TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu phân tích thực trạng hoạt động của Quỹ Bảo đảm an toàn hệ thống của Quỹ Tín dụng nhân nhân hay còn gọi là Quỹ Bảo toàn, nhằm đánh giá những mặt đạt được và còn hạn chế của Quỹ Bảo toàn. Từ những hạn chế, bài viết đề xuất một số kiến nghị để hoàn thiện hoạt động của Quỹ Bảo toàn trong thời gian tới.

Từ khóa: quỹ bảo đảm, an toàn hệ thống, quỹ tín dụng nhân dân.

1. Đặt vấn đề

Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) là tổ chức tín dụng có vai trò quan trọng trong phát triển tài chính toàn diện, đẩy lùi tín dụng đen trong nền kinh tế. Với đặc thù hoạt động là các khoản tín dụng vi mô, QTDND cũng tồn tại nhiều rủi ro hoạt động, đặc biệt là rủi ro tín dụng, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của QTDND, có thể dẫn đến rủi ro cho hệ thống QTDND nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung (Trần Quang Khánh, 2016). Do đó, Ngân hang Nhà nước (NHNN) đã chú trọng bảo đảm an toàn hoạt động cho hệ thống QTDND thông qua cơ chế hoạt động của Quỹ Bảo đảm an toàn hệ thống QTDND. Quỹ Bảo toàn được thí điểm thành lập đầu tiên tại Thái Bình vào năm 2004, sau đó được tiếp tục triển khai thí điểm tại tỉnh Hưng Yên (năm 2007),… Từ thực tiễn thí điểm Quỹ Bảo toàn, cùng với việc học tập kinh nghiệm của một số nước xây dựng thành công mô hình TCTD hợp tác như hệ thống Ngân hàng Hợp tác xã Cộng hòa liên bang Đức; hệ thống Quỹ Tín dụng Desjardins - Canada, ngày 21/4/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cho phép triển khai trên toàn quốc Quỹ Bảo toàn thông qua việc ban hành Thông tư số 03/2014/TT-NHNN, ngày 21/4/2014. Mặc dù đã đạt được một số kết quả khả quan trong việc hỗ trợ các QTDND nhưng hoạt động của Quỹ Bảo toàn trong việc hỗ trợ hệ thống QTDND vẫn còn một số hạn chế nhất định (theo báo cáo hoạt động Quỹ Bảo toàn qua các năm). Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết về việc đánh giá hoạt động của Quỹ Bảo toàn trong giai đoạn 2017 - 2020, nhằm đề xuất kiến nghị để hoàn thiện hoạt động của Quỹ Bảo toàn trong thời gian tới.  

2. Về Quỹ Bảo toàn

Khái niệm: Quỹ Bảo đảm an toàn hệ thống QTDND hay còn được gọi là Quỹ Bảo toàn là một quỹ tài chính của hệ thống TCTD là hợp tác xã (bao gồm Ngân hàng hợp tác xã và các QTDND), do Ngân hàng hợp tác xã lập trên cơ sở phí trích nộp của Ngân hàng hợp tác xã và các QTDND thành viên. Quỹ đặt tại Ngân hàng hợp tác xã và do ngân hàng hợp tác xã quản lý, sử dụng theo quy định của Thông tư và pháp luật có liên quan (NHNN, 2014).

Nguyên tắc hoạt động của Quỹ Bảo toàn: Quỹ Bảo toàn hoạt động trên các nguyên tắc: (1) Hoạt động của Quỹ Bảo toàn không vì mục tiêu lợi nhuận, theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm; (2) Chi phí hoạt động Quỹ Bảo toàn được bù đắp từ lãi cho vay, đầu tư của Quỹ Bảo toàn; (3) Nguồn vốn nhàn rỗi của Quỹ Bảo toàn được sử dụng trên nguyên tắc đảm bảo an toàn nguồn vốn và đáp ứng yêu cầu cho vay hỗ trợ các QTDND.

