Hoạt động cho thuê tài chính tại các công ty cho thuê tài chính thuộc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ TÌNH

Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

TÓM TẮT:

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, hoạt động cho thuê tài chính rất phù hợp với điều kiện Việt Nam, do doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 95% tổng số doanh nghiệp. Bởi theo quy định, công ty cho thuê tài chính sẽ mua trang thiết bị, máy móc theo yêu cầu của doanh nghiệp và cho doanh nghiệp thuê lại mà không yêu cầu tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, ở nước ta tiềm ẩn của rủi ro rất cao vì hành lang pháp lý còn lỏng lẻo chưa kể huy động vốn cũng đang là bài toán khó đối với các công ty tài chính hiện nay.

Từ khóa: Cho thuê tài chính, công ty, ngân hàng thương mại.

I. Đặt vấn đề

Dưới tác động của sự phát triển và hội nhập, các loại hình dịch vụ tài chính ngân hàng đã ra đời và hoạt động có hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cho thuê tài chính là một trong những loại hình dịch vụ đó. Đây là hoạt động được đánh giá là hình thức phát triển cao của tín dụng thuê mua, là hình thức đầu tư vốn có hiệu quả. Với các ưu thế về hạn chế rủi ro, không phải thế chấp, thủ tục đơn giản, cho thuê tài chính đang là dịch vụ được ưa chuộng trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, cho thuê tài chính chỉ mới ra đời cách đây 20 năm, nhưng đã đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với sự phát triển và hội nhập về các dịch vụ tài chính, ngân hàng và là một dịch vụ đầy tiềm năng. Thực tế cho thấy tốc độ tăng trưởng dư nợ cho thuê của các công ty cho thuê tài chính tăng trưởng rất nhanh trong thời gian qua.

Hiện ở Việt Nam có 13 công ty cho thuê tài chính, trong đó chiếm ưu thế lớn nhất là 8 công ty trực thuộc các ngân hàng thương mại. Với những đặc trưng và ưu thế riêng của mình, các công ty này đang dần lớn mạnh và góp phần lớn vào sự phát triển chung của ngành cho thuê tài chính tại Việt Nam.

Do đó, vấn đề cần nghiên cứu và đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm khai thác một cách có hiệu quả những thế mạnh của cho thuê tài chính nói chung và tại các công ty cho thuê tài chính ngân hàng thương mại nói riêng để biến nó thành một kênh tài trợ vốn trung và dài hạn hữu hiệu cho nền kinh tế là một yêu cầu cần thiết.

II. Thực trạng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, cả nước có 11 công ty cho thuê tài chính, nhưng hiện chỉ có 5 công ty cho thuê tài chính còn hoạt động. Đó là công ty con của các ngân hàng: VietinBank, Vietcombank, BIDV, ACB và Sacombank. Đa số các công ty cho thuê tài chính còn lại đều chung số phận: thua lỗ, hầu như phải ngừng hoạt động để tập trung thu hồi nợ xấu, hoặc âm thầm đóng cửa. Có thể kể tên một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng này, như Công ty Cho thuê tài chính Công Tàu thủy Vinashin, ANZ - V/TRAC, Kexim…

