Hoạt động M&A với việc kiểm soát tập trung kinh tế trong pháp luật cạnh tranh

ThS. NGUYỄN VĂN ĐỢI (Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích làm rõ thực trạng của hoạt động M&A và sự kiểm soát của Nhà nước về hoạt động này thông qua khảo sát Luật Cạnh tranh 2004 và sự hoàn thiện, thay thế của Luật Cạnh tranh 2018 trong việc kiểm soát hoạt động M&A, đảm bảo tạo lập và duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay.   

Từ khóa: tập trung kinh tế, hoạt động M&A, Luật Cạnh tranh.

1. Đặt vấn đề

Bên cạnh những lợi ích của hoạt động tập trung kinh tế mang lại cho nhà đầu tư, cho sự phát triển của xã hội, thì quá trình tích tụ và tập trung tư bản tất yếu dẫn sự hạn chế cạnh tranh, cũng như sự ra đời và thao túng thị trường của tổ chức độc quyền - gây nên sức ép làm biến dạng thị trường, tạo ra những bất lợi cho các chủ thể kinh doanh khác nói riêng, tổn thất cho sự phát triển của xã hội nói chung. Thực tế đó đòi hỏi các chính phủ cần phải quản lý, can thiệp nhằm hạn chế những tác hại của độc quyền gây nên. Vì vậy, trên cơ sở tổng kết lý luận của C. Mác về tích tụ và tập trung tư bản, tổng kết lý luận của Lê nin về sự ra đời của độc quyền trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa ở nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, bài viết phân tích về tập trung kinh tế dưới giác độ lý luận kinh tế, từ đó chỉ ra quá trình tích tụ và tập trung tư bản là một hoạt động mang tính phổ biến và tất yếu của các nhà đầu tư trong nền kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường. Bài viết còn tập trung làm rõ thực chất của hoạt động M&A trong nền kinh tế thị trường và kết quả của nó. 

2. Hoạt động M&A - lý luận và thực tiễn trong nền kinh tế Việt Nam

2.1. Lý luận về tập trung kinh tế

Lý luận của Các Mác về tích lũy tư bản đã chỉ ra bên cạnh quá trình tích tụ tư bản, “Quá trình tư bản hóa giá trị thặng dư” còn diễn ra quá trình tập trung tư bản. Tập trung tư bản là sự liên kết, sự hợp nhất của nhiều tư bản nhỏ, lẻ trong nền kinh tế lại thành những tư bản lớn. Nó phản ánh mối quan hệ giữa tư bản với tư bản trong nền kinh tế. Mối quan hệ đó có thể là kết quả của sự liên kết, hợp nhất một cách tự nguyện, cùng có lợi, nhưng cũng có thể là kết quả của mối quan hệ mang tính xung đột, mâu thuẫn của sự cạnh tranh, chèn ép và thôn tính lẫn nhau. Cả tích tụ và tập trung tư bản đều dẫn đến sự gia tăng quy mô, gia tăng sức mạnh thị trường của một tư bản và qua đó gây nên những thay đổi trong cấu trúc thị trường, hạn chế sự cạnh tranh. 

Lê nin đã phân tích cụ thể quá trình tích tụ và tập trung tư bản trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở các nước Tây Âu, làm rõ sự hình thành tổ chức độc quyền là một tất yếu khách quan trong sự vận động và phát triển của nền kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa đã đạt đến trình độ cao hơn, quy mô rộng lớn hơn - nền kinh tế thị trường. Theo Lê nin, các tổ chức tư bản độc quyền xuất hiện là do tác động trực tiếp của cạnh tranh trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trước sức ép của cạnh tranh đã làm cho quá trình tích tụ và tập trung tư bản diễn ra và kết quả làm cho quy mô của một tư bản lớn dần. Quá trình đó được diễn ra nhanh hơn khi tư bản áp dụng ngày càng nhiều các thành tựu khoa học làm tăng sức sản xuất cho tư bản. Thêm vào đó, khủng hoảng kinh tế đã tạo ra cơ hội cho các tư bản có vốn lớn bứt phá, thôn tính, thâu tóm được thị trường. Kết quả là, vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX, các tổ chức kinh tế độc quyền đã ra đời. Với sự tập trung quy mô đủ lớn,  các tổ chức độc quyền nắm phần lớn trong tay việc sản xuất hay việc tiêu thụ về một số mặt hàng nhất định. Trên cơ sở đó, định đoạt giá cả (Thông qua việc cắt giảm quy mô, làm cho mức sản lượng bán ra thị trường đầu ra cũng như sản lượng tiêu thụ đầu vào đều giảm xuống), thu lợi nhuận “độc quyền”. (Mô hình 1)