Mục đích hoạt động của Quỹ Bảo toàn: (1) Khi QTDND gặp phải rủi ro phát sinh từ nguyên nhân bất khả kháng (thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, hỏa hoạn,…) dẫn đến khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả thì có thể vay bù đắp từ Quỹ Bảo toàn. (2) Các QTDND kinh doanh bị lỗ, nhưng được đánh giá là có khả năng phục hồi, có thể được Quỹ Bảo toàn hỗ trợ vay vốn. (3) Quỹ Bảo toàn hỗ trợ cho vay đáp ứng nhu cầu đầu tư nâng cao công nghệ thông tin, đào tạo cán bộ,… nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành tại các QTDND. (4) Cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản đối với các QTDND có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trước và sau khi có phương án cơ cấu được duyệt của NHNN.

Vai trò của Quỹ Bảo toàn: (1) Thông qua hoạt động cho vay hỗ trợ có hoàn trả các QTDND gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả, để có thể khắc phục, trở lại hoạt động bình thường. Quỹ Bảo toàn góp phần duy trì sự ổn định, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống QTDND nói riêng và hệ thống TCTD nói chung; (2) Cơ chế hoạt động của Quỹ Bảo toàn làm tăng cường tính liên kết hệ thống các QTDND, từ đó có thể trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao uy tín và vị thế của hệ thống QTDND trước thành viên cũng như các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; (3) Quỹ Bảo toàn tạo ra cơ sở pháp lý mạnh mẽ để NHNN có thể giám sát chặt chẽ và phản ứng kịp thời trước những nguy cơ sụp đổ của một QTDND, đảm bảo an toàn cho hệ thống TCTD và cả nền kinh tế.

3. Thực trạng hoạt động của Quỹ Bảo toàn trong thời gian qua

3.1. Về nguồn thu của Quỹ Bảo toàn

Thu phí của Quỹ Bảo toàn đến từ Ngân hàng hợp tác xã và QTDND. Quy mô tổng phí thu hàng năm tính tại vào cuối mỗi năm của Quỹ bảo toàn đang có xu hướng giảm dần trong giai đoạn nghiên cứu. Theo báo cáo từ NHNN, sau khi tăng nhẹ 9.2% so với năm 2017, đạt 64.431 tỷ đồng năm 2018, tổng phí thu của Quỹ Bảo toàn năm 2019 giảm xuống chỉ còn 62.87 tỷ đồng, tương ứng giảm -2.4% so với năm trước. Nguyên nhân được chỉ ra chủ yếu là do sự không tuân thủ chặt chẽ quy định đóng phí Quỹ Bảo toàn của các QTDND. Tính đến thời điểm ngày 31/12/2019, số lượng QTDND chưa thực hiện nghĩa vụ đóng phí tăng lên 197 QTDND so với năm trước, tức có đến 299 QTDND chưa thực hiện nghĩa vụ đóng phí và đến cuối quý II năm 2020 vẫn còn 47 QTDND chưa thực hiện nghĩa vụ đóng phí Quỹ Bảo toàn. Đến năm 2020, tổng phí thu được giảm mạnh xuống chỉ còn 26.36 tỷ đồng, tương ứng giảm -58% so với năm trước. Một trong những nguyên nhân làm giảm thu phí năm 2020 là do NHNN điều chỉnh giảm tỷ lệ phí trích nộp quỹ bảo toàn từ mức 0,08% xuống mức 0,05% dư nợ cho vay bình quân năm liền kề trước kết thúc vào ngày 31/12 của ngân hàng hợp tác xã và QTDND. Bên cạnh đó, các QTDND vẫn còn chậm trễ đóng phí. Số lượng QTDND nợ phí Quỹ Bảo toàn tính đến ngày 31/12/2020 lên đến 672 QTDND, tăng 124% so với năm trước. Điều này cho thấy nhận thức về vai trò của Quỹ Bảo toàn trong việc đảm bảo ổn định hệ thống QTDND đối với các QTDND còn thấp. Các QTDND chưa thấy được lợi ích của việc đóng phí vào Quỹ Bảo toàn. Bên cạnh đó, mặc dù đã có sự nhắc nhở, đốc thúc của Ban quản lý Quỹ Bảo toàn và Ngân hàng hợp tác xã nhưng các QTDND vẫn chậm trễ trong đóng phí cho thấy thiếu chế tài phù hợp để các QTDND thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ tham gia Quỹ Bảo toàn.

