liên hệ của nó tới các chỉ tiêu khác trên Báo cáo tài chính. Khi tiến hành kiểm toán Báo cáo tài chính cho bất kì doanh nghiệp nào, kiểm toán các khoản dự phòng luôn được cân nhắc, xem xét kĩ lưỡng vì các khoản dự phòng thường có rủi ro cao. Nhận thức được điều đó, Công ty cổ phần Kiểm toán và Định giá Việt Nam đã tìm hiểu và thực hiện quy trình kiểm toán các khoản dự phòng trong kiểm toán Báo cáo tài chính để đảm bảo cho tình hình tài chính được ổn định, đồng thời để có thể bù đắp cho các khoản tổn thất có thể xảy ra, doanh nghiệp sẽ trích lập các khoản dự phòng cho những dự tính có thể bị mất.

Từ khóa: Quy trình kiểm toán, Báo cáo tài chính, Công ty cổ phần Kiểm toán và Định giá Việt Nam.

I. Thực trạng

Trong kiểm toán tài chính, để bảo đảm tính hiệu quả, trình tự phổ biến được thực hiện là tiến hành kiểm toán theo trình tự ngược với trình tự kế toán. Các khoản dự phòng chỉ là một số chỉ tiêu trên Báo cáo tài chính. Cũng giống như quy trình kiểm toán Báo cáo tài chính, khi thực hiện kiểm toán các khoản dự phòng, kiểm toán cũng tuân thủ các bước cơ bản trong quy trình kiểm toán chung gồm: Lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kế hoạch kiểm toán và kết thúc kiểm toán.

Công ty xây dựng chương trình kiểm toán theo cách tiếp cận theo khoản mục, chương trình kiểm toán được xây dựng cụ thể và áp dụng riêng cho từng khoản mục trên Báo cáo tài chính. Với mục tiêu đặt chất lượng lên hàng đầu, Công ty luôn tiến hành nâng cao chất lượng kiểm toán bằng việc xây dựng những chương trình kiểm toán cụ thể cho từng khoản mục trên Báo cáo tài chính. Chương trình kiểm toán chung cho các khoản mục gồm ba phần: Tìm hiểu hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng, phân tích soát xét và kiểm tra chi tiết. Kế hoạch kiểm toán được Công ty xây dựng trên cơ sở Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam và Chuẩn mực Kiểm toán Quốc tế được thừa nhận rộng rãi tại Việt Nam. Các chương trình kiểm toán chung được áp dụng thống nhất đối với các khách hàng. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm toán, dựa vào những đánh giá, nhận định của kiểm toán viên đối với từng khách hàng mà các thủ tục kiểm toán và trình tự thực hiện có thể được sửa đổi linh hoạt cho phù hợp với đặc điểm của khách hàng.

Cuối niên độ kế toán, căn cứ vào dự kiến nhu cầu dịch vụ kiểm toán, Công ty cổ phần Kiểm toán và Định giá Việt Nam sẽ gửi thư chào hàng tới các khách hàng thường xuyên và các khách hàng tiềm năng của Công ty. Thư chào hàng là bức thông điệp giới thiệu về uy tín, chất lượng dịch vụ của Công ty.

Khi được khách hàng chấp nhận kiểm toán và gửi thư mời kiểm toán, Công ty tiến hành cuộc họp với khách hàng trước khi kiểm toán. Nội dung cuộc họp thường là:

- Tìm hiểu về loại hình doanh nghiệp của đơn vị khách hàng;

- Những yêu cầu của khách hàng;

- Ý kiến của kiểm toán viên;

- Thống nhất ý kiến để quyết định có thể thực hiện kiểm toán hay không?

Kết hợp với việc xem xét các khả năng chấp nhận kiểm toán (đánh giá hệ thống kiểm soát chất lượng, liên lạc với kiểm toán viên tiền nhiệm, nhận diện lí do kiểm toán của khách hàng), Công ty sẽ tiến hành kí kết hợp đồng kiểm toán, phân công nhóm kiểm toán (về nhân lực) và triển khai công việc kiểm toán.

