Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam - Mercosur 2020

Tối ngày 01/10/2020, Hội nghị giao thương Việt Nam - Mercosur 2020, đã chính thức khai mạc trực tuyến (thông qua nền tảng ZOOM Cloud Meeting), tại đầu cầu chính tại TP. HCM, chương trình được tường thuật trực tiếp (Livestream) tại Fanpage: Cục Xúc tiến thương mại.

Hội nghị do Bộ Công Thương chủ trì, giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Thương vụ Đai sứ quán Việt Nam tại Argentina và Brazil và các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức.

Mục đích của hội nghị, nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, quảng bá thương hiệu và hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường thương mại quan trọng khu vực Nam Mỹ. Bên cạnh đó còn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh; tạo điều kiện và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp giao thương qua mạng, kết nối đối tác tiềm năng và mở rộng kinh doanh ra khối thị trường Mercosur.

Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam - Mercosur 2020
Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam - Mercosur 2020

Được thành lập năm 1991, khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) gồm 4 nước thành viên chính thức là Argentina, Brazil, Paraguay, và Uruguay.

Hiện Mercosur là khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là một trong những nhà sản xuất hàng đầu về lương thực, nguyên liệu và năng lượng cũng như một thị trường đầy tiềm năng, với hơn 275 triệu người tiêu dùng, với tổng GDP đạt 4.580 tỷ USD, chiếm 82,3% GDP của khu vực và chiếm khoảng 70% dân số Nam Mỹ.

Đây là thị trường rất tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như may mặc, da giầy, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến...

Quan hệ kinh tế thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và khu vực MERCOSUR đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng 10 năm trở lại đây, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 2,5 lần, từ 2,45 tỷ USD vào năm 2011 lên 8,68 tỷ USD vào năm 2019, trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang MERCOSUR đạt 2,7 tỷ USD và nhập khẩu từ khu vực này đạt gần 6 tỷ USD.

Theo dự kiến sự kiện gồm hai phần chính: Phiên Hội nghị (toàn thể) do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì, với sự tham gia của Đại sứ Jorge Neme, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Ngoại Thương và Tôn giáo Argentina; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại hai nước Argentina và Brazil; đại diện Bộ Thương mại, Phòng Thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp các nước Mercosur; gần 60 doanh nghiệp nhập khẩu đến từ khối Mercosur và hơn 150 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín Việt Nam tham dự: diễn ra vào lúc 19h, giờ Việt Nam, ngày 1/10/2020.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì Hội nghị

Phiên giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mercosur sẽ được diễn ra liên tục thông qua nền tảng ZOOM từ ngày 1-3/10/2020, tập trung vào các ngành hàng: dược phẩm, nguyên liệu dược phẩm, vật tư y tế phòng dịch...; đồ nội thất (phong cách Bazzar), thủ công mỹ nghệ; thực phẩm chế biến, Gạo; giầy dép, may mặc, nguyên liệu dệt may, nguyên liệu nhựa, rượu vang, thịt bò, hạt các loại, hoa quả sấy... 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tin tưởng rằng, Hội nghị ngày hôm nay, cùng với các phiên giao thương vào ngày 2 và 3 tháng 10 sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên nắm bắt thông tin kịp thời để có một kế hoạch kinh doanh phù hợp, hiệu quả và bền vững; đồng thời mở ra các cơ hội tiếp cận thị trường và hợp tác kinh doanh.

Chia sẽ thêm tại hội nghị giao thương trực tuyến, ông Dương Quốc Thanh - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Brazil nhận định, trong vòng 5 năm trở lại đây, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều luôn đạt xấp xỉ và trên mức 3 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Argentina tại khu vục Đông Nam Á.

Năm 2019, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nam Mỹ này đạt trên 500 triệu USD năm 2019, dự báo trong năm 2020 kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì và tổng kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt trên 4 tỷ USD.

Đối với thị trường Uruguay và Paraguay, mặc dù đây là hai thị trường với quy mô dân số nhỏ, nhưng vẫn còn dư địa cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt một số mặt hàng tiêu dùng, dệt may, da giầy. Hy vọng trong thời gian tới nếu Việt nam và Mercosur có thể đàm phán và ký kết một hiệp định ưu đãi thương mại, hàng hoá của VN sẽ có lợi thế cạnh tranh, xuất khẩu tăng trưởng và cán cân thương mại sẽ cân bằng hơn chứ không nhập siêu như hiện nay.

Hồng Lực