Ngoài nguồn thu từ phí trích nộp, Quỹ Bảo toàn còn có nguồn thu từ tiền gửi và cho vay. Số tiền Quỹ chưa sử dụng được gửi vào Ngân hàng hợp tác xã với các khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn phát sinh phần thu lãi từ tiền gửi. Ngoài ra, đối với các khoản cho vay hỗ trợ vốn cho các QTDND gặp khó khăn thanh khoản, mặc dù lãi suất cho vay hỗ trợ ở mức thấp từ 2 - 3%/năm nhưng cũng mang lại nguồn thu cho vay từ Quỹ Bảo toàn. Hai nguồn thu này được hạch toán vào thu khác trong báo cáo của Quỹ Bảo toàn. Theo tổng hợp từ báo cáo của Quỹ Bảo toàn, khoản thu khác này đang tăng dần qua các năm, trong đó, chủ yếu đến từ tăng thu lãi từ tiền gửi. Cụ thể, năm 2018, tổng thu khác của Quỹ Bảo toàn đạt 4.477 tỷ đồng, tăng 276% so với năm 2017. Đến năm 2019, tổng thu khác đạt 4.97 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2018, chủ yếu do tăng thu lãi từ tiền gửi tại Ngân hàng hợp tác xã. Đến năm 2020, khi nguồn tích lũy Quỹ Bảo toàn tăng lên, lãi suất huy động của Ngân hàng hợp tác xã tăng lên đã làm cho tổng thu khác của Quỹ Bảo toàn tăng mạnh, đạt 15.14 tỷ đồng, trong đó, thu lãi từ tiền gửi lên đạt 14 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy khoản tiền nhàn rỗi chưa sử dụng của Quỹ Bảo toàn được gửi ở Ngân hàng hợp tác xã vẫn đảm bảo sinh lời, tạo ra nguồn thu đáng kể bổ sung vào nguồn vốn của Quỹ Bảo toàn.