Lê nin khái quát các đặc trưng của chủ nghĩa tư bản độc quyền, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Theo đó, nếu tạm gác lại tính phê phán, tính giai cấp, chúng ta nhận thấy trong sự tổng kết của Lê nin, những hiện tượng, những quá trình kinh tế mang tính tất yếu khách quan - các quy luật của nền kinh tế hàng hóa ở các nước tư bản chủ nghĩa đã phát triển ở trình độ cao hơn chuyển sang nền kinh tế thị trường. Sự lũng đoạn kinh tế của các tổ chức độc quyền; sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước đã hình thành nên sự phân chia thế giới cả về kinh tế lẫn lãnh thổ. Như chúng ta thấy, các nhà nước trên thế giới ngày nay đều phải xây dựng và vận hành các đạo luật nhằm chống lại sự hạn chế cạnh tranh, chống sự lũng đoạn của các tổ chức độc quyền, nhằm làm hạn chế những tổn hại của tổ chức độc quyền có thể gây ra cho xã hội. 

Đối với các nhà kinh tế học, tập trung kinh tế được hiểu là chiến lược tích tụ vốn và tập trung sản xuất, hình thành các chủ thể kinh doanh có quy mô lớn, nhằm khai thác các lợi thế nhờ quy mô hay còn gọi là tính kinh tế nhờ quy mô. Trên thực tế, các chủ thể kinh doanh có quy mô lớn luôn tìm cách nâng cao áp lực cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp nhỏ yếu hơn phải phụ thuộc vào mình, dẫn đến các doanh nghiệp nhỏ yếu hơn phải sáp nhập vào doanh nghiệp lớn, hoặc phải hợp nhất với nhau nếu muốn tồn tại. Tập trung kinh tế luôn gắn liền với sự hình thành và thay đổi cấu trúc thị trường. Việc gia tăng quy mô vốn làm gia tăng năng lực sản xuất, gia tăng vị thế của doanh nghiệp lớn trong thị trường. Thông qua hành vi sáp nhập của các doanh nghiệp nhỏ yếu, sẽ trực tiếp làm giảm số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường.

Như vậy, tập trung kinh tế được hiểu là kết quả của quá trình tích tụ tư bản. Chính quá trình tăng trưởng nội sinh của doanh nghiệp kéo theo việc sáp nhập, hợp nhất của các doanh nghiệp và hậu quả là làm giảm các doanh nghiệp trên thị trường, làm thay đổi cấu trúc của thị trường, mà lợi thế luôn nghiêng về phía các doanh nghiệp có quy mô lớn. Tập trung kinh tế có thể hình thành doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền. Khi ở vào vị trí này, doanh nghiệp có xu hướng lạm dụng vị thế của mình, thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng xấu cho thị trường, cho các doanh nghiệp khác và người tiêu dùng. Chính vì vậy, các hành vi tập trung kinh tế phải được pháp luật kiểm soát. Trong kinh tế học và khoa học pháp lý, khái niệm tập trung kinh tế ở Việt Nam được xem xét với 2 khía cạnh sau:

Thứ nhất, với tính chất là quá trình gắn liền với việc hình thành và thay đổi của cấu trúc thị trường, tập trung kinh tế trên thị trường được hiểu là quá trình mà số lượng các doanh nghiệp độc lập cạnh tranh trên thị trường bị giảm đi thông qua các hành vi sáp nhập hoặc thông qua tăng trưởng nội sinh của doanh nghiệp trên cơ sở mở rộng năng lực sản xuất.

Thứ hai, với tính chất là hành vi của doanh nghiệp, tập trung kinh tế được hiểu là tăng thêm tư bản do hợp nhất nhiều tư bản lại. Tư bản được hiểu là các giá trị kinh tế trên thị trường được sử dụng để tìm kiếm giá trị thặng dư (như vốn, công nghệ, trình độ quản lý), hoặc một tư bản này thu hút một tư bản khác. Trên giác độ này không đưa ra các biểu hiện cụ thể của tập trung kinh tế, nhưng lại cho thấy bản chất và phương thức của hiện tượng tập trung kinh tế.