Trước khi thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính của đơn vị khách hàng, kiểm toán viên đều bắt đầu bằng việc tìm hiểu tình hình chung của khách hàng, các công việc này nhằm tạo cơ sở cho việc lập kế hoạch kiểm toán.

Các khoản dự phòng được xem như một ước tính kế toán nên thường mang tính chủ quan của đơn vị trích lập. Khi tiến hành kiểm toán các khoản dự phòng, kiểm toán viên sẽ căn cứ cơ sở trích lập và xử lí các khoản dự phòng tại đơn vị khách hàng để so sánh với các quy định về dự phòng của Bộ Tài chính và đưa ra ý kiến của mình. Đối với Công ty cổ phần Kiểm toán và Định giá Việt Nam, khi kiểm toán các khoản dự phòng, thủ tục kiểm toán được thiết kế đối với tất cả các khoản dự phòng trên Báo cáo tài chính. Tuy nhiên, tùy vào tình hình trích lập dự phòng của khách hàng, Công ty có thể đưa ra thủ tục kiểm toán thích hợp. Không phải khi nào các đơn vị kiểm toán cũng sử dụng hết các khoản dự phòng. Thông thường các đơn vị khách hàng của Công ty cổ phần Kiểm toán và Định giá Việt Nam chỉ trích lập dự phòng cho các khoản giảm giá hàng tồn kho, dự phòng phải thu khó đòi, còn các nghiệp vụ đầu tư tài chính ít xảy ra nên không được trích lập dự phòng.

II. Giải pháp

1. Bài học kinh nghiệm từ qui trình kiểm toán các khoản tại Công ty cổ phần Kiểm toán và Định giá Việt Nam

Chương trình kiểm toán các khoản mục trên Báo cáo tài chính nói chung và kiểm toán các khoản dự phòng nói riêng đã được thực hiện thống nhất theo quy trình kiểm toán chung do Công ty xây dựng: từ khâu lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán đến khâu kết thúc kiểm toán. Các thủ tục luôn được vận dụng một cách linh hoạt trong quá trình kiểm toán.

- Giai đoạn chuẩn bị:

Để chuẩn bị cho cuộc kiểm toán, kiểm toán viên bắt đầu với việc tiếp cận khách hàng, sau đó là lập kế hoạch kiểm toán. Nhận thức được tầm quan trọng của giai đoạn này có tính chất quyết định cho sự hoạt động của Công ty, các kiểm toán viên luôn chú trọng và thực hiện tốt giai đoạn này. Thư chào hàng được soạn thảo một cách ngắn gọn, súc tích nhưng nêu bật được những ưu thế cũng như tiềm năng của Công ty nên rất thu hút khách hàng.

Khi lập kế hoạch kiểm toán, tính thận trọng nghề nghiệp đòi hỏi kiểm toán viên phải thực hiện đầy đủ các bước từ thu thập thông tin về tình hình kinh doanh của khách hàng, về cơ sở pháp lí của khách hàng cho tới việc tìm hiểu hệ thống kiểm soát nội bộ, đánh giá rủi ro, trọng yếu. Mô hình đánh giá mức độ trọng yếu của Công ty được xây dựng khá chi tiết và hợp lí.

- Giai đoạn thực hiện kiểm toán:

Sau khi lập kế hoạch kiểm toán và phân công công việc cho các kiểm toán viên, công việc kiểm toán được triển khai theo chương trình kiểm toán mà Công ty đã xây dựng cho từng khoản mục trên Báo cáo tài chính. Riêng các khoản dự phòng không có chương trình kiểm toán riêng mà được tiến hành kiểm toán kết hợp với các phần hành có liên quan trực tiếp đến nó.

