Hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị cho Việt Nam

ThS. Đỗ Sơn Tùng - TS. Trịnh Minh Tâm - TS. Trần Hậu Ngọc (Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ), ThS. Nguyễn Tuấn Tú (Ban Quản lý dự án, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT:

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% trong tổng số trên 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Tuy nhiên, với quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính, công nghệ hạn chế, DNNVV đang phải đối mặt với không ít khó khăn khi tham gia sân chơi chung ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực thi hành năm 2018 đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc hỗ trợ DNNVV, trong đó hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ đóng vai trò hỗ trợ DNNVV nâng cao năng lực công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV. Trên cơ sở đó, bài viết nghiên cứu một số mô hình chuyển giao công nghệ của một số quốc gia, từ đó rút ra bài học và khuyến nghị cho Việt Nam.

Từ khóa: Dịch vụ chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, quản lý.

1. Kinh nghiệm quốc tế

Mô hình của Hoa Kỳ: Hoa Kỳ đã thực hiện mô hình chuyển giao công nghệ (CGCN) trong các trường đại học và viện nghiên cứu từ khá sớm ngay từ những năm cuối của thập kỷ 60, mô hình này đã được nhiều quốc gia học tập. Tổ chức CGCN đầu tiên được thành lập trong trường đại học là tổ chức CGCN của trường Standford do Niels J. Reimers - trợ lý giám đốc của trường sáng lập.

Đối với tổ chức CGCN trong viện nghiên cứu thì có thể kể đến Viện Công nghệ Massachusets (MIT) thành lập tổ chức CGCN với mục đích tạo thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ của MIT, phòng thí nghiệm Lincoln, Viện Whitehead tới khu vực doanh nghiệp, hướng tới thu lợi nhuận từ việc thương mại hóa những sản phẩm khoa học và công nghệ. Mục tiêu thứ hai là tạo nguồn kinh phí để khuyển khích đổi mới, sáng tạo, đồng thời hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và giáo dục tại MIT.

Về tổ chức, tại Hoa Kỳ, khi thành lập các tổ chức chuyển giao công nghệ cầm đảm bảo một số yêu cầu: (1) Cần có chính sách rõ ràng về sở hữu trí tuệ; (2) Điều quan trọng là vai trò của các nhà nghiên cứu trong việc hợp tác với doanh nghiệp và cần được xác lập trước khi các chương trình CGCN được bắt đầu; (3) Hoạt động CGCN cần có những chuyên gia không chỉ am hiểu về công nghệ mà cần cả những chuyên gia am hiểu về hoạt động kinh doanh và là những chuyên gia có khả năng đàm phán, thỏa thuận để kết nối cũng như nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp, viện nghiện cứu.

Về nhân sự, các tổ chức chuyển giao công nghệ này ngoài các nhân viên làm các công việc hành chính thì các chuyên gia đều phải được được cấp giấy phép về hoạt động CGCN công nghệ. Trong quá trình hoạt động, các cán bộ của tổ chức còn có sự trao đổi, hợp tác với các tổ chức CGCN khác ở các trường đại học, viện nghiên cứu với mục đích trao đổi, đào tạo về kỹ năng CGCN. Người đứng đầu các tổ chức về dịch vụ CGCN cần đảm bảo là những người có kinh nghiệm và những kỹ năng nhất định như: có kinh nghiệm, kỹ năng về khoa học và công nghệ, pháp lý, hoặc kinh doanh. (Establishing a Technology Transfer Office TERRY A. YOUNG, Director of Research Development, University of South Dakota, U.S.A).

Mô hình của Cộng hòa liên bang Đức: Hoạt động chuyển giao công nghệ của Đức được đánh giá là thành công do các tổ chức chuyển giao công nghệ của Đức đã thực hiện tốt công tác đánh giá nhu cầu về công nghệ và đánh giá công nghệ trước khi tiến hành chuyển giao công nghệ. Các tổ chức hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ của Đức được thành lập ở nhiều tổ chức nghiên cứu, trường đại học và tổ chức độc lập bên ngoài.

