Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp lên cao kỷ lục

Các dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất chế tạo tại Trung Quốc trong tháng 6/2023 tiếp tục suy giảm khi nhu cầu trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu ở mức yếu. Điều này đang khiến tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên nước này ở mức cao nhất lịch sử.

Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global và Caixin cho biết chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất chế tạo của Trung Quốc trong tháng 6/2023 chỉ đạt 50,5 điểm, so với mức 50,9 điểm của tháng 5/2023. Ngưỡng 50 điểm là sự phân định giữa suy giảm và tăng trưởng. Chỉ số PMI Caixin/S&P Global khảo sát hoạt động sản xuất của 650 doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu, và tập trung tại các khu vực ven biển của Trung Quốc.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cũng vừa công bố chỉ số PMI ngành sản xuất chính thức của nước này trong tháng 6/2023 là 49 điểm, so với mức 48,8 điểm của tháng 5/2023. Chỉ số này PMI của NBS khảo sát hoạt động sản xuất của khoảng 3.200 doanh nghiệp trên toàn Trung Quốc. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, chỉ số PMI của NBS ở dưới ngưỡng 50 điểm.

Các chỉ số này đều cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc vẫn đang ở mức yếu và có dấu hiệu suy giảm.

Chỉ số PMI Trung Quốc suy giảm
Dữ liệu của NBS cho thấy cả lĩnh vực sản xuất chế tạo lẫn lĩnh vực phi sản xuất của Trung Quốc liên tục suy yếu trong những tháng gần đây.

Chuyên gia phân tích kinh tế cao cấp Wang Zhe thuộc hãng nghiên cứu Caixin Insight Group cho biết “Các dữ liệu cho thấy quá trình phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc hiện vẫn chưa vững vàng, và đang đối mặt với nhiều vấn đề lớn như thiếu động lực tăng trưởng nội địa, nhu cầu yếu và triển vọng kinh tế đang dần xấu đi. Chính phủ Trung Quốc cần kích thích chính sách vĩ mô mạnh mẽ hơn và triển khai hiệu quả hơn từ góc độ vi mô”.  

Chang Shu và Eric Zhu, các nhà kinh tế học của Bloomberg, nhận định triển vọng kinh tế nửa cuối năm nay của Trung Quốc sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức khi nhu cầu đối với hàng hoá nước này từ các thị trường xuất khẩu ở mức yếu. Hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản trong tháng 6 vừa qua cũng suy giảm do nhu cầu yếu.

Xem thêm bài viết "Nhiều tổ chức tài chính lớn hạ dự báo triển vọng kinh tế Trung Quốc" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Các dữ liệu liên quan đến Chỉ số PMI Caixin/S&P Global cũng cho thấy niềm tin kinh doanh tại Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tháng trở lại đây.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp sản xuất tham gia khảo sát cho biết đã giảm số lượng nhân viên tháng thứ 4 liên tiếp nhằm giảm công suất khi doanh thu tiêu thụ giảm mạnh. Điều này sẽ gây áp lực lớn hơn lên thị trường lao đông Trung Quốc khi tỷ lệ thất nghiệp đối với nhóm thanh niên tại nước này đang ở mức cao nhất lịch sử, lên tới 20,8%.

Rủi ro giảm phát đối với Trung Quốc cũng đang ngày càng tăng lên. Tốc độ giảm giá cả hàng hoá đầu vào của các doanh nghiệp trong tháng 6/2023 ở mức mạnh nhất kể từ tháng 1/2016 do nhu cầu yếu khi nguồn cung tăng lên. Trong khi đó, nhu cầu yếu buộc các doanh nghiệp tiếp tục hạ giá bán sản phẩm đầu ra khiến cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.

Ngoài ra, lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu chững lại trong tháng 4 và tháng 5/2023.

Vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã phải giảm một loạt lãi suất điều hành, bao gồm cả các loại lãi suất liên quan trực tiếp đến việc thế chấp, nhằm thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng tại Trung Quốc. Các nhà kinh tế học và chuyên gia kinh tế hiện kỳ vọng Trung Quốc sẽ tung ra các gói kích thích kinh tế cũng như các chính sách tiền tệ có tác động mạnh hơn.

Quỳnh Trang