2.2. Thực chất của hoạt động M&A và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

2.2.1. Thực chất của hoạt động M&A

Ngày nay, trong nền kinh tế của Việt Nam cũng như trên thế giới, hoạt động M&A đã và đang ngày càng phổ biến, nhất là trong bối cảnh của hậu đại dịch Covid-19. Hoạt động này được diễn ra trên nhiều lĩnh vực, với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Vậy thực chất của M&A là gì?

Xuất phát từ tiếng Anh, M&A là tên viết tắt của cụm từ Mergers (Sát nhập) và Acquisitions (Mua lại). Thực chất của M&A là hoạt động nhằm giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập hoặc mua lại giữa 2 hay nhiều doanh nghiệp để sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó. Như vậy, hoạt động M&A là một trong những phương thức của quá trình tập trung kinh tế. Sự liên kết, sự hợp nhất của nhiều doanh nghiệp nhỏ lại thành những doanh nghiệp lớn làm tăng sức mạnh thị trường cho một doanh nghiệp.

Mục đích chính của tập trung kinh tế là:

Thứ nhất: Tập trung kinh tế giúp doanh nghiệp tạo ra mô hình kinh doanh lớn hơn nhằm tăng lợi thế theo quy mô.

Thứ hai: Củng cố và gia tăng năng lực chủ động, tránh nguy cơ mất quyền kiểm soát tài chính bởi một tập đoàn khác mà doanh nghiệp không mong muốn

Thứ ba: Tập hợp được các hoạt động phân phối, khách hàng vào một mối để đảm bảo tốt nguồn cung ứng hoặc khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Thứ tư: Tạo ra được các chiến lược tập trung vào một số hoạt động hoặc đa dạng hóa hoạt động của doanh nghiệp hiện nay.

Thứ năm: Đáp ứng được nhu cầu của các tập đoàn nước ngoài chiếm được chỗ đứng trên thị trường.

Thứ sáu: Tạo ra cơ hội xâm nhập thị trường mới.

Trong thực tiễn phát triển của nền kinh tế thị trường, tùy thuộc vào điều kiện bối cảnh của thị trường, đặc điểm của ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, các hoạt động M&A diễn ra rất đa dạng, phong phú ở những cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể nêu ra một số hình thức tập trung kinh tế chủ yếu sau đây:

Hình thức thứ nhất, sáp nhập doanh nghiệp: Đây là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.

Hình thức thứ hai, hợp nhất doanh nghiệp; Đây là việc 2 hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.

Hình thức thứ ba, mua lại doanh nghiệp: Đây là hình thức mà một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua lại toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại.

Hình thức thứ tư, liên doanh giữa các doanh nghiệp: Đây là việc 2 hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới.

2.2.2. Hoạt động M&A trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay

Trong giai đoạn 2019 - 2020, đã có một số thương vụ tập trung kinh tế nổi bật với giá trị giao dịch lớn, điển hình như thương vụ KEB HanaBanh mua lại một phần vốn điều lệ của BIDV với giá trị lên tới 878 triệu USD; KKR&Temaseck mua lại cổ phần của Vinhomes với giá trị 652 triệu USD,… hoặc các thương vụ liên quan đến các tập đoàn lớn của Việt Nam như Masan, Thaco, Gelex, Vinamilk.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu thu hút vốn đầu tư thông qua tập trung kinh tế tại Việt Nam thời gian qua, bao gồm: bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp và bán lẻ. Bên cạnh đó, một số thương vụ tập trung kinh tế đáng chú ý cũng được thực hiện trong lĩnh vực logistics, nông nghiệp, dược phẩm -y tế và xây dựng. Tập trung kinh tế còn diễn ra trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế, như: bia, nước giải khát, sữa, giấy, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, thủy sản, vật liệu xây dựng,…

Hoạt động tập trung kinh tế trong thời gian qua tại thị trường Việt Nam, tuy chịu sự tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid -19, nhưng vẫn diễn ra tương đối sôi động. Theo đó, tập trung kinh tế vẫn là một kênh đầu tư hiệu quả và cũng là cách thức để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn thực hiện tái cấu trúc nội bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh vừa đấu tranh đẩy lùi dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế, thích ứng với trạng thái bình thường mới như hiện nay. Có thể tham khảo số liệu qua bảng thống kê Bảng 1, Bảng 2.[1]