Tổ chức chuyển giao công nghệ ở một số viện nghiên cứu: Ở Cộng hòa liên bang Đức có nhiều viện nghiên cứu thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ cho Chính phủ và doanh nghiệp, các văn phòng CGCN của các tổ chức nghiên cứu thường tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm để giới thiệu công nghệ của họ và tiến hành thương thảo sự hợp tác đối với các bên có nhu cầu về công nghệ. Các văn phòng chuyển giao trong các viện nghiên cứu có thể kể đến tổ chức Fraunhofer có đến 46 tổ chức nghiên cứu bán công thuộc tổ chức này, các văn phòng chuyển giao công nghệ của các tổ chức nghiên cứu có sự liên kết, tương tác với nhau thông qua việc hợp tác nghiên cứu, trao đổi thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp hình thành như một mạng lưới trong công tác chuyển giao công nghệ.  

Tổ chức chuyển giao công nghệ trong các trường đại học: Các văn phòng liên lạc giáo dục đại học trực thuộc các trường đại học đảm nhận việc liên hệ và giới thiệu đến các văn phòng chuyển giao, tổ chức chuyển giao công nghệ trong ngành, lĩnh vực phụ trách những danh sách dịch vụ nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu của tổ chức.

Tổ chức chuyên giao công nghệ khác: Nhóm này bao gồm các cơ quan chuyển giao, mạng lưới chuyển giao, trung tâm công nghệ, các nhà môi giới thông tin và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cơ quan chuyển giao chủ yếu hoạt động trong vùng, địa phương với mục đích là cung cấp các dịch vụ chuyển giao bằng cách tiếp xúc với các nhà sản xuất công nghệ ở bên ngoài, tổ chức có dự án hợp tác, ngoài ra còn một số cơ quan chuyên môn hóa trong lĩnh vực tư vấn và khai thác bản quyền. Mạng lưới chuyển giao là các tổ chức trực thuộc và có sự gắn kết với nhau trong việc điều phối thông tin và điều hành chuyển giao công nghệ, nhiệm vụ của mạng lưới chuyển giao công nghệ là điều phối các dịch vụ có ích đối với doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc lựa chọn nhà cung cấp công nghệ. Ngoài ra, còn định hướng, tăng cường luồng thông tin, tương tác với nhau giữa các cơ quan nghiên cứu. Các nhà môi giới thông tin cung cấp cơ sở dữ liệu trong nước và quốc tế về công nghệ, dịch vụ tư vấn công nghệ cho doanh nghiệp…

Về điều kiện hoạt động của văn phòng CGCN cần có những điều kiện về: (1) tổ chức, (2) tài chính, (3) con người và (4) mạng lưới liên kết. Các điều kiện được đặt ra và đáp ứng một cách tối ưu để đảm bảo việc hoạt động/quản lý của các tổ chức.

- Mô hình tổ chức: Các văn phòng CGCN có mô hình tổ chức tương đối nhỏ và được thành lập trong những năm gần đây chủ yếu được thành lập sau năm 1990. Văn phòng CGCN như bộ phận hành chính này phục vụ một số chương trình được tài trợ, và phát triển các mối quan hệ với tổ chức nghiên cứu, chương trình của chính phủ… các văn phòng CGCN này thường cung cấp một dịch vụ cho một hoặc nhiều tổ chức.

- Nguồn lực: Đa phần các văn phòng CGCN thường bao gồm không quá 5 nhân viên làm việc toàn bộ thời gian tại văn phòng. Ngoài ra, các văn phòng CGCN hợp tác với các chuyên gia bên ngoài để đảm bảo hoạt động CGCN được tốt nhất.

- Mạng lưới: Các văn phòng CGCN tham gia vào mạng lưới liên kết trong khu vực/quốc gia. Với việc tham gia vào các mạng lưới văn phòng CGCN sẽ đảm bảo có sự kết nối nội bộ với nhau trong mạng lưới hoặc sự liên kết giữa văn phòng CGCN với các nhà quản lý công nghệ từ các ngành công nghiệp. Đây là một số những yếu tố quan trọng đối với mỗi một tổ chức CGCN, các mạng lưới liên kết này cung cấp sự hỗ trợ quan trọng trong việc tổ chức các hội thảo đào tạo và các cuộc họp để trao đổi, phổ biến các phương pháp, các dịch vụ mới nhất của mỗi văn phòng CGCN ra bên ngoài.

