Hoạt động rửa tiền trong môi trường kỹ thuật số, những rủi ro và thách thức pháp lý

ThS. CAO TUẤN NGHĨA (Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh)

Tóm tắt:

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là sự phổ biến của mạng internet và các loại ứng dụng, nền tảng trực tuyến, cách “tiền bẩn” được rửa ngày nay đã khác nhiều so với trước đây. Điều đó đòi hỏi cách phản ứng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phản ứng với hoạt động rửa tiền cũng phải thay đổi để thích nghi. Đã đến lúc chúng ta cần đánh giá lại những biện pháp phòng chống rửa tiền và những thay đổi nào cần được thực hiện để đáp ứng nhu cầu của thực tế.

Từ khóa: rửa tiền, phòng chống rửa tiền, môi trường kỹ thuật số, rửa tiền online.

1. Rửa tiền truyền thống và rửa tiền online

1.1. Tính cấp thiết của việc phòng chống rửa tiền

Có nhiều khái niệm rửa tiền, nhưng nhìn chung “rửa tiền là quá trình làm cho những khoản tiền kiếm được bằng những cách thức bất hợp pháp có vẻ như được làm ra từ những nguồn hợp pháp1.  Cụ thể hơn, đó là quá trình che giấu sự tồn tại của các nguồn gốc bất hợp pháp và quá trình sử dụng các nguồn tiền đó, từ đó đánh lạc hướng và làm cho người khác tin những khoản tiền đó được tạo ra từ những nguồn, những hoạt động hợp pháp2 . Trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng có quy định cụ thể về khái niệm rửa tiền tại Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015. Chúng ta có thể thấy sự tương thích của hệ thống pháp luật Việt Nam và các quy định pháp luật quốc tế trong phòng chống rửa tiền khi nhìn nhận rửa tiền là một tội phạm độc lập, tách biệt khỏi những hành vi trái pháp luật đã tạo ra nguồn tiền có nguồn gốc trái pháp luật (tiền bẩn). Không giống như các loại tội phạm khác, rửa tiền không gây ra sự kinh hoàng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hay tài sản của các tổ chức hay cá nhân trong xã hội và dường như chỉ là vấn đề xa xỉ của các nước đã phát triển. Thực tế rửa tiền gây tác động tiêu cực đến mọi nền kinh tế. Rửa tiền bị xem là hành vi đặc biệt nguy hiểm vì nhiều lý do như:

  • Thứ nhất, hoạt động rửa tiền thành công sẽ khuyến khích các hành vi trái pháp luật.
  • Thứ hai, rửa tiền cung cấp nguồn tài chính cho các tổ chức tội phạm thực hiện các hành vi phạm tội khác.
  • Thứ ba, rửa tiền gây tác động xấu khi tạo ra những nền kinh tế mất cân đối và phụ thuộc.

1.2. Các bước trong quy trình rửa tiền

Quy trình rửa tiền thường bao gồm 3 bước: sắp xếp (placement), phát tán (layering) và quy tụ (integration).

Sắp xếp/che giấu (placement/hiding)

Sắp xếp hay che giấu là bước đầu tiên khi “tiền bẩn” được đưa vào hệ thống tài chính. Mục tiêu của bước này là xáo trộn tiền bẩn với những nguồn tiền hợp pháp khác và tránh sự theo dõi hay phát hiện của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phát tán (Layering)

Đây là quá trình các đối tượng rửa tiền hạn chế việc thu hút sự chú ý và che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản bằng việc tham gia vào một hệ thống phức tạp các giao dịch và chuyển dịch của nguồn tiền. Các kỹ thuật được sử dụng trong giai đoạn phát tán cũng khá đa dạng. Mục tiêu của bước này là tách tiền bẩn và nguồn gốc trái pháp luật của số tiền này3.

Quy tụ/Đầu tư (Integration)

Quy tụ/đầu tư là bước mà trong đó tiền bẩn sẽ quay trở về với những kẻ phạm tội, tất nhiên là với hình thức tiền sạch từ những nguồn hợp pháp4. Tiền bẩn lúc này đã hoàn toàn hòa nhập vào hệ thống tài chính và có thể sử dụng cho mọi mục đích hợp pháp. Trong giai đoạn này, việc rửa tiền dường như đã hoàn thành và cực kỳ khó khăn để phân biệt giữa các tài sản hợp pháp và tài sản bất hợp pháp5.

