Hoạt động xóa đói giảm nghèo của một số nước châu Á và bài học kinh nghiệm cho nước CHDCND Lào

KHAMSONE SOMLET (Trường Đại học Kinh tế - Luật)

TÓM TẮT:

Bài viết sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh kinh nghiệm quốc tế về hoạt động giảm nghèo. Dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, đã khái quát cơ sở lý thuyết về hoạt động giảm nghèo, cũng như những kết quả đạt được trong thời gian qua về phát triển kinh tế - xã hội của nước CHDCND Lào. Đồng thời, tác giả chia sẻ những kinh nghiệm từ một số nước châu Á để rút ra bài học hữu ích cho nước CHDCND Lào trong hoạt động xóa đói, giảm nghèo.

Từ khóa: nước CHDCND Lào, giảm nghèo, xóa đói giảm nghèo.

1. Đặt vấn đề

Xóa đói giảm nghèo là vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao mức sống con người. Nhiều nước trên thế giới, kể cả nước phát triển, đang phát triển và kém phát triển đều rất quan tâm tới chính sách nhằm thực hiện tốt vấn đề giảm nghèo. Theo Ngân hàng Thế giới, hiện có khoảng 1,2 triệu người nghèo, trong đó, CHDCND Lào là nước có tỷ lệ người nghèo khá cao. Dù Nhà nước đã cố gắng đưa ra nhiều chính sách để giảm tỷ lệ nghèo, tuy nhiên, tỷ lệ giảm chưa xứng với tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo ở một số quốc gia trên thế giới nói chung, một số quốc gia tại châu Á nói riêng là việc làm cần thiết,  nhằm rút ra những kinh nghiệm hữu ích giúp CHDCND Lào đạt được kết quả tốt hơn trong hoạt động giảm nghèo.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

Ngày 15 - 17/9/1993, tại Hội nghị về chống đói nghèo, Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) đã đưa ra khái niệm về nghèo. Nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng và thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của con người đã được xã hội thừa nhận, tùy theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội, phong tục tập quán của đất nước.

Năm 1992, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra khái niệm nghèo đơn chiều, đó là một người hoặc hộ gia đình có thu nhập thấp dưới chuẩn nghèo của thế giới hoặc quốc gia của mình xác định trong khoảng thời gian nhất định.

Đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã tổng hợp khái niệm nghèo cho phù hợp với thực tế để đánh giá và phân tích. Nghèo đơn chiều (thu nhập) không thể hiện được sự thiếu hụt về giáo dục, y tế và chất lượng cuộc sống con người. Năm 2010, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã đưa ra các chỉ số tiếp cận với nghèo đa chiều (MPI) gồm 3 lĩnh vực: giáo dục, y tế và mức sống con người. Mỗi lĩnh vực có những thành phần khác nhau. (1) Giáo dục có 2 thành phần gồm: tình trạng không học hết 5 năm và trẻ em không được đến trường; (2) Y tế có 2 thành phần gồm: Tình trạng suy dinh dưỡng và chết yểu; (3) Mức sống con người có 6 thành phần gồm: tình trạng không được sử dụng điện, nước sạch, nhà vệ sinh, nhà cửa tồi tàn và không có phương tiện đi lại tối thiểu.

Alkire, Sabina và Maria Emma Santos (2011) sử dụng phương pháp (MPI) để đánh giá nghèo tại 104 quốc gia đang phát triển. Alkire Sabine và Andy Sumner (2013) đã nghiên cứu về nghèo đa chiều nhằm đánh giá các mục tiêu phát triển sau năm 2015 trên toàn cầu tại 100 quốc gia đang phát triển cũng sử dụng phương pháp MPI và bổ sung thêm tiêu chuẩn nghèo dựa trên thu nhập.

Klsen, Stephan (2005); Virtanen, P anh Ehrenpreis.D (2007); Uryahadi, Asep, Gracia Hadiwidja và Sudarno Sumarto (2012) đã nghiên cứu thu nhập của người nghèo và phân tích các quan điểm nổi bật về mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng kinh tế bền vững vào 2 ngành quan trọng, như: nông nghiệp và công nghiệp.