Xét về quy mô vốn, hiện nay công ty cho thuê tài chính của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Leasing) đứng đầu hệ thống với mức vốn điều lệ 800 tỷ đồng, trong khi đó các công ty tài chính còn lại có mức vốn điều lệ đều trên 200 tỷ đồng. Năm 2014, tổng tài sản của VietinBank Leasing đạt 1.421 tỷ đồng, dư nợ cho thuê 1.443 tỷ đồng, thu nợ ngoại bảng 21,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 83,5 tỷ đồng. Công ty tiếp tục là doanh nghiệp dẫn đầu về lợi nhuận trong khối các công ty cho thuê tài chính trong nước, nợ xấu chỉ chiếm 2,11%, nợ nhóm 2 giảm 25%. Năm 2014, VietinBank Leasing đặt mục tiêu lợi nhuận và tổng tín dụng tăng tối thiểu 15% so với năm 2014, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Năm 2016 có thể nói là một trong những năm Công ty đạt được các chỉ tiêu kinh doanh tốt nhất. Đặc biệt, lợi nhuận của Công ty ước đạt cao nhất trong các năm gần đây. Tổng tài sản và dư nợ cho thuê đạt 1.930 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế tăng 5,6% so với năm 2015 và vượt 2,4% kế hoạch kinh doanh năm 2016 do HĐQT VietinBank giao. Chất lượng nợ của Công ty được nâng cao. Còn ACB Leasing vẫn làm ăn có lãi, song lợi nhuận hầu như không tăng (từ 71 tỷ đồng năm 2012, xuống còn 69 tỷ đồng năm 2013). Sau khi thành lập Công ty tài chính ACB và sáp nhập ACB Leasing, lợi nhuận năm đầu của Công ty là 69,4 tỷ đồng. Đối với BIDV Veasing gặp tình trạng thua lỗ nhiều năm và BIDV đã thông qua kế hoạch chuyển đổi hoạt động công ty cho thuê tài chính hiện có thành công ty tài chính tiêu dùng BIDV.

Có thể nói, các công ty cho thuê tài chính đang ngày càng thu hẹp về số lượng. Không chỉ bị thu hẹp vì hoạt động thua lỗ và nợ xấu, các công ty cho thuê tài chính còn thu hẹp và xóa bỏ do sự thiếu quan tâm của các doanh nghiệp. Cụ thể, một cuộc khảo sát 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau thì hơn 70% số doanh nghiệp trả lời rằng họ biết rất ít và chưa bao giờ tìm hiểu dịch vụ thuê tài chính từ công ty cho thuê tài chính; gần 20% hoàn toàn không biết về dịch vụ tài chính này, thậm chí có doanh nghiệp hiểu cho thuê tài chính như hoạt động trả góp và không hiểu đây là nghiệp vụ cấp tín dụng, cũng như tính ưu việt lẫn hiệu quả.

Có thể thấy, các công ty đã thu được cho mình những thành tựu nhất định, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì vẫn còn những tồn tại cần được khắc phục.

Thứ nhất, năng lực cạnh tranh chưa cao. Có thể nói việc trực thuộc các ngân hàng đối với các công ty cho thuê tài chính này vừa là thuận lợi nhưng cũng là bất lợi. Bởi lẽ vì vẫn nằm trong sự quản lý của ngân hàng mẹ, cho nên cơ cấu tổ chức cũng như chiến lược kinh doanh của các công ty này còn có phần phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của ngân hàng mẹ và chưa chủ động trong việc tìm kiếm thị trường và chưa thực sự cạnh tranh lẫn nhau. Do đó, chưa tạo ra cho thị trường những sản phẩm thuê có giá rẻ và chất lượng dịch vụ tốt để phục vụ khách hàng. Ngoài ra, hoạt động công ty cho thuê tài chính chưa thực sự hấp dẫn và chưa có động lực phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu vốn đầu tư cho các thành phần kinh tế, các vùng miền trong cả nước. Đồng thời, do bị lệ thuộc về sở hữu nên các công ty này cũng chưa có một chiến lược tổng thể nên hoạt động cho thuê tài chính của các công ty vẫn còn manh mún, giống như chỉ là một chi nhánh của các ngân hàng mẹ trong hoạt động cho vay trung và dài hạn.

