TÓM TẮT:

Bài viết phân tích thực trạng tái cấu trúc ngành Ngân hàng Việt Nam trong điều kiện hội nhập AEC bằng phương pháp thống kê, mô tả, phân tích, đánh giá bằng số liệu thu thập từ các báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bài viết có liên quan từ năm 2009 đến năm 2015,... Trong bài viết nêu rõ những thành công, như: giảm số lượng ngân hàng, cải thiện tình hình tài chính, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng vốn,... Bài viết còn đặt ra một số thách thức đòi hỏi ngành Ngân hàng Việt Nam cần giải quyết, như: sức ép cạnh tranh, dịch vụ ngân hàng nghèo nàn, hệ thống pháp luật ngân hàng, trình độ nhân lực,... Đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc gồm: giải quyết nợ xấu, áp dụng chuẩn mực quản trị quốc tế,... nhằm giúp hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đủ sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập AEC.

Từ khóa: Cộng đồng kinh tế Asean (AEC), ngành Ngân hàng, Việt Nam, hội nhập, tài chính, tái cấu trúc.

1. Sự cần thiết khách quan của AEC

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (Asean Economic Community) được hình thành và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016. Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II nhấn mạnh, AEC thực hiện mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế trong “Tầm nhìn ASEAN 2020” nhằm hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó năm yếu tố cơ bản là hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề sẽ được di chuyển tự do trong phạm vi các nước ASEAN, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chênh lệch kinh tế - xã hội được giảm bớt vào năm 2020 để từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy thịnh vượng chung cho cả khu vực, tạo sự hấp dẫn đối với đầu tư - kinh doanh từ bên ngoài.

Năm 2015 được xem là năm bản lề đối với 10 quốc gia ASEAN hướng tới hội nhập và hiện thực hóa AEC. Hiện nay, ASEAN thực sự đạt được sức mạnh như một thực thể kinh tế năng động có tiềm năng và triển vọng to lớn đối với thương mại và đầu tư. Nếu trở thành một thực thể kinh tế chung, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới với GDP đạt trên 2.400 tỷ USD; thương mại nội khối ASEAN lên tới 608,6 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng thương mại của khu vực; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nước ASEAN lên tới 122,4 tỷ USD (cao nhất so với toàn cầu) trong năm 2013; và có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2050 nếu xu hướng này tiếp tục phát triển. Với dân số gần 650 triệu người, thị trường tiềm năng của ASEAN lớn hơn nhiều so với thị trường EU và Bắc Mỹ, chỉ sau thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Đó là chưa kể ASEAN có lực lượng lao động lớn thứ ba trên thế giới và tương đối trẻ. (http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=34472&print=true.)

2. Ngân hàng Việt Nam hội nhập AEC

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã hướng tới mục tiêu hội nhập ngành ngân hàng nội khối vào năm 2020, xóa bỏ mọi rào cản và khác biệt trong ngành giữa các quốc gia trong khối để tạo ra một hệ thống ngân hàng mở cho phép các ngân hàng ASEAN được hoạt động một cách bình đẳng với ngân hàng sở tại của bất kỳ quốc gia thành viên nào trong khối.

Tham gia AEC và thực thi hệ thống ngân hàng mở có nghĩa là các quốc gia thành viên sẽ phải bỏ mọi giới hạn về sở hữu nước ngoài với các ngân hàng nội địa của mình.Ví dụ Việt Nam hiện đang áp đặt giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 30%. Những hạn chế quyền sở hữu như vậy đã không khuyến khích các ngân hàng nước ngoài nắm giữ cổ phần các ngân hàng trong nước vì họ sẽ chỉ là cổ đông thiểu số, và cổ phần của họ sẽ làm giảm vốn cấp 1 (Tier 1 capital) của mình theo tiêu chuẩn của Basel III. (http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/ngan-hang-viet-nam-truoc-them-aec-201411210712587503.chn).