Về cơ bản nội dung tiến hành kiểm toán các khoản dự phòng đã bao hàm đầy đủ các thông tin cần kiểm tra. Nhưng thực tế phản ánh trên các hồ sơ kiểm toán cho thấy nhiều khi phần kiểm toán các khoản dự phòng chưa được đánh giá đúng mức và thực hiện đầy đủ theo chương trình đã lập. Mặt khác, chương trình kiểm toán cũng chưa thiết kế được nhiều các biện pháp kiểm tra chi tiết một cách thiết thực và hiệu quả đối với các khoản dự phòng.

- Giai đoạn kết thúc:

Đây là giai đoạn cuối cùng của cuộc kiểm toán nhưng vẫn được kiểm toán viên tuân thủ chặt chẽ theo quy trình kiểm toán chung. Để hình thành nên ý kiến của mình về các khoản dự phòng trên Báo cáo tài chính, kiểm toán viên cần rà soát và đánh giá lại các vấn đề phát sinh có ảnh hưởng tới kết quả kiểm toán tổng hợp, xác định chênh lệch và đưa ra bút toán điều chỉnh, từ đó đưa ra ý kiến về tính trung thực và hợp lí đối với các khoản mục trên Báo cáo kiểm toán. Trong trường hợp có yêu cầu của đơn vị khách hàng trong vấn đề tư vấn kế toán, Công ty còn có thể phát hành thêm Thư quản lí.

Nhìn chung quy trình kiểm toán đối với các khoản dự phòng trong kiểm toán Báo cáo tài chính đã được Công ty thực hiện theo đúng quy định của các Chuẩn mực Kiểm toán hiện hành.

2. Hoàn thiện chương trình kiểm toán chung đối với các khoản dự phòng

Các khoản dự phòng tuy phát sinh không nhiều nhưng thực sự đó là những khoản mục mà khách hàng thường ghi không hợp lí, nó có thể bị ghi cao hơn hay thấp hơn thực tế vì những mục đích riêng của Ban Giám đốc đơn vị khách hàng. Do liên quan đến lợi ích của khách hàng, các đơn vị khách hàng có thể phản ánh quá mức trích lập dự phòng cần thiết để hạch toán tăng chi phí, từ đó làm giảm lợi nhuận của đơn vị. Đó là cách mà đơn vị có thể áp dụng để giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp Nhà nước. Hoặc kế toán cố tình bỏ qua không trích đủ mức dự phòng cần thiết để làm giảm chi phí, làm tăng lợi nhuận thực tế của đơn vị, phản ánh sai tình hình tài chính của đơn vị. Như vậy, các khoản dự phòng là nguyên do nảy sinh rất nhiều sai phạm và khó có thể kiểm soát được chúng, do đó rủi ro khi kiểm toán các khoản dự phòng thường cao.

Trên thực tế, Công ty cổ phần Kiểm toán và Định giá Việt Nam đã xây dựng chương trình kiểm toán các khoản dự phòng kết hợp trong chương trình kiểm toán các khoản mục mà nó trích lập dự phòng. Chương trình này được đánh giá là khá hiệu quả. Tuy nhiên nó chỉ được coi như một phần có liên quan trong kiểm toán các khoản đầu tư tài chính, các khoản phải thu và kiểm toán hàng tồn kho. Như vậy nó sẽ bị hạn chế về phạm vi kiểm toán, khó tiếp cận một cách chi tiết và đầy đủ các khía cạnh. Một số kiểm tra chi tiết chưa có phương pháp thực hiện cụ thể mà thường dựa vào nhận định nhà nghề của kiểm toán viên nên kết quả thu được chưa nhiều, có thể chưa thực sự chính xác. Công ty cần xây dựng nhiều hơn nữa các phương pháp kiểm tra chi tiết để tăng độ chính xác của công việc và thực hiện chương trình kiểm toán đã thiết kế một cách hiệu quả hơn. Mặt khác, thủ tục trích lập cũng như các số liệu liên quan đến các khoản dự phòng lại có mối liên hệ ảnh hưởng trực tiếp bởi các khoản mục mà chúng lập dự phòng, nên không thể xây dựng một chương trình kiểm toán các khoản dự phòng hoàn toàn tách biệt, độc lập. Cụ thể, Công ty cần xây dựng một phần mục kiểm toán riêng rẽ, cụ thể và chi tiết hơn đối với các khoản dự phòng như một phần công việc độc lập trong chương trình kiểm toán các khoản đầu tư tài chính, các khoản phải thu hay trong kiểm toán hàng tồn kho.