2. Các kỹ thuật rửa tiền truyền thống và rửa tiền với ứng dụng internet

Tội phạm internet (cyber-crime) có thể được hiểu như sự kết hợp giữa các loại tội phạm truyền thống và những cách thức thực hiện những tội phạm đó với ứng dụng internet và công nghệ cao. Sau đây là một số kỹ thuật rửa tiền truyền thống, cũng như khi internet được đưa vào sử dụng.

2.1. Di chuyển tiền mặt

Kỹ thuật này được hiểu là việc vận chuyển lậu tiền mặt từ quốc gia này sang quốc gia khác. Các đối tượng rửa tiền có xu hướng tìm cách đưa tiền mặt từ quốc gia có quy định chặt chẽ về phòng chống rửa tiền sang những quốc gia đang và kém phát triển với các quy định về phòng chống rửa tiền ít chặt chẽ hơn6. Tuy nhiên, trên thực tế, việc vận chuyển một số lượng tiền lớn khỏi biên giới một quốc gia là rất rủi ro. Ngày nay, với sự hỗ trợ của những công nghệ tiên tiến và mạng internet cùng các ứng dụng, đã xuất hiện nhiều loại tiền ảo hay các công cụ lưu trữ giá trị (các loại thẻ, tài khoản…). Việc vận chuyển giá trị ra khỏi biên giới một quốc gia đã không còn dễ dàng bị phát hiện và kiểm soát nữa.

2.2. Rửa tiền thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng

Trong kỹ thuật này, các đối tượng rửa tiền thường mở tài khoản và gửi tiền vào tài khoản sau đó số tiền được chuyển sang cho một tài khoản của ngân hàng nước ngoài. Biện pháp cơ bản để phòng chống trong trường hợp này là nghĩa vụ báo cáo các giao dịch đáng ngờ. Đây cũng là giải pháp được áp dụng bởi nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để lách các quy định này, các đối tượng rửa tiền thường chia nhỏ các lần gửi/chuyển tiền thông qua hệ thống ngân hàng. Cách làm này có thể hiệu quả trong một vài trường hợp nhưng sẽ khá khó khăn khi thực hiện rửa một lượng tiền quá lớn.

Khi xét đến việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật số, môi trường internet tạo ra sự tiện lợi, nhanh chóng và an toàn hơn cho các đối tượng rửa tiền khi nhiều dịch vụ ngân hàng có thể thực hiện nhanh chóng qua mạng mà không đòi hỏi sự tiếp xúc trực tiếp giữa chủ tài khoản và nhân viên ngân hàng.

2.3. Rửa tiền thông qua những giải pháp thanh toán mới

Hệ thống thanh toán mới được nói đến ở đây là một số những phương thức thanh toán mới đặc biệt là các phương thức thanh toán dựa trên ứng dụng internet đang rất phổ biến ở nhiều quốc gia như hệ thống thẻ trả trước, ví điện tử và các hình thức trung gian thanh toán khác. Những giải pháp thanh toán này đều hết sức tiện lợi đặc biệt dành cho những người không muốn hoặc không thích liên quan đến những hệ thống hoặc thủ tục ngân hàng truyền thống.

2.4. Rửa tiền thông qua các hoạt động kinh doanh, thương mại

  • Rửa tiền bằng việc sử dụng các doanh nghiệp bình phong

Kỹ thuật rửa tiền này được thực hiện thông qua việc tạo lập các doanh nghiệp và thực hiện những giao dịch hình thức. Các giao dịch sau đó được sử dụng như là bằng chứng cho nguồn gốc hợp pháp của số tiền liên quan trong trường hợp bị nghi vấn bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền7. Loại doanh nghiệp thường được sử dụng cho mục đích này thường là những doanh nghiệp có nhiều giao dịch về tiền mặt như các quán ăn, vũ trường, tiệm cho thuê băng đĩa, giặt ủi...8. Sự ra đời và phổ biến của mạng internet và môi trường online mở ra nhiều lựa chọn hơn cho các đối tượng rửa tiền với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ qua mạng như dịch vụ dịch thuật, dịch cụ cung cấp dữ liệu, dịch vụ cho thuê phần mềm… Đây đều là các dạng hoạt động kinh doanh rất phù hợp cho mục đích rửa tiền9.

  • Mua bán hàng hóa và đấu giá online

Các đối tượng rửa tiền thường mua những tài sản và bán lại chúng để lấy lại tiền. Khoản tiền thu về sẽ có nguồn gốc hợp pháp. Các loại tài sản được lựa chọn thường là những đồ xa xỉ và được thừa nhận toàn cầu như các loại kim loại quý hay các loại đồ cổ, bộ sưu tập những thứ khó có thể định giá một cách chính xác10. Với sự can thiệp của internet và các ứng dụng mạng, những thứ có thể được sử dụng cho mục đích rửa tiền thậm chí còn đa dạng hơn nhiều như những vật phẩm trong một trò chơi nào đó, hay quyền sử dụng một tài khoản trong một ứng dụng online nào đó11.

2.5. Rửa tiền thông qua các hoạt động thương mại

Các hành vi rửa tiền có thể được thực hiện bằng việc hạ thấp giá mua và nâng giá bán cao hơn giá trị thực tế của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để ngụy trang cho việc di chuyển giá trị qua biên giới quốc gia12.

Các hoạt động cờ bạc, cá cược: Người rửa tiền có thể thực hiện việc rửa tiền thông qua việc đánh bạc tại các casino hoặc chơi xổ số các loại. Những khoản tiền thắng được sẽ được xem là kết quả của sự may mắn thay vì đến từ các hoạt động phạm tội13. Mặc dù vậy, hiện tại, những quy định về tài chính chặt chẽ được đặt ra với các casino hay những hệ thống cá cược hợp pháp đã hạn chế đáng kể hoạt động rửa tiền truyền thống qua những kênh này. Với sự phát triển nhanh chóng của internet và sự ra đời của ngày càng nhiều các trang web cá độ, cờ bạc trực tuyến đã và đang cung cấp cho các đối tượng rửa tiền một nền tảng vô cùng hứa hẹn. Đối với nhiều hệ thống, người chơi có thể dễ dàng tạo các tài khoản tham gia với rất ít thông tin cần cung cấp. Một điều khó khăn nữa cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là các website cờ bạc online thường đặt máy chủ ở nước ngoài, ví dụ như ở một quốc gia với các quy định về phòng và chống rửa tiền lỏng lẻo.

2.6. Bitcoin và các loại tiền ảo

Bitcoin là một loại tiền ảo có được khi máy tính giải quyết được những thuật toán nhất định. Bitcoin không chỉ là loại tiền ảo nổi tiếng nhất bởi giá trị cao mà khá đặc biệt về khía cạnh kỹ thuật. Bitcoin là loại tiền ảo trao đổi ngang hàng (peer to peer) sử dụng kỹ thuật mã hóa (cryptography) trong việc tạo lập, lưu trữ và giao dịch14. Tất cả các loại tiền trong môi trường thực tế (offline) đều có nền tảng giá trị hoặc được bảo đảm giá trị bởi các tổ chức phát hành như chính phủ. Khác biệt so với các loại tiền tệ đó, giá trị của tiền ảo Bitcoin hoàn toàn được tạo ra bởi hệ thống người dùng ở khắp nơi trên thế giới. Điều đó tạo ra một sự độc lập giữa hệ thống Bitcoin và các chính phủ, cũng như các tổ chức tín dụng. Đó cũng là một trong những yếu tố làm nên sự thu hút của Bitcoin đối với người dùng. Bitcoin có thể được tạo ra và sở hữu bởi bất cứ ai và hoàn toàn có thể quy đổi ra tiền thực tế. Các đối tượng rửa tiền có thể mua bitcoin trong môi trường internet và quy đổi thành tiền thực một cách dễ dàng. Nguồn tiền này đương nhiên sẽ có lý lịch sạch sẽ khi các đối tượng rửa tiền có thể lập luận đó là kết quả của quá trình đầu tư vào hệ thống máy tính để “đào” bitcoin. Như vậy, những sản phẩm mới của internet như Bitcoin cho đến giờ vẫn cho thấy sự an toàn và hiệu quả cho các đối tượng rửa tiền.

Từ việc phân tích trên cho thấy sự phát triển của internet cũng đặt ra nhiều thách thức với nỗ lực phòng và chống hoạt động rửa tiền của các quốc gia do những đặc thù của môi trường này, cụ thể:

- Tính ẩn danh cao: Khi người ta có thể làm rất nhiều việc với máy tính kết nối internet mà không phải gặp gỡ hay tiếp xúc trực tiếp với các chủ thể khác thì khả năng xác thực danh tính khó khăn hơn rất nhiều15.

- Tính chất xuyên quốc gia: Do bản chất của môi trường ảo hay mạng internet là không có biên giới nên hoạt động rửa tiền có thể được thực hiện cùng lúc ở nhiều quốc gia khác nhau16. Vì vậy, việc truy xét và điều tra cũng trở nên khó khăn hơn và đòi hỏi sự hợp tác, tương trợ từ cơ quan nhà nước của nhiều quốc gia khác nhau, không phải trong mọi trường hợp yếu tố này đều có sẵn.

- Tốc độ nhanh và số lượng giao dịch quá lớn: Với sự hỗ trợ của các giải pháp công nghệ và internet, các giao dịch mua bán, thanh toán, chuyển tiền đang được thực hiện với một tốc độ rất nhanh. Ngoài sự tiện lợi mang lại cho con người thì tốc độ giao dịch nhanh đồng nghĩa với có ít thời gian hơn cho nhân viên ngân hàng hay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và kiểm tra nội dung các giao dịch17. Số lượng các giao dịch nhiều hơn, đồng nghĩa với sự khó khăn trong việc phát hiện ra những giao dịch, hoạt động đáng ngờ trong hệ thống tài chính.

3. Giải pháp phòng chống rửa tiền trong thời đại kỹ thuật số

Khung pháp lý cho việc phòng chống rửa tiền nhìn chung ở các quốc gia là sự kết hợp giữa hệ thống các quy định pháp luật ở nhiều cấp và hoạt động giám sát, điều tra và xử lý của các cơ quan chịu trách nhiệm phòng và chống rửa tiền ở mỗi quốc gia. Cũng giống như nhiều quốc gia, cơ chế phòng và chống rửa tiền của Việt Nam, mặc dù có đề cập đến việc rửa tiền áp dụng công nghệ cao nhưng trong các biện pháp phòng, chống rửa tiền cũng chưa phân biệt cụ thể giữa rửa tiền truyền thống và rửa tiền với việc ứng dụng internet cùng các công nghệ kỹ thuật số. Mặc dù vậy, trước những thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, việc sử dụng một cách tiếp cận trung lập có lẽ là một giải pháp phù hợp khi nhiều thứ còn mới mẻ đối với những nhà lập pháp và cơ quan quản lý.

Một khung pháp lý về phòng chống rửa tiền thường bao gồm 2 phần là cơ chế ngăn ngừa (prevention Pillar) và cơ chế xử lý (Enforcement Pillar). Cơ chế ngăn ngừa chủ yếu gồm nghĩa vụ thu thập và lưu trữ thông tin khách hàng (Customer Due Dilligent - CDD), nghĩa vụ báo cáo các giao dịch đáng ngờ và việc điều tra cùng các biện pháp chế tài được đặt ra dành cho các đối tượng thực hiện hành vi rửa tiền. Mặt khác, cơ chế chống rửa tiền bao gồm các quy định để truy tố, xét xử và áp dụng các biện pháp chế tài dành cho những đối tượng rửa tiền. Khi xem xét về việc xử lý và trừng phạt những hành vi rửa tiền tương ứng, Việt Nam đã có Luật Phòng chống rửa tiền đã ghi nhận rửa tiền như một loại tội phạm độc lập tại Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015, và quy trình xử lý cũng được áp dụng như các loại tội phạm khác.

Đối với bất kỳ một hệ thống phòng chống rửa tiền nào thì khung pháp lý ngăn ngừa (CDD, lưu trữ hồ sơ, báo cáo giao dịch đáng ngờ, đào tạo nhân sự với nghiệp vụ phòng chống rửa tiền...) luôn đóng vai trò trọng tâm cho dù để đối phó với các hoạt động rửa tiền truyền thống hay là rửa tiền có sự ứng dụng của các công nghệ kỹ thuật cao. Tuy nhiên, cần lưu ý khi xây dựng các quy định về ngăn ngừa hoạt động rửa tiền, những vấn đề sau cần được cân nhắc:

- Thu thập thông tin khách hàng (CDD): là thủ tục thu thập thông tin khách hàng thực hiện bởi các chủ thể theo quy định pháp luật trước khi thiết lập mối quan hệ với một khách hàng mới18888888888888. Mục đích của yêu cầu nhằm bảo đảm các chủ thể xác định được danh tính của khách hàng, đánh giá được mức độ rủi ro liên quan đến khách hàng đó, từ đó áp dụng các biện pháp phù hợp để quản trị rủi ro liên quan đến từng khách hàng1999999999999999. Về cơ chế này, các tổ chức tài chính đương nhiên, là đối tượng áp dụng trọng tâm của cơ chế này. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam ở Khoản 4 Điều 4 và Khoản 2 Điều 8 Luật Phòng chống rửa tiền 2012 cũng đã đề cập đến trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực phi tài chính cũng sẽ có những trách nhiệm nhất định trong việc thu thập thông tin của khách hàng. Sự mở rộng các chủ thể có liên quan bao gồm cả luật sư, công chứng viên,… như khoản 4 Điều 4 là cần thiết và phù hợp khi họ có thể là những mắt xích dù là vô tình hay hữu ý liên quan đến rửa tiền200000000000. Trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của internet sẽ có nhiều hơn các chủ thể có thể liên quan đến quá trình rửa tiền. Vì vậy, cần cân nhắc áp dụng trách nhiệm thu thập, lưu trữ và cung cấp thông tiền ở một mức độ nhất định như các nhà cung cấp dịch vụ internet, các tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... 

- Cách tiếp cận dựa trên đánh giá về mức độ rủi ro (risk-based approach)

Đây là cách thức tiếp cận khác so với cách tiếp cận dựa trên quy định pháp luật (rule-based approach). Cả 2 cách tiếp cận này đều được áp dụng ở một mức độ nhất định bởi hệ thống pháp luật của các quốc gia. Tuy nhiên, khi xem xét trên phạm vi quốc tế thì có xu hướng giống nhau đó là các hệ thống pháp luật đều thiên về cách tiếp cận dựa trên đánh giá mức độ rủi ro và Việt Nam cũng không phải một ngoại lệ. Khi xem xét cách tiếp cận này đối với việc kiểm soát rửa tiền trong các kênh online, điều này cho phép các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chủ thể liên quan tập trung nguồn lực vào các khía cạnh đối mặt với nhiều rủi ro nhất, từ đó tiết kiệm nguồn lực và thời gian. Ngoài ra, cách thức thu thập và lưu trữ thông tin đối với những tổ chức hoạt động trên các nền tảng online cũng cần phải được quy định phù hợp với thực tế hoạt động và đặc thù của loại hình tổ chức này.

Khi đánh giá tính hiệu quả của các biện pháp phòng chống rửa tiền trong môi trường trực tuyến, việc các biện pháp này có phát huy hiệu quả hay không không chỉ phụ thuộc vào bản thân các biện pháp đó, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Cần xác địnhviệc áp dụng các biện pháp phòng chống rửa tiền không thể loại trừ hoàn toàn các rủi ro liên quan đến rửa tiền. Vì vậy, việc phòng và chống rửa tiền không phải là loại trừ hoàn toàn các hiện tượng rửa tiền, mà chủ yếu là tạo ra một môi trường để các hoạt động rửa tiền ngày càng khó thực hiện và dễ bị phát hiện hơn.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 Saxena. Rajeev, Managing the Risks of E-Money and Its Potential Application in Money Laundering. Harvard Journal of Law & Technology 11 Summer 1998: 833. 9

2 Moneylaundering.com, “AML Basics,” moneylaundering.com, January 17, 2009.

[Online]. Available: http://www.moneylaundering.com/subscribers/amlb

asics/mlintro.aspx

3 P. Philippsohn, (2001). The Dangers of New Technology -Laundering on the Internet, Journal of Laundering Control 5(1), tr. 87-95.

4 https://www.moneylaundering.ca/public/law/3_stages_ML.php

5 http://www.laundryman.u-net.com/page5_mlstgs.html

6 Rajev Saxena (1998). Cyber-laundering the next step for money launderer. 10 St. Thomas L.Rev.685. tr.692.

7 Thomason. (1993). money laundering – Business Beware - tr11, https://digitalcommons.law.uga.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1632&context=fac_artchop

8 Thomason. (1993). money laundering – Business Beware - tr11, https://digitalcommons.law.uga.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1632&context=fac_artchop

9 L. E. C. Rossroads. (2010). “Cyber Laundering-The new internet Crimes. Available:.http://thegiga.in/LinkClick.aspx?fileticket=xpxlb4qgFTw%3D&tabid=589).