Trong khuôn khổ AEC, các nước thành viên cũng phải tạo ra một sân chơi bình đẳng cho ngân hàng các nước thành viên khác hoạt động trên lãnh thổ của mình bằng cách xóa bỏ những khác biệt pháp lý mang tính phân biệt đối xử giữa các ngân hàng có quốc tịch khác nhau. Ví dụ, tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu hiện tại là khác nhau giữa các nước thành viên và giữa các ngân hàng trong bản thân mỗi quốc gia (áp đặt mức khác nhau cho ngân hàng nội địa và ngân hàng nước ngoài).

Những biện pháp nói trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự hợp nhất và tạo ra những ngân hàng khu vực lớn về quy mô, phạm vi và hiệu quả để cạnh tranh trên tầm quốc tế. Chúng cũng sẽ giúp tăng cường phạm vi che phủ và mức độ phục vụ ngành ngân hàng ở những vùng, những ngành mà mức độ thâm nhập và phục vụ của các dịch vụ ngân hàng vẫn còn thấp.

Tuy vậy, sự hội nhập và hợp nhất ngân hàng trong khối sẽ không đơn giản vì những khác biệt lớn khó lấp đầy về khuôn khổi pháp lý cũng như về mức độ tự do hóa thị trường tài chính giữa các quốc gia liên quan. Trong khi Philippines xóa bỏ hạn chế về sở hữu nước ngoài trong ngành Ngân hàng thì Việt Nam lại cố gắng duy trì trần sở hữu này, còn Indonesia thì lại “cài số lùi” với việc giảm mức sở hữu nước ngoài tối đa xuống còn 40% từ mức 99% hồi năm 2012.

Yêu cầu về tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu cũng có sự khác biệt lớn với Singapore và Philippines đã áp dụng tỷ lệ này theo Basel III trong khi các nước như Việt Nam và Campuchia đang xúc tiến áp dụng Basel II. Do vậy, các ngân hàng hoạt động xuyên khu vực sẽ phải chật vật trong việc tuân thủ các yêu cầu pháp lý quá khác nhau này.

Sự gia nhập của các ngân hàng nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc sẽ có một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn với nhóm các ngân hàng Việt Nam. Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tài chính cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài cũng có khả năng thu hút khách hàng là các doanh nghiệp địa phương dựa vào uy tín thương hiệu trên thị trường cũng như sức mạnh tài chính dồi dào từ các công ty mẹ. Chính phủ Việt Nam đang cân nhắc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nội địa với mục tiêu củng cố hoạt động trong nước và xây dựng phát triển ngân hàng quy mô "cấp khu vực".

3. Xu hướng tái cấu trúc ngân hàng Việt Nam bằng mua bán, sáp nhập trong thời gian qua

Trong 5 năm từ năm 2010 đến 2016, hàng loạt vụ mua bán sáp nhập diễn ra tại Việt Nam nhằm lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng đáp ứng như cầu hội nhập và mang lại hiệu quả nhất định.

3.1. Những thành công ban đầu của quá trình tái cơ cấu thông qua mua bán, sáp nhập

So với thời điểm trước khi mua bán, sáp nhập đã mang lại hiệu ứng tích cực, lành mạnh hóa nền tài chính ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng thương mại yếu kém về kinh doanh, thua lỗ và nợ xấu, vốn chủ sở hữu âm,... bị sáp nhập vào các ngân hàng thương mại có tình hình lành mạnh. Các ngân hàng sau sáp nhập không chỉ tăng về quy mô hoạt động, tổng tài sản mà góp phần cải thiện tình hình, mở rộng mạng lưới,... Cụ thể như: sau sáp nhập SCB nâng mức tổng tài sản lê trên: 149.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu trên 11.000 tỷ đồng. Riêng SHB sau sáp nhập có vốn điều lệ trên 9.000 tỷ đồng; tổng tài sản đạt trên 104.000 tỷ đồng, gấp đôi so với thời điểm trước khi sáp nhập. Từ đó, trở thành một trong 10 ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam về thị phần.

3.2. Giảm số lượng ngân hàng thương mại

Tính đến tháng 12/2015, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam gồm: 07 NHTM Nhà nước (trong đó có các NHTM đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối như: Vietinbank, Vietcombank, BIDV), 28 ngân hàng TMCP, 55 ngân hàng liên doanh và ngân hàng nước ngoài. Như vậy, với dân số gần 100 triệu người, tính riêng các ngân hàng thương mại, ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam thì bình quân mỗi ngân hàng đang phục vụ khoảng 0,83 triệu người. Xét về quy mô, tài sản, ngân hàng Việt Nam còn khá khiêm tốn so với ngân hàng trong khu vực nói riêng, quốc tế nói chung.

