Hơn 70% doanh nghiệp Đức tiếp tục ở lại Việt Nam bất chấp ảnh hưởng từ Covid-19

Chính xác hơn, 72% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cho biết vẫn giữ vững quyết định đầu tư và thể hiện sự lạc quan vào tăng trưởng trở lại của nền kinh tế sau khi dịch Covid-19 đi qua.

Đây là khẳng định được đưa ra tại Khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức toàn cầu hàng năm do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) công bố chiều nay (8/4/2020).

Theo đó, dù Việt Nam đã kịp thời triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống Covid-19 và giảm thiểu tác động của nó lên hoạt động kinh tế - xã hội, ảnh hưởng mà dịch bệnh gây ra đối với cộng đồng doanh nghiệp là không tránh khỏi, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp đã cảm nhận được những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới doanh nghiệp mình. Việc hủy bỏ các sự kiện quy mô lớn, các hội chợ thương mại và hạn chế đi lại đã ảnh hưởng nhiều đến khu vực dịch vụ, đặc biệt lĩnh vực logistics, thương mại, ẩm thực và du lịch.

Trong khi đó, nhu cầu tại các thị trường nước ngoài đang sụt giảm và chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào tình trạng đứt đoạn.

59% doanh nghiệp Đức dự tính kết quả hoạt động và vị trí tài chính trong năm 2020 sẽ ổn định, trong khi 14% dự tính sẽ kém hơn năm 2019. Chỉ 27% số doanh nghiệp được hỏi dự tính hoạt động kinh doanh sẽ tốt hơn năm ngoái, thấp hơn nhiều tỷ lệ khảo sát của năm 2019 là 77%.

Dự báo của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020
Dự báo của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh theo khảo sát các năm 2016 - 2020 (màu xanh: tốt hơn, màu cam: ổn định, màu xám: kém hơn)

Từ ảnh hưởng của Covid-19, các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đều hạ thấp đáng kể kỳ vọng tài chính của mình. 

Theo kết quả khảo sát, 82% doanh nghiệp Đức hạ thấp mục tiêu doanh thu trong năm tới; 9% cho biết đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng và xác định doanh thu sẽ giảm sâu hơn 50%; 63% nhận định sụt giảm doanh thu sẽ nằm ở mức từ 10 - 50%.

Hầu hết các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đều đã trải nghiệm mức độ ảnh hưởng nhất định của dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong đó 86% ghi nhận ảnh hưởng từ hạn chế xuất nhập cảnh, hạn chế đi lại; 59% cho rằng ảnh hưởng rõ ràng là ở sự đứt đoạn của các chuỗi cung ứng; 55% phải đối mặt với các đơn hàng bị hủy và 50% trong số doanh nghiệp được hỏi buộc phải hoãn vô thời hạn các dự định đầu tư mới của mình do sự leo thang của dịch bệnh.

Khảo sát của GIC/AHK cũng cho rằng, lo lắng về nhu cầu thị trường và các cơ chế, chính sách kinh tế vẫn tiếp tục gia tăng trong cộng đồng doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.

Theo đó, 68% doanh nghiệp cho rằng Covid-19 đã giáng một đòn mạnh mẽ gây sụt giảm nhu cầu trên thị trường, trong khi 59% quan ngại rằng các chính sách kinh tế sẽ là thách thức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình tại Việt Nam.

Một số vấn đề khác như tài chính, cơ sở hạ tầng, thiếu hụt lao động chất lượng cao cũng là những yếu tố được gọi tên sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam trong trung hạn.

Doanh nghiệp Đức tỏ ra lo ngại về sự sụt giảm đáng kể trong nhu cầu thị trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Doanh nghiệp Đức tỏ ra lo ngại về sự sụt giảm đáng kể trong nhu cầu thị trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Dù vậy, 72% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam vẫn giữ vững ý định tiếp tục đầu tư tại Việt Nam, 27% dự tính sẽ tuyển thêm nhân sự, lao động trong năm 2021.

“Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết trong tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, cùng với Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào mùa hè này, sẽ là những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa”, GIC/AHK Việt Nam khẳng định.

So với tại thị trường ASEAN, các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam có quan điểm khá lạc quan và kỳ vọng vào năm tiếp theo, khi tới 72% số doanh nghiệp trả lời thể hiện sự tin tưởng vào tăng trưởng ổn định và thậm chí là tốt hơn trong 12 tháng tới. 

Cứ 5 doanh nghiệp được hỏi thì có 1 doanh nghiệp khẳng định sự tin tưởng rằng Việt Nam sẽ vực dậy được nền kinh tế và tiếp tục đà phát triển của mình trong trung hạn.

Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều gói hỗ trợ về tín dụng cũng như cơ chế thông thoáng về thuế, phí để giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Những động thái này đang mang lại kỳ vọng và tin tưởng cho doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam về sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế, tạo nền tảng cho doanh nghiệp phát triển.

Thy Thảo