Như vậy, có thể hiểu nạn nghèo có tác động trực tiếp và gián tiếp với tăng trưởng kinh tế và mức sống của con người mang tính chất chiến lược, biện chứng, địa lý, chính trị và chính sách, thể chế nhằm tạo ra những lợi thế trong việc hoạt động giảm nghèo quốc gia và thúc đẩy sự phát triển kinh tế để nâng cao đời sống của con người. Hoạt động giảm nghèo là phương thức để góp phần gia tăng hiệu quả tăng trưởng kinh tế, sự công bằng xã hội và nâng cao đời sống thông qua thực hiện các chính sách của Nhà nước đã ban hành, gồm có những chính sách về giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng song song với thúc đẩy phát triển kinh tế.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng các phương pháp tổng hợp, phân tích so sánh kinh nghiệm quốc tế về việc hoạt động giảm nghèo. Dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau: các tạp chí, đề tài nghiên cứu, các tham luận tại hội nghị và dự án nghiên cứu. Đặc biệt là nghiên cứu dữ liệu thống kê của Tổng cục Thống kê nước CHDCND Lào và tham khảo các diễn đàn kinh tế - xã hội trong nước.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Khái quát về đất nước CHDCND Lào

CHDCND Lào là một quốc gia nằm giữa các nước vùng Đông Nam Á, không giáp với biển. Phía Bắc giáp Trung Quốc, có biên giới dài 505 km, phía Tây giáp với Myanmar có biên giới dài 236 km và giáp với Thái Lan có biên giới dài 1.835km, phía Nam giáp với Campuchia có biên giới dài 535 km, phía Đông giáp với Việt Nam có biên giới dài 2.069km.

Tính đến năm 2020, dân số nước Lào có 6.492.400 người, trong đó nữ giới là 3.237.600 người và nam giới là 3.254.800 người. Mật độ dân số bình quân 25 người/km2, dân số ở thành thị chiếm 70%, ở nông thôn và vùng rừng núi là 30%. Rừng núi chiếm 3/4 diện tích cả nước, đất nông nghiệp khoảng 4,5 triệu ha. Khí hậu khắc nghiệt và địa hình phức tạp đã ảnh hưởng đến những đặc thù trong phong tục tập quán, văn hóa - xã hội, lối sống và phương thức sản xuất theo mùa của người dân Lào ở các miền khác nhau.  

Về chính trị

Về tổ chức chính trị, Lào chỉ có một đảng là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã thống nhất và lãnh đạo đất nước theo hướng dân chủ từ năm 1975 đến nay, các đơn vị hành chính được chia thành tỉnh, huyện và làng. CHDCND Lào đã được chia ra chính quyền quản lý 3 miền. Miền Bắc Lào có 9 tỉnh, gồm: Oudomxay, Xayabury, Xiengkhuang, Huaphanh, Bokeo, Phongsaly, Luangnam Tha, Luangprabang và Xaysomboun. Miền Trung Lào có 5 tỉnh, gồm: Thủ đô Viêng Chăn, Viêng Chăn, Borikhamxay, Khammuane và Savannakhet. Miền Nam Lào có 4 tỉnh, gồm: Attapeu, Saravane, Sekong và Champasack. 

Về tự nhiên

CHDCND Lào là đất nước có điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và du lịch. Các yếu tố khí hậu, nhiệt độ, ánh sáng lượng nước bốc hơi và lượng mưa được phân bổ đều và khá rõ rệt giữa 2 mùa. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 với nhiệt độ từ 30oC trở lên. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 (tháng 3 và tháng 4 là những tháng nóng nhất khi nhiệt độ lên đến 34oC). Thời điểm mát mẻ nhất trong năm từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 2, tức là nửa cuối mùa mưa và nửa đầu của mùa khô. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng từ thời tiết nhiệt đới gió mùa của hướng Đông và hướng Tây, thời tiết nóng ẩm và mưa nhiều, thích hợp cho việc trồng thực vật, cây ăn quả và chăn nuôi.