Về độ sâu tài chính, hay quy mô của ngành Ngân hàng so với tổng thể nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi đáng kể cùng với sự tăng trưởng tín dụng. Năm 2000, tỷ lệ tín dụng/GDP chỉ đạt 35,1%, khá thấp so với các nước trong cùng khu vực (Thái Lan (138%), Singapore (78%), Philippines (58%), Trung Quốc (120%)). Tuy nhiên, sau mười năm tăng trưởng tín dụng quá mức, năm 2010, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đạt đỉnh ở mức 135,8%. Tỷ lệ tín dụng/GDP ở Việt Nam năm 2014 đạt 120%. Tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với mức trung bình của các nước đang phát triển trong khu vực.

Tốc độ phát triển hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính của Việt Nam là tương đối nhanh, qua đó cải thiện đáng kể của độ sâu tài chính. Tuy nhiên, sự tăng trưởng về số lượng không tương đồng với chất lượng tăng trưởng. Số lượng ngân hàng lớn, nhưng quy mô của hầu hết các NHTM Việt Nam là nhỏ hơn so với các ngân hàng có quy mô trung bình của khu vực.

3.3. Cải thiện tình hình tài chính, tăng trưởng lợi nhuận

Ngân hàng sau M&A sẽ được tăng thêm nguồn vốn sử dụng và khả năng tiếp cận nguồn vốn, chia sẻ rủi ro, tăng cường tính minh bạch về tài chính, sắp xếp hệ thống, nhân sự và ổn định kinh doanh. Cụ thể như SCB sau sáp nhập, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát khoảng 0,5%; trích dự phòng rủi ro đúng quy định, mặc dù lợi nhuận vẫn còn thấp đạt 119 tỷ đồng năm 2014.

Riêng SHB, sau sáp nhập đã giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu từ mức trên 9% xuống còn 2,31% (tính đến cuối năm 2014), đặc biệt đã giải quyết cơ bản nợ xấu tại nhóm khách hàng Vinashin.

Các ngân hàng sáp nhập đều nhận thức được tầm quan trọng của quá trình tái cơ cấu, sắp xếp nhân sự, cải thiện tình hình tài chính. Rủi ro về thanh khoản được kiểm soát. Từng bước cải thiện chất lượng hoạt động kinh doanh tránh đổ vỡ hệ thống.

3.4. Cải thiện yêu cầu về vốn

Các ngân hàng sau sáp nhập bước đầu đáp ứng tốt nhu cầu về vốn do Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Tuy nhiên trong điều kiện hội nhập, các cgân hàng thương mại Việt Nam buộc phải áp dụng các tiêu chuẩn như các NHTM trên thế giới, cụ thể là Hiệp ước Basel.

Một số các NHTM trên thế giới dần tiếp cận với Basel III, trong khi ở Việt Nam vấn đề áp dụng Basel II trong hoạt động ngân hàng còn đang bỏ ngỏ. Vì vậy, vấn đề tăng vốn điều lệ được xem như là tiền để cơ bản cho việc áp dụng Basel II theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam xét về tỷ lệ an toàn vốn.

Theo lộ trình, các NHTM cần phải tăng vốn để đáp ứng nhu cầu hội nhập do Ngân hàng Nhà nước quy định, cụ thể vốn điều lệ phải tăng lên mức tối thiểu là 10.000 tỷ đồng vào năm 2015 và đến năm 2020 một số ngân hàng vốn điều lệ phải đạt con số 1 tỷ USD.