3.2. Về việc chi hỗ trợ QTDND từ Quỹ Bảo toàn

Việc hỗ trợ các QTDND chủ yếu dựa trên hồ sơ đề nghị hỗ trợ xuất phát từ các QTDND. Ngân hàng hợp tác xã cùng Ban quản lý quỹ sẽ đánh giá khả năng phục hồi để quyết định có cho vay hay không. Đồng thời, căn cứ vào thực tế phân tích hoạt động quỹ, ngân hàng hợp tác xã và Ban quản lý quỹ sẽ quyết định số tiền cho vay và thời gian cho vay hỗ trợ phù hợp. Gần như các hồ sơ đạt yêu cầu đều nhận được các khoản cho vay hỗ trợ từ Quỹ Bảo toàn. Tổng số lượng Quỹ nhận hỗ trợ lũy kế theo thời gian không ngừng tăng lên qua các năm từ 14 quỹ trong năm 2017 (trong đó, có 1 QTDND là kế thừa từ giai đoạn thí điểm) đến năm 2020 đã lên đến 31 QTDND. Số tiền Quỹ Bảo toàn chi ra để hỗ trợ thanh khoản cho các QTDND cũng không ngừng gia tăng, tổng lũy kế lần lượt qua các năm là 37.9 tỷ đồng (2017), 154.48 tỷ đồng (2018), 171.98 tỷ đồng (2019) và 188.920 tỷ đồng (2020). Phần lớn các QTDND vay đảm bảo thanh khoản trong ngắn hạn và sau đó, tiếp tục thực hiện vay ngắn hạn để củng cố hoạt động. Một số ít quỹ vay tái cơ cấu sau khi kinh doanh thua lỗ được cho vay trung hạn. Thông qua số lượng QTDND và số tiền hỗ trợ QTDND từ Quỹ Bảo toàn cho thấy hoạt động của Quỹ Bảo toàn là cần thiết, quan trọng, trong quá trình phát triển bền vững của hệ thống QTDND. Mặc dù vậy, số tiền hỗ trợ bình quân mà QTDND nhận được có xu hướng giảm dần, cụ thể: số tiền bình quân mà mỗi QTDND được vay năm 2017 là 3.5 tỷ đồng, tăng mạnh lên 10,5 tỷ đồng năm 2018 nhưng sau đó giảm xuống còn 8 tỷ đồng năm 2019 và đến năm 2020 chỉ còn lại 3.3 tỷ đồng. Điều này cho thấy, tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo toàn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu của một số QTDND trong quá trình tái cơ cấu. Thủ tục để được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo toàn còn khá phức tạp khi không được thực hiện tập trung mà phải có đầy đủ sự tham gia xác nhận của Ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh NHNN tại địa bàn và sự phê duyệt của Ban quản lý Quỹ. Điều này không chỉ làm cho thủ tục phức tạp mà thời gian xử lý hồ sơ kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tính kịp thời, hiệu quả trong việc hỗ trợ QTDND của Quỹ Bảo toàn.

4. Đánh giá chung về hoạt động Quỹ Bảo toàn

4.1. Những mặt đạt được

Qua hơn 7 năm hoạt động chính thức (2014 - 2021), Quỹ Bảo toàn hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân cho thấy được những mặt tích cực sau:

- Thực tế tình hình thu phí Quỹ Bảo toàn cho thấy số lượng QTDND tham gia đóng phí khá đầy đủ, điều này thể hiện có sự đồng thuận cao của các QTDND thành viên, từ việc quán triệt và thực hiện chủ trương, mục tiêu, vai trò của việc thành lập Quỹ Bảo toàn cần được các thành viên thông qua và thực hiện đồng bộ đảm bảo hiệu quả của quá trình vận hành Quỹ Bảo toàn.

- Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Bảo toàn năng động xử lý kịp thời, hỗ trợ đối tượng theo đúng quy chế và tạo được lòng tin cho các thành viên. Dựa vào kết quả phân tích có thể thấy, Quỹ Bảo toàn đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự hỗ trợ các QTDND, đặc biệt là những QTDND đang gặp khó khăn trong hoạt động. Số lượng QTDND đã nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo toàn không ngừng tăng lên trong giai đoạn nghiên cứu. Điều này cho thấy quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Bảo toàn năng động xử lý kịp thời, hỗ trợ đối tượng theo đúng quy chế và tạo được lòng tin cho các thành viên.

- Nguồn vốn của Quỹ Bảo toàn cũng không ngừng tăng lên, góp phần nâng cao khả năng đảm bảo an toàn cho hệ thống, thể hiện ở tỷ lệ nguồn vốn của Quỹ Bảo toàn/tổng tài sản của hệ thống QTDND ngày càng tăng.

4.2. Những mặt hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Quỹ Bảo toàn vẫn còn một số hạn chế nhất định:

- Thời gian đóng phí của các QTDND không đúng thời gian như quy định, thường trễ hạn.

- Số QTDND nhận được hỗ trợ còn khá hạn chế, chủ yếu tập trung vào hỗ trợ cho mục đích khó khăn thanh khoản hoặc kinh doanh thua lỗ mà chưa thực hiện hỗ trợ liên quan đến nâng cấp, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của các QTDND.

