TÓM TẮT:
Ngày nay, ở các nước phát triển, khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 85% GDP, là nền tảng và là trụ cột đảm bảo cho nền kinh tế quốc gia phát triển ổn định, vững mạnh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang trở thành một trong những xu thế chủ yếu của quan hệ kinh tế quốc tế hiện đại. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu thông qua hội nhập kinh tế, nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức đe dọa đến sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Bài viết này tập trung phân tích cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trước yêu cầu hội nhập, từ đó đưa ra giải pháp phát triển cho khối doanh nghiệp này.
Từ khóa: Hội nhập quốc tế, doanh nghiệp tư nhân, Việt Nam.

1. Vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam

Mức độ đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước luôn chiếm tỷ trọng lớn và tăng liên tục trong những năm qua cho thấy kinh tế tư nhân đang có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế, ước tính mỗi năm có thêm hàng vạn doanh nghiệp được thành lập mới. Trong khi đó, số doanh nghiệp nhà nước hiện nay tiếp tục giảm trong thời gian tới, cụ thể giai đoạn 2017-2020 sẽ cổ phần hóa 127 (trong đó năm 2018 cổ phần 64 doanh nghiệp, năm 2019 cổ phần hóa 18 doanh nghiệp), đến năm 2020 chỉ còn khoảng 100 doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, xét về mặt số lượng, doanh nghiệp tư nhân đang ở vị thế ngày càng đông đảo và mạnh mẽ hơn. Hàng năm, doanh nghiệp tư nhân đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Kinh tế tư nhân phát triển tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều người lao đông và còn là nơi đào tạo nguồn nhân lực mới cho thị trường lao động. Lực lượng lao động trong doanh nghiệp tư nhân cũng rất đa dạng, phong phú cả về chất lượng cũng như số lượng từ lao động thủ công đến lao động chất lượng cao ở tất cả mọi vùng, miền của đất nước, ở tất cả mọi tầng lớp dân cư.
Khu vực kinh tế tư nhân cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy đất nước hội nhập kinh tế quốc tế. Doanh nghiệp tư nhân phải tự thân về mọi mặt nên để tồn tại và phát triển họ phải luôn chủ động đổi mới và lựa chọn công nghệ thích hợp để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường… Từ đó góp phần chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và kinh nghiệm quản lý, đồng thời góp phần thúc đẩy thương mại Việt Nam phát triển và hội nhập nhanh vào nền kinh tế thế giới.

2. Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp tư nhân hiện nay

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) phát huy hiệu quả. Đặc biệt từ năm 2019 trở đi, Việt Nam sẽ đồng thời tham gia vào một số FTA mới với mức độ tự do hóa cao hơn như Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định với liên minh châu Âu Việt Nam - EU… Thông qua quá trình tự do hóa, hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra những lợi thế mới thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa các nước, góp phần khai thác tối đa lợi thế so sánh của các nước tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân gặp phải những thách thức rất lớn. Họ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh quyết liệt và gay gắt hơn với nhiều đối thủ hơn trên bình diện rộng và sâu hơn ngay cả ở thị trường trong nước. Trong khi đó có các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô sản xuất còn hạn chế, ít có sự liên kết với các nền kinh tế lớn, điều này khiến cho các doanh nghiệp tư nhân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Các doanh nghiệp kinh tế tư nhân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn. Tuy các doanh nghiệp này đã được tiếp cận với nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển nhưng số vốn đó cũng rất ít so với tổng số vốn của quỹ do các thủ tục và điều kiện cho vay còn quá chặt chẽ, các thủ tục pháp lý về điều kiện cho vay của Quỹ còn bất bình đẳng giữa khu vực nhà nước và khu vực
tư nhân.
Môi trường pháp lý đối với khu vực kinh tế tư nhân chưa hoàn thiện, nhiều quy định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, phức tạp và chồng chéo. Điều kiện thủ tục hành chính, thủ tục tiếp cận đất đai, thị trường tin dụng, cơ hội đầu tư rườm rà, cản trở khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Chi phí kinh doanh, chi phí vận tải
(logistics, tiền lương, bảo hiểm…) cao. Lãi suất vay cao khoảng 7-9% trong khi Trung Quốc là 4,3%, Malaysia 4,6%, Hàn Quốc 2-3%. Với hơn 4.000 các điều kiện kinh doanh (trong đó nhiều quy định không theo thông lệ quốc tế) đặt ra các rào cản không phù hợp đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân. Trong khi có thể cắt giảm càng sớm càng tốt đến hơn 50% các điều kiện không hợp lý này.
Các doanh nghiệp tư nhân không chỉ thiếu vốn mà còn thiếu mặt bằng để sản xuất kinh doanh. Khó khăn trong việc tiếp cận với đất đai cũng là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp này hiện nay. Trong khi đất đai lại là một trong những yếu tố cơ bản không thể thiếu của quá trình sản xuất.
Các cơ chế và chính sách của Nhà nước chưa thực sự giải quyết được khó khăn mà các doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực. Hiện nay, môi trường kinh doanh còn thiếu lành mạnh, cạnh tranh thiếu bình đẳng, tồn tại nhiều hoạt động gian lận thương mại cũng như tiêu cực do bộ máy quản lý yếu kém gây ra đã đẩy khu vực tư nhân vào tình thế bất lợi. Ngoài ra, cơ chế chính sách phát triển kinh tế tư nhân còn thiếu đồng bộ và chưa nhất quán, quy định còn phức tạp và chồng chéo gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh.
Hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế tư nhân chưa cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực.