Mô hình của Hàn Quốc: Hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ đã trở nên mạnh mẽ với sự ra đời của Luật Xúc tiến chuyển giao công nghệ vào năm 2000. Đạo luật này đã khuyến khích các trường đại học và các viện nghiên cứu công thành lập các Văn phòng cấp phép công nghệ cùng với các tổ chức tương ứng của họ, đồng thời tập trung vào việc xúc tiến chuyển giao và thương mại hoá kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, còn một số tổ chức công lập hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ về đánh giá, định giá công nghệ như: Quỹ Bảo đảm Tín dụng Công nghệ Hàn Quốc (KTCG), Hiệp hội quản lý Doanh nghiệp nhỏ (SBA) và Viện Kế hoạch và Đánh giá công nghệ công nghiệp Hàn Quốc (ITEP), Quỹ Bảo đảm tín dụng (Korea Credit Guarantee Fund - KODIT), KISTI (Viện Thông tin khoa học công nghệ Hàn Quốc, NTB (Ngân hàng giao dịch công nghệ). Ngoài ra, còn có các tổ chức dịch vụ xúc tiến chuyển giao công nghệ như: Trung tâm đổi mới công nghệ vùng, công viên công nghệ, các doanh nghiệp nhân rộng kết quả nghiên cứu, các trung tâm chuyển giao công nghệ thuộc các trường đại học...

Ngoài những điều kiện để thành lập các tổ chức hoạt động phục vụ chuyển giao công nghệ theo quy định hiện hành thì Hàn Quốc cũng có các quy định riêng cho các tổ chức hoạt động dịch vụ đặc thù như đánh giá, định giá công nghệ thì cũng cần có các điều kiện về nhân sự, hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho quá trình đánh giá, định giá công nghệ: (1) Người định giá công nghệ cần được cấp phép/chứng chỉ hành nghề về định giá. Ngoài ra, người định giá công nghệ cần phải sử dụng thông tin về công nghệ đã đăng ký bằng sáng chế và công nghệ tương tự trên các hệ thống khác để định giá công nghệ, nên yếu tố thông tin về công nghệ tương tự đóng vai trò rất quan trọng; (2) Có cơ sở dữ liệu về công nghệ, sở hữu trí tuệ, tài chính doanh nghiệp; (3) Có cơ sở dữ liệu về thị trường công nghệ, thị trường sản phẩm…

Mô hình của Nhật Bản: Theo Luật Thúc đẩy chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học và khu vực công nghiệp năm 1998, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều ưu đãi đối với các tổ chức cấp phép công nghệ tài trợ cho hoạt động chuyển giao công nghệ, tài trợ cho các dịch vụ liên quan đến chuyển giao công nghệ, cho phép sử dụng tự do các trang thiết bị của các trường đại học quốc gia...

Bên cạch đó, Luật Xúc tiến nâng cao công nghệ sản xuất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành năm 2006, Nhật Bản đã có nhiều chương trình hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ cơ bản cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trên cơ sở sử dụng công nghệ thông tin, chương trình sử dụng các công cụ để lựa chọn, số hóa và phạm trù hóa công nghệ, kỹ năng, bí quyết quan trọng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó chia sẻ và chuyển giao công nghệ rộng rãi ra bên ngoài.

Điều 11, 12 Luật Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản năm 2000 quy định: (1) Nhà nước thực hiện việc kiểm tra kiến thức của các ứng cử viên về tư vấn doanh nghiệp vừa và nhỏ, lập danh sách những người đăng ký và đăng danh sách những ngườì trúng tuyển; (2) Những người này có giấy chứng nhận quốc gia; (3) Cũng có những quy định cụ thể về năng lực, phẩm chất mà cá nhân, tổ chức hoạt động tư vấn đánh giá, định giá và môi giới chuyển giao công nghệ cần đáp ứng.

Trong các văn phòng CGCN các nhân viên giữ vai trò hàng đầu trong CGCN, họ có vai trò như: giữ liên lạc với các nhà khoa học, các luật sư về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; là những người có kiến thức tổng hợp và là chuyên gia một trong những lĩnh vực công nghệ nhất định hoặc là những chuyên gia am hiểu về thị trường, có khả năng maketing, đàm phán để có thể kết nối với các tổ chức CGCN, các trường đại học, viện nghiên cứu khác.

Có thể nhận thấy một đặc điểm chung về hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ ở các nước là bên cạnh những chính sách hỗ trợ thì nhà nước quản lý hoạt động tư vấn, dịch vụ chuyển giao công nghệ khá chặt chẽ. Các cá nhân, tổ chức hoạt động tư vấn, dịch vụ chuyển giao công nghệ thường phải được cấp giấy phép. Ngoài ra, đối với các hoạt động dịch vụ CGCN, các quốc gia đều có những chính sách riêng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ về CGCN.