3. Hoàn thiện công tác tìm hiểu hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng

Bảng câu hỏi tìm hiểu hệ thống kiểm soát nội bộ của Công ty Cổ phần Kiểm toán và Định giá Việt Nam thường được thiết kế dưới dạng câu hỏi đóng (Có/Không). Loại câu hỏi này có ưu điểm là dễ thực hiện nhưng kết quả thu được từ những câu hỏi này thường không đầy đủ và có thể thiếu chính xác. Trong khi đó, các câu hỏi mở lại có khả năng thu thập thông tin đầy đủ và chính xác hơn. Nhưng do việc thu thập thông tin theo các câu hỏi mở thường chiếm nhiều thời gian và người bị hỏi thường ngại trả lời. Vì vậy, khi thiết kế các câu hỏi phỏng vấn, kiểm toán viên có thể kết hợp giữa câu hỏi đóng và các câu hỏi mở để phát huy hết hiệu quả của Bảng câu hỏi, thu thập thông tin có độ chính xác cao hơn.

Qua tìm hiểu thực tế kiểm toán cho thấy việc tìm hiểu hệ thống kiểm soát nội bộ được tiến hành chưa đầy đủ như nội dung chương trình kiểm toán đã thiết kế đối với kiểm toán các khoản dự phòng. Các nhận định, đánh giá, phân tích không được lưu lại trên hồ sơ kiểm toán mà chỉ được các kiểm toán viên dùng làm căn cứ đánh giá theo kinh nghiệm và nhận định nghề nghiệp. Công ty nên yêu cầu các kiểm toán viên ghi chép vào giấy tờ làm việc, lưu trong hồ sơ kiểm toán để tiện xem xét, theo dõi và kiểm tra đối chiếu sau này.

4. Áp dụng các thủ tục phân tích

Các thủ tục phân tích được áp dụng rất nhiều trong quá trình kiểm toán. Nó được vận dụng linh hoạt trong tất cả các giai đoạn kiểm toán. Việc phân tích chính xác trong giai đoạn lập kế hoạch sẽ giúp kiểm toán viên có được những nhận xét khái quát về thực tế, phát hiện những điểm bất hợp lí và dễ dàng xây dựng kế hoạch kiểm toán phù hợp. Từ kết quả phân tích có thể thấy được hướng làm tập trung công việc, tăng hiệu quả kiểm toán. Trong giai đoạn thực hiện thì thủ tục phân tích lại xem xét các biến động bất thường để tăng các kiểm tra chi tiết.

Các thủ tục phân tích đã được Công ty cổ phần Kiểm toán và Định giá Việt Nam áp dụng trong cả khâu lập kế hoạch và khâu thực hiện công tác kiểm toán. Trong giai đoạn lập kế hoạch, thủ tục phân tích được thiết lập để phân tích soát xét Báo cáo tài chính của đơn vị khách hàng (phân tích sơ bộ các chỉ tiêu tài chính cơ bản). Trong giai đoạn thực hiện kiểm toán các khoản dự phòng, thủ tục phân tích lại được sử dụng để phân tích sự biến động của các chỉ tiêu có liên quan đến các khoản dự phòng (biến động tuyệt đối, tỷ trọng thay đổi). Tuy nhiên chúng chưa được ghi chép lại trong giấy tờ làm việc và lưu trong hồ sơ kiểm toán. Theo ý kiến của cá nhân em tác giả, các kiểm toán viên nên thực hiện phân tích cụ thể và ghi chép lại trên giấy tờ làm việc, lưu trong hồ sơ kiểm toán để tiện theo dõi, đối chiếu đối với những khách hàng thường xuyên.