Thứ hai, chưa đa dạng các hình thức cho thuê và tài sản cho thuê. Hầu hết các giao dịch cho thuê hiện nay chỉ diễn ra dưới một hình thức là cho thuê hoàn trả toàn bộ mà chưa sử dụng cho thuê hoàn trả từng phần. Bên cạnh đó, các công ty chỉ mới sử dụng một hình thức cho thuê có sự tham gia của ba bên còn các hình thức khác như cho thuê hợp tác, mua rồi cho thuê lại, cho thuê giáp lưng, cho thuê trả góp,… chưa được sử dụng. Ngoài ra, tài sản cho thuê trong những năm qua chủ yếu là các máy móc thiết bị lẻ đơn chiếc, có hàm lượng công nghệ ở mức trung bình khá còn các dây chuyền công nghệ cao hay các thiết bị hiện đại chiếm tỷ trọng thấp và chưa được bên thuê khai thác nhiều. Chính vì vậy mà giá trị tài trợ cho khách hàng còn thấp, có thể kí được nhiều hợp đồng nhưng giá trị các hợp đồng chỉ khoảng một tỷ đồng, ít có hợp đồng có giá trị cao do bị khống chế về hạn mức tài trợ trên vốn tự có của công ty cho thuê tài chính.

III. Giải pháp phát triển hoạt động cho thuê tài chính tại các công ty thuộc ngân hàng thương mại

Một là, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Để đa dạng hóa sản phẩm cho thuê tài chính, các công ty nên vận dụng linh hoạt các phương thức cho thuê tài chính khác. Sản phẩm chủ yếu hiện nay của các công ty cho thuê tài chính là cho thuê tài chính 2 bên, 3 bên, bán và tái cho thuê. Tuy nhiên, khi sự cạnh tranh ngày càng gia tăng, lãi suất thấp sẽ không còn là công cụ cạnh tranh mang lại hiệu quả nữa. Ngược lại, cần phải có giải pháp đồng bộ mà một trong số đó phải vận dụng linh hoạt các phương thức cho thuê tài chính nhằm làm đa dạng hóa sản phẩm cho thuê tài chính, đáp ứng được đa dạng nhu cầu của khách hàng, từ đó mở rộng được các đối tượng khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động cho thuê tài chính. Các công ty cho thuê có thể mở rộng nghiệp vụ cho thuê sang những phương thức mới như cho thuê hợp vốn, cho thuê giáp lưng… Một vấn đề đặc biệt được đặt ra đối với các công ty cho thuê tài chính thuộc ngân hàng đó là sự thiếu hụt về kiến thức chuyên môn về công nghệ. Như vậy, muốn phát triển hoạt động cho thuê tài chính tại các công ty này trong thời gian tới đòi hỏi họ phải xây dựng những chiến lược lâu dài cho mình. Một trong số đó là chiến lược hợp tác với các công ty tư vấn, các công ty dịch vụ kĩ thuật. Hợp tác chặt chẽ với các công ty này, các công ty cho thuê tài chính cũng có thể hợp tác với họ để thiết lập các mạng lưới đại lý dịch vụ bảo hành, bảo trì máy móc thiết bị nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của công ty. Một mạng lưới các nhà cung cấp máy móc thiết bị có uy tín, chất lượng đảm bảo chắc chắn sẽ tạo ra một lợi thế thu hút khách, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường cho thuê tài chính nói riêng và thị trường tài chính nói chung.

Hai là, mở rộng mạng lưới khách hàng. Đầu tiên, thông qua thực tiễn hoạt động và quá trình tìm hiểu thị trường, các công ty nên xác định khách hàng tiềm năng và từ đó trực tiếp tiếp xúc với họ, giới thiệu về loại hình cho thuê tài chính và những lợi ích mà cho thuê tài chính đem lại cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Với sự tiếp xúc trực tiếp này, các công ty sẽ hiểu được nhu cầu của khách hàng, đồng thời có thể tạo lập được những mối quan hệ trực tiếp với các cơ quan quản lý và điều hành hoặc các đơn vị sản xuất kinh doanh có liên quan đến đối tượng khách hàng nói trên. Bên cạnh đó, các công ty cho thuê tài chính có thể phối hợp với các chi nhánh của ngân hàng mẹ để tìm kiếm khách hàng có nhu cầu. Đây là một trong những lợi thế sẵn có của các công ty cho thuê tài chính thuộc ngân hàng bởi tất cả các ngân hàng mẹ này đều có chi nhánh rộng khắp cả nước.