2. Hoạt động dịch vụ CGCN và doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay

Hiện nay, ở nhiều quốc gia, DNNVV có tác động ngày càng lớn và trực tiếp hơn đến tăng trưởng kinh tế, thông qua thúc đẩy tinh thần kinh doanh, tính sáng tạo và năng động kinh tế, tạo ra chuỗi giá trị gắn kết với các doanh nghiệp lớn. DNNVV còn đóng góp vào tăng trưởng theo các kênh gián tiếp, thông qua phát triển thị trường tài chính (nhất là tài chính vi mô), phát triển xã hội cân bằng và ổn định. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay, ước tính sơ bộ cả nước có khoảng trên 700 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa, DNNVV chiếm khoảng trên 98% số lượng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các DNNVV hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như: vốn tự có, vốn điều lệ... rất ít, huy động vốn bên ngoài còn hạn chế, không đủ điều kiện tiếp cận thị trường vốn, năng lực tự huy động thấp... Vì vậy, hiện tại, vốn là khó khăn lớn nhất và cũng là điểm yếu nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, DNNVV xét về trình độ công nghệ, công nghệ đang sản xuất thì phần lớn là các cơ sở thủ công “đi lên” hoặc có tiếp cận được khoa học, công nghệ nước ngoài thì cũng thuộc thế hệ lạc hậu. Do đó, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không cao, khả năng cạnh tranh thị trường kém…

Theo Báo cáo điều tra “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Tổng cục Thống kê (GSO) và Trường Đại học Copenhagen (UoC - Đan Mạch) từ kết quả trên được khảo sát 8.000 doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian 4 năm và thấy rằng: có thể có tới 90% số doanh nghiệp được điều tra hiện chưa có chiến lược cải tiến công nghệ. Phần lớn công nghệ chuyển giao còn ở mức độ trung bình, một số ở mức thấp, lạc hậu; việc ứng dụng công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài còn yếu, hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D) còn yếu; khả năng tiếp thu công nghệ nước ngoài của doanh nghiệp cũng còn hạn chế; hiệu lực thực thi chính sách đổi mới chuyển giao công nghệ còn thấp. Ngoài ra, còn gặp không ít khó khăn bởi việc chuyển giao công nghệ phần lớn được thực hiện gia công, lắp ráp; không có công nghệ nguồn nên năng lực đổi mới thấp. Mặt khác, các DN quá khó khăn để tiến hành nghiên cứu và phát triển (R&D). Chỉ có 11% DN cho biết là đã phát triển những loại hình công nghệ mới.

Có thể nhận thấy rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có nhu cầu rất lớn về các dịch vụ chuyển giao công nghệ trong việc một số hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ. Hoạt động tư vấn CGCN sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế bớt rủi ro trong CGCN. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu thông tin về thị trường công nghệ, thiếu thông tin về các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ dẫn đến việc tiếp cận những công nghệ mới còn gặp nhiều khó khăn.

Về các loại hình tổ chức hoạt động dịch vụ CGCN, ở nước ta hiện nay, có các tổ chức có chức năng và nhiệm vụ về đánh giá công nghệ, thẩm định giá định giá, giám định công nghệ, tổ chức môi giới tư vấn chuyển giao công nghệ, các Trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ, các Sàn giao dịch công nghệ, 63 Trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ tại các địa phương, các vườn ươm công nghệ và DN KH&CN. Bên cạnh đó, còn có các sự kiện hỗ trợ quá trình chuyển giao công nghệ như: chợ công nghệ, thiết bị (Techmart), kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), ngày hội khởi nghiệp công nghệ cũng đã tạo được hiệu ứng tích cực đối với thị trường KH&CN trong nước...

3. Một số kiến nghị, đề xuất

Việc tạo dựng môi trường pháp lý nhằm hỗ trợ DNNVV trong hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ đối với sản phẩm KHCN đòi hỏi trước hết phải cụ thể hóa quyền sở hữu đối với kết quả KH&CN. Đây là nội dung mang tính chất nền tảng cho việc mua bán trên thị trường vì thực chất của hành vi mua bán trên thị trường là chuyển giao quyền sở hữu của chủ thể này sang chủ thể khác. Việc hoàn thiện các chính sách, cơ chế hiện hành liên quan tới hoạt động KH&CN hướng vào thị trường KH&CN nói chung và hỗ trợ DNNVV nói riêng cần được tiến hành trên cơ sở đưa ra các nguyên lý, nguyên tắc, qui luật của thị trường vào trong các qui định hiện hành, thí dụ như việc phân chia lợi nhuận thu được sau khi chuyển nhượng, chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN. Cần tiếp tục nghiên cứu để có những chính sách cụ thể theo các đối tượng đặc thù như dịch vụ chuyển giao công nghệ phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, doanh nghiệp ở cùng kinh tế khó khăn...