- Số tiền cho vay bình quân đối với các QTDND nhận hỗ trợ còn khá khiêm tốn so với nhu cầu.

- Thủ tục để nhận hỗ trợ còn khá phức tạp và thời gian xử lý hồ sơ kéo dài.

 - Các tiêu chí để đánh giá khả năng hồi phục QTDND sau khi nhận hỗ trợ vẫn chưa định lượng được rõ ràng cụ thể.

5. Một số giải pháp nâng cao hoạt động Quỹ Bảo toàn

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho các QTDND về Quỹ Bảo toàn: Ban quản lý Quỹ Bảo toàn và Ngân hàng hợp tác xã cần tổ chức các buổi tập huấn, gửi các tài liệu có liên quan đến Quỹ Bảo toàn để nâng cao nhận thức cho các QTDND về vai trò, chức năng của Quỹ Bảo toàn. Thông qua đó, các QTDND sẽ hiểu rõ hơn về trách nhiệm và quyền lợi của mình thông qua việc tham gia đóng phí, từ đó, hạn chế tình trạng chậm trễ trong đóng phí Quỹ Bảo toàn.

Thứ hai, đề xuất xem xét quy định tỷ lệ thu phí theo từng nhóm QTDND: Ngân hàng hợp tác xã (với tư cách là tổ chức đầu mối quản lý Quỹ Bảo toàn) sẽ tham mưu và đề xuất NHNN và Chính phủ xem xét cơ chế thu phí dựa trên đặc điểm hoạt động của các QTDND. Xây dựng mô hình cảnh báo rủi ro đối với các QTDND để có mức trích lập thu phí phù hợp. Những QTDND có nguy cơ rủi ro hoạt động cao sẽ thực hiện trích phí tham gia Quỹ Bảo toàn cao hơn so với các QTDND còn lại. Ban quản lý cần tiếp tục đổi mới, xây dựng các cơ chế hỗ trợ được phân loại theo “mức độ cảnh báo nguy cơ” mất an toàn hoạt động, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với NHNN để thu thập và có thông tin đầy đủ về tình hình hoạt động của các QTDND để có thông tin tiến hành phân loại. NHNN cũng đang thực hiện phân loại QTDND. Do đó, đề xuất có sự phối hợp giữa NHNN và Quỹ Bảo toàn để chủ động trong việc đánh giá QTDND cũng như có cơ chế chủ động hỗ trợ các QTDND đứng trước nguy cơ thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả, từ đó, nâng cao hơn vai trò đảm bảo an toàn hoạt động cho các QTDND.

Thứ ba, xây dựng chế tài xử lý nghiêm đối với các QTDND chậm trễ trong việc đóng phí Quỹ Bảo toàn: Với vai trò đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống QTDND, cần có nguồn vốn lớn để hỗ trợ cho các QTDND gặp khó khăn để khôi phục hoạt động, nên việc đảm bảo tuân thủ quy định đóng phí của các QTDND là rất quan trọng. Hiện nay, theo quy định, chưa có chế tài nghiêm đối với các QTDND chậm trễ nộp phí, ngoại trừ việc chưa được nộp phí thì chưa hoàn tất các nghĩa vụ và ảnh hưởng đến việc hạch toán báo cáo cũng như tổ chức tổng kết của các QTDND.

Thứ tư, xem xét giảm thiểu thủ tục và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ: Các quy định liên quan đến việc chi Quỹ Bảo toàn hỗ trợ QTDND nhằm đảm bảo nguồn Quỹ được sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên, để hồ sơ được phê duyệt, các QTDND cần phải liên hệ với nhiều đơn vị từ chi nhánh NHNN, Ngân hàng hợp tác xã và Ban Quản lý quỹ bảo toàn. Do đó, khuyến nghị cần có sự phối kết hợp của 3 đơn vị trong quá trình phê duyệt dựa trên hệ thống thông tin liên đơn vị. Đồng thời, cần quy định rõ thời gian tối đa xử lý hồ sơ để các QTDND chủ động trong quá trình tiếp cận nguồn vốn từ QTDND, cũng như tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác.