3. Luật Cạnh tranh với việc kiểm soát tập trung kinh tế trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay

Việc đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nền kinh tế là một chủ trương, chính sách được Đảng và Nhà nước luôn đặt trong quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Điều đó được thể hiện việc xây dựng và ban hành Luật Cạnh tranh 2004. Bộ luật này được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 3/12/2004 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2005. Trong Luật Cạnh tranh 2004, vấn đề tập trung kinh tế được đề cập riêng ở mục 3 với 9 điều. Theo đó, Luật xác định về các hình thức cơ bản về tập trung kinh tế tại điều 16, điều 17; đưa ra các trường hợp tập trung kinh tế bị cấm và trường hợp được miễn trừ điều 18 và điều 19. Từ điều 20 đến điều 24 trong mục 3 của Luật Cạnh tranh 2004 xác định các quy định thông báo tập trung kinh tế và các thủ tục, trình tự giải quyết đối với tập trung kinh tế. Sau 12 năm thực hiện, Luật Cạnh tranh 2004 được thay thế bằng Luật 2018 được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 12/6/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. Với sự hoàn thiện và phát triển đáp ứng với yêu cầu thực tiễn phát triển của nền kinh tế, Luật Cạnh tranh 2018 có những điểm mới cơ bản sau:

Thứ nhất: Luật Cạnh tranh 2018 đã bỏ giới hạn của hành vi tập trung kinh tế. Thể hiện ở điều 30 của Luật Cạnh tranh 2018 quy định cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam. So với Luật Cạnh tranh 2004 quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan. 

Thứ hai: Bổ sung hành vi nghiêm cấm liên qua đến cạnh tranh. Theo đó, ngoài việc cấm các hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường của cơ quan nhà nước, Luật Cạnh tranh 2018 còn bổ sung hành vi nghiêm cấm đối với các tổ chức, cá nhân. Cụ thể, nghiêm cấm tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ ba: Quy định chính sách khoan hồng đối với doanh nghiệp vi phạm, điều 112 của Luật 2018 quy định về chính sách khoan hồng đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định về cạnh tranh. Đây là điều mà Luật Cạnh tranh 2004 không đề cập đến.

Thứ tư: Ấn định mức xử phạt cụ thể với hành vi vi phạm về cạnh tranh, theo đó vi phạm về tập trung kinh tế: phạt tối đa 5% tổng doanh thu của doanh nghiệp trên thị trường liên quan.

Thứ năm: Xác định 4 chỉ tiêu để xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế. Luật Cạnh tranh 2004 quy định các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần từ 30% đến 50 % trên thị trường liên quan thì phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế. Luật Cạnh tranh 2018 không quy định mức cụ thể như trên, mà chỉ ra ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được xác định căn cứ vào 1 trong 4 tiêu chí:

- Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;

- Tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;

- Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế;

- Thị phần thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.

Thứ sáu: Quy định về thời gian xử lý vi phạm về cạnh tranh. Trong Luật Cạnh tranh 2004 quy định điều tra sơ bộ là 30 ngày, điều tra chính thức là 60 ngày với cạnh tranh không lành mạnh; 180 ngày với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế. Luật 2018 không quy định về 2 giai đoạn điều tra như trước mà chỉ quy định: Thời hạn điều tra là 9 tháng đối với vụ việc hạn chế cạnh tranh; 90 ngày với vụ việc tập trung kinh tế, 60 ngày với cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ bảy: Định danh cụ thể cơ quan thực thi pháp luật về cạnh tranh. Theo Luật Cạnh tranh 2018, cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh được giao cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Đây là cơ quan thuộc Bộ Công Thương, gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên. Ủy ban tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Để Luật Cạnh tranh 2018 đi vào thực tiễn và hoạt động có hiệu quả, ngày 24/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh 2018. Nghị định này quy định rõ ngưỡng thông báo tập trung kinh tế của các doanh nghiệp tham gia M&A được thể hiện trong điều 13 của Nghị định. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (NCC) trước khi thực hiện tập trung kinh tế, nếu thuộc 1 trong các trường hợp sau:

a) Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.

b) Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.

c) Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

d) Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự kiến tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.