Nhà nước cần tăng cường xây dựng hệ thống thông tin mang tính chất cơ bản, nền tảng cho hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng các hoạt động dự báo công nghệ do Nhà nước tiến hành, kế hoạch phát triển công nghệ, lộ trình công nghệ do Nhà nước xây dựng.

Cần chú trọng nâng cao nhận thức về hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ. Trong đó, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước về khuyến khích  phát triển hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về vai trò tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ.

Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của DNNVV trong các dịch vụ CGCN, cần nâng cao năng lực của đội ngũ tư vấn chuyển giao công nghệ trong nước trước sức ép cạnh tranh từ bên ngoài. Cần có quy hoạch về đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ chức hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ (nội dung đào tạo hỗ trợ DNNVV cần tập trung vào những vấn đề pháp lý trong chuyển giao công nghệ quốc tế; kỹ năng đàm phán, thương thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ, các bước và kỹ năng tìm kiếm và lựa chọn công nghệ thích hợp; phương pháp đánh giá và định giá công nghệ...).

Cần có các chính sách thúc đẩy hình thành những mạng lưới các tổ chức tham gia tư vấn chuyển giao công nghệ, bao gồm cả liên kết trong nước và quốc tế để DNNVV có thể dễ dàng tiếp cận.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Yuko Harayma (2010), “Japanese technology policy: History and a new perpspective”, 2010.
  2. Rogers, E.M (1962). Diffusion of Innovations. New York: The Free Press of Glencoe.
  3. Jeanner, J, p., & Liander B (1987). Some patterns in the transfer of technology within multinational corportions. J Int. Business Study, 3,108-118.
  4. Derakhsahani, S (1983) Factors affecting success in internatinola transfer of technology - A synthesis, and a test of a new technology contingency model. Developing Economies 21 1983,27-45.
  5. Establishing a Technology Transfer Office TERRY A. YOUNG, Director of Research Development, University of South Dakota, U.S.A.
  6. Báo cáo điều tra “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Tổng cục Thống kê (GSO) và Trường Đại học Copenhagen (UoC- Đan Mạch).
  7. Hoàng Xuân Long (2008), Vai trò của tổ chức tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ đối với doanh nghiệp, Tạp chí Hoạt động khoa học số tháng 3.2008, trang 18-19.
  8. Hoàng Xuân Long, Chu Đức Dũng (2009), Giải pháp phát triển hoạt động tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ ở Việt Nam, Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới số 8(160).2009, trang 53-64.
  9. Trịnh Minh Tâm (2014),“Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng cơ chế chính sách về quản lý, hỗ trợ hình thành và hoạt động của các tổ chức định giá, đánh giá công nghệ, môi giới chuyển giao công nghệ”, Đề tài cấp Bộ Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Bộ KH&CN.
  10. Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Trung Thành, Trịnh Minh Tâm (2017), Thực trạng và giải pháp thúc đẩy dịch vụ chuyển giao công nghệ ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 6 năm 2017 (699).

TECHNOLOGY TRANSFER SERVICE ACTIVITIES TO SUPPORT SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES: INTERNATIONAL EXPERIENCE AND LESSONS FOR VIETNAM

Master. Do Son Tung

PhD. Trinh Minh Tam

PhD. Tran Hau Ngoc

Vietnam Centre for Science and Technology Evaluation, Ministry of Science and Technology

Master. Nguyen Tuan Tu

Project Management Unit - Vietnam Social Security

ABSTRACT:

Currently, small and medium-sized enterprises (SMEs) account for about 98% of over 700 thousand businesses operating in Vietnam. Vietnam's SMEs are the majority of enterprises and play an important role in creating jobs and increasing income for workers, helping mobilize social resources for investment, hunger eradication and poverty reduction. However, as they are small-scale businesses with limited financial and technological potential, SMEs are facing many difficulties when participating in the increasingly competitive market. Law on supporting SMEs (took effect in 2018) has created an important legal corridor in supporting SMEs, in which technology transfer services play an important role to help SMEs improve their technological capacities, contributing to improving the competitiveness of SMEs. On that basis, the article studies a number of technology transfer models of some countries, thereby drawing lessons and recommendations for Vietnam.

Keywords: Technology transfer services, small and medium-sized enterprises, management.