5. Áp dụng Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam số 540

Về cơ bản, các chương trình kiểm toán đang được thực hiện tại Công ty cổ phần Kiểm toán và Định giá Việt Nam đều được xây dựng dựa theo hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Quốc tế và Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam. Trong những vấn đề chưa có Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam điều chỉnh thì Công ty thực hiện theo Chuẩn mực Kiểm toán Quốc tế. Cụ thể, chương kiểm toán các khoản dự phòng của Công ty hiện này được xây dựng theo Chuẩn mực Kiểm toán Quốc tế khi chưa có Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam quy định về vấn đề này. Nhưng hiện nay, Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam số 540 “Kiểm toán các ước tính kế toán” đã ra đời và quy định rõ nội dung, thủ tục cũng như các phương pháp kiểm toán cần sử dụng trong quá trình kiểm toán các ước tính kế toán, mà các khoản dự phòng cũng là một trong những ước tính kế toán quan trọng. Cụ thể:

- Xem xét các cơ sở trích lập dự phòng;

- Kiểm tra các tính toán liên quan đến dự phòng;

- Lập ước tính độc lập;

Trong điều kiện hiện nay, Công ty nên xây dựng lại chương trình kiểm toán các khoản dự phòng theo Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam.

IV. Kết luận

Các khoản dự phòng là các khoản mục dùng để điều chỉnh và đánh giá giá trị ròng (thực tế) của các khoản mục mà nó lập dự phòng. Đây là khoản mục góp phần đánh giá chính xác tình hình tài chính thực tế của đơn vị. Đánh giá sai các khoản mục này có thể dẫn tới sự đánh giá thiếu chính xác của người sử dụng thông tin đối với các thông tin tài chính trên Báo cáo tài chính. Vì vậy, trong quá trình hoàn thiện chương trình kiểm toán các khoản mục trên, Báo cáo tài chính không thể bỏ qua việc hoàn thiện chương trình kiểm toán các khoản dự phòng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Lý thuyết kiểm toán – NXB Tài chính – 2001.

2. Kiểm toán tài chính – NXB Tài chính – 2001.

3. Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam – Quyển I, II, III, IV và V – NXB Tài chính.

4. PGS.TS. Nguyễn THị Đông (2004), “Hạch toán kiểm toán trong các doanh nghiệp”, NXB Thống kê.

5. Hồ sơ kiểm toán mẫu của Công ty cổ phần Kiểm toán và Định giá Việt Nam.

6. Các tài liệu về Công ty cổ phần Kiểm toán và Định giá Việt Nam.

FINALIZATION OF THE PROCESS OF AUDITING THE RESERVES IN THE AUDIT FINANCIAL STATEMENTS CONDUCTED BY VIETNAM AUDITING AND VALUATION JOINT STOCK COMPANY

● MA. LUU THI HOAN

Faculty of Accounting - University of Industrial Economics

ABSTRACT:

Contingencies are always subject to special interest by accountants and auditors because of their importance as well as its relationship to other indicators in the financial statements. When auditing financial statements for any business, auditing the reserves is always considered carefully because the reserves are often high-risk. Recognizing that, Vietnam Auditing and Valuation Joint Stock Company has studied and implemented the process of auditing reserves in auditing financial statements to ensure stable financial situation, At the same time, in order to compensate for possible losses, the enterprise will set aside provisions for possible losses.

Keywords: Auditing process, Financial report, Vietnam Valuation and Audit Joint Stock Company.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 13 tháng 12/2017 tại đây