4. Những thách thức của M&A trong điều kiện hội nhập

Gia nhập AEC, Việt Nam chấp nhận xóa bỏ mọi rào cản trong lĩnh vực ngân hàng để tạo nên một hệ thống ngân hàng mở cho phép các ngân hàng thuộc các nước ASEAN hoạt động bình đẳng như các ngân hàng thương mại nội địa trong tất cả các lĩnh vực như: giới hạn về sở hữu nước ngoài đối với ngân hàng nội địa (hiện hành tối đa 30%); áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong kiểm soát rủi ro; kinh doanh tiền tệ, mua bán sáp nhập,... Mặc dù trong thời gian qua, hệ thống NHTM Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định song khoảng cách giữa các NHTM trong nước và NHTM trong khu vực và trên thế giới vẫn còn rất lớn về mọi phương diện. Vì vậy, khi hội nhập, hệ thống NHTM Việt Nam cũng gặp phải những thách thức và sức ép không nhỏ. Cụ thể như sau:

4.1. Sức ép cạnh tranh từ ngân hàng ngoại

Tính đến thời điểm này, Việt Nam hiện đã có 7 ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, bao gồm: HSBC, ANZ, Standard Chartered, Shinhan Vietnam, Hong Leong Bank, Public Bank Berhad và Citibank. Chưa kể vào tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận về nguyên tắc cho phép Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia được thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, cả nước còn có hơn 50 chi nhánh ngân hàng ngoại, hơn 50 văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài và một số ngân hàng liên doanh.

Đáng lưu ý, những năm trước, ngân hàng nước ngoài tăng cường xuất hiện tại Việt Nam chủ yếu thuộc những quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Tuy nhiên, gần đây ngân hàng thuộc các nước ASEAN đã xuất hiện ngày càng nhiều, như DBS (Singapore), MayBank (Malaysia)... Điều này cho thấy, dường như các tổ chức tín dụng trong khu vực đã sẵn sàng đón đợi cơ hội từ AEC.

Sự hiện diện ngày càng nhiều của các ngân hàng nước ngoài sẽ đem lại cho Việt Nam một lượng vốn cần thiết, tạo động lực để phát triển. Tuy nhiên, việc này cũng tạo áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn giữa ngân hàng ngoại và nhóm các ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới. Bởi bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tài chính cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, các ngân hàng ngoại cũng có khả năng thu hút khách hàng là doanh nghiệp địa phương dựa vào uy tín thương hiệu trên thị trường cũng như sức mạnh tài chính dồi dào từ các công ty mẹ.

4.2. Sản phẩm dịch vụ ngân hàng chưa đa dạng

Các NHTM Việt Nam hiện nay có tiềm lực tài chính nhỏ bé, chất lượng tài sản thấp, danh mục sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng sản phẩm dịch vụ chưa cao, cơ cấu tổ chức chưa thực sự hợp lý và chưa chuyên nghiệp, trình độ quản lý điều hành còn thấp, công nghệ ngân hàng còn có khoảng cách đáng kể so với trình độ của khu vực và thế giới. Các NHTM Việt Nam hiện nay chỉ có lợi thế về mạng lưới chi nhánh phân phối sản phẩm dịch vụ và khách hàng rộng rãi, am hiểu về tập quán địa phương và môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, đây không phải là những lợi thế lâu dài, mang tính quyết định và sẽ mất dần đi khi lĩnh vực ngân hàng thực sự tự do hóa hoàn toàn.

Hội nhập sẽ mang lại sự cạnh tranh gay gắt và khốc liệt trên thị trường ngân hàng Việt Nam. Các NHTM nước ngoài hiện chỉ nắm giữ thị phần thiểu số trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam nhưng sẽ có ưu thế gần như toàn diện trong tương lai khi mà các quy định hạn chế của Nhà nước Việt Nam đối với các NHTM và TCTD nước ngoài được nới lỏng dần để thực hiện cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực ngân hàng.

4.3. Hệ thống pháp luật ngân hàng chưa đáp ứng chuẩn mực quốc tế

Hội nhập kinh tế quốc tế làm tăng các giao dịch vốn và rủi ro của hệ thống ngân hàng, trong khi cơ chế quản lý chưa hoàn thiện, nhất là cơ chế thanh tra, giám sát, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các NHTM Việt Nam. Nếu như năng lực quản lý và lập pháp không theo kịp và không lường trước được sự phát triển nhanh chóng của các giao dịch tài chính - ngân hàng, sẽ có 2 khả năng xảy ra: Hoặc là ngành Ngân hàng mất khả năng kiểm soát dẫn tới khủng hoảng hoặc quốc gia sẽ tái áp dụng các hạn chế để duy trì kiểm soát. Cả 2 trường hợp này đều có hại cho sự phát triển của ngành Ngân hàng.