Ba là, xây dựng chiến lược nguồn vốn. Nghiệp vụ này hoàn toàn mới mẻ với các công ty cho thuê tài chính cũng như người gửi tiền, vì từ trước tới nay các khách hàng chỉ mới quen giao dịch với các tổ chức ngân hàng hay tín dụng. Do vậy, bên cạnh việc phải tiến hành công tác thông tin quảng cáo đại chúng về dịch vụ mới thì các tổ chức cho thuê tài chính phải nhanh chóng xây dựng quy trình nghiệp vụ, thành lập các bộ phận chức năng để sẵn sàng triển khai việc nhận tiền gửi của các tổ chức và cá nhân. Các công ty cho thuê tài chính trực thuộc ngân hàng sẽ có lợi thế khi triển khai dịch vụ này là vì họ sẽ nhận được những hỗ trợ về mặt nghiệp vụ, về tổ chức nhân sự, về kinh nghiệm,… Song đó cũng là một thách thức khi các công ty này không những phải cạnh tranh với chính các ngân hàng mà còn là với các chi nhánh trong cùng hệ thống. Tận dụng những lợi thế về sức trẻ, bộ máy mới thành lập gọn nhẹ,... các công ty cho thuê tài chính phải phát huy lợi thế cạnh tranh trên các mặt như: nâng cao chất lượng, phục vụ theo phong cách mới với các phương tiện hiện đại, thái độ phục vụ chu đáo, ân cần, lãi suất huy động cạnh tranh. Song song với việc đẩy mạnh nghiệp vụ huy động vốn tiền gửi thì các công ty cho thuê tài chính phải xây dựng phương án tăng cường cho thuê hay đa dạng các nghiệp vụ đầu tư khác trong khuôn khổ cho phép nhằm đa dạng hóa dịch vụ, tránh tình trạng lúc thì không đủ vốn hoặc lại ứ đọng vốn.

Đồng thời, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động kinh doanh của công ty cho thuê tài chính trong Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chỉ có một hệ thống pháp luật đồng bộ mới giúp hoạt động kinh doanh của công ty đi vào nền nếp, có định hướng… Hơn nữa, với hệ thống pháp luật về cho thuê tài chính đồng bộ sẽ góp phần giúp cho chủ sở hữu, các công ty cho thuê tài chính và các doanh nghiệp thuê tài chính tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền và lợi ích được pháp luật ghi nhận, bảo vệ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. PGS,TS. Phan Thị Thu Hà (2007), Ngân hàng Thương mại, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

2. PGS, TS. Nguyễn Thị Mùi (2008), Giáo trình nghiệp vụ ngân hàng thương mại, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.

3. PGS, TS. Lê Văn Tề (2009), Nghiệp vụ ngân hàng thương mại, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.

4. Trần Tô Tử, Nguyễn Hải Sản (1996), Tìm hiểu và sử dụng thị trường tín dụng thuê mua, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

ANALYZING THE FINANCIAL LEASING ACTIVITIES

OF FINANCE COMPANIES UNDER VIETNAMESE COMMERCIAL BANKS

MA. NGUYEN THI TINH

Faculty of Banking and Finance,

University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

According to financial experts, financial leases are suitable to the Vietnam’s financial market as small and medium-sized enterprises accounts up to 95% of the total number of enterprises in Vietnam. Under current regulations related to finance leases, lessors (finance companies) will purchase assets according to requests of lessees without requiring the pledged assets of the lessees. However, the risk level of finance leasing activities in Vietnam is relatively high due to the current uncompleted legal framework related to financial leases. In addition, financial leasing companies operating in Vietnam are facing numerous challenges in mobilizing capital.

Keywords: Finance lease, company, commercial bank.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây