Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc thu hẹp mức kỷ lục vì dịch Covid-19

Chính phủ Trung Quốc vừa cho biết chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2/2020 của nước này đã rơi xuống mức thấp kỷ lục, đạt 35,7 điểm. Qua đó, cho thấy hoạt động sản xuất của nước này đã bị thu hẹp mạnh và tổn thất nghiêm trọng vì dịch virus Covid-19.

Cơ quan thống kê Trung Quốc vừa công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2/2020 của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được áp dụng, chỉ đạt 35,7 điểm. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 50 điểm trong tháng 1/2020 và mức 46 điểm được các chuyên gia kinh tế dự báo. Chỉ số PMI – chỉ số tổng hợp kết quả hoạt động của ngành sản xuất đạt trên 50 điểm phản ánh các hoạt động sản xuất được mở rộng và ngược lại.

Trong chỉ số PMI tháng 2/2020, chỉ số hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ đạt 27,8 điểm, giảm gần 50% so với mức 51,3 điểm của tháng 1/2020. Chỉ số đơn đặt hàng mới cũng chỉ đạt 29,3 điểm, so với mức 51,4 điểm của tháng 1/2020.

Việc chỉ số PMI giảm mạnh kỷ lục trong tháng 2/2020 cho thấy ngành sản xuất của Trung Quốc đã chịu tổn thất sâu rộng trong bối cảnh hầu hết các nhà máy, công xưởng buộc phải đóng cửa để phòng chống sự lây lân của dịch virus Covid-19. Trước đó, các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc đã phải vật lộn với các khó khăn do cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc gây ra trong năm 2019. Tính đến hết ngày 29/2, đã có hơn 85.600 ca nhiễm và hơn 2.900 ca tử vong vì dịch virus Covid-19 trên toàn cầu.

Sản xuất tại Trung Quốc bị ngưng trệ vì dịch virus Covid-19
 Nhiều nhà máy tại Trung Quốc không thể bắt đầu sản xuất do thiếu hụt lao động, nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ hàng tồn kho trong bối cảnh Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được dịch virus Covid-19

Các nhà kinh tế cảnh báo tăng trưởng GDP quý 1/2020 của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ giảm mạnh vì dịch bệnh. Tập đoàn tài chính Nomura dự báo tăng trưởng kinh tế quý 1/2020 của Trung Quốc sẽ chỉ đạt 2%; trong khi đó, hãng tư vấn kinh tế Capital Economics dự báo mức tăng trưởng này sẽ là 0%.

Chính phủ Trung Quốc hiện chịu áp lực cao trong việc giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế vốn đã có dấu hiệu giảm tốc tăng trưởng kể cả trước khi dịch virus Covid-19 bùng phát. Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 6,1%, chạm mức thấp kỷ lục trong vòng 29 năm trở lại đây.

Bất chấp các nỗ lực thúc đẩy tái khởi động sản xuất của Chính phủ Trung Quốc trong thời gian gần đây, nhiều nhà máy tại quốc gia này vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất do không thể tiếp cận được các nguồn cung ứng vật tư đầu vào, thiếu hụt nhân công hoặc tiêu thụ hàng hoá khi các lệnh hạn chế di chuyển để phòng dịch bệnh vẫn được áp đặt tại nhiều nơi.

Dữ liệu chính thức của Chính phủ Trung Quốc cho thấy, tính đến ngày 26/2, mới chỉ có 32,8% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại nước này quay trở lại hoạt động. Trong đó, đa phần các doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động thì công suất sản xuất chỉ đạt dưới ngưỡng bình thường. Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến hơn 80% tổng số doanh nghiệp tại Trung Quốc và đóng góp đến hơn 60% tổng GDP của nước này.

Hãng tin Reuters cho biết, tại tỉnh Hồ Bắc – tâm điểm của dịch virus Covid-19, phần lớn trong số 10 triệu lao động nhập cư tại đây vẫn chưa quay trở lại được các khu sản xuất. Tỉnh Hồ Bắc là nơi có nhiều trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc như Vũ Hán – thủ phủ sản xuất thép và công nghiệp ô tô. Tập đoàn Nomura dự báo tình trạng phong toả tại tỉnh Hồ Bắc có thể kéo dài đến giữa tháng 3/2020.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thời gian gần đây đã nhiều lần khẳng định các tác động của dịch virus Covid-19 đến nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn và nước này sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế “khoảng 6%” trong năm nay.

Chỉ số độc lập PMI Caixin/Markit do hãng truyền thông Caixin phối hợp với hãng tư vấn thị trường Markit thực hiện sẽ được công bố vào thứ Hai (ngày 2/3) tới đây. Chỉ số PMI Caixin/Markit tập trung vào nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất khẩu; trong khi đó, chỉ số PMI của Cơ quan thống kê Trung Quốc tập trung vào nhóm doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp quốc doanh.

Quang Đặng