Khả năng kiểm soát tiền tệ còn nhiều hạn chế của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong điều kiện mở cửa thị trường tài chính ngân hàng cũng rất dễ gây ra những rủi ro hệ thống cho các NHTM Việt Nam. Để tránh được rủi ro này, công tác thanh tra, giám sát vĩ mô và giám sát từ xa của NHNN đòi hỏi phải có năng lực lớn và dựa trên tiêu chuẩn thanh tra, giám sát quốc tế, điều mà NHNN Việt Nam chưa có được.

4.4. Trình độ nhân lực chưa đáp úng nhu cầu hội nhập

Hội nhập đòi hỏi các NHTM Việt Nam phải có một nguồn nhân lực không chỉ có chuyên môn cao về nghiệp vụ ngân hàng mà còn phải am hiểu Luật thương mại quốc tế và được trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng nghiên cứu, phân tích, đánh giá và dự báo theo mô hình và chuẩn mực quốc tế, trong khi nguồn nhân lực của các NHTM Việt Nam còn rất yếu kém về các kiến thức và kỹ năng trên. Đây là một khó khăn lớn cho các NHTM Việt Nam.

Kiến thức về kinh tế, ngân hàng, kiến thức bổ trợ (tin học, ngoại ngữ), giao tiếp khách hàng còn hạn chế. Nhiều ngân hàng thiếu đội ngũ quản trị điều hành, lãnh đạo có chuyên môn sâu, khả năng phân tích, am hiểu luật pháp và độc lập xử lý các vấn đề thực tế. Thậm chí tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đội ngũ chuyên gia kinh tế, quản lý vĩ mô có khả năng nghiên cứu, dự báo, xây dựng chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng còn thiếu và yếu; nhân lực phục vụ nhu cầu xây dựng chiến lược tái cơ cấu ngân hàng, chính sách tiền tệ, thanh tra giám sát hệ thống chưa đạt yêu cầu, chất lượng đào tạo đầu ra của các cơ sở đào tạo ngân hàng tài chính chưa được sàng lọc, đánh giá kết quả chưa đúng thực lực; những kĩ năng cơ bản tin học, ngoại ngữ còn kém,…

5. Một số giải pháp đề xuất cho hoạt động tái cấu trúc

- Tập trung giải quyết nợ xấu một cách triệt để, nợ xấu tồn tại trong sự yếu kém của rất nhiều NHTM (do năng lực thẩm định có hạn, quản trị điều hành hạn chế, rủi ro đạo đức,...). Nhiều ngân hàng đã cho vay thiếu chọn lọc, cho vay "sân sau", thiếu kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay,... Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 9/2016, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống lên trên 5% thậm chí cao hơn. Bởi vậy, để tái cơ cấu ngân hàng thành công, việc tháo gỡ nút thắt nợ xấu hiện nay đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí mang tính quyết định. Trước khối lượng nợ xấu lớn như hiện nay, giải pháp khả thi là phải kích thích thị trường bất động sản, giải quyết hàng tồn kho cho DN, giảm tỷ lệ nợ xấu của DN, giúp giảm tỷ lệ nợ xấu ngân hàng, kết hợp với chính sách mua nợ xấu, xử lý nợ xấu dứt điểm từ phía Công ty Mua bán Nợ Việt Nam (SCIC).

- Đẩy nhanh áp dụng quản trị ngân hàng theo chuẩn mực an toàn vốn quốc tế Basel 3. Hội nhập quốc tế đòi hỏi ngân hàng phải có năng lực tài chính mạnh, kinh nghiệm quản trị rủi ro tốt, đặc biệt là có quy trình nghiệp vụ chuẩn mực tiên tiến và công nghệ hiện đại. Đổi mới hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế tiên tiến, đặc biệt tăng cường hiện đại hóa hệ thống quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ để các NHTM có khả năng tự kiểm soát một cách có hiệu quả các loại rủi ro trong hoạt động, trước hết là chất lượng tín dụng và khả năng thanh khoản.