Thứ năm, xem xét triển khai thêm cho vay đáp ứng nhu cầu đầu tư nâng cao công nghệ thông tin, đào tạo cán bộ,… nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành tại các QTDND. Thị trường hoạt động tín dụng cạnh tranh ngày càng gay gắt, các QTDND muốn gia tăng năng lực cạnh tranh cần chú trọng đầu tư công nghệ, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự. Điều này đòi hỏi các QTDND phải có nguồn vốn lớn nhưng nhiều QTDND còn bị hạn chế bởi nguồn vốn. Do đó, NHNN và Ban quản lý Quỹ Bảo toàn cần có hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc triển khai cho vay đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, đào tạo đội ngũ nhân sự của QTNDN.

Thứ sáu, đối với QTDND nhận hỗ trợ cho mục đích bù đắp khó khăn về tài chính hay mục đích vay cho trường hợp kinh doanh lỗ, nhưng đánh giá có khả năng hồi phục, quy định hướng dẫn hiện nay yêu cầu cần kèm theo phương án khắc phục khó khăn, hoặc phải có phương án củng cố chấn chỉnh được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, lại chưa có những hướng dẫn chi tiết các chỉ tiêu đánh giá cụ thể. Điều này sẽ dẫn đến những nhận định cảm tính thiếu chính xác về phương án khắc phục khó khăn từ nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ Bảo toàn. Do đó, cần thiết phải xây dựng các tiêu chí rõ ràng, cụ thể hơn trong các văn bản hướng dẫn, để Ban quản lý Quỹ có cơ sở đánh giá đúng, khách quan các phương án khắc phục khó khăn.

Với thời gian hoạt động chính thức 6 năm, có thể nói là quá ngắn để hoàn thiện hoạt động của Quỹ. Tuy nhiên, với những mặt đạt được trong thời gian qua, cho thấy sự ra đời của Quỹ Bảo toàn, cũng như sự tồn tại của Quỹ là hoàn toàn phù hợp với hoạt động của các QTDND. Sự phân tích đánh giá hoạt động của Quỹ Bảo toàn thường xuyên sẽ giúp ngày càng hoàn thiện hoạt động của Quỹ Bảo toàn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quỹ Tín dụng nhân dân (2021). Báo cáo hoạt động quỹ đảm bảo an toàn hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân năm 2018, 2019, 2020.
  2. Trần Quang Khánh. (2016). Giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng là hợp tác xã đến năm 2020 đảm bảo phát triển an toàn, ổn định và bền vững. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Ngành, Ngân hàng Nhà nước, Hà Nội, tháng 7/2016.
  3. Ngân hàng Nhà nước. (2014). Thông tư số 03/2014/TT-NHNN ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về Quỹ Bảo đảm an toàn hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân.
  4. Ngân hàng Nhà nước. (2017). Thông tư số 06/2017/TT - NHNN ngày 05 tháng 7 năm 2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về Quỹ Bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.
  5. Ngân hàng Nhà nước. (2019). Thông tư số 14/2019/TT-NHNN ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư có quy định về chế độ báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2019.
  6. Ngân hàng Nhà nước. (2019). Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

THE OPERATION OF THE STABILISATION FUND

 • Ph.D LE HA DIEM CHI1

• Master. NGUYEN THI MINH CHAU1

1Banking University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This paper analyzes the current operation of the System Safety Guarantee Fund of people's credit funds, which is also known as the Conservation Fund, in order to assess the shortcomings and achievements of the Stabilisation Fund. Based on the paper’s findings, some recommendations are proposed to improve the operational effectiveness of the Stabilisation in the future.

Keywords: Systemic Safety Guarantee Fund, system safety, people's credit fund.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2021]