Riêng đối với các doanh nghiệp là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán trong nước cũng như trường hợp tập trung kinh tế được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng được quy định cụ thể trong khoản 2 và khoản 3 của điều 13 của Nghị định 35.

Sự ra đời của Luật Cạnh tranh 2004 và sự hoàn thiện, thay thế Luật Cạnh tranh 2004 bằng Luật Cạnh tranh 2018 cho chúng ta thấy, dưới góc độ quản lý nhà nước về các hoạt động M&A trong nền kinh tế Việt Nam đã được từng bước quản lý và tăng cường giám sát nhằm hạn chế những tác động, hậu quả không tốt của hoạt động M&A có thể gây ra đối với thị trường. Điều đó được phản ánh trên thực tế trong việc quản lý hoạt dộng M&A của Bộ Công Thương trong thời gian qua. Theo bài viết kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế[2] cho thấy: Trong 2 năm kể từ khi Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực, Bộ Công Thương đã tiếp nhận 125 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế. Thực tiễn cho thấy, các bên tham gia tập trung kinh tế tại Việt Nam là các doanh nghiệp với loại hình đa dạng, trong đó phổ biến là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Căn cứ vào 125 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế cho thấy có 258 doanh nghiệp là chủ thể của các thương vụ tập trung kinh tế, trong đó có 31 doanh nghiệp nước ngoài (chiếm 51%) và 127 doanh nghiệp Việt Nam (chiếm 49%). Về hình thức tập trung kinh tế, trong số 125 hồ sơ được thông báo, có 100 giao dịch được thực hiện dưới hình thức mua lại (chiếm 80%), 14 giao dịch dưới hình thức sáp nhập (chiếm 11%) và 11 giao dịch dưới hình thức liên doanh (chiếm 9%). Trong số 125 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thẩm định, có 112 giao dịch tập trung kinh tế được thực hiện sau khi kết thúc thẩm định sơ bộ (chiếm khoảng 90%), 13 giao dịch thuộc trường hợp phải thẩm định chính thức (chiếm khoảng 10%).

Các hoạt động M&A diễn ra trong nền kinh tế nước ta ngày càng trở lên sôi động, đó cũng là một tất yếu trong sự vận động của thị trường. Rõ ràng các giao dịch M&A dưới ngưỡng phải thông báo còn sôi động và diễn ra thường xuyên hơn. Pháp luật chỉ kiểm soát các hoạt động M&A từ ngưỡng phải thông báo nhằm kiểm soát, đề phòng những hậu quả, những nguy cơ của hoạt động M&A có thể gây ra những thay đổi thị trường không tốt, hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường,… đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định và tăng trưởng cao.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Nhóm Nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF Research), Viện Nghiên cứu Đầu tư và Mua bán sáp nhập (CMAC Institute) (2020). Thị trường M&A Việt Nam 2019 - 2020, trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới. Truy cập tại https://baodautu.vn/thi-truong-ma-viet-nam-2019---2020-troi-day-trong-trang-thai-binh-thuong-moi-d134495.html

[2] Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (2021). Kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh. Truy cập tại https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/kiem-soat-hoat-dong-tap-trung-kinh-te-theo-phap-luat-canh-tranh.html

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021). Giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lê nin. NXB Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  2. Quốc hội (2004). Luật số 27/2004/QH11: Luật Cạnh tranh, ban hành ngày 03 tháng 12 năm 2004.
  3. Quốc hội (2018). Luật số 23/2018/QH14: Luật Cạnh tranh, ban hành ngày 12 tháng 6 năm 2018.
  4. Chính phủ (2020). Nghị định số 35/2020/NĐ-CP về Hướng dẫn thi hành Luật cạnh tranh 2018.

Mergers and acquisitions and the state management of economic concentration in the Law on Competition

Master. Nguyen Van Doi

Faculty of Political Theory, Hanoi Law University

Abstract:

This paper analyzes and clarifies the current mergers and acquisitions (M&A) in Vietnam and the state management of M&A by surveying the 2018 Law on Competition which is replaced the 2004 Law on Competition. The 2018 Law on Competition is to create and ensure a healthy competitive environment for businesses in Vietnam.

Keywords: economic concentration, M&A activities, the Law on Competition. 

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 2 năm 2022]