Về kinh tế

Những năm qua, nền kinh tế tại CHDCND Lào có bước tăng trưởng đáng kể. Tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng GDP các khu vực đã tăng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ tăng cao nhất của các khu vực là năm 2011, nông nghiệp tăng 3,19%, công nghiệp tăng 14,61% và dịch vụ tăng 8,6%. Các năm tiếp theo vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ chậm hơn. (Bảng 1)

Bảng 1. Tốc độ tăng tưởng kinh tế trong giai đoạn 2011-2019

Năm

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

GDP (%)

8

7,9

8

7,6

7,3

7

6,9

6,3

5,5

Nông, lâm nghiệp

3,19

3,27

2,87

3

3,3

2,76

2,87

1,27

1,20

Công nghiệp

14,61

11,41

8,92

8,5

9,7

12,00

11,61

7,81

5,60

Dịch vụ

8,06

9,23

7,56

9,3

9,1

4,65

4,51

6,89

6,90

GDP đầu người (USD)

8.029

7.983

7.821

8.049

8.112

8.161

8.196

8.313

8.561

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Trung tâm Thống kê

Do địa hình khác nhau và chia cắt mạnh đã đặt ra cho nước CHDCND Lào một số thách thức trong quá trình phát triển, như: (1) Việc phân bổ khu công nghiệp và khu nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là việc mở rộng quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp để tạo ra các vùng chuyên sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; (2) Giao thông chưa phát triển đồng bộ đang là rào cản đối với môi trường đầu tư, làm tăng chi phí sản phẩm, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dẫn đến xuất phát kinh tế thấp, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn; (3) Việc phân bổ cơ cấu dân số phản ánh sự bất cập về nguồn nhân lực, như: chất lượng lao động chưa cao, dân trí thấp,  sản xuất còn lạc hậu, còn dựa nhiều vào thiên nhiên, chủ yếu vẫn là tự cung tự cấp.  (4) Việc triển khai các chương trình hoạt động giảm nghèo cũng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động giảm nghèo.

3.2. Về tình trạng giảm nghèo

Theo bản tổng kết tình hình đói nghèo toàn quốc tại nước CHDCND Lào trong giai đoạn 2011 - 2015 của Ban Chỉ đạo phát triển nông thôn và Xóa đói giảm nghèo Trung ương, đến năm 2015, toàn quốc còn lại 23 huyện nghèo, trước đây là 72 huyện nghèo; có 1.736 bản nghèo chiếm 20,50% của tổng số bản; 76.604 hộ nghèo chiếm 6,59%; 895.878 hộ phát triển, chiếm 42,23%; 3.577 bản phát triển, chiếm 42,23% và 11 cụm bản đạt danh hiệu cụm bản phát triển, chiếm 1%.

Đến năm 2019, tình trạng nghèo tại nước CHDCND Lào được sơ lược qua một số giai đoạn 2016 - 2019 như sau: Năm 2018 có 23 huyện nghèo; 1.424 bản nghèo (16,87%); 62.384 hộ nghèo (chiếm 5,16%); 620.994 hộ phát triển, chiếm 77,07%, 4.305 bản phát triển, chiếm 51,01%; 66 bản đạt danh hiệu bản lớn thành huyện nhỏ trong nông thôn và 3 huyện lớn trở thành thành phố. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm được 10% trong những năm 2012 - 2018. Năm 2012 là 33,1%, đến năm 2018 giảm còn 23,1%, trong đó, ở nông thôn có tỷ trọng giảm nhiều hơn thành thị.

Ngược lại, nước CHDCND Lào có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế; chủ yếu là nguồn thiên nhiên phong phú và lợi thế phát triển trong ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đa phần có khai thác khoáng sản, thủy điện, sản xuất xi măng, chế biến gỗ,… Ngoài ra, du lịch cũng là một tiềm năng cần được tính đến do CHDCND Lào có rất nhiều phong cảnh đẹp, thuận lợi để phát triển du lịch.

3.3. Kinh nghiệm hoạt động giảm nghèo ở một số nước châu Á

3.3.1. Kinh nghiệm hoạt động giảm nghèo ở Trung Quốc

Trung Quốc đã xây dựng mô hình năng suất sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người nghèo với một số biện pháp, như: chung tay xây dựng giữa Nhà nước và người dân; Nhà nước cung cấp vật liệu sản xuất và vốn để đầu tư, người dân đóng góp bằng sức lao động. Một số giải pháp mà Trung Quốc đã áp dụng, như:

Thứ nhất, hoạt động xóa đói giảm nghèo từ nông thôn tập trung 10-20 ngàn thôn/năm; cải thiện cơ sở hạ tầng (đường sá, điện, nước sinh hoạt); cải thiện năng suất sản xuất để đạt hiệu quả cao hơn và đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiếu.