3. Gợi ý các giải pháp phát triển doanh nghiệp kinh tế tư nhân

Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (năm 2020), hơn 1,5 triệu doanh nghiệp (năm 2025) và có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp (năm 2030). Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đạt khoảng 50% GDP (năm 2020), khoảng 55% GDP (năm 2025) và 60 - 65% GDP (năm 2030).
Để đạt được mục tiêu đặt ra cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để nền kinh tế tư nhân có thể phát huy hơn nữa vai trò của mình trong nền kinh tế nhiều thành phần hiện nay, cần có sự hỗ trợ đặc biệt từ Nhà nước, bên cạnh đó không thể thiếu sự nỗ lực từ chính bản thân các doanh nghiệp tư nhân.
Nhà nước cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân vào hoạt động kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường. Không biến các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thành chính sách bao cấp, phục vụ "lợi ích nhóm" dưới mọi hình thức. Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công, tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hỗ trợ kinh tế tư nhân tiếp cận, khai thác các cơ hội trong hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường, đẩy mạnh đầu tư và thương mại quốc tế. Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, nâng cao năng lực từng bước tham gia sâu, vững chắc vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, trong đó tập trung giải quyết các khó khăn của khu vực kinh tế tư nhân về đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn vốn, năng lực khoa học công nghệ và thị trường… Xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân, để khối doanh nghiệp này giữ vai trò như một chân kiềng, là đối trọng với khối doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Muốn vậy Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng bộ máy quản lý nhà nước trong sạch, nâng cao trình độ nắm và thi hành pháp luật của đội ngũ công chức quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp đối với kinh tế tư nhân.
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, việc giải quyết nguồn vốn cho các doanh nghiệp không phải là vấn đề dễ. Cho nên ngoài những cơ chế, chính sách của Chính phủ, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các hội nghề nghiệp, của các ngân hang. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng phải có các chính sách, chiến lược phát triển của riêng mình để tự cứu mình trước. Hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân vẫn chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, như vậy phải tính đến việc tăng cường hợp tác liên kết với nhau để cạnh tranh và phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các doanh nghiệp tư nhân phải đẩy mạnh liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và phải có nhận thức đúng đắn hơn về liên kết kinh tế. Tăng cường vai trò của hiệp hội ngành nghề trong việc đa dạng hóa các hình thức liên kết, tăng cường hợp tác thay vì cạnh tranh chia sẻ thị trường.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đối với doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp tư nhân có đầy đủ điều kiện đảm nhiệm các lĩnh vực quan trọng của Nhà nước. Chỉ nên giữ lại các doanh nghiệp nhà nước mang tính chủ đạo. Kinh tế tư nhân không chỉ là quan trọng mà là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển kinh tế tư nhân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để cung cấp thông tin, hỗ trợ liên kết, hợp tác kinh doanh, đào tạo kỹ thuật và tư vấn cho doanh nghiệp tư nhân.
Việc chuyển trọng tâm sang những ngành nghề cần nhiều kỹ năng và kiến thức cũng là vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phải quan tâm trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Để làm được điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực của mình để bắt kịp với những tiêu chuẩn quốc tế mới ngày càng nhiều thách thức hơn.

Tài liệu tham khảo:
1. Hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời kỳ tái cơ cấu nền kinh tế, Tạp chí Kinh tế và Dự báo.
2. Hoạch định chính sách còn thiếu niềm tin vào DN tư nhân - VietNamNet.
3. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân - Bắc Ninh online.
4. Nên là “năm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân” - Tuổi trẻ online.
5. Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế tư nhân - Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia.
6. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân
7. Hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động và yêu cầu hiện đại hóa thể chế" tổ chức ngày 15/6/2017, tại thành phố Đà Nẵng.

THE INTERNATIONAL INTEGRATION - OPPORTUNITIES AND CHALLENGES FOR PRIVATE ENTERPRISES IN VIETNAM

Master. Nguyen Thanh Son
Faculty of Business Administration
University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:
Today, the private sector contributes to about 85% of GDP in developed countries. The private sector is considered as the foundation and the pillar to ensure a stable and strong national economy. In the context of globalization, Vietnam has achieved many achievements through the country’s economic integration process. However, the integration process ablso brings difficulties which threaten the development of domestic companies, especially private enterprises. This article analyzes opportunities and challenges for Vietnamese private enterprises in the context of the country’s integration process, thereby offering development solutions for the private enterprise sector.
Keywords: International integration, private enterprises, Vietnam.