- Quyết tâm thực hiện lộ trình tái cơ cấu một cách nhanh chóng.Hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ít nhiều có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và khách hàng. Bởi vậy, trong quá trình tái cơ cấu, cần phải theo dõi diễn biến thị trường, nâng cao công tác thanh tra giám sát nhằm điều chỉnh chính sách kịp thời, tránh những biến động bất lợi cho thị trường tài chính Việt Nam.

6. Kết luận

Như vậy, đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc, đáp ứng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo ra sức ép ngày càng lớn hơn cho hoạt động kinh doanh của các NHTM Việt Nam trong khi lợi thế tiềm tàng sẽ thuộc về các NHTM nước ngoài. Sự cạnh tranh không chỉ diễn ra ở nước ngoài mà còn diễn ra ngay tại thị trường trong nước, nơi mà NHTM Việt Nam vẫn có nhiều ưu thế nếu biết tận dụng những ưu thế đó. Để có thể nắm vững ưu thế, tận dụng cơ hội và tăng khả năng cạnh tranh, các NHTM Việt Nam cần phải biết vị trí của mình, phải đánh giá được năng lực cạnh tranh dựa trên các chỉ tiêu đã đề cập, từ đó có những biện pháp cải thiện năng lực nội tại để nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngân hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Vũ Đình Ánh (2013), Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam, http://vics.vn/TinTuc/TinKinhTe/202259/ts-vu-dinh-anh--xu-ly-no-xau-va-tai-co-cau-se-van-la-trong-tam-cua-ngan-hang-trong-nam-2013.aspx

2. Tạp chí Tài chính (2012), Phát triển vốn nhân lực ngành ngân hàng - tài chính; http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/trao-doi---binh-luan/phat-trien-von-nhan-luc-nganh-ngan-hang-tai-chinh-14762.html.

3. Tài liệu hội thảo Hội thảo khu vực phát triển vốn nhân lực ngành ngân hàng - tài chính do Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính phối hợp với Trung tâm Nhân lực Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Câu lạc bộ nguồn nhân lực tổ chức tại Hà Nội ngày 10/10/2012.

4. PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi (2011) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Ngân hàng Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng Công thương Việt Nam.

5. Hội thảo khoa học “Phát triển dịch vụ bán lẻ tại các NHTM Việt Nam”; “Đào tạo nguồn nhân lực với chiến lược phát triển dịch vụ bán lẻ tại các NHTM”, PGS.,TS Nguyễn Văn Hiệu, Vietinbank, tháng 11/2009.

6. Báo cáo khảo sát tân cử nhân tài chính ngân hàng của Công ty tư vấn và đào tạo ngân hàng - năm 2009.

7. http://www.tinmoi.vn/nhan-su-nganh-ngan-hang-lai-nong-011072072.html

8.http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/vef/83247/nhan-su-ngan-hang--nuoc-chay-vong-quanh.html.

9. Cơ hội và thách thức cho hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam khi hội nhập, Tạp chí Nghiên cứu Khoa học kiểm toán số 38, tháng 12/2010.

THE INTEGRATION OF FINANCIAL ASEAN

ECONOMIC COMMUNITY (AEC):

VIETNAM NEED TO PROMOTE RESTRUCTURING ACTIVITIES

PhD. NGUYEN HONG HA

Head of Department of Finance - Banking, Faculty of Economics Law,

Tra Vinh University

ABSTRACT:

The paper analyses the status of restructuring the banking sector in Vietnam in terms of integrating AEC (Asean Economic Community) by statistical method, using data collected from the reports of the State Bank of Vietnam and Ministry of Finance from 2009 to 2015, etc. This paper also specifies the successes, such as: reducing the number of banks, improving the financial situation, increasing income, upgrading the quality of operating, and rising capital, etc. This paper also points out several challenges which require Vietnam banking industry to solve, such as: competitive pressures, poor banking services, banking law system, and human resources level, etc. Besides, The research also proposed some solutions such as: bad debt settlement, applying international banking management, etc., to help Commercial banks of Vietnam to compete in order to integrate AEC.

Keywords: Asean Economic Community, mergers & acquisitions, human resources, State Bank of Vietnam, Commercial banks of Vietnam.