Thứ hai, nâng cao công nghệ các ngành nghề đặc trưng mỗi địa phương, hỗ trợ sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của nông thôn. Các doanh nghiệp được tham gia trong chương trình giảm nghèo và sử dụng nguồn tài nguyên phù hợp. Nhà nước đảm bảo giá hàng hóa cho sản phẩm ở nông thôn.

Thứ ba, nâng cao năng suất lao động nhằm nâng cao kỹ năng của người dân, cung cấp các thông tin giúp người dân có cơ hội tìm việc làm ở thành thị.

Thứ tư, Trung Quốc đã áp dụng giúp đỡ, hỗ trợ, cung cấp các cơ sở vật chất cơ bản cho các xã vùng xa - vùng sâu sang khu vực có thuận lợi hơn.

3.3.2. Kinh nghiệm giảm nghèo ở Thái Lan

Là một nước nằm trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan tập trung sự phát triển kinh tế đối với tam nông.

Thứ nhất, Chính phủ đã tập trung tăng cường việc làm cho người dân, tăng xuất khẩu, cải thiện tình trạng cân bằng ngoại thương với nước ngoài.

Thứ hai, Chính phủ khuyến khích người dân tham gia phát triển nông nghiệp, tập trung nghiên cứu các cây lương thực quan trọng, như: lúa, ngô, sắn. Thái Lan đã đạt được nhiều thành tựu do thực hiện chính sách phát triển nhiều giống lúa thơm chất lượng, giá xuất khẩu cao gấp 2 lần giống lúa thường; năng suất ngô bình quân đạt 3,5 tấn/ha; sắn 1,5 tấn/ha.

Thứ ba, Chính phủ có chính sách khuyến khích sản xuất hàng hóa với nhiều chương trình thiết thực như: mỗi bản một sản phẩm (OTOP), quỹ phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, dự án xanh, giáo dục phổ cập phổ thông, trợ cấp học bổng hoặc cho vay đối với con em người nghèo ở nông thôn, miền núi vào đại học.

Thứ tư, Chính phủ đã tập trung vào việc cơ cấu lại ngành nghề phục vụ cho phát triển công nghiệp nông thôn, đồng thời xem xét về các nguồn tài nguyên, những kỹ năng truyền thống, tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất và so sánh việc cân đối nhu cầu tiêu dùng trong nước với nhập khẩu.

3.3.3. Kinh nghiệm giảm nghèo ở Malaysia.

Trước đây, Malaysia mới chỉ tập trung phát triển khu vực thành thị, chưa quan tâm nhiều tới người nghèo ở nông thôn; người nghèo sống ở nông thôn chiếm 40% dân số. Chính sách này có một số hạn chế về phân phối thu nhập từng người của Malaysia. Thời gian gần đây, Malaysia đã có những chuyển biến tích cực, lực lượng lao động trong khu công nghiệp tăng lên nhanh chóng và tương ứng với việc giảm tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Trong quá trình kinh tế chuyển đổi nhanh từ công nghiệp hóa, đô thị hóa dẫn đến tốc độ biến đổi cơ cấu xã hội, do vậy, người có mức sống trung lưu tăng lên nhanh chóng, nhất là trong cộng đồng người Melsyu. Hơn nữa, sau 20 năm phát triển kinh tế, Malaysia đã đạt được kết quả đáng kể như: giảm được tỷ lệ nghèo còn 9,6% năm 1996 (năm 1970 tỷ lệ người nghèo là 49,3%). Chính phủ đã được cải thiện sự phân phối thu nhập với việc thu nhỏ khoảng cách về thu nhập và việc làm giữa 3 cộng đồng người gốc Melayu, gốc Hoa và gốc Ấn.