10 Reuter and Truman. 2004. Chasing Dirty Money: The Fight Against Money Laundering. Tr. 31

11 Reuter and Truman. (2004). Chasing Dirty Money: The Fight Against Money Laundering. P31.

12http://books.google.co.uk/books?id=0AVwjC9TDSMC&pg=PA31&lpg=PA31&dq=money+laundering+goods+valuable+items+%22fine+art%22&source=bl&ots=v2Otg2x0Se&sig=LdYpUsrFO3zdDW2LCiMM_5-

13 Menezes J. J. (2008). Cyber laundering - the new internet crimes International Journal Of Criminal Justice Sciences, Vol 3 Issue 1, June 2008, https://www.ijcjs.com/wojciech.htmlThomason (1993). money laundering - Business Beware, tr.11, https://digitalcommons.law.uga.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1632&context=fac_artchop

14 http://www.networkworld.com/news/2012/072312-bitcoin-260946.html

15 Thomason. (1993). money laundering – Business Beware - tr.16, https://digitalcommons.law.uga.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1632&context=fac_artchop

16 Law and Internet Foundation (2007). Justice In The Digital Era, tr.264

https://www.netlaw.bg/p/l/a/law-and-internet-foundation-justice-in-the-digital-era-project-analytical-report-en-248-593.pdf

17 P.  Philippsohn, (2001). The Dangers of New Technology - Laundering on the Internet, Journal of Laundering Control 5(1), tr. 87-95

18 Chat L.N. (2014). The International Anti-Money Laundering Regime and Its Adoption by Vietnam, Cambridge University Press

19 Reuter. P., and Truman. E. (2004). Chasing Dirty Money: The Fight Against Money Laundering (Institute for International Economics, Washington, DC, 2004), chapter 4, tr.54

20 Reuter. P., and Truman. E. (2004). Chasing Dirty Money: The Fight Against Money Laundering (Institute for International Economics, Washington, DC, 2004), chapter 4. tr.48.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Liên Hợp quốc (2000). Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
  2. Quốc hội (2015). Bộ luật Hình sự 2015.
  3. Quốc hội (2012). Luật Phòng, Chống rửa tiền 2012.
  4. Reuter. P., and Truman. E. (2004). Chasing Dirty Money: The Fight Against Money Laundering. Washington: Peterson Institute for International Economics.
  5. Menezes J. J. (2008). Cyber laundering - the new internet crimes. International Journal of Criminal Justice Sciences, 3(1), 56.
  6. Law and Internet Foundation. (2007). Justice In The Digital Era. Retrieved from: https://www.netlaw.bg/p/l/a/law-and-internet-foundation-justice-in-the-digital-era-project-analytical-report-en-248-593.pdf.
  7. Philippsohn. (2001). The Dangers of New Technology - Laundering on the Internet. Journal of Laundering Control, 5(1), 87-95.
  8. Saxena. (1998). Cyber-laundering the next step for money launderer. 10 St. Thomas L.Rev. 685, 132.
  9. E. C. Rossroads. (2010). Cyber Laundering - The new internet Crimes. Xem tại: http://thegiga.in/LinkClick.aspx?fileticket=xpxlb4qgFTw%3D&tabid=589).
  10. Chat L.N. (2014). The International Anti-Money Laundering Regime and Its Adoption by Vietnam. Cambridge University Press, p. 23.
  11. Stoke. (2012). Virtual money laundering: the case of Bitcoin and the Linden dollar. Information & Communications Technology Law, 21(3), 221-236.
  12. The World Bank. (2012). Financial Inclusion Strategy Reference Framework. Truy cập tại: https://documents1.worldbank.org/curated/en/801151468152092070/pdf/787610WP0P144500use0only0900A9RD899.pdf.

MONEY LAUNDERING IN THE DIGITAL ENVIRONMENT - LEGAL RISKS AND CHALLENGES

Master. Cao Tuan Nghia

Faculty of Law, Ho Chi Minh City University of Foreign Languages - Information Technology

Abstract:

With the rapid development of technology, especially the popularity of the Internet, applications and online platforms, money laundering is much different than in the past. It requires state agencies have to change their ways of fighting against money laundering. This paper assesses current anti-money laundering measures and points out what changes need to be made to fight against money laundering today.

Keywords: money laundering, anti-money laundering, digital environment, online money laundering.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6 năm 2022]