Hội nhập quốc tế giữ vai trò gì trong mục tiêu của 3 giai đoạn đến 2045?

Hội nhập quốc quốc tế đóng vai trò là một vế, được định danh là “sức mạnh thời đại” để kết hợp với vế thứ hai là “sức mạnh dân tộc” nhằm “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”

Trong Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đưa ra mục tiêu của 3 giai đoạn đến năm 2045 như sau:

- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để đạt mục tiêu trong 3 giai đoạn đến 2025, 2030, 2045, Báo cáo Chính trị đã nêu mục tiêu tổng quát, trong đó nhấn mạnh đến “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”.

Sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại chính là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Hội nhập quốc tế trên lĩnh vực kinh tế thể hiện rõ hơn cả ở sự chủ động tham gia và phát huy vai trò của nền kinh tế nước ta tại các cơ chế ngoại thương đa phương và song phương.

Cơ chế đa phương về kinh tế, Việt Nam là một nhân tố tích cực trong đàm phán TTP, sau đó cùng với Nhật Bản chủ động kết nối để đi đến một kết thúc có hậu: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Việt Nam cũng là nước thể hiện rõ vai trò của nước chủ nhà trong Năm Chủ tịch Asean 2020 khi cùng các đối tác ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong bối cảnh Ấn Độ quyết định không tham gia vào cuối năm 2019.

Cho đến nay, Việt Nam được coi là nước có độ mở lớn nhất khu vực, không chỉ vì hoạt động xuất nhập khẩu tương đương với 200% GDP, mà còn là nước dẫn đầu tham gia vào 15 FTA song phương và đa phương có tổng trị giá khoảng 70% GDP toàn cầu.

Kinh nghiệm hội nhập sâu rộng mà vẫn đảm bảo chủ quyền kinh tế quốc gia giúp cho chúng ta thêm vững tin vào đường lối chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Đảng trong các Văn kiện tại Đại hội XIII.

Đó là “Giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia”;

“Gắn kết chặt chẽ quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội; đổi mới, hoàn thiện thể chế trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước”;

“ Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực xã hội, môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hoá, du lịch và các lĩnh vực khác. Tích cực triển khai các cam kết khu vực và quốc tế, lồng ghép với các chiến lược, chính sách, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết”;

“Cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực, các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, sức cạnh tranh cao trong hội nhập quốc tế”;

 “Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế”;

“Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết”…

Như vậy có thể nói, Hội nhập quốc quốc tế đóng vai trò là một vế, được định danh là “sức mạnh thời đại” để kết hợp với vế thứ hai là “sức mạnh dân tộc” nhằm “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc… đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Vân Đồn