Ngoài ra, Chính phủ còn có các tổ chức phúc lợi để quan tâm và hỗ trợ người nghèo, như: PERKIM, Hiệp hội Phúc lợi HOPE toàn thể Malaysia và Hiệp hội Lưu động Malaysia và Kuala Lumpur. Các chương trình hỗ trợ thường tập trung vào chăm sóc, hỗ trợ trẻ em, người già cô đơn, người khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn,…

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 5 năm lần 9 (9MP) (2006 - 2010), Thủ tướng Malaysia Abdullah Badawi đã công bố nguồn vốn để phát triển kinh tế gắn với việc xóa đói giảm nghèo trị giá 200 tỷ Ringgit (khoảng 54 tỷ USD). Kế hoạch phát triển kinh tế lần này đặt trọng tâm về phát triển khu nông thôn và giảm nghèo, cân bằng xã hội cùng với xóa bỏ tình trạng người dân sống dưới mức chuẩn nghèo. Chính phủ đã hỗ trợ cho khoảng 300.000 người (chiếm 1,2% của dân số) đang sống với thu nhập dưới mức chuẩn nghèo 400 Ringgit (100USD) mỗi tháng. Đến năm 2010, Malaysia xác định tỷ lệ giảm nghèo xuống còn 2,8% và giảm dần khoảng cách thu nhập ngày càng tăng, đặc biệt là khu vực nông thôn và thành thị.

3.3.4. Kinh nghiệm giảm nghèo ở Việt Nam.

Thời gian qua, công tác xóa đói giảm nghèo đã được nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, nhiều chương trình hướng vào nhóm người nghèo được xây dựng trên phạm vi toàn quốc cũng như hỗ trợ họ tiếp cận với cách dịch vụ xã hội.

Thứ nhất, huy động nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu quốc gia về việc xóa đói, giảm nghèo bao gồm 3 nhóm: Nhóm chính sách, dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất và tăng thu nhập cho người nghèo; Chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ nghèo; Chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội và nhóm các dự án tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức.

Thứ hai, tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn một cách bền vững, kéo gần khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong cả nước.

Thứ ba, chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, là một chương trình phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ Việt Nam hướng tới nhằm tạo sự chuyển biến nhanh về đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ nghèo, người nghèo các dân tộc thiếu số ở 61 huyện nghèo trong cả nước.

3.3.5. Bài học kinh nghiệm cho hoạt động giảm nghèo ở nước CHDCND Lào

Từ kinh nghiệm giảm nghèo ở các nước trên, nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho hoạt động giảm nghèo tại CHDCND Lào, như:

- Chính phủ Lào cần tập trung xây dựng hệ thống về văn bản, đưa ra các chính sách cho phù hợp với những địa phương để công tác giảm nghèo đạt được hiệu quả cao.

- Thực hiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kiến thức cho công chức. Đây chính là đội ngũ có nhiệm vụ liên kết chặt chẽ với người dân trong công tác giảm nghèo.

- Thực hiện chính sách tự do hóa kinh tế, khuyến khích đầu tư tư nhân trong nước và thực hiện tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

- Thực hiện cải cách cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh việc giảm nghèo theo hình thức nâng cao phát triển nông nghiệp, xây dựng hệ thống giá nông sản, tìm kiếm các thị trường để tiêu thụ hàng nông sản cho người dân. Nâng cao năng lực chế biến sản phẩm nông nghiệp để tăng giá trị hàng hóa.

- Thực hiện chính sách phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn - vùng sâu - vùng xa nhằm tạo sự phát triển kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích cho người nghèo; người nghèo có thể tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

- Nhà nước cần xác định vùng nghèo trong phạm vi quốc gia để hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo và hộ nghèo; hỗ trợ đào tạo người lao động có tay nghề, có kiến thức làm việc, có thể thay đổi việc làm từ nông thôn qua thành thị.

- Tăng cường cung cấp tín dụng để người nghèo có thể tiếp cận được, bởi đa phần người nghèo thiếu vốn đầu tư, nhất là thiếu cơ sở vật chất cơ bản. Cần tạo quỹ tín dụng để người nghèo vay có thể vay với lãi suất thấp.

- Công cuộc phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với việc đảm bảo an ninh xã hội và an ninh quốc phòng, thực hiện chính sách định canh định cư đối với nhân dân các dân tộc thiểu số, xây các thị trấn nhỏ, vùng dân cư ở vùng sâu, vùng xa, quy hoạch thành phố mới gắn liền với bảo vệ môi trường.

4. Kết luận

Chiến lược xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam là bài học hữu ích đối với những quốc gia đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao đi đôi với công bằng xã hội, đặc biệt là những nước trong cùng khu vực và có điều kiện về địa lý cũng như bản sắc dân tộc tương đối gần gũi. Là một nước có tỉ lệ cư dân nông nghiệp cao và mới trong bước đầu quá trình công nghiệp hóa, nước CHDCND Lào cũng gặp phải không ít khó khăn. Để thực hiện mục tiêu của Thiên nhiên kỷ (MDGs) tập trung vào giải quyết vấn đề giảm nghèo thì nhiệm vụ giảm nghèo cần trở thành quốc sách, trong đó đói giảm nghèo cho khu vực nông thôn cũng như khắc phục tình trạng bất bình đẳng về khu vực sống là rất quan trọng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Asep Uryahadi, Gracia Hadiwidjaja, and Sudarno Sumarto (2012), "Economic growth and poverty reduction in Indonesia before and after the Asian financial crisis." Bulletin of Indonesian Economic Studies 48.2; 209 - 227.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào (2010), Tổng kết quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ VI (2006 - 2010), sơ kết năm 2010 - 2012.
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào (2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ VII (2011 - 2015).
  4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư CHDCND Lào (2010), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ VII, 2011 - 2015.
  5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc gia CHDCND Lào (2008), Chiến lược phát triển kinh tế các tỉnh phía Bắc CHDCND Lào giai đoạn 2008 - 2020.
  6. Bộ Khoa học - Đầu tư Lào (2012, 2013), Bản báo cáo kinh tế vĩ mô.
  7. Bộ Chính trị Trung ương Đảng CHDCND Lào (2004), Sắc lệnh hướng dẫn V/v xây bản và cụm bản phát triển, số 09/BTTƯĐ.
  8. Bộ Chính trị Trung ương Đảng CHDCND Lào (2007), Lệnh về việc lập quy hoạch đào tạo cán bộ lãnh đạo - quản lý trong cả nước, số 08/BCTTƯĐ.
  9. Bộ Chính trị Trung ương Đảng CHDCND Lào (2011), Lệnh hướng dẫn số 03/BCTTƯĐ.
  10. Đinh phi Hổ (2012), Giáo trình kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  11. Ngô Thắng Lợi (2013), Giáo trình kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế quốc dân NXB. Đại học Kinh tế quốc dân.
  12. Nguyễn Thị Hoa (2009), Hoàn thiện chính sách xóa đói giảm nghèo chủ yếu của Việt Nam đến năm 2015, Luận văn tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  13. Nguyễn Đức Thắng (2016), Thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo ở các tỉnh Tây Bắc đến năm 2020.
  14. Nguyễn Thị Nhung. Giải pháp xóa đói giảm nghèo nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam. Diss. Trường Đại học Kinh tế quốc dân, 2012.
  15. Sabina Alkire and Maria Emma Santos (2010), Acute multidimensional poverty: A new index for developing countries.United Nations development programme human development report office background paper.
  16. Stephan Klasen (2005), Economic growth and poverty reduction: measurement and policy issues. 246; 55.
  17. Stephan Klasen (2008), Economic growth and poverty reduction: Measurement issues using income and non-income indicators. World development; trang 420 - 445.
  18. Vũ Thị Ngọc Phùng (2012), Giáo tình kinh tế phát triển; Trường Đại học Kinh tế quốc dân và NXB Lao động - Xã hội.

Poverty reduction of some Asian countries and lessons learnt

for Lao PDR

Khamsone Somlet
University of Economics and Law

ABSTRACT:

This paper reviewed, analyzed and compared international experiences on poverty reduction. The paper’s data was collected from different sources. This paper presented a theoretical basis of poverty reduction and highlighted the recent socio-economic development achievements of Lao PDR. The paper also shared experiences in poverty reduction from some Asian countries to draw lessons learnt for Lao PDR.

Keywords: Lao PDR, poverty reduction, hunger eradication and poverty reduction